Học Viện Công Dân Institute for Civic Education

Lakukan tugas rumah & ujian kamu dengan baik sekarang menggunakan Quizwiz!

Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm--MLK Martin Luther King, Jr.

Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, mà tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả." (Lu-ca 11: 5-6) Mặc dù câu chuyện ngụ ngôn này liên quan đến sức mạnh của sự cầu nguyện liên lỷ, nhưng cũng có thể được dùng làm căn bản cho sự suy tư của chúng ta về nhiều vấn đề thời sự và vai trò của hội thánh khi phải đối phó với những vấn đề này. Lúc đó là nửa đêm trong câu chuyện ngụ ngôn; nó cũng là nửa đêm trong thế giới của chúng ta, và bóng tối quá dày đặc đến nỗi ta hầu như không còn biết tìm đâu ra phương hướng. Đó là lúc nửa đêm ngay trong trật tự xã hội hiện nay. Trên nền trời quốc tế những nước đang tranh giành với nhau trong một cuộc thi đua lớn lao và gay gắt để đạt vị trí tối thượng. Hai cuộc thế chiến đã xảy ra trong vòng một thế hệ, và những đám mây đen của một cuộc chiến nữa đang vần vũ một cách rất nguy hiểm trên đầu chúng ta. Người ta ngày nay có vũ khí nguyên tử và hạt nhân, những vũ khí mà chỉ trong vài giây có thể tiêu diệt hoàn toàn những thành phố lớn trên thế giới. Nhưng cuộc chạy đua vũ trang vẫn đang tiếp diễn và những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vẫn nổ ra trên bầu khí quyển, cùng với một viễn tượng u tối là bầu không khí mà chúng ta đang thở đây sẽ bị nhiễm độc phóng xạ từ những vũ khí này rơi xuống. Liệu những hoàn cảnh và vũ khí như thế này sẽ đưa nhân loại đến chỗ tận diệt chăng? Khi phải đối diện với lúc nửa đên trong trật tự xã hội, chúng ta vẫn thường trong quá khứ hướng về khoa học để xem có cứu được chúng ta không. Và thật là kỳ diệu! Trong nhiều trường hợp khoa học đã cứu chúng ta. Khi chúng ta ở giữa đêm tối của sự hạn chế về thể chất và sự bất tiện nghi của vật chất, khoa học đã đưa chúng ta đến ánh bình minh của sự tiện nghi về vật chất và thể chất. Khi chúng ta ở trong màn đêm và bị què quặt vì sự ngu dốt và mê tín, khoa học đưa chúng ta đến rạng đông của tâm trí khai mở và tự do. Khi chúng ta ở vào lúc nửa đêm của bệnh tật, của những trận dịch bệnh kinh khiếp, khoa học đã qua những phương pháp phẫu thuật, vệ sinh, và thuốc men thần kỳ đã đem lại tia nắng sáng sủa của y khoa, giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ và mang lại cho ta sức khỏe tốt hơn và đời sống an ninh hơn. Đó cũng là điều tự nhiên khi chúng ta tìm đến khoa học trong cái ngày mà những vấn đề của thế giới đang trở nên quá kinh khiếp và sắp xảy ra. Nhưng than ôi! Khoa học không thể cứu chúng ta, vì ngay cả những khoa học gia cũng bị lạc lối giữa nửa đêm trong thời đại của chúng ta. Thật ra, khoa học đã trao cho ta chính cái khí cụ đe dọa mang đến sự tự hủy diệt của vũ trụ. Như thế con người thời này đang đối diện với lúc nửa đêm trong trật tự xã hội đầy thê lương và đáng kinh sợ. Lúc nửa đêm trong hoàn cảnh tập thể của con người cũng tương ứng với lúc nửa đêm trong đời sống nội tại của mỗi người. Đó là lúc nửa đêm trong trật tự tâm trí của con người. Ở mọi nơi những nỗi sợ điếng người dằn vặt người ta ban ngày và ám ảnh họ vào ban đêm. Những đám mây đen của trầm uất và lo lắng treo lơ lửng trên bầu trời tâm trí của con người. Con người ngày nay đang bị xáo trộn về tình cảm nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử của nhân loại. Những khu bệnh tâm thần trong bệnh viện của chúng ta giờ đây đông nghẹt người, và những nhà tâm lý học nổi tiếng của chúng ta là những bác sĩ chuyên môn về phân tâm học. Những cuốn sách bán chạy hàng đầu về tâm lý mang những tựa đề như Con người tự chống lại mình, Cá tính thần kinh rối loạn trong thời đại chúng ta, và Con người hiện đại đi tìm linh hồn. Những cuốn sách bán chạy hàng đầu về tôn giáo là những cuốn mang tựa đề như Bình an trong tâm trí và Bình an trong linh hồn. Những giáo sĩ được nhiều người ưa chuộng giảng những bài giảng êm ái như "Làm thế nào để được hạnh phúc" và "Làm thế nào để được thư giãn." Một số những giáo sĩ này đã bị cám dỗ bởi sự nổi tiếng và dám sửa điều răn của Chúa Jesus thành: "Các con hãy đi vào trong thế giới, hãy giữ cho đừng bị cao huyết áp, và rồi ta sẽ cho các con một cá tính được điều chỉnh đúng đắn." Tất cả những điều này cho thấy đây là lúc nửa đêm trong đời sống nội tâm của mỗi người. Đây cũng là lúc nửa đêm trong lãnh vực đạo đức. Lúc nửa đêm màu sắc mất đi sự khác biệt và trở nên một sắc xám buồn thảm. Những nguyên lý đạo đức đã mất đi tính đặc thù của nó. Đối với con người hiện đại thì sự tuyệt đối đúng và sai chỉ là sự phản ảnh của những gì đa số đang làm. Đúng và sai trở nên tương đối như thích và không thích và là phong tục của một cộng đồng nào đó. Chúng ta đã, trong vô thức, áp dụng thuyết Tương đối của Einstein, dùng để mô tả đúng đắn cái vũ trụ vật chất này, vào lãnh vực luân lý và đạo đức. Nửa đêm là giờ khắc khi con người đang cuống quýt tìm cách để tuân theo Điều Răn thứ Mười Một;[1] đó là "Các ngươi đừng để bị bắt." Theo quy luật đạo đức của lúc nửa đêm, thì tội trọng là bị bắt và đức hạnh cao nhất là đừng để bị bắt. Theo quy luật này thì việc nói láo là chuyện chấp nhận được miễn hồ phải biết nói láo cho thật giỏi. Theo quy luật này thì ăn cắp cũng là chuyện chấp nhận được, và nếu kẻ ăn cắp là kẻ có chức vị, thì nếu có bị bắt chỉ bị kết tội là biển thủ, chứ không phải là ăn cắp. Sự thù hận, căm ghét cũng được cho phép, nếu người ta che giấu sự căm ghét dưới lớp áo của tình thương yêu để cho sự căm ghét có được cái vẻ ngoài của yêu thương. Khái niệm của Darwin về sự sinh tồn của những kẻ thích nghi nhất đã bị thay thế bởi cái triết lý sinh tồn của kẻ lưu manh nhất. Cái tình trạng tâm lý này đã dẫn đến sự sụp đổ thê thảm của những tiêu chuẩn luân lý, và tình trạng suy đồi đạo đức trong lúc nửa đêm càng tệ hại thêm. Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn, thế giới của chúng ta ngày nay cũng vậy. Bóng tối sâu thẳm của lúc nửa đêm bị gián đoạn vì âm thanh của tiếng gõ cửa. Hàng triệu người đang gõ trên cánh cửa của giáo hội. Trong đất nước này danh sách những người theo đạo dài hơn bất cứ lúc nào. Hơn 115 triệu người là tín hữu, ít nhất là trên giấy tờ, của hội thánh này hay nhà nguyện nọ thuộc Do-thái giáo. Con số này cho thấy có sự gia tăng một trăm phần trăm kể từ năm 1929, dù dân số chỉ tăng có ba mươi mốt phần trăm. Du khách đến thăm Xô-viết, một đất nước mà chính sách của nhà nước tuyên xưng là vô thần, đã kể lại rằng những nhà thờ tại Xô-viết hiện nay không những đã chật cứng, mà con số những người đi nhà thờ tiếp tục gia tăng. Phóng viên Harrison Salisbury của tờ New York Times đã viết rằng những viên chức Cộng sản rất bực bội khi thấy có quá nhiều những người trẻ ngày càng biểu lộ sự quan tâm đến giáo hội và tôn giáo. Sau bốn mươi năm nỗ lực đàn áp tôn giáo, hệ thống của đảng Cộng sản đang phải đối diện với một sự thật không thể chối cãi được là hàng triệu người đang gõ cánh cửa của giáo hội. Ta không nên quá chú trọng vào sự gia tăng số lượng. Và đừng nên để những con số này làm cho ta bị lẫn lộn giữa sức mạnh thuộc linh và số lượng đông đảo. Một sự gia tăng về lượng không tự động đem lại sự gia tăng về phẩm. Con số đông đảo tín đồ có ghi danh không nhất thiết là đại biểu sự dốc lòng tin vào đấng Ki-tô. Hầu như bao giờ cũng vậy, một thiểu số tận tụy và sáng tạo đã làm cho thế giới tốt hơn. Nhưng dù cho sự gia tăng về số lượng tín đồ không nhất thiết phản ảnh một sự gia tăng đồng bộ về quyết tâm tuân thủ các quy tắc đạo đức, hàng triệu người này cảm thấy hội thánh cho họ một câu trả lời trước những mù mờ hỗn tạp đang bao quanh đời sống của họ. Hội thánh cũng là một dấu ấn quen thuộc khi kẻ lữ hành mệt mỏi đến lúc nửa đêm. Đó là một ngôi nhà nằm đó đã bao năm qua, một ngôi nhà mà kẻ lữ hành lúc nửa đêm hoặc là gõ cửa xin vào hay từ chối không vào. Một số người quyết định không vào. Nhưng nhiều người đã đến và gõ cửa, họ đang tìm trong tuyệt vọng một miếng bánh nhỏ để giúp họ qua lúc khó khăn. Kẻ lữ hành xin ba ổ bánh mì. Người đó cần miếng bánh của đức tin. Trong một thế hệ có biết bao nhiêu sự thất vọng khổng lồ, người ta đã mất niềm tin nơi Thượng đế, nơi con người, và ở tương lai. Nhiều người cảm nhận như William Wilberforce,[2] khi ông nói năm 1801 là "Tôi không dám lấy vợ-tương lai quá bấp bênh," hoặc như William Pitt[3] năm 1806 đã nói, "Hầu như chẳng còn tồn tại điều gì quanh chúng ta ngoài sự đổ nát và tuyệt vọng." Gữa cơn thất vọng sâu xa, nhiều người đã van xin miếng bánh của đức tin. Người ta cũng có một sự khao khát sâu xa cho miếng bánh của hy vọng. Trong những năm đầu tiên của thế kỷ này nhiều người đã không thèm đến loại bánh này. Những ngày mà lần đầu tiên con người có điện thoại, xe hơi, và máy bay đã tạo cho họ một sự lạc quan rạng rỡ. Họ thờ phụng tại ngôi đền của sự tiến bộ tất yếu. Họ tin rằng mỗi thành tựu mới của khoa học sẽ nâng con người lên đến tầng cao của sự toàn hảo. Nhưng rồi một chuỗi những bi kịch xảy ra và làm lộ ra bản chất ích kỷ và hư hỏng của con người; sự kiện này được minh họa bởi một sự thật rõ ràng đến rợn người qua câu câu nói của Ngài Acton: "Quyền lực làm hủ bại, và quyền lực tuyệt đối dẫn đến hủ bại tuyệt đối." Sự khám phá đáng sợ này đã dẫn tới một trong những sụp đổ trầm trọng của sự lạc quan trong lịch sử, Nhiều người đã kết luận là đời sống chẳng có ý nghĩa gì. Một số khác đồng ý với triết gia Schopenhauer rằng đời sống là một sự đau khổ dằng dặc với một kết thúc đau thương, và đời sống là một bi hài kịch được diễn đi diễn lại mà chỉ có chút ít thay đổi về cảnh trí và trang phục. Những người khác rên lên như Macbeth của Shakespear rằng cuộc đời "chỉ là một câu chuyện do một thằng ngốc kể, đầy những âm thanh và cuồng nộ, nhưng chẳng nói lên điều gì cả." Nhưng ngay cả khi trong những khoảnh khắc không thể tránh được như vậy, khi tất cả dường như đã tuyệt vọng, con người biết rằng không có niềm hy vọng, thì họ không thể nào sống được, và trong sự tuyệt vọng đau thương đó, họ van nài xin miếng bánh của hy vọng. Và cũng có sự khao khát sâu xa cho miếng bánh của tình yêu. Mọi người đều ước ao yêu thương và được yêu thương. Kẻ nào cảm thấy mình không được yêu cảm thấy rằng mình là kẻ thừa thãi của cuộc đời. Nhiều điều đã xảy ra trong thế giới hiện đại khiến con người cảm thấy họ là kẻ thừa thãi không thuộc về thế giới đo. Sống trong một thế giới mà càng lúc càng trở thành vô nhân tính, nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy rằng mình chẳng khác gì hơn những con số. Ralph Borsodi trong một bức tranh độc đáo miêu tả thế giới thời hiện đại, một thế giới mà con số thay thế cho con người, đã viết rằng một bà mẹ thời hiện đại thường được gọi là sản phụ Số 8434 và đứa con của bà sau khi được in dấu tay và dấu chân, trở thành Số 8003, và cái đám tang trong một thành phố lớn kia là một sự kiện trong Căn hộ B được trang hoàng theo hạng B và được Mục sư Số 14 làm lễ cùng với người nhạc sĩ Số 84 hát khúc Số 174. Bị hoang mang trước cái khuynh hướng hạ thấp con người xuống thành những tấm thẻ trong một hệ thống chỉ số mênh mông, con người đang tuyệt vọng tìm kiếm miếng bánh yêu thương. Khi người đàn ông trong chuyện ngụ ngôn gõ cửa nhà hàng xóm để xin ba ổ bánh mì, ông ta đã nhận được câu trả lời đầy khó chịu của người hàng xóm: "Đừng có làm phiền tôi; tôi đóng cửa rồi. Tôi và các con tôi đi ngủ cả rồi. Tôi không thể thức dậy và cho anh cái gì đâu." Người ta đã từng trải qua những sự thất vọng tương tự như vậy biết bao nhiêu lần rồi khi vào lúc nửa đêm đến gõ cửa hội thánh. Hàng triệu người Phi châu hiện đang kiên nhẫn gõ cửa hội thánh Cơ-đốc để tìm miếng bánh của công bình xã hội; tất cả đã bị lờ đi hay được bảo là đợi một lúc nữa, một lúc mà hầu như chẳng bao giờ xảy ra. Hàng triệu người Mỹ da đen, những người đang đói khát miếng bánh của tự do, đã hết lần này đến lượt nọ gõ lên cánh cửa của những hội thánh da trắng, nhưng họ chỉ được chào đón bằng sự thờ ơ lạnh lùng hay đạo đức giả trắng trợn. Ngay cả những người da trắng lãnh đạo tôn giáo, những người có tấm lòng thật sự muốn mở cánh cửa và cung cấp những miếng bánh mì, nhưng thường là vì cẩn trọng hơn là vì lòng can đảm, và có khuynh hướng chọn con đường tiện lợi thiết thực hơn là con đường đạo đức. Một trong những bi kịch đáng hổ thẹn trong lịch sử là chính cái tổ chức mà nhiệm vụ lẽ ra là giải thoát con người khỏi bóng đêm của sự phân chủng sắc tộc lại tham dự vào việc tạo nên và kéo dài cái khoảnh khắc nửa đêm của sự phân chủng. Trong lúc nửa đêm kinh khủng của chiến tranh con người đã gõ cửa hội thánh để xin miếng bánh hòa bình, nhưng hội thánh đã nhiều lần làm họ thất vọng. Còn có điều nào làm lộ ra một cách đau khổ vai trò lạc điệu của hội thánh trong bang giao quốc tế thời nay bằng sự chứng kiến của hội thánh trước những cuộc chiến đang xảy ra không? Trong một thế giới đã hóa điên với những cuộc chạy đua vũ khí, với những tình cảm quốc gia quá khích, và những sự lợi dụng của chủ nghĩa đế quốc, hội thánh đã hoặc là ủng hộ những hoạt động này, hoặc là giữ một sự im lặng đáng sợ. Trong hai cuộc thế chiến vừa qua, hội thánh của những quốc gia đã hoạt động như là tay sai của nhà nước, vừa vẩy nước thánh lên những chiến hạm, vừa tham gia vào dàn đồng ca của quân đội mà hát lên rằng: "Ca ngợi Thượng đế và chuyển đạn dược lên." Một thế giới mỏi mệt đang cầu xin hòa bình một cách tuyệt vọng, vẫn thường gặp hội thánh phê chuẩn về mặt đạo đức cho những cuộc chiến tranh. Và những người đến với hội thánh để tìm miếng bánh của công bình kinh tế đã bị bỏ trong tình trạng thiếu thốn về kinh tế của lúc nửa đêm đầy chán nản. Trong nhiều trường hợp, hội thánh đã liên kết với những giai cấp thượng lưu, ăn trên ngồi trước và để bảo vệ cho cái tình trạng hiện tại của xã hội đã không còn muốn trả lời tiếng gõ cửa lúc nửa đêm nữa. Hội Thánh Chính thống giáo Hy-lạp tại Nga đã tự liên kết với cái nguyên trạng xã hội và trở nên gắn liền với chế độ độc tài kiểu Sa hoàng đến nỗi không còn thể nào loại bỏ hệ thống chính trị và xã hội hủ nát mà không loại bỏ luôn cả giáo hội này. Đó chính là số phận của mọi tổ chức tôn giáo mà đã tự trở thành đồng minh với cái nguyên trạng xã hội. Giáo hội phải nhớ rằng mình không phải là chủ nhân hoặc tôi tớ của nhà nước, mà là lương tâm của nhà nước. Giáo hội phải là người hướng dẫn và phê bình chứ không bao giờ là công cụ của nhà nước. Nếu giáo hội không nắm trở lại được lòng nhiệt thành trong chức năng dự ngôn của mình, thì giáo hội sẽ trở thành một loại câu lạc bộ xã hội vớ vẩn, mất đi quyền uy đạo đức và tâm linh. Nếu giáo hội không tham gia một cách tích cực trong cuộc đấu tranh cho sự công bình chủng tộc và kinh tế, thì giáo hội đã để mất đi sự trung thành cố hữu của hàng triệu người và khiến cho họ phải thốt ra là ý chí của giáo hội đã bị tự khô héo. Nhưng nếu giáo hội tự giải thoát được mình khỏi cái cùm bảo vệ nguyên trạng xã hội, và khôi phục lại cái nhiệm vụ lịch sử vĩ đại của mình, và lên tiếng cùng hành động không còn sợ hãi gì hết và kiên trì về những vấn đề công lý và hòa bình, thì giáo hội sẽ nhen ngọn lửa trong trí tưởng và ngọn lửa trong tâm hồn của con người, sẽ làm cho [đời sống họ] phong phú thêm với tình yêu chân lý, công bằng, và hòa bình nồng cháy. Người ta, dù ở gần hay xa, sẽ biết rằng giáo hội là đại biểu của tình yêu giữa anh em vĩ đại và cung cấp ánh sáng cùng bánh mì cho những kẻ lữ hành đơn độc đang đi lúc nửa đêm. Khi nói đến tình trạng lè phè, thiếu nghiêm túc trong sinh hoạt của giáo hội, tôi cũng không thể bỏ qua một sự thật là cái vẫn thường được gọi là giáo hội Da đen cũng đã để cho người ta tuyệt vọng lúc nửa đêm. Tôi gọi đó là "cái-gọi-là" giáo hội Da đen vì một cách lý tưởng thì không thể có người Da đen trong một nhà thờ Da trắng. Đối với những Cơ-đốc nhân Da trắng, đó là một sự hổ thẹn triền miên vì đã tạo ra một hệ thống phân biệt chủng tộc ngay trong hội thánh, và đã gây ra quá nhiều đau thương, sỉ nhục đối với những người Da đen đến thờ phượng đến nỗi họ phải tự tổ chức lấy giáo hội của mình. Hai loại giáo hội Da đen đã thất bại trong việc cho người lữ hành nửa đêm miếng bánh mì. Đó là loại giáo hội nhắm vào tình cảm của giáo dân, còn loại kia bị đông cứng bởi sự phân biệt giai cấp. Loại giáo hội đầu tiên đã hạ thấp sự thờ phượng xuống thành sự giải trí, chú trọng vào âm lượng hơn là nội dung và lầm lẫn giữa sức mạnh thuộc linh với [sự hào nhoáng] của thể chất. Sự nguy hiểm trong những nhà thờ kiểu đó là tín hữu có thể có nhiều "tôn giáo" ở trên tay, chân hơn là ở trong tâm hồn và linh hồn. Vào lúc nửa đêm, loại nhà thờ này chẳng có sức sống hay phúc âm thích hợp để nuôi những linh hồn đang đói khát. Loại giáo hội Da đen thứ hai cũng không cho kẻ lữ hành miếng bánh, và đã tạo nên một hệ thống giai cấp, rồi đi khoe khoang về phẩm giá của họ, nào là tín đồ chỉ gồm toàn những nhà trí thức chuyên môn, và đóng kín trong cái khung trưởng giả đó. Trong những nhà thờ như vậy, sự thờ phụng thì lạnh lẽo và vô nghĩa, âm nhạc thì rầu rĩ không khích động được lòng người, còn bài giảng thì chỉ phản ánh những vấn đề thời sự. Nếu vị mục sư nói nhiều quá về Chúa Jesus, hội chúng sẽ cảm thấy vị mục sư đang làm mất "phẩm chất" của bục giảng. Nếu ca đoàn mà hát một bài thánh ca của người Da đen, thì hội chúng cảm thấy giai cấp xã hội của họ bị xúc phạm. Cái loại nhà thờ này đã thất bại một cách thê thảm đến nỗi không nhận ra được rằng sự thờ phụng ở mức độ cao nhất là một kinh nghiệm xã hội trong đó con người ở mọi trình độ đến cùng với nhau để xác nhận sự Nên Một và hiệp nhất dưới Thượng đế. Vào lúc nửa đêm tất cả mọi con người đều bị bỏ lơ bởi vì họ không được giáo dục đầy đủ, hay được cho những miếng bánh đã bị khô cứng bởi mùa đông của ý thức giai cấp bệnh hoạn. Ta cũng ghi nhận trong câu chuyện ngụ ngôn này là sau khi bị thất vọng lần đầu tiên, người đàn ông tiếp tục gõ cửa nhà người hàng xóm. Bởi vì cứ tiếp tục nài nỉ, cuối cùng người đàn ông cũng thuyết phục được người hàng xóm mở cửa. Nhiều người tiếp tục gõ cửa giáo hội lúc nửa đêm, dù sau khi giáo hội đã làm họ thất vọng đắng cay, bởi vì họ biết bánh sự sống là ở nơi đó. Giáo hội đang đang bị thử thách để tuyên xưng rằng Jesus, Con của Thượng đế, là hy vọng của nhân loại trong mọi nan đề cá nhân và xã hội của mình. Nhiều người sẽ tiếp tục đến để tìm câu trả lời cho những vấn nạn của cuộc sống. Nhiều thanh niên, khi đến gõ cửa, là những người đã bị bối rối, phân vân trước những sự bất định của đời sống, bị hoang mang vì những sự thất vọng hàng ngày, và vỡ mộng bởi những sự bất nhất của lịch sử. Một số thanh niên này là những người được tuyển từ trường đại học, từ những công việc làm chuyên môn của họ và được trao cho vai trò của người lính. Chúng ta phải cung cấp cho họ những miếng bánh tươi mát hy vọng và chất chứa trong đó là một đức tin rằng Thượng đế có quyền lực đem được cái tốt đẹp ra khỏi điều xấu. Có những người đến sau khi đã bị tra tấn bởi sự gặm nhấm của mặc cảm tội lỗi, kết quả của sự lang thang lúc nửa đêm trong cái gọi là đạo đức tương đối và cái lý thuyết tự-thể hiện. Chúng ta phải đưa họ đến với Đức Ki-tô, người sẽ cho họ miếng bánh tươi mới của sự tha thứ. Có những người gõ cửa đang bị dằn vật vì nỗi sợ cái chết khi họ đang đi trong bóng chiều của cuộc đời họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ miếng bánh đức tin và sự sống đời đời, để họ nhận thức được rằng đời sống trên đất này chỉ là phần mở đầu của một phôi thai trước một sự thức tỉnh mới. Lúc nửa đêm là cái giờ khiến người ta hoang mang vì đó là lúc khó để giữ vững đức tin. Từ ngữ mà giáo hội có thể nói lên và khiến cho người ta trở nên phấn khích là không có lúc nửa đêm nào sẽ kéo dài mãi mãi. Kẻ lữ hành mệt mỏi lúc nửa đêm xin một miếng bánh nhưng thực ra đang tìm kiếm bình minh. Thông điệp hy vọng của chúng ta là bình minh sẽ đến. Tổ tiên của những người nô lệ đã nhận thức điều này. Họ luôn luôn ý thức đến lúc nửa đêm, vì những ngọn roi da của những người cai và những bục rao bán nô lệ và chia rẽ gia đình họ luôn luôn nhắc cho họ thực tại này. Khi họ nghĩ về bóng tối đau khổ của lúc nửa đêm họ đã hát: "Không ai biết những khổ sở tôi đã chịu..." Bị bao phủ bởi bóng đen khủng khiếp, nhưng tin tưởng ngày mai sẽ đến và họ ngợi ca Thượng đế. Niềm tin tích cực vào bình minh của họ là niềm hy vọng đang lớn lên và giữ cho những người nô lệ trung tín giữa những hoàn cảnh khắt khe, đau thương nhất. Đức tin vào bình minh sẽ đến là đức tin vào một Thượng đế nhân lành và công chính. Khi ta tin điều này, ta biết rằng những sự mâu thuẫn của đời sống không phải là chung cục và tất yếu. Kẻ có thể bước qua bóng đêm với một đức tin tỏa sáng rằng mọi sự sẽ được tốt lành cho những người yêu Thượng đế. Ngay cả những lúc nửa đêm không trăng sao tối thăm thẳm cũng sẽ báo hiệu một bình minh của những sự thành tựu lớn. Khi chúng tôi bắt đầu cuộc tẩy chay xe bus tại Montgomery, Alabama, chúng tôi tự thành lập những chuyến xe "car pool" để những người làm cùng hay gần nhau có thể cùng đi làm. Trong suốt mười một tháng dài, những chuyến xe này rất thành công. Thế rồi Thị trưởng Gayle đưa ra một nghị quyết nhằm cấm mọi loại chuyên chở như vậy. Buổi điều trần được ấn định vào thứ Ba, ngày 13 tháng 11, 1956. Trong phiên họp hàng tuần định kỳ của chúng tôi được tổ chức ngay đêm trước khi diễn ra điều trần, tôi có trách nhiệm thông báo cho mọi người là chương trình chuyên chở của chúng tôi có thể sẽ bị cấm. Tôi biết rằng bà con đã chịu khổ sở trong gần mười hai tháng trời, nhưng không lẽ bây giờ ta lại bắt họ phải đi bộ đi làm? Và nếu không, thì có phải ta đã thú nhận là sự phản kháng của chúng ta đã thất bại? Đây là lần đầu tiên mà tôi gần như muốn trốn không dám giáp mặt họ. Khi buổi chiều đến, tôi thu hết can đảm để nói với họ sự thật. Tuy nhiên, tôi đã cố để kết luận trong hy vọng. "Chúng ta đã đi qua suốt bao nhiêu tháng," tôi nói, "với một đức tin can cường rằng Thượng đế ở cùng chúng ta trong cuộc đấu tranh này. Bao nhiêu kinh nghiệm của những ngày qua đã chứng thực đức tin này một cách kỳ diệu. Tối nay, ta phải tin rằng một con đường sẽ được mở ra từ những bế tắc." Nói thế nhưng tôi có thể cảm thấy cơn gió lạnh bi quan đang thổi qua phòng họp. Ánh sáng của hy vọng sắp mờ đi và ngọn lửa của đức tin cũng chỉ còn leo lét. Vài giờ sau đó, trước mặt quan toà Carter, đại diện thành phố lập luận rằng chúng tôi đang điều hành một "doanh nghiệp tư nhân" mà không có giấy phép. Luật sư của chúng tôi biện hộ một cách sắc bén là việc đi "car pool" được hội thánh Da đen cung cấp miễn phí. Ai cũng thấy rằng quan tòa Carter sẽ phán quyết theo ý của thành phố. Đến trưa, trong lúc nghỉ giải lao, tôi ghi nhận có tiếng ồn ào trong phòng xử. Thị trưởng Gayle được gọi trở lại phòng xử. Nhiều phóng viên chộn rộn đi vào đi ra. Một lúc sau đó một phóng viên đến bàn nơi tôi ngồi với các luật sư trong tư cách là bị cáo chính. "Đây là quyết định mà ông đang mong đợi. Xin đọc bản thông cáo." Vừa lo lắng, vừa hy vọng, tôi đọc những dòng chữ sau đây: "Tối cao Pháp viện Hoa kỳ ngày hôm nay nhất trí phán quyết rằng việc phân ngăn chủng tộc trên xe bus ở Montgomery, Alabama là vi hiến." Trái tim tôi thổn thức với một niềm vui không thể nào tả nổi. Giờ phút tối tăm nhất của cuộc đấu tranh của chúng tôi đã trở nên giờ phút đầu tiên của chiến thắng. Có một ai đó ở cuối phòng nói lớn: "Thượng đế đã cất tiếng nói từ Washington." Bình minh sẽ đến. Sự thất vọng, buồn rầu, và tuyệt vọng phát xuất từ lúc nửa đêm, nhưng bình minh sẽ theo sau. Thi Thiên có nói: "Khóc than có thể kéo dài cả đêm, nhưng niềm vui sẽ đến khi trời sáng." Đức tin này chấm dứt sự tích lũy của bao điều tuyệt vọng và đem ánh sáng mới cho những căn phòng tăm tối của bi quan. © Học Viện Công Dân 2014 http://mlk-kpp01.stanford.edu/index.php/encyclopedia/documentsentry/doc_a_knock_at_midnight/ [1] Martin Luther King đã chơi chữ trong câu này vì Thiên Chúa giáo chỉ có mười điều răn do Thượng đế truyền cho Môi-se. [2] William Wilberforce (1759-1833) là một chính trị gia người Anh, cũng đồng thời là một nhà từ thiện và là lãnh tụ của phong trào hủy bỏ nạn buôn bán nô lệ trên toàn Đế quốc Anh. [3] William Pitt (1759-1806) là thủ tướng trẻ nhất của Anh quốc năm 24 tuổi trong nhiệm kỳ thứ nhất, và trở thành thủ tướng một lần nữa từ 1801-1806. Pitt là đồng minh của Wilberforce trong việc vận động đạo luật cấm buôn bán nô lệ.

Bổn Phận Đối Với Bản Thân và Tha Nhân Mortimer J. Adler, Ph.D.

Bổn phận cư xử công bằng với những người chung quanh đòi hòi một cá nhân phải hết sức tránh làm điều gì gây ra tổn thương cho họ, như tước đoạt những thứ họ cần có để tạo nên cuộc sống tốt cho bản thân. Nói như vậy nghe tiêu cực hơn là tích cực. Theo mặt tích cực, nghĩa vụ của một con người bao gồm những hành động giúp cho sự mưu cầu hạnh phúc của người khác được thuận tiện hoặc dễ dàng hơn, bằng cách giúp đỡ họ đạt được những thứ họ cần nhưng chẳng thể đạt được trong phạm vi khả năng của họ. Liệu công lý có buộc chúng ta phải có hành động tích cực lẫn tiêu cực đối với tha nhân không? Có phải chúng ta vừa có trách nhiệm mang ích lợi đến cho đồng loại, đồng thời có trách nhiệm tránh làm tổn thương họ không? Sự hiểu biết của tôi về sự khác biệt giữa tình thương và công lý khiến tôi trả lời là "Không." Chúng ta cư xử một cách nhân từ đối với những người chúng ta xem là bạn là do tình thương, chứ không phải là vì công lý. Những bổn phận mà công lý đòi hỏi chỉ buộc ta phải tôn trọng quyền lợi của người khác, hay nói khác đi, công lý buộc ta không được gây tổn thương đến người khác bằng cách lấy đi những thứ họ cần. Ngược lại, không giống như công lý, tình yêu thương không bao gồm việc mang lại cho người khác những thứ thuộc về họ-- những thứ thuộc quyền tự nhiên của họ. Tình thương gồm có trao đến cho người khác nhiều hơn cái họ đáng có - là tương trợ họ để họ có được những gì họ không thể tự đạt được một mình, tức là ta đi xa hơn là tôn trọng quyền lợi của họ. Khi ta nhận thức rằng người bạn hay người thân của mình chính là bản ngã thứ hai của mình, ta sẽ hành động một cách tích cực để mang lại lợi ích tối đa cho người ấy, như ta làm cho chính bản thân mình. Cũng giống như một người đức hạnh sẽ sống một đời sống tốt lành cho chính mình và không làm điều gì phương hại đến bản thân và danh dự cá nhân của họ, thì người đó cũng sẽ không làm điều gì phương hại đến bạn mình, và còn làm hơn thế nữa để giúp bạn mình đạt được hạnh phúc như thể đang làm cho chính bản thân. Đây là ý nghĩa của lời bình phẩm khôn ngoan sâu sắc rằng nếu tất cả con người là bạn, thì không cần có công lý. Tuy nhiên, ngay cả khi mọi người cùng là thành viên của một cộng đồng, không phải tất cả đều là bạn, do đó công lý là sự kiềm chế cần thiết nhằm tránh không cho người này gây tổn thương cho người khác. Với một cộng đồng có tổ chức, hoặc một chính quyền, bổn phận hành xử công bằng đối với thành viên hoặc dân chúng bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Một chính quyền công bằng sẽ tận sức bảo đảm những quyền tự nhiên của mọi người dân. Nói cách khác, trách nhiệm của chính quyền là không gây tổn thương cho bất cứ người dân nào. Hơn thế nữa, theo khía cạnh công lý, chứ không theo mặt nhân đạo, một chính quyền công bằng có bổn phận tích cực là phát huy phúc lợi cho dân chúng. Nói thế nghĩa là gì? Thế nghĩa là, trước tiên, chính quyền có bổn phận duy trì và phát huy cái tốt chung trong một cộng đồng - một cộng đồng tốt đẹp - nơi dân chúng tham gia và chia sẻ những điều tốt đẹp thiết yếu để tạo dựng đời sống tốt cho bản thân. Thêm nữa, bổn phận này có nghĩa là một chính quyền công bằng phải giúp đỡ người dân đạt được những điều tốt thật sự mà tự họ không thể đạt được. Như tổng thống Lincoln đã nhận xét, một chính quyền nên mang lại cho người dân những gì mà tự sức riêng của họ không thể đạt được. Đây là lập lại điều đã nêu trên về mục đích của sự liên kết giữa người và người, đặc biệt trong một cộng đồng chính trị. Mục đích của nhà nước là giúp đỡ người dân không phải chỉ để sống, mà còn là sống tốt; nhà nước, bởi vì bản chất của nó, là phương tiện để đạt được cái cứu cánh này, và phương tiện chỉ phục vụ cứu cánh khi nào nhà nước đẩy mạnh phúc lợi cho dân bằng cách bảo tồn hòa bình và trợ giúp dân chúng giành được những thứ họ cần nhưng không thể đạt được bằng sự cố gắng riêng rẽ của từng cá nhân. Tôi xin được nói thêm một điểm nữa. Bởi vì một cá nhân, về phương diện công lý, có bổn phận đóng góp cho cái tốt chung của cộng đồng nơi người đó sinh sống, và vì cái tốt đó không những liên quan đến sự hòa bình trong cộng đồng mà còn đến những khía cạnh khác của phúc lợi chung; do đó, một cá nhân khi thực thi bổn phận này đã đóng góp một cách tích cực cho cái tốt chung và cho cả bản thân nữa. Điều này chứng minh cho điều tôi đã nêu ở trên, rằng về phương diện công bằng, một cá nhân không có bổn phận, phải hành động tích cực cho ích lợi của người khác. Nói cách khác, những hành vi tích cực mà một người giúp đỡ cho bạn bè hay người thân của mình, là hành động trực tiếp khởi từ tình thương. Tuy nhiên những việc tốt mà người đó làm để giúp những người không thân quen với mình trong cộng đồng, là hành động gián tiếp khởi từ cái bổn phận công bằng của một thành viên trong một cộng đồng, bổn phận mang lại ích lợi cho cả cộng đồng chung hưởng. Một lần nữa, tôi phải nhắc lại rằng mọi điều nêu trên được đặt trong những "điều kiện lý tưởng." Ta không nên kỳ vọng người ta làm được một việc mà vào thời điểm nào đó là một việc bất khả thi; không có gì đáng trách về đạo đức khi ta thất bại vì không làm được điều bất khả thi. Và dĩ nhiên, điều này nêu lên câu hỏi cốt yếu rằng điều gì là khả thi và điều gì là bất khả thi. © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://radicalacademy.com/adlerobligations.htm

Tự do và Sức mạnh của Tư tưởng LAWRENCE W. REED

Có một niềm tin mà tôi thường nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là chúng ta đang có chiến tranh-không phải là một cuộc chiến dùng súng đạn và sức người, nhưng dù sao vẫn là một cuộc chiến có đầy đủ khả năng để trở thành một cuộc chiến cũng khốc liệt, hủy diệt và phí tổn tương tự. Cuộc chiến để bảo tồn và phát huy tự do là một cuộc chiến không nhằm vào chống lại cá tính [khác nhau] nhưng để chống lại những tư tưởng đối nghịch. Victor Hugo, một nhà văn người Pháp, đã tuyên bố rằng "Ta chống lại sự xâm lăng của những đạo quân; nhưng ta không chống lại nổi sự xâm lấn của những tư tưởng. Điều này thường được nhắc lại như sau: "Không có gì mạnh mẽ hơn những đạo quân cho bằng một ý tưởng hợp thời đến đúng lúc." Trong quá khứ đã từng có những tư tưởng mà hệ quả làm chấn động cả trái đất. Những tư tưởng này xác định hướng đi của lịch sử. Hệ thống phong kiến đã hiện hữu cả hàng ngàn năm một phần lớn vì những học giả, giáo sư, trí thức, giới tăng lữ, nhà giáo dục và chính trị gia đã phổ biến những tư tưởng phong kiến. Câu nói "Con sãi ở chùa lại quét lá đa" đã khiến cho hàng triệu người không dám nghĩ đến việc đặt lại vấn đề này. Dưới hệ thống [kinh tế] trọng thương, một khái niệm được nhiều người chấp nhận là của cải của thế giới chỉ có giới hạn, đã khiến người ta chiếm đoạt lấy từ những người khác những gì họ muốn trong không biết bao là cuộc chiến đẫm máu. Sự ấn hành tác phẩm Quốc Phú của Adam Smith năm 1776 là một dấu ấn trong lịch sử về sức mạnh của tư tưởng. Khi thông điệp của Smith về tự do mậu dịch được phổ biến, những hàng rào chính trị ngăn cản sự hợp tác hòa bình bị sụp đổ, và hầu như cả thế giới đã quyết định thử nghiệm tư tưởng tự do. Marx và những người theo Marx muốn cho ta tin rằng chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, là một chủ nghĩa chắc chắn sẽ bao trùm cả thế giới như mặt trời mọc lên từ hướng đông. Tuy nhiên, khi người ta có ý chí tự do (có đủ sức mạnh để chọn lựa giữa cái phải và trái), thì không có điều gì liên quan đến cái ý chí này có thể được xem là tất yếu! Nếu chủ nghĩa xã hội có xảy ra, đó là vì người ta chọn và chấp nhận nó. Chủ nghĩa xã hội là một sự thất bại từ lâu đời rồi, tuy thế, tư tưởng xã hội tiếp tục là một mối đe dọa chính cho tự do ngày hôm nay. Theo thiển ý, chủ nghĩa xã hội có thể được phân tích thành năm ý tưởng. 1. Hội chứng dùng Đạo luật. Thông qua những đạo luật đã trở thành một thú tiêu khiển toàn quốc. Một thương nghiệp bị trở ngại ư? Hãy thông qua một đạo luật để trợ cấp cho công chúng hay giới hạn sự tự do hoạt động của thương nghiệp đó. Nạn nghèo đói ư? Thông qua một đạo luật để hủy bỏ nạn nghèo đói. Có lẽ nước Mỹ cần một đạo luật cấm không cho thông qua thêm nhiều đạo luật như vậy. Hầu như bao giờ cũng vậy một đạo luật mới có nghĩa là: (1) tăng thuế để trả cho bộ máy điều hành; (b) thuê thêm viên chức chính quyền để điều hành cái khía cạnh của đời sống mà trước nay không bị hạn chế; và (c) những hình phạt mới khi vi phạm đạo luật mới. Nói tóm lại, càng nhiều đạo luật có nghĩa là càng có thêm nhiều sự phân biệt, nhiều sự cưỡng bách. Ta nên hiểu rõ từ cưỡng bức có những ý nghĩa như sau: sức mạnh, cưỡng đoạt, ép buộc, hạn chế. Những chữ đồng nghĩa của động từ cưỡng bách có lẽ dễ cho ta hình dung hơn là: ép buộc, đòi hỏi, bắt phục tùng, bắt lính, tống tiền, tịch thu, đàn áp bằng khủng bố, đàn áp bằng gậy gộc, và đòi tiền hối lộ. Khi chính quyền bắt đầu xen vào nền kinh tế tự do, quan lại và chính trị gia tiêu tốn hầu như toàn bộ thì giờ của họ để "sửa sai" những công trình mà họ đã làm ra. Để sửa những thiệt hại của Đạo luật A, họ thông qua Đạo luật B. khi thấy B cần phải được sửa đổi, họ thông qua Đạo luật C, và để sửa C, họ cần D, và cứ thế tiếp tục cho hết bảng chữ cái và sự tự do của ta cũng cạn kiệt. Hội chứng dùng Đạo luật là thí dụ điển hình cho sự tin tưởng bị đặt sai chỗ trong tiến trình chính trị, một biện pháp dựa trên sức mạnh, tức là một phản đề đáng nguyền rủa của xã hội tự do. 2. Ảo tưởng Nhận được trợ cấp Chính quyền. Chính quyền, theo định nghĩa không có gì để phân phối ngoại trừ những gì nó thu được từ nhân dân lúc ban đầu. [Phải nhớ là] Tiền thuế không phải là tiền quyên góp của dân. Trong một nhà nước phúc lợi[1], điều cơ bản này thường bị quên lãng vì những sự ưu đãi đặc biệt hay tặng phẩm của nhà nước. Người ta thường nói đến "tiền nhà nước" như thể đó là "tiền chùa. Kẻ nào mà nghĩ rằng mình đang nhận được điều gì đó từ chính quyền, những điều mà họ không thể tự mình kiếm được nên tự đặt câu hỏi, "Cái này lấy từ túi của ai đây? Có phải tôi đang bị cướp để trả cho món trợ cấp này hay chính quyền đang cướp của ai để trả cho tôi?" Thông thường câu trả lời là cả hai. Những kết quả chung cục của "ảo tưởng" này là mọi người trong xã hội đều thọc tay vào túi của người khác. Vấn đề của Người khác 3. Chứng rối loạn thần kinh-Đổ Lỗi. Gần đây một người nhận trợ cấp xã hội viết thơ cho nhân viên xã hội và đòi hỏi: "Đây là đứa con thứ sáu của tôi. Ông có làm cái gì không đi chứ?" Một người trở thành nạn nhân của bệnh thần kinh Đổ Lỗi khi người đó từ bỏ trách nhiệm là chính mình phải giải quyết vấn nạn của mình. Người đó có thể nói: "Những vấn nạn của tôi thực ra không phải là của tôi, mà là những vấn nạn của xã hội, và nếu xã hội không giải quyết thật lẹ, thì sẽ có chuyện với tôi!" Chủ nghĩa xã hội phát triển mạnh nhờ vào sự trốn tránh trách nhiệm [của người dân]. Khi người ta mất đi tinh thần độc lập, sáng tạo, và tự tin nơi chính họ, họ trở thành hòn đất sét để cho bạo chúa và độc tài muốn nhồi nắn như thế nào thì làm. 4. Bệnh Thông Thái. Leonard Read, trong cuốn sách Thị trường Tự do và Kẻ thù của nó, đã nhận dạng ra "sự thông thái" (cái gì cũng biết) là điểm đặc trưng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Kẻ thông thái là người xía vào công việc của người khác. Y tỏ thái độ với người khác như thế này: "Tôi biết điều gì là tốt nhất cho anh, nhưng tôi không chỉ hài lòng với việc thuyết phục anh về sự đúng đắn của tôi; tôi muốn bắt anh phải chấp nhận phương cách của tôi." Kẻ thông thái kiểu này tỏ lộ thái độ kiêu ngạo và không dung thứ cho những sự khác biệt lớn lao giữa người với người với nhau. Trong chính quyền kẻ thông thái vẫn thường có cái điệp khúc này: "Nếu tôi không nghĩ đến chuyện đó, thì chuyện đó không thể làm được, và vì nó không thể thực hiện được, chúng ta phải ngăn cản những kẻ nào đang muốn tìm cách thử." Có một nhóm thương gia ở Bờ biển Phía Tây nước Mỹ gặp phải vấn nạn khi yêu cầu-được điều hành dịch vụ chở hàng bằng phà từ những tiểu bang phía Tây bắc Thái-bình-dương xuống miền Nam California-của họ bị từ chối bởi cái Ủy ban Thương mại Liên tiểu bang (ủy ban này nay đã bị dẹp tiệm) vì cơ quan này cảm thấy rằng nhóm thương gia này không thể điều hành một dịch vụ như vậy mà có lời. Sự mầu nhiệm của thị trường là khi người ta được tự do để thử nghiệm, họ có thể và thực hiện được nhiều điều vĩ đại. Sự cảnh báo mạnh mẽ mà ai cũng biết của Read: "không có ai được chế biến ra những điều gì làm ngăn trở sự giải phóng năng lực sáng tạo" là sự phản bác mạnh mẽ đối với căn Bệnh Thông Thái 5. Nỗi Ám ảnh Ganh tị. Thèm muốn tài sản và lợi tức của người khác đã khiến cho xã hội ngày nay có cả đống những luật lệ theo xã hội chủ nghĩa. Sự ganh tị là nhiên liệu thúc đẩy bộ máy tái phân phối. Ta thấy rõ ràng là những mưu chước lấy của nhà giàu xuất phát từ sự ganh tị và thèm muốn. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta bị sự ganh tị ám ảnh? Họ tìm cách đổ lỗi về những điều khó khăn trong đời họ cho những người khá hơn. Xã hội bị nứt rạn thành những giai cấp và nhóm này coi những nhóm khác là những con mồi cần bị thanh toán. Những nền văn minh mà ta biết đã sụp đổ dưới gánh nặng của ganh tị và thái độ xem thường tài sản của người khác mà sự ganh tị này mang theo. Có một sợi chỉ chung xuyên suốt năm tư tưởng xã hội chủ nghĩa này. Đó là, tất cả đều khơi dậy phần đen tối hơn của con người-sơ khai, không có sự sáng tạo, lười biếng, lệ thuộc, phi đạo đức, phi sản xuất, và phần phá hoại của bản năng con người. Không một xã hội nào có thể tồn tại lâu dài được nếu người dân của xã hội đó thực hành những ý tưởng tự hủy diệt như vậy. Hãy xem xét triết lý tự do. Đó là một triết lý hướng thượng, tái tạo, khích lệ, sáng tạo, đấy phấn khích. Triết lý này khơi dậy và dựa vào những phẩm chất cao hơn của bản năng con người như tự túc, trách nhiệm cá nhân, sáng kiến cá nhân, tôn trọng tài sản của kẻ khác, và tự nguyện hợp tác với nhau. Kết quả của cuộc tranh đấu giữa tự do và tôi đòi hoàn toàn tùy thuộc vào những điều đã ngấm vào tâm trí và tình cảm của con người. Cho đến nay, bồi thẩm đoàn vẫn còn đang cân nhắc xem xã hội sẽ nghiêng về hướng nào. © Học Viện Công Dân 2014 Nguồn: http://fee.org/the_freeman/detail/liberty-and-the-power-of-ideas#ixzz2CY0tfTcc Lawrence W. ("Larry") Reed làm chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education-FEE) năm 2008. Trước đó Larry là người sáng lập và chủ tịch-trong 20 năm-của Trung tâm Mackinac về Chính sách Công tại Midland, bang Michigan. Ông cùng từng dạy toàn thời gian môn Kinh tế học và là Chủ nhiệm Phân khoa Kinh tế tại Viện Đại học Northwood ở Michigan từ 1977 đến 1984. [1] Nhà nước phúc lợi (welfare state) là một khái niệm về chính quyền trong đó nhà nước "chăm lo" mọi sự cho người dân về phương diện xã hội, y tế, và chính trị. Khái niệm này đặt trên căn bản 'bình đẳng về cơ hội," "phân phối tài sản đồng đều cho toàn dân."

Triết học và Đời sống Tốt đẹp Mortimer J. Adler, Ph.D.

Dù những ý tưởng tôi dùng để trình bày, có thể lúc đầu có vẻ trừu tượng và lý thuyết, nhưng tôi nghĩ quý vị, dù là cá nhân hay đại diện cho tổ chức, sẽ thấy sự phân tích của tôi có giá trị thực dụng lớn lao. Khi nói đến triết học, có hai câu hỏi mà bất cứ ai cũng có quyền hỏi. Thứ nhất, triết học có phải là kiến thức giống như kiến thức khoa học, dù phương pháp để sở đắc kiến thức triết học rõ ràng là khác với kiến thức khoa học không? Thứ hai, ngay cả cứ cho triết học là kiến thức đi, thì nó có phải là loại kiến thức hữu dụng, và nếu thực sự hữu dụng, thì ta dùng nó vào việc gì? Câu trả lời của tôi đối với câu hỏi thứ nhất dứt khoát là "đúng như thế." Tuy nhiên, trong giới hạn của bài này, tôi không thể giải thích đầy đủ cho quý vị những lý do cho câu trả lời này. Tôi sẽ tập trung để trả lời câu hỏi thứ hai, dù câu trả lời này có phần tuỳ vào câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất. Trong tất cả những năm tôi dạy triết tại Viện Đại học Chicago, cứ mỗi đầu học kỳ lại có một vài sinh viên thông minh sáng láng, nêu lên câu hỏi: "Thưa giáo sư Adler, triết học nghe thật hấp dẫn...nhưng dùng nó vào việc gì?" Tôi đã biết ý người sinh viên này muốn nói gì qua từ 'dùng'; tôi trả lời: "Chẳng dùng được vào việc gì hết." Và lý do khiến tôi nói như vậy vì người ta trên thế giới ngày nay đã dùng một nghĩa rất hạn hẹp khi nói về "kiến thức hữu dụng." Họ nghĩ đến những ứng dụng kỹ thuật mà khoa học đã biến thành hiện thực. Triết học không xây được cầu, không làm được bánh ngọt, không chữa được bệnh. Nếu ta hiểu "kiến thức hữu dụng" là loại kiến thức mà có thể áp dụng được trong kỹ thuật, thì triết học quả thật là vô dụng. Nhưng đó không phải là loại ứng dụng duy nhất của kiến thức. Kiến thức trở nên hữu dụng khi hướng dẫn cho hành động cũng như khi là căn bản cho sự sản xuất. Và theo cái ý nghĩa thứ hai này của 'sự hữu dụng' mà triết học trở nên hữu dụng một cách thực tiễn, cho cá nhân và cả xã hội. Nó là chỉ thị để hướng dẫn hành vi và những nỗ lực của ta để hướng tới đời sống tốt đẹp cho cá nhân và để điều hành và vận hành một xã hội tốt đẹp cho mọi người. Nhưng triết học chỉ hữu dụng theo cách này nếu nó chỉ cho ta đâu là cứu cánh đích thực mà ta phải tìm tới và với phương tiện nào mà qua đó ta đạt tới được cứu cánh này. Triết học thực tiễn, còn được hiểu là triết học chính trị và đạo đức, có thể giúp ta đạt được điều này. Trong mọi lãnh vực của hành động, 'cứu cánh' và 'phương tiện' là hai từ chính yếu. Ta suy ngẫm để chọn ra cái phương tiện nào là tốt nhất chỉ khi ta biết được cứu cánh ta muốn đạt là gì. Vì nếu mỗi một mục đích mà ta theo đuổi lại tự nó là phương tiện cho một mục đích xa hơn, thì sự suy tư của ta trở nên không có cơ sở. Thế thì cái cứu cánh tối hậu là gì? Liệu có một cái cứu cánh nào mà có một đặc tính mà ta buộc phải công nhận không? Câu trả lời, theo tôi có tính chất hiển nhiên, như thế này: cái cứu cánh tối hậu mà tất cả chúng ta nên hướng tới là cái mà khi đạt được thì ta không còn mong muốn thêm điều gì nữa, vì đạt được mục đích này đã thoả mãn tất cả mọi ước muốn của ta. Có một mục đích như vậy cho cá nhân và cho xã hội không? Mỗi người đều có nhu cầu theo ý thức của riêng mình Từ ngữ 'cái tốt' và 'cái mong muốn' là hai từ có liên hệ. Không ai lại có thể không nhận thấy là khi ta nói về một điều gì đó 'tốt,' ta muốn nói đó là điều đáng 'mong muốn'; và khi ta nói đó là điều 'đáng mong muốn,' ta muốn nói đó là điều 'tốt.' Đến đây thì lập tức có một câu hỏi nảy sinh. Có phải những điều mà ta gọi là 'tốt' đó chỉ vì đó là những điều mà ta mong muốn--sự mong muốn của ta tạo nên cơ sở cho cái 'sự tốt' của những điều đó--hay là ta nên mong muốn những điều đó vì chúng thực sự là những điều 'tốt,' dù ta có thực sự mong muốn chúng hay không? Mối quan hệ giữa cái tốt và cái mong muốn sẽ trở nên khác đi nếu lòng mong muốn của ta là căn bản hay nguyên nhân của những suy nghĩ của ta về những gì là tốt; hay, đảo lại, những điều đó là những điều tốt, ta nên mong muốn có được chúng. Để hiểu được mối quan hệ song trùng giữa 'cái tốt' và 'cái mong muốn,' tôi muốn chỉ rõ sự khác biệt cơ bản nhất giữa sự mong muốn cá nhân và sự cần thiết tự nhiên, cả 'cái muốn' và 'cái cần' đều có chung một nghĩa là sự mong muốn. Cá nhân mỗi chúng ta có ý thức về những gì mình muốn. Người này muốn điều này, nhưng người khác lại không muốn điều đó mà muốn điều khác; những sự mong muốn ấy khác biệt nhau tuỳ theo từng người. Nhưng dù trong ý thức của ta, những mong muốn có khác nhau, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu tự nhiên của con người. Những nhu cầu của chúng ta đều giống nhau, không kể là những nhu cầu này có thể hiện cái ta muốn hay không. Thí dụ, là những sinh vật, tất cả chúng ta cần thực phẩm. Là những sinh vật xã hội, tất cả chúng ta cần có tình đồng loại và thương yêu. Là những người có sự tự do lựa chọn, ta cần có tự do. Ngay cả khi ta không muốn những thứ này-dĩ nhiên đa số chúng ta cũng muốn có-ta cũng cần có chúng. Và tất cả chúng ta cần có chúng, vì chúng ta là con người, cho dù sự mong muốn giữa người này và gia đình của họ có khác với những người khác. Theo lẽ thường thì bất cứ ai cũng nhận thấy rằng trong đời của mình, ta thường muốn những điều ta không cần, hay muốn có nhiều hơn những gì ta cần có; và cũng có thể ta lại không muốn cái mà, thực ra ta cần phải có. Sau khi đã phân biệt sự khác nhau giữa muốn và cần, tôi xin nói rằng cái điều mà thực sự tốt cho chúng ta, dù ta có cố ý muốn có hay không, là cái điều mà đáp ứng và thoả mãn được những nhu cầu tự nhiên của ta. Và khi mà những điều cá nhân ta muốn không đồng nhất với nhu cầu tự nhiên, thì điều đó chỉ có vẻ tốt mà thực sự chưa hẳn là tốt. Nguyên lý hiển nhiên Sự khác biệt giữa điều có vẻ tốt và thực sự tốt có quan hệ với sự phân biệt giữa nhu cầu tự nhiên và mong muốn cá nhân. Nếu triết học về đạo đức-tức là môn đạo đức học- tạo ra một cơ sở cho một nguyên lý rõ ràng, thì đạo đức học trước hết phải có một nguyên lý hiển nhiên nào đó được đa số công nhận là đúng. Tôi xin được trình bày với quý vị một nguyên lý như vậy. Nói một cách đơn giản thì ta nên mong muốn mọi điều mà thực sự tốt đối với ta, và ta không nên muốn điều gì khác nữa. Nếu quý vị nghĩ điều đó đúng, đó là bởi vì quý vị nhận ra mối quan hệ giữa khái niệm về điều thực sự tốt và ý nghĩa của từ 'nên.' Thực ra, ta có thể mong muốn nhiều thứ mà không thực sự tốt cho ta, nhưng điều duy nhất ta nên ước muốn là những điều mà vì bản chất tự nhiên của con người là những điều thực sự tốt cho ta. Đây là cách diễn giải của tôi về cái mạng lệnh tuyệt đối, tức là bổn phận đạo đức cơ bản ràng buộc tất cả chúng ta.[1] Qua những tuệ kiến ngắn này về nhu cầu tự nhiên và cái muốn cá nhân-những điều tốt thực sự và những điều có vẻ tốt-tôi nghĩ tôi có thể chứng minh rằng hạnh phúc không những là mục đích tối hậu mà tất cả chúng ta tìm kiếm, mà còn là một mục đích mà đối với tất cả chúng ta đều giống nhau, và vì là mục đích giống nhau, đó chính là mục đích mà ta nên tìm kiếm. Tôi biết điều này có vẻ đối nghịch đối với nhiều người khi họ nói về hạnh phúc. Họ nghĩ rằng hạnh phúc là điều gì đó mà mỗi người tự định nghĩa cho mình, rằng việc mưu cầu hạnh phúc khác nhau tuỳ theo từng cá nhân khác nhau; nhưng tôi muốn chứng tỏ cho quý vị rằng những quan điểm thông thường như vậy thật là sai lầm. Một câu nói không xong... Không có ai nói, "Tôi muốn được hạnh phúc vì..." Không có người nào có thể hoàn tất câu nói đó được. Nếu ta có thể hoàn tất nó và đưa ra một lý do tại sao ta lại muốn hạnh phúc, thì hạnh phúc sẽ không phải là cái mục đích tối hậu mà có nghĩa là một điều gì đó ở ngoài tầm với. Khi ta nhận ra là ta không thể nói, "Tôi muốn được hạnh phúc vì..." ta nhận ra rằng hạnh phúc không phải là một phương tiện để đạt cái gì khác, không phải là điều mà không còn để lại cho ta sự mong muốn nào khác nữa. Hạnh phúc, khi ta có được, là sự thoả mãn tất cả những mong muốn của ta. Đó là cứu cánh tối hậu, tuy nhiên, chỉ khi nó được nhận thức như một tổng thể bao gồm tất cả những gì mà thực sự tốt đẹp cho ta. Thánh Augustine nói, "Một người hạnh phúc là người có mọi điều mình mong muốn với điều kiện là không mong muốn điều sai quấy." Điều kiện đó thật là quan trọng! Phần lớn con người-thực ra, phần lớn những triết gia thời hiện đại-sử dụng khái niệm tâm lý hơn là khái niệm đạo đức khi nói về hạnh phúc. Ta sử dụng khái niệm tâm lý nếu ta nói, "Hôm qua tôi không khoẻ lắm, nhưng hôm nay tôi rất hạnh phúc," cứ như thể ta có thể cảm nhận được hạnh phúc. Phần lớn con người nghĩ là họ có thể cảm nhận được hạnh phúc, khi họ nói những câu như "Chúc bạn có thời giờ hạnh phúc" (have a good time) hay "Chúc bạn có một năm mới hạnh phúc," (Happy New Year) họ đang nói về một trạng thái của cảm giác hay tâm trí, một trạng thái được thoả mãn trong khoảnh khắc, như thể bạn có thể hạnh phúc trong một ngày và không hạnh phúc vào ngày khác. Khái niệm đạo đức của hạnh phúc không có gì liên quan đến cảm xúc hay tình cảm, mà liên quan đến sự tốt đẹp của toàn thể đời sống con người. Một đời sống hạnh phúc là một đời sống đã sống tốt đẹp, đủ đầy. Chắc chắn là ta không nhắm đến cái mục đích tối hậu là hạnh phúc ngày hôm nay và không hạnh phúc vào ngày mai. Khi ta nói hạnh phúc là mục đích của ta, ta đang nói về sự tốt lành của cả một đời sống và rõ ràng là không có ai có thể cảm nghiệm được toàn bộ đời sống trong bất kỳ một khoảnh khắc nào. Tôi nghĩ ta có thể nói trong suốt đời sống của mình là "Tôi đang trở nên hạnh phúc," nhưng ta không thể, tại một thời điểm nào đó trong đời, nói "Tôi hạnh phúc," vì cuộc đời ta vẫn chưa chấm dứt vào lúc đó. Một đời sống hạnh phúc, một đời sống tốt lành, là một đời sống được làm cho phong phú bằng sự sở đắc những điều tốt thật sự. Những điều tốt thật sự tương ứng với, và thoả mãn những nhu cầu tự nhiên. Vì nhu cầu tự nhiên của con người đều giống nhau, hạnh phúc, hiểu cho đúng, thì đối với tất cả mọi người đều giống nhau. Tôi xin dùng vài thí dụ để xác định những gì vừa trình bày. Xin bạn hãy cùng tôi quan sát một kẻ hà tiện, một kẻ hà tiện thành công tiêu biểu. Kẻ hà tiện này xem những đồng tiền vàng lấp lánh là điều tốt duy nhất mà y muốn. Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn những ham muốn cá nhân, kẻ hà tiện có quyền nói là y có những gì y muốn. Nhưng cả bạn và tôi biết rằng y là kẻ khốn khổ nhất trong mọi loài sinh vật, đời sống tẻ nhạt, sức khoẻ tồi tệ, bạn bè xa lánh và không tham gia được vào những hoạt động với người khác. Dù cho y có tự xưng là hạnh phúc, liệu có ai gọi y là người hạnh phúc không? Quý vị phải chuẩn bị để chấp nhận [một sự thật] là khi người ta nói rằng họ hạnh phúc, họ bị lầm lẫn vì họ có khái niệm sai lầm về hạnh phúc. Thật rõ ràng, khái niệm về hạnh phúc của kẻ hà tiện là sai lầm và tôi có thể nói cùng một thể ấy về một gã ăn chơi thành công đã bỏ hết tâm sức để theo đuổi những khoái lạc của cảm xúc, hay về kẻ ham muốn quyền lực chỉ muốn có quyền trên người khác. Hãy để cho họ thành công. Hãy để cho họ có tất cả những gì họ muốn. Họ là những người khốn khổ, chứ không hạnh phúc. Họ sống đời sống còi cọc, vô nghĩa và đáng chán. Cách thứ hai để quý vị thấy được sự thật trong những điều tôi trình bày nằm trong một câu trứ danh trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Nguồn cảm hứng cao cả mà Jefferson đã có là khi ông lấy câu văn đã được viết trước về những quyền bất khả xâm phạm của con người: "Quyền sống, quyền hưởng tự do, và tài sản" và sửa lại thành "Quyền sống, quyền hưởng tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc." Nếu hạnh phúc trong đoạn văn đó có nghĩa là thoả mãn những ham muốn cá nhân, thì có thể có một chính quyền nào bảo đảm được cho mỗi công dân cái quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính họ khi cái quyền này đưa đến sự xung đột giữa họ với nhau không? Nếu sự mưu cầu hạnh phúc có tính chất cạnh tranh, chứ không phải hợp tác, thì không có chính quyền nào có thể bảo đảm được cái quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm là quyền mưu cầu hạnh phúc. Hai phương tiện để đạt được hạnh phúc Jefferson hiểu rằng hạnh phúc là điều mà đối với tất cả con người đều giống nhau vì nó không thoả mãn những ham muốn khác biệt của cá nhân, nhưng thoả mãn nhu cầu tự nhiên và cơ bản của con người. Phương tiện để đạt hạnh phúc có hai loại. Có những phương tiện có tính cách tạo dựng, nghĩa là những cái tốt thật sự tương ứng với nhu cầu tự nhiên của ta. Những điều tốt cho cơ thể như sức khoẻ và sự khoái lạc; tốt cho tâm trí như kiến thức; tốt cho tư cách như đức hạnh; tốt cho giao dịch như tình bạn và tình yêu; tốt về chính trị như tự do chính trị; tốt về kinh tế như có chút ít tài sản và phương tiện sinh sống; tốt về xã hội như tự do đi lại và giáo dục. Tất cả những điều tốt này là những điều tốt thật sự, vì chúng tương ứng với những nhu cầu tự nhiên. Bốn điều tốt đầu tiên là những điều mà tự cá nhân có khả năng để đạt được toàn phần hay một phần nào đó. Nhưng còn ba điều tốt sau cùng-về chính trị, kinh tế và xã hội-là những điều không hoàn toàn và đôi khi không có cả một phần nào nằm trong khả năng của cá nhân để đạt được vì chúng còn tuỳ vào những điều kiện bên ngoài, đòi hỏi phải có sự hành động của xã hội có tổ chức. Điều này rất quan trọng vì, khi mưu cầu hạnh phúc, cá nhân không có người giúp đỡ mà chỉ tự sức mình, sẽ không có đủ khả năng. Cá nhân cần có hành động từ thiện của xã hội trợ giúp. Có một phương tiện đặc thù mà tôi muốn bàn riêng ở đây. Phương tiện này không có tính chất tạo dựng, mà có tính chất hoạt động hay theo chức năng: phương tiện mà nhờ đó ta tìm được cách đạt được hạnh phúc tới mức cao nhất mà khả năng ta cho phép. Phương tiện đó là đức hạnh, thuộc về phạm trù đạo đức. Trên nguyên tắc, đức hạnh hiện hữu trong thiên hướng đã trở thành tập quán; đó là sự yêu thích cái tốt thật sự thay vì cái có vẻ tốt bên ngoài. Một người có đức hạnh là người có khuynh hướng đi tìm một đời sống tốt đẹp chứ không phải một khoảng thời gian tốt đẹp. Sự lựa chọn giữa một đời sống tốt đẹp cho cả đời và một khoảnh khắc tốt đẹp ngay bây giờ có lẽ là một chọn lựa đạo đức vẫn xảy ra hằng ngày và người đức hạnh chọn một đời sống tốt đẹp chứ không chọn một lúc tốt đẹp. Người có đức hạnh là người có một tập quán về tâm trí, cá tính, và ý chí để chọn xem điều gì là thực sự tốt về lâu về dài đối lại với cái có sự tốt đẹp biểu kiến ở đây và ngay bây giờ. Và sự lựa chọn giữa dài hạn và ngắn hạn thử thách đức hạnh của ta trong từng giây phút. Khi hiểu đức hạnh theo nghĩa này, tôi muốn đi từ cá nhân đến xã hội, vì khía cạnh xã hội của đức hạnh là điều mà ta gọi là công lý, tức là điều khiến ta phải xét đến cái tốt của những người khác và cái tốt của cả xã hội như một tổng thể. Bổn phận đạo đức căn bản của con người Nhưng trước khi bàn về điều này, tôi muốn nhắc lại một điều: bổn phận đạo đức căn bản của mỗi chúng ta không phải cho những người khác mà là cho chính chúng ta. Một trong những lầm lẫn to lớn trong triết học về đạo đức là sự sai lầm của 'người-làm-việc-tốt,' người mà chỉ nghĩ đến cái tốt cho người khác và không nghĩ đến cái tốt cho chính mình; và vì thế, người đó thực sự không nghĩ đến cái tốt cho người khác một cách sâu sắc hay làm cho hết sức. Bổn phận đạo đức căn bản của mỗi chúng ta là tìm lấy hạnh phúc cho chính mình. Chúng ta có bổn phận tìm xem điều gì thực sự tốt cho ta; ta có bổn phận phải nỗ lực để tạo một đời sống tốt đẹp cho chính ta. Nhưng khi tôi biết điều gì thực sự tốt cho tôi, tôi cũng biết người khác có những quyền gì, vì họ cũng có cùng những bổn phận đạo đức như của tôi. Họ cũng có bổn phận phải tạo một đời sống tốt đẹp cho họ như tôi vậy, vì chúng ta cùng là con người. Và nếu chúng ta có cùng bổn phận đạo đức như nhau, chúng ta cùng có những quyền như nhau, để sử dụng những phương tiện ta cần hầu hoàn thành được bổn phận đó. Thật là phi lý khi bắt người ta có bổn phận đạo đức nhưng lại không cho phương tiện để thực hiện bổn phận đó. Vì mỗi người trong chúng ta có bổn phận đạo đức để tạo dựng một đời sống tốt đẹp cho mình; chúng ta có quyền để sử dụng phương tiện cần thiết để đạt mục đích đó. Khi tôi biết điều gì thực sự tốt cho tôi, tôi cũng biết điều gì đúng cho những người khác. Tôi biết những quyền của bạn là gì khi tôi biết điều gì là điều tốt cho tôi. Và điều này đưa ta đến việc xét xem thế nào là công bằng, cả về phương diện cá nhân và xã hội. Là một cá nhân, công bằng buộc tôi có bổn phận không được làm tổn hại đến người khác, không được xâm chiếm hay vi phạm quyền của họ, không được lấy những điều thực sự tốt cho họ hay ngăn cản họ không đạt được điều mà thực sự tốt đẹp cho họ. Nhưng sự công bằng cá nhân chưa đủ. Thêm vào đó ta còn cần có công bằng xã hội. Sự công bằng xã hội đòi hỏi xã hội, trong mọi cơ cấu của nó, tạo điều kiện thuận tiện và khuyến khích sự mưu cầu hạnh phúc và làm cho cá nhân điều mà y không thể tự mình làm được và những người khác cũng không thể làm cho y. Trong lãnh vực của sinh hoạt của con người, có hai mục đích tối hậu. Đối với cá nhân, mục đích tối hậu là sự hạnh phúc của chính họ, gồm có tất cả những gì thực sự tốt đẹp cho một người, một cuộc đời đã được sống một cách tốt đẹp, được làm cho phong phú thêm bằng những điều tốt đẹp đó. Đó là mục đích mà ta nên tìm kiếm. Nhưng còn đối với Nhà nước, đối với xã hội có tổ chức, mục đích là hạnh phúc của tất cả mọi người dân, một mục đích mà nhà nước phải phục vụ qua sự tăng tiến phúc lợi chung và tạo điều kiện cho cá nhân khi cần để tạo lấy đời sống tốt đẹp cho chính mình. So sánh giữa những xã hội Tôi xin trình bày với quý vị cái tiêu chuẩn đạo đức khách quan duy nhất để phân biệt đạo đức hay công lý của xã hội này tốt đẹp hơn của xã hội khác: một xã hội [được xem là] tốt đẹp hơn một xã hội khác nếu những điều kiện về kỹ thuật, kinh tế, chính trị, và xã hội là những điều kiện giúp cho đa số những người dân của xã hội đó có đời sống đàng hoàng tử tế xứng đáng của con người hơn là người dân của những xã hội khác. Thước đo của tiêu chuẩn khách quan này là con số những người được hưởng những phương tiện này. Tôi không nói rằng đó là con số những cá nhân thành công khi mưu cầu hạnh phúc, vì hạnh phúc là sự mưu cầu của cá nhân và người ta có thể thất bại khi tìm kiếm hạnh phúc cho dù có đủ các phương tiện cần thiết. Nhưng bổn phận của xã hội là cung cấp cho tất cả mọi người những điều kiện họ cần để sống đời sống tốt đẹp và để cho họ tự do sử dụng những phương tiện này hữu hiệu hay không theo ý họ. Theo tôi. những nước sau đây rõ ràng thoả mãn nguyên lý của tôi đề ra: Thuỵ-điển, Đan-mạch, Thuỵ-sĩ, Hà-lan, Bỉ, Canada, Mỹ, Úc, Tân-tây-lan. Những xã hội này-có thể có thêm vài nước khác nữa-hiển nhiên là tốt hơn bất kỳ những xã hội nào đã từng hiện hữu trước đây. Không có xã hội nào trước những năm 1900 so sánh được với những xã hội này về phương diện tăng tiến phúc lợi chung để cho càng ngày càng có nhiều người có điều kiện hơn để tạo dựng cho họ đời sống đàng hoàng tử tế của con người. Những xã hội này chắc chắn không phải là những xã hội toàn hảo-chỉ đơn giản là chúng tốt hơn, rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với những xã hội tước đoạt sự tự do của người dân và để mặc họ trong nghèo khổ và [chịu đựng] những điều kiện bất nhân của dốt nát và bệnh tật. Điều tôi mới trình bày đã được xác nhận rõ ràng. Nếu ta lấy 1900 làm mốc thời gian trong lịch sử, tôi nghĩ ta có thể nói rằng đó là lằn ranh đánh dấu sự chuyển tiếp từ những xã hội mà đa số người dân sống trong áp bức sang những xã hội mà thành phần bị áp bức tương đối ít hơn. Ta có thể suy diễn từ lằn ranh tiến bộ này không? Ta có thể hy vọng có xã hội trong tương lai mà sẽ tạo những điều kiện ngoại tại nhằm thăng tiến đời sống tốt đẹp cho tất cả mọi người và không có trường hợp ngoại lệ nào hết không? Tôi hy vọng quý vị sẽ, như tôi, được hấp dẫn bởi sự suy diễn này, mà trả lời một cách khẳng quyết là có! Nông Duy Trường chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, July 2015 Nguồn: http://www.themoralliberal.com/2012/10/23/philosophy-and-the-good-life/ [1] Mạng lệnh tuyệt đối (categorical imperative) do Immanuel Kant đề xướng là bổn phận đạo đức vô điều kiện, dựa trên lý tính, mà con người phải tuân theo trong mọi trường hợp bất kể mục đích hay khuynh hướng như thế nào [ND].

Yếu Tố Để Thành Công Đinh Đức Hữu

Dịp này, chúng ta bàn tới yếu tố thành công có tính cách phổ thông, có thể áp dụng cho mọi người. Đó là: Suy nghĩ cho thật kỹ để hiểu rõ mình muốn đạt được mục đích cao nhất đời mình là gì? Luyện tập và khai phá khả năng lãnh đạo, chỉ huy và óc sáng tạo. Khả năng tổ chức và dụng nhân. Đời người chuyển động không ngừng từ khi chào đời tới lúc chết. Nên chúng ta có thể hình dung đời người như một chuyến du hành có khởi điểm, có đường đi và đích tới. Thử hỏi nếu chuyến du hành đó không có bản đồ cũng không biết mình đi đâu thì chắc chắn sẽ lạc đường hoặc không bao giờ tới đích được. Đời người cũng thế, biết bao nhiêu người đã chần chừ không quyết định vẽ cho mình một bản đồ trong đó mô tả những nét chính của cuộc đời mình như lựa chọn ngành học, tạo lập gia đình, kế hoạch làm việc và từng mục tiêu mình muốn chiếm lĩnh. Rồi thời gian trôi đi mà không nhắc nhở và chờ đợi, tới lúc giật mình nhìn lại thấy mình hụt hẫng, nhụt chí và sinh hoài nghi giống như người lái xe đường xa, lạc trên xa lộ. Lấy ví dụ có nhiều sinh viên khi bắt đầu đại học, họ không có quyết định dứt khoát là học ngành gì, nên phải đổi nhiều lần, vừa mất thời gian quí báu khiến mất đà ngay lúc đầu. Hay có những trường hợp chán nản buông xuôi và bỏ hẳn cơ hội tốt nghiệp đại học. Nhiều bạn sau khi ra trường đi làm và vì không vạch cho mình mục tiêu và kế hoạch hành động nên cứ để mặc cho tình thế xoay vần. Rồi chỉ ba bốn năm sau mình thụ động, cứ loanh quanh công việc thông thường mà không lăn xả vào công việc khó nhiều trách nhiệm, mất đi cơ hội đưa ta vào vị trí chỉ huy. Đây là thời gian nguy hiểm nhất vì nếu không mau chóng thay đổi kịp thời để nhận định tình thế riêng mình, để có kế hoạch hướng về sự thành công, chúng ta sẽ tự biến mình thành người an phận. Sau đó suy diễn để tự bào chữa cho thất bại của mình như bị kỳ thị, mình không có thần thế bằng người kia hay mình thiếu khả năng hơn người khác. Để công việc chúng ta làm mang đến thành công bắt buộc công việc đó phải liên tục và kết chặt lại, hỗ tương cho nhau như trên một bàn cờ tướng và từ thành công này tiếp trợ cho thành công kế tiếp và bộ óc sáng suốt của chúng ta liên tục điều khiển các công việc đang làm dựa vào kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng cho tương lai. Người mình thường nói ông bà ấy có đường lối, người Mỹ gọi người đó là có Vision hay có road map cho hoạt động của họ. Bản đồ đời người do chính bộ óc của ta soạn thảo và linh động chuyển đổi từng ngày để đạt đến từng mục tiêu. Mục đích đời người của mỗi người khác, có mục tiêu ngắn hạn dài hạn, lớn nhỏ, dễ khó cần phải xác định rõ rệt thì chúng ta mới có động lực để đi tới. Người thợ giỏi phải miệt mài học hỏi làm việc có kế hoạch mới giỏi được. Buôn bán thành công cần có hiểu biết cặn kẽ thương trường, biết rõ ý muốn khách hàng, sẵn sang cạnh tranh với bạn hàng và phải luôn làm mới, làm rẻ.

Chủ nghĩa cá nhân và tự do: Các trụ cột quan trọng của cộng đồng chân chính EDWARD YOUNKINS 01/01/1998

Edward Younkins là một giáo sư về kế toán và quản trị kinh doanh tại Đại học Dòng Tên Wheeling, Wheeling, West Virginia. Chủ nghĩa cá nhân là quan điểm cho rằng mỗi người đều có ý nghĩa đạo đức và một số quyền nhất định [mà các quyền đó] hoặc có nguồn gốc thiêng liêng hoặc vốn có trong bản chất con người. Mỗi cá nhân tồn tại, nhận thức, trải nghiệm, suy nghĩ, và hành động qua cơ thể và đầu óc của mình và do đó [những hành vi này phát xuất] từ những điểm đơn nhất trong thời gian và không gian. Cá nhân có khả năng lý luận độc đáo và sáng tạo. Các cá nhân có thể có quan hệ với nhau nhưng sự suy nghĩ đòi hỏi người suy nghĩ độc nhất và đặc thù. Người theo chủ nghĩa cá nhân nhận trách nhiệm suy nghĩ cho bản thân, cho hành động dựa trên suy nghĩ của mình, và để đạt được hạnh phúc của riêng mình. Tự do là điều kiện tự nhiên của cá nhân. Từ khi sinh ra, mỗi người đều có tiềm năng để suy nghĩ những suy nghĩ của riêng mình và kiểm soát năng lượng của riêng mình trong nỗ lực hành động theo những suy nghĩ đó. Mọi người có thể bắt đầu thực hiện hành động có chủ đích khi họ được tự do không bị những hạn chế nhân tạo - khi không có sự cưỡng ép bởi các cá nhân khác, các nhóm người, hoặc chính quyền. Tự do không phải là khả năng đạt được những gì chúng ta mong muốn. Những trở ngại phi nhân tạo như sự thiếu khả năng, trí thông minh, hoặc các nguồn lực có thể dẫn đến kết quả là không đạt được các mong muốn. Tự do có nghĩa là sự vắng bóng của các ràng buộc cưỡng chế; tuy nhiên, nó không có nghĩa là sự vắng bóng của tất cả các ràng buộc. Theo đó, tự do là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ, để được hạnh phúc. Hạnh phúc cá nhân có thể được định nghĩa là những trải nghiệm cảm xúc có ý thức tích cực đi kèm hay xuất phát từ việc sử dụng tiềm năng của con người, bao gồm cả tài năng, khả năng và đức tính của cá nhân. Ý thức rằng mình là thành viên của cộng đồng do mình tự do lựa chọn là một thành tố quan trọng của hạnh phúc. Chủ nghĩa cá nhân không cho rằng một cộng đồng hay một xã hội có sự tồn tại ngoài các cá nhân tạo nên nó. Một cộng đồng hay xã hội là một tập hợp các cá nhân, đó không phải là một vật thể cụ thể hoặc một sinh vật sống khác biệt với các thành viên của nó. Sử dụng thuật ngữ trừu tượng như "cộng đồng" hay "xã hội" là để chỉ những người nào đó chia sẻ các đặc tính đặc thù và có liên quan với nhau theo những cách có thể định rõ. Không có những điều như ý chí chung, trí tuệ tập thể, phúc lợi nhóm; chỉ có ý chí, lý trí, và hạnh phúc của mỗi cá nhân trong một nhóm. Một cộng đồng hay một xã hội chỉ đơn giản là sự liên kết giữa các cá nhân nhằm hợp tác hành động. Hành động của nhóm hợp tác là một chức năng của những nỗ lực tự định hướng và tự khởi xướng của từng người trong nhóm. Mặc dù, xét theo tính trừu tượng, cá nhân có vai trò chính yếu (và cộng đồng có vai trò thứ yếu và phụ thuộc), nhưng cộng đồng có vai trò quan trọng vì người ta cần có cộng đồng để đạt được tiềm năng hạnh phúc của mình. Các mối quan hệ xã hội có giá trị thiết yếu cho sự thỏa mãn các ước muốn phi xã hội của cá nhân; sự liên kết [giữa các cá nhân] cần thiết cho sự hưng thịnh. Một trật tự chính trị tự do tôn trọng các quyền tự nhiên và cho phép tự do cá nhân [là một trật tự] nuôi dưỡng tốt nhất sự hình thành các cộng đồng tự nguyện qua đó người dân lựa chọn sống theo các giá trị chung được lựa chọn một cách tự do. Cộng đồng đích thực là cộng đồng được tự do lựa chọn. Gán tầm quan trọng chính yếu cho cá nhân không làm giảm giá trị của sự hợp tác xã hội. Con người không chỉ là các cá nhân riêng biệt mà còn là các thực thể xã hội. Hành động hợp tác tạo cơ hội cho sự tăng trưởng và mang lại các lợi ích mà các cá nhân tách biệt không thể đạt được. Tính duy lý cho phép một người hợp tác và giao tiếp với người khác. Trong một xã hội tự do, mọi người tham gia các hoạt động hợp tác xã hội một cách tự nguyện. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân cung cấp cơ sở lý thuyết tốt nhất cho một cộng đồng đích thực, nghĩa là [một cộng đồng] xứng đáng với cuộc sống con người. Các mối quan hệ tự nguyện và cùng có lợi giữa các cá nhân tự chủ là điều thiết yếu cho việc đạt được các cộng đồng đích thực. Sự độc đáo và giá trị của cá nhân được khẳng định khi những cá nhân tạo nên cộng đồng đó tự nguyện trở thành thành viên của cộng đồng. Chủ nghĩa cá nhân và sự độc lập khai phóng các mối quan hệ tương thuộc giữa con người với nhau. Trong cuốn sách bán chạy gần đây "Bảy thói quen của người thành đạt," Stephen Covey nhận xét rằng sự tương thuộc là một lựa chọn mà chỉ những người độc lập mới có thể thực hiện. Một người tích cực, trọng nguyên tắc, định hướng giá trị, tổ chức và thực hiện các ưu tiên cuộc sống của mình với tính chính trực là người có khả năng xây dựng các mối quan hệ phong phú, lâu dài và hiệu quả với những người khác. Sự độc lập thực sự về tính cách cho phép cá nhân tác động chứ không phải là bị tác động. Sự độc lập đòi hỏi anh ta phải hợp nhất các nguyên tắc (đức hạnh) nhất định vào bản chất của mình, chẳng hạn như tính chính trực, lòng can đảm, sự công minh, sự trung thực và sự công bằng. Con người trong các mối quan hệ tương thuộc kết hợp nỗ lực của riêng họ với nỗ lực của những người khác để đạt được thành công và hạnh phúc lớn hơn. Họ là những người tự lực cánh sinh và có khả năng, những người nhận ra rằng có thể thực hiện được nhiều điều hơn bằng cách làm việc cùng nhau thay vì làm việc một mình. Họ lựa chọn chia sẻ bản thân, học hỏi, hiểu biết, và yêu thương những người khác, và do đó có được các nguồn lực và tiềm năng của những người khác. Cộng đồng chân chính tôn trọng vai trò chính yếu của những người tự do Tự do, công lý, đức hạnh, nhân phẩm, và hạnh phúc - tất cả đều phải được định nghĩa bằng ngôn từ của cá nhân; tuy nhiên, việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân sẽ xảy ra hầu như luôn luôn và một cách tự nhiên trong các cộng đồng. Con người, như các cá nhân, có các nhu cầu không thể được đáp ứng, trừ khi thông qua hợp tác với những người khác, hay con người không thể đạt được sự thỏa mãn [các nhu cầu] trong tình trạng cô lập. Một cộng đồng chân chính tôn trọng những người tự do. Các cộng đồng đích thực xuất hiện khi mọi người được tự do thành lập các hiệp hội tự nguyện để theo đuổi lợi ích cá nhân và lợi ích chung của họ. Sự tôn trọng đối với các cá nhân tự nó đã có nghĩa là phải có sự tôn trọng đối với các hình thức liên kết mà họ lựa chọn cho mục đích đó. Các cá nhân không bắt đầu ở trong tình trạng cô lập - mà tồn tại là để cùng tồn tại. Sự ra đời của cá nhân, theo tự nhiên, diễn ra trong gia đình bao gồm cha mẹ, anh chị em, ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em họ. Những thành viên trong gia đình, đến lượt họ, là thành viên trong một loạt các cộng đồng và các hiệp hội tự nguyện. Trong một xã hội tự do, cá nhân có xu hướng thuộc về nhiều cộng đồng khác nhau cùng một lúc. Ở các mức độ khác nhau, mỗi cá nhân đồng nhất với các cộng đồng đặc thù mang tính gia đình, tôn giáo, địa lý, nghề nghiệp, chuyên môn, việc làm, dân tộc, chủng tộc, văn hóa, xã hội, chính trị, hoặc các cộng đồng khác. Các cộng đồng đó thường, nhưng không nhất thiết [lúc nào cũng vậy], có tính chất cục bộ và bị giới hạn chặt chẽ về kích thước, được đo bằng số lượng người mà một cá nhân có thể có sự quen biết và mối quan hệ, và chia sẻ lợi ích chung mà họ có thể công nhận. Các tiến bộ công nghệ đang diễn ra trong truyền thông và giao thông vận tải tăng cường khả năng của mọi người trong việc lựa chọn các cộng đồng đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu và các nguyện vọng của mình. Sự can thiệp tối thiểu của chính quyền cho phép cộng đồng chân chính phát triển Sự cùng gắn kết của các công dân trong các cộng đồng và các hiệp hội tự nguyện cho phép họ duy trì sự độc lập với nhà nước. Cuộc sống trong các cộng đồng tự do lựa chọn tốt cho con người hơn cuộc sống như một cá nhân tách biệt trong một quốc gia lớn. Những người hoài nghi quyền lực nhà nước ủng hộ sự hiện diện của càng nhiều càng tốt các nhóm tự nguyện trung gian giữa nhà nước và các cá nhân - các tổ chức trung gian này giúp các cá nhân thực hiện các mục tiêu của họ một cách tự do hơn và hoàn thiện hơn. Nguyên tắc bổ trợ cho rằng nhà nước nên giới hạn các hoạt động của mình trong phạm vi mà các cá nhân và các hiệp hội tư nhân không thể thực hiện một cách hiệu quả mà thôi. Các quyết định được thực hiện một cách khôn ngoan nhất bởi các cá nhân và các tổ chức địa phương gần gũi nhất với những gì diễn ra hàng ngày và có ảnh hưởng trực tiếp tới họ, và bởi thực thể cấp cao nhất kế tiếp chỉ khi các thực thể ở các cấp thấp hơn không có đủ khả năng. Sự bổ trợ cho phép các cá nhân tự do phát triển mạnh trong cộng đồng đích thực mà không có sự can thiệp của nhà nước. Mục đích của nhà nước không phải là giúp đỡ mọi người về mặt vật chất hoặc tinh thần để theo đuổi những viễn tưởng của họ về hạnh phúc - đó là vai trò của các cá nhân, các cộng đồng, và các hiệp hội tự nguyện khác. Chức năng thích hợp của nhà nước không gì hơn là bảo vệ người dân trong việc theo đuổi hạnh phúc của họ. Điều này đơn giản có nghĩa là ngăn chặn sự can thiệp của các thực thể khác. Vì những chính quyền năng động với phạm vi hoạt động rộng gây hại cho sự hình thành và hoạt động của các cộng đồng tự nguyện, nên sự ra đời của các cộng đồng như thế được thuận lợi khi phạm vi hoạt động của nhà nước là tối thiểu, nghĩa là, nhà nước vận hành trong các ràng buộc của chủ nghĩa cá nhân tự do. Các mối quan hệ cá nhân phong phú và hữu ích dựa trên sự hợp tác tự nguyện và trợ giúp lẫn nhau hiện diện đầy rẫy trong những hệ thống tối thiểu và được xây dựng trên quyền [của cá nhân]. Sự tự do của các cá nhân là một điều kiện cần cho sự hình thành và sức sống của các cộng đồng chân chính. Nguyễn Thu Hương chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, June 2015 Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/individualism-and-freedom-vital-pillars-of-true-communities

Ludwig Von Mises: Kinh tế gia, Triết gia, Nhà Tiên tri

Ghi chú của chủ biên: Ngày 29 tháng 9 là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 130 của Ludwig von Mises, kinh tế gia lỗi lạc người Áo, bênh vực cho chủ nghĩa tự do cổ điển và là cố vấn cho Tổ chức Giảng dậy Khoa Kinh tế (Foundation for Economic Education, FEE). Dưới đây là một số bài của Mises đăng trên Tập san The Freeman trong những năm qua. Thị trường Người ta thường nói một cách bóng bẩy về các lực vô danh và tự động khởi động "cơ chế" thị trường. Nói như vậy là không để ý tới sự kiện là những yếu tố duy nhất chỉ huy thị trường và quyết định giá cả là những hành động có chủ đích của con người. Không có gì là tự động cả, chỉ có con người cố ý một cách có ý thức để nhắm vào các mục đích đã lựa chọn. Thị trường là một quần thể xã hội, nó là một quần thể xã hội tiên tiến. Mỗi người trong khi hành động đều phục vụ cho những người đồng loại. Ngược lại, người nào cũng được phục vụ bởi các người đồng loại khác. Mỗi người tự mình vừa là phương tiện và vừa là cứu cánh cuối cùng cho chính mình và là phương tiện cho những người khác trong khi họ cố gắng đạt tới cái mục đích riêng của họ. Mỗi người đều có tự do, không có ai bị chi phối bởi một bạo chúa. Mỗi một cá nhân tự mình hoà nhập vào một hệ thống hợp tác. Thị trường hướng dẫn họ và cho họ thấy con đường mà họ phải theo để cho sự an sinh của họ cũng như sự an sinh của các người khác được tốt hơn. Thị trường là tối thượng. Chỉ có thị trường mới có thể đặt hệ thống xã hội vào vòng trật tự và cho hệ thống xã hội đó một ý nghĩa. Thị trường không phải là một nơi chốn, một vật hay là một thực thể tập thể. Thị trường là một diễn trình, được khởi động bằng sự giao tiếp của các hành động của những người khác nhau cộng tác với nhau theo sự phân công về lao động. Những hành động cá nhân được trao đổi nhiều lần đã từng bước tạo ra thị trường, với sự tiến triển trong sự phân công lao động trong xã hội dựa theo tài sản tư. Những sự trao đổi như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu mỗi một thành phần trong cuộc trao đổi đó đánh giá phần mà họ nhận được lớn hơn phần mà họ cho đi. Tính chất có thể phân chia hầu như vô hạn của tiền tệ khiến cho có thể ấn định các tỷ số trao đổi một cách rất tốt đẹp. Diễn trình thị trường rất rõ ràng và không thể phân chia được. Diễn trình này là một sự hội nhập các hành động và các phản ứng không thể tách rời nhau ra được. Nhưng vì khả năng suy nghĩ của chúng ta không đầy đủ cho nên bắt buộc chúng ta phải chia diễn trình đó ra thành từng phần và phân tích các phần đó một cách riêng biệt. Khi phải dùng tới sự phân chia nhân tạo như vậy, chúng ta không được quên rằng sự hiện diện hầu như tự động của các phần này là do sự tưởng tượng của chính chúng ta. Nó chỉ là những phần riêng lẻ, nghĩa là những phần đó không thể nào hiện hữu ngoài cơ cấu mà những phần đó trực thuộc. Một kinh tế thị trường như vậy sẽ không bị giới hạn bởi các biên giới về chính trị. Địa bàn hoạt động của nó là thế giới. Thị trường khiến cho người ta trở nên giàu hay nghèo, nó xác định ai là người sẽ quản lý những cơ sở sản xuất lớn và ai là người sẽ chỉ làm việc rửa cọ sàn nhà, nó xác định sẽ cần bao nhiêu người để làm việc trong một mỏ đồng và bao nhiêu người sẽ chơi nhạc trong một ban nhạc hoà tấu. Không có một quyết định nào không bao giờ thay đổi; trái lại, những quyết định đều được hủy bỏ hay thu hồi mỗi ngày. Diễn trình lựa chọn này không bao giờ ngưng. Việc đặt mỗi người vào một chỗ thích hợp trong xã hội là nhiệm vụ của người tiêu thụ. Những sự mua hay không mua của họ có vai trò ấn định vị thế xã hội cho từng cá nhân. Rốt cuộc, người tiêu thụ ấn định không những giá cả của những món hàng tiêu thụ mà còn ấn định cả giá cả của những yếu tố sản xuất. Những người tiêu thụ ấn định thu nhập của từng người trong thị trường kinh tế. Chính người tiêu thụ, chứ không phải người kinh doanh, cuối cùng sẽ là người trả lương cho từng công nhân, từ ngôi sao màn bạc kiều diễm đến những người bán than tầm thường. Quả thực là trong thị trường không phải người tiêu thụ nào cũng có những quyền biểu quyết như nhau. Người giàu có quyền bỏ phiếu nhiều hơn người nghèo. Nhưng sự bất công bằng này chính nó cũng là kết quả của một diễn trình bầu phiếu trước. Nếu một nhà doanh nghiệp không nghiêm túc tuân theo những lệnh của công chúng được chuyển tới ông ta qua giá cả của thị trường, thì nhà doanh nghiệp này sẽ bị thua lỗ, ông ta sẽ bị vỡ nợ. Những người khác đã đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của người tiêu thụ sẽ thay thế ông ta. Những người tiêu thụ khiến cho người nghèo trở nên giàu, và người giàu lại thành ra nghèo. Người tiêu thụ quyết định một cách chính xác những gì cần phải sản xuất, phẩm chất ra làm sao và số lượng là bao nhiêu. Họ là những ông chủ khắt khe, luôn luôn thay đổi và không thể đoán trước được. Họ không đếm xỉa gì tới những điều tốt trong quá khứ hay là những quyền lợi sẵn có. Giá cả thị trường cho người sản xuất biết phải sản xuất những gì, sản xuất như thế nào và sản xuất bao nhiêu. Thị trường là tiêu điểm để các hoạt động của cá nhân hướng vào. Nó cũng là trung tâm để từ đó các hoạt động của cá nhân phát ra. Kinh tế thị trường, còn gọi là chủ nghĩa tư bản, và kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể đi đôi với nhau. Không thể pha trộn được hai hệ thống này với nhau. Không có cái gì gọi là một nền kinh tế vừa xã hội chủ nghĩa vừa tư bản. Thị trường kinh tế là một sản phẩm của một diễn trình tiến triển lâu dài. Nó là một sách lược mà con người đã tiến bộ và áp dụng để tiến từ tình trạng hoang sơ tới văn minh. Hành vi học (Praxeology) Không còn có thể xác định rõ rệt biên giới giữa các hoạt động ở trong khoa học kinh tế theo nghĩa hẹp với các hoạt động khác. Con người hành động luôn luôn quan tâm tới vấn đề "vật chất" và vấn đề "lý tưởng". Con người đó chọn trong số nhiều sự lựa chọn khác nhau. Dù các sự lựa chọn đó được coi là vật chất hay lý tưởng cũng không quan trọng. Lý thuyết tổng quát về sự lựa chọn rộng hơn là lý thuyết về "khía cạnh kinh tế" của nỗ lực của con người và sự phấn đấu của họ để có các sản phẩm và để cải thiện đời sống vật chất. Đó là một khoa học cho tất cả mọi loại hành động của con người. Hành động lựa chọn chi phối tất cả các quyết định của con người. Từ khoa kinh tế chính trị của trường phái cổ điển đã xuất hiện một lý thuyết tổng quát về hành động con người, gọi là hành vi học. Những vấn đề kinh tế hay những vấn đề về sự trao đổi và lựa chọn[2] (catallactic problems) được gắn liền với một khoa học tổng quát hơn, và không thể nào tách rời ra được. Không có một sự tìm hiểu nào về các vấn đề kinh tế mà lại không bắt đầu bằng việc tìm hiểu về hành động lựa chọn. Khoa kinh tế học, mặc dầu cho tới nay là phần đã được khai triển nhiều nhất, đã trở thành một phần của một khoa học có tính cách tổng quát hơn, đó là hành vi học. Hành vi học - và do đó kinh tế học - là một khoa học diễn dịch. Lý luận chặt chẽ của khoa học này xuất phát từ các sự suy diễn, từ các loại hoạt động. Không có một định lý kinh tế nào được coi là có giá trị nếu nó không dựa trên cơ sở một diễn trình lập luận hoàn toàn chặt chẽ. Một lời trình bầy không dựa vào suy luận chặt chẽ thì hoàn toàn có tính cách võ đoán và thiếu vững chắc. Không thể nào bàn về một khía cạnh của khoa kinh tế nếu chúng ta không đặt nó trong một hệ thống hoạt động tổng quát. Các khoa học thực nghiệm khởi đầu từ các sự kiện riêng lẻ và tiến từ cái độc nhất, cái cá thể tới những điều có tính cách phổ quát hơn . Việc trình bày các khoa học này dễ bị chuyên môn hoá. Các khoa học thực nghiệm đó có thể trình bầy từng phân đoạn mà sao lãng cái tổng thể. Các nhà kinh tế không bao giờ được là một người chuyên môn. Khi xem xét bất cứ một vấn đề gì nhà kinh tế phải nhìn vào tổng thể. Khi nói về các luật thiên nhiên chúng ta phải nhớ rằng có một sự liên hệ không thể lay chuyển được giữa các hiện tượng vật lý và hiện tượng sinh lý, và con người hành động phải tuân theo cái sự liên hệ thường xuyên đó nếu họ muốn thành công. Khi nói về những luật của các hành động của con người thì chúng ta nói tới sự kiện không thể lay chuyển được là sự liên hệ của các hiện tượng luôn luôn có ở trong môi trường hoạt động của con người, và con người phải nhận ra hiện tượng thường xuyên đó nếu họ muốn thành công. Trong khoa vật lý, chúng ta phải đối diện với sự thay đổi ở trong các hiện tượng cảm quan. Chúng ta phát hiện ra tình trạng thường xuyên qua diễn trình của sự thay đổi này và các điều quan sát này đưa chúng ta tới việc thành lập khoa vật lý. Trong hành vi học, sự kiện đầu tiên mà chúng ta biết là con người cố ý hoạt động nhằm đưa ra một vài sự thay đổi. Chính sự nhận biết đó tạo thành chủ đề của khoa hành vi học và khiến cho khoa hành vi học khác hẳn với chủ đề của khoa học thiên nhiên. Chúng ta biết những lực ở phía sau sự thay đổi, và kiến thức tiên nghiệm này giúp chúng ta nhận định ra được diễn trình của hành vi học. Nhà vật lý học không biết điện năng "là gì", ông ta chỉ nhìn thấy những hiện tượng đi đôi với cái mà người ta gọi là điện. Nhưng kinh tế gia biết điều gì đã phát động diễn trình của thị trường. Chính nhờ có sự hiểu biết này mà ông ta có thể phân biệt những hiện tượng của thị trường với những các hiện tượng khác và do đó có thể mô tả được diễn trình của thị trường. Khoa hành vi học là một khoa chuyên về lý thuyết và có hệ thống. Nó không phải là khoa học dựa trên các sự kiện đã xảy ra. Những nhận định và giả thuyết của khoa hành vi học không xuất phát từ kinh nghiệm. Những sự kiện và những giả thuyết đó cũng giống như khoa luận lý và khoa toán đều có tính cách tiên nghiệm. Những sự kiện và nhận định đó không có thể xác định hoặc bác bỏ dựa trên kinh nghiệm hay sự kiện. Những điều giảng dậy trong khoa học hành vi học và kinh tế học có giá trị với tất cả các hành động của con người mà không để ý gì tới các động cơ, các nguyên nhân, các mục đích ở phía sau hành động. Những sự đánh giá tối hậu và những mục đích tối hậu của hành động con người được coi là một điều đương nhiên phải có trong bất cứ một sự tìm hiểu khoa học nào; và những hành động này không thể nào phân tích sâu xa hơn nữa. Khoa hành vi học chú trọng vào những cách thức lựa chọn để đạt được các mục đích tối hậu đó. Chủ đề của khoa hành vi học là phương pháp chứ không phải là mục đích Chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất áp dụng cho khoa hành vi học là phương pháp đó có thích hợp hay không thích hợp cho mục đích muốn thực hiện. Chỉ có những người điên rồ mới không tôn trọng những luật của vật lý và sinh lý. Nhưng người ta lại rất coi thường cái luật của khoa hành vi học. Các nhà cai trị cho là quyền lực của họ không bị giới hạn bởi bất cứ một luật nào ngoài luật vật lý và sinh lý. Họ không bao giờ chịu nhận là sự thất bại của họ và những sự bức xúc của họ là do đã vi phạm luật về kinh tế. Lời và lỗ Tiền lời là cái lực thúc đẩy kinh tế thị trường. Tiền lời càng lớn bao nhiêu thì nhu cầu của người tiêu thụ càng được đáp ứng bấy nhiêu. Bởi vì tiền lời chỉ có thể có được bằng cách làm mất sự sai biệt giữa nhu cầu của người tiêu thụ và tình trạng sản xuất trước đó. Người nào phục vụ dân chúng tốt nhất thì sẽ có lời nhiều nhất. Khi ngăn chặn sự thu lời thì chính phủ đã cố ý phá hoại sự hoạt động của kinh tế thị trường. Tiền lời của những người đã sản xuất hàng hoá và dịch vụ mà người mua tranh nhau để mua không gây ra sự lỗ vốn cho những người đã đưa vào thị trường những hàng hoá mà công chúng không muốn trả hết tất cả những chi phí sản xuất của món hàng đó. Sự lỗ vốn này xẩy ra do sự thiếu hiểu biết trong khi ước lượng tình trạng thị trường tương lai và nhu cầu tương lai của người tiêu thụ. Trong nền kinh tế thị trường không có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa người mua và người bán. Có những sự bất lợi tạo ra bởi vì thiếu sự tiên liệu. Nếu tất cả mọi người và nếu tất cả các thành viên của xã hội thị trường có thể tiên liệu được tất cả điều kiện tương lai đúng lúc và hành động đúng thì đó là một điều hạnh phúc chung cho mọi người. Tuy nhiên con người không thể biết được hết tất cả mọi sự. Nhìn những vấn đề này dưới phía cạnh đố kỵ hay ghen ghét là điều sai. Nếu cắt giảm mức lời để làm lợi cho những người đã bị thua thiệt do các sự thay đổi về các sự kiện, thì sự điều chỉnh giữa cung và cầu sẽ không trở nên tốt hơn mà lại còn bị hư hại. Nếu ta ngăn cản không cho các bác sĩ đôi khi được thù lao cao, thì chúng ta sẽ không gia tăng mà lại còn giảm đi số những người chọn nghề y sĩ. Lời và lỗ thuận lợi cho một số người trong xã hội và bất lợi cho một số người khác. Do đó người ta kết luận là lợi cho người này thì hại cho người khác; và còn nói rằng là không ai có thể có lời nếu không có những người khác bị lỗ. Giáo điều này là cơ sở cho những học thuyết mới, cho rằng trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, có một sự mâu thuẫn bất khả phân giải về quyền lợi của quốc gia này với các quốc gia khác. Điều này hoàn toàn sai đối với sự lời và lỗ trong công cuộc kinh doanh. Tiền lời của một người kinh doanh trong một thị trường không bị gò bó không gây ra tình trạng khó khăn hay khổ sở cho những người khác trong xã hội. Thực ra là người thâu lời đó đã giúp để giảm bớt một phần hay là làm mất đi những điều gây ra sự khổ sở của các người khác trong xã hội. Điều làm cho người bệnh phải khổ sở là căn bệnh chứ không phải là người y sĩ chữa cho khỏi bệnh. Những điều lợi của người bác sĩ không phải là do có bệnh dịch mà là do bác sĩ đã giúp những người bị bệnh. Tổng số lời lớn hơn tổng số lỗ là dấu hiệu cho thấy có tiến triển kinh tế và có cải thiện mức sống cho tất cả tầng lớp dân chúng. Mức lời càng lớn hơn mức lỗ thì tình trạng phồn vinh cho tất cả mọi người càng lớn. Mức lời cũng như mức lỗ trong sự kinh doanh là những hiện tượng cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Không thể có kinh tế thị trường nếu không có lời và lỗ. Nói "mức lời bình thường" là vô nghĩa. Mức lời không có liên hệ hay tùy thuộc gì tới tiền vốn mà người doanh nhân bỏ ra. Vốn tự nó không có thể "sinh lời" được. Lời và lỗ hoàn toàn bị chi phối bởi sự thành công hay sự thất bại của doanh nhân trong việc thích ứng sản xuất theo nhu cầu của người tiêu thụ. Mức lời doanh nghiệp không bền vững mà chỉ có tính cách nhất thời. Bất lúc nào cũng có tiềm tàng một khuynh hướng khiến cho lời và lỗ mất đi. Chức năng kinh doanh, tức là nỗ lực kiếm lời của doanh nhân, là lực thúc đẩy nền kinh tế thị trường. Lời và lỗ là hai cái công cụ để người tiêu thụ thể hiện cương vị tối cao của họ trong thị trường. Hành động của người tiêu thụ phát sinh ra lời và lỗ, và do đó chuyển quyền sở hữu của các phương tiện sản xuất từ những người làm việc không công hiệu sang tay những người làm việc có hiệu quả hơn. Sản xuất để kiếm lời nhất thiết phải là sản xuất để dùng, vì tiền lời chỉ có thể kiếm được bằng cách cung cấp cho người tiêu thụ những vật mà họ cần dùng nhất. Tiền Tiền là một vật trung gian để trao đổi. Vật trung gian để trao đổi là một vật người ta muốn có không phải để tiêu thụ hay để dùng vào sản xuất nhưng để sẽ trao đổi nó lấy những loại hàng hoá mà họ muốn dùng để tiêu thụ hay để sản xuất. Không gì có thể can dự vào chức năng của vật trung gian để trao đổi mà trước đó nó đã có giá trị như một món hàng kinh tế và đã được người ta cho một trị giá trao đổi trước khi được dùng làm vật trung gian. Tiền thường được nhận và được dùng làm vật trung gian để trao đổi. Đây là chức năng duy nhất của tiền. Những chức năng khác mà người ta gán cho tiền đều là những khía cạnh đặc biệt của cái chức năng tiên khởi và duy nhất này, đó là một vật để trao đổi. Những gì được dùng làm tiền đều là những sản phẩm đã được dùng với những mục đích không phải là tiền. Dưới hệ thống kim bản vị thì vàng là tiền và tiền là vàng. Không có gì quan trọng khi luật pháp ấn định tính chất lưu hành pháp định cho những đồng tiền vàng của chính phủ phát hành. Điều quan trọng là những đồng tiền vàng này phải có một trọng lượng vàng cố định, và bất cứ một số lượng vàng thỏi nào cũng có thể được chuyển thành những đồng tiền vàng. Dưới hệ thống kim bản vị đồng đô-la và đồng pound sterling chỉ là những tên để gọi cho một trọng lượng nhất định nào về vàng. Chúng ta gọi đó là tiền ấn định theo sản phẩm. Một loại tiền thứ hai là tiền tín dụng. Tiền tín dụng phát xuất từ việc dùng những vật để thay thế cho tiền. Tiền tín dụng thường là một tờ giấy giao ước. Giấy giao ước này phải hoàn toàn bảo đảm được trả bằng tiền khi có người đòi; tiền tín dụng được coi như là thay thế cho số tiền đã định trong lời giao ước. Khi những lời giao ước tới hạn đều được trả sòng phẳng bởi chủ nợ và món nợ được thu hồi không cần báo trước và không tốn kém gì thì trị giá trao đổi của nó cũng bằng trị giá ghi trong lời giao ước. Lúc đó tiền tín dụng hoàn toàn có giá trị như tiền và có thể thay thế cho tiền. Tiền pháp định là tiền chỉ có tính cách tượng trưng, không thể dùng vào các mục đích công nghiệp và cũng không để dùng để đòi nợ bất cứ người nào. Điểm quan trọng cần phải nhớ là đối với mọi loại tiền, khi đã bị mất tính chất tiền tệ , tức là khi đã không dùng nó làm phương tiện trao đổi nữa, thì kết quả tất hữu là trị giá trao đổi của nó sẽ bị mất đi rất nhiều. Trong lịch sử có nhiều loại sản phẩm đã được làm vật trung gian để trao đổi. Sau một thời kỳ tiến triển dài phần lớn các sản phẩm đó đã được loại bỏ và không còn chức năng tiền tệ nữa. Chỉ còn có hai loại sản phẩm, tức là hai kim loại quý là vàng và bạc, thì vẫn còn giá trị tiền tệ. Trong hậu bán thế kỷ thứ mười chín, càng ngày càng có nhiều chính quyền cố ý hướng về việc làm cho bạc mất giá trị tiền tệ. Sự lựa chọn một sản phẩm dùng làm đơn vị trao đổi và dùng làm tiền không phải là không có ảnh hưởng gì hết. Nó xác định cái diễn trình thay đổi để tạo ra tiền mặt trong mãi lực. Vấn đề đặt ra là ai là người duy nhất có quyền làm sự lựa chọn đó: người mua người bán trên thị trường hay chính phủ? Thị trường qua một diễn trình lựa chọn, đã diễn ra hàng bao nhiêu năm, rốt cuộc đã cho hai kim loại quý là vàng và bạc có giá trị như tiền. Trong hai trăm năm qua có nhiều chính phủ đã can thiệp vào sự lựa chọn của thị trường về việc dùng tiền làm trung gian. Nhưng ngay cả những người cuồng tín chủ trương việc can thiệp của chính quyền cũng không dám nhận rằng sự can thiệp đó là có lợi. Người dịch: Song Ngọc © Học Viện Công Dân 2014 Nguồn: URL: http://www.thefreemanonline.org/features/ludwig-von-mises-economist-philosopher-prophet/ [1] Ludwig Heinrich Edler von Mises (1881 - 1973). Nhân vật lỗi lạc trong trường phái kinh tế Áo và đã đóng góp nhiều tư tưởng vào khoa hành vi học (praxeology). Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng rất nhiều vào phong trào duy tự do (libertarian movement) tại Mỹ vào giữa thế kỷ 20. [ND] [2] Khoa học về trao đổi và lựa chọn (Catallactics ) là lý thuyết hành vi học về cách hệ thống thị trường tự do ấn định các tỷ số trao đổi và giá cả. Lý thuyết này nhằm phân tích các hành động dựa trên sự tính toán về tiền và lý thuyết này theo dõi sự hình thành của giá cả tới điểm khi giá cả bắt đầu được ấn định. Lý thuyết này giải thích việc giá cả được ấn định ra sao chứ không phải ấn định giá nào là giá đúng.

Tự Do Bất Khả Phân--Tự Do Cá nhân, Tự Do Chính trị và Tự Do Kinh tế Doug Bandow

Hầu như tất cả mọi người đều vì tự do. Ít nhất là họ nói họ vì tự do. Các chính trị gia hùng hồn khi nói về các quyền tự do của nước Mỹ nói chung. Không khó để tìm thấy những người ủng hộ tự do ngôn luận và tự do dân sự. Những người ủng hộ mạnh mẽ nhất nhanh chóng đứng lên chống lại mối đe dọa đối với quyền riêng tư cá nhân. Và hầu hết mọi người bằng trực giác hiểu rằng những quyết định cá nhân và gia đình có tính cách riêng tư không thuộc về chính quyền. Nhưng khi nói đến tự do kinh tế, rất nhiều người đột nhiên thay đổi thái độ của họ. Cứ như thể tự do kinh tế không được tính đến. Thật vậy, khía cạnh này của tự do dường như đứng một mình, và dễ bị thương tổn trước quy định và kiểm soát của nhà nước. Một số trong đó - những người tuyên bố một cách nhiệt thành sự ủng hộ của họ đối với tự do - biến mất, khi quyền sở hữu, hoạt động kinh doanh, hoặc tự do của hợp đồng bị tấn công. Quản lý cuộc sống của bạn thông qua ví tiền của bạn Ngày nay, Quốc hội và các cơ quan lập pháp nhà nước quá bận rộn để tạo ra những cách thức mới hầu quản lý cuộc sống của người dân. Một số trong các điều luật có màu sắc dân chủ đó đang nhắm vào cả hai lãnh vực cá nhân và kinh tế của chúng ta. Ví dụ, "cải cách y tế trao cho chính quyền liên bang quyền kiểm soát nhiều hơn trong các quyết định y tế của cá nhân, cũng như cách thức chúng ta phải trả tiền cho các quyết định này như thế nào. Vì vậy, phần lớn những gì các nhà lập pháp làm là thao túng nền kinh tế. Họ đưa ra lý do cao thượng để biện minh, như để tạo ra công ăn việc làm, để đảm bảo sự công bằng, để xóa đói giảm nghèo. Điểm mấu chốt là gần như tất cả mọi thứ họ làm đều khiến cho chính quyền vi phạm quyền tự do kinh tế. Những người đưa ra những luật lệ này hiếm khi thừa nhận họ đang hủy bỏ tự do của bất cứ ai. Thường thì họ tự xưng là bảo vệ người tiêu dùng. Trên thực tế, giới tinh hoa chính trị đã tạo ra hai loại tự do: tự do trọng yếu và tự do kinh tế. Nếu vấn đề là về tự do chỉ trích chính phủ, quan hệ tình dục, lựa chọn bạn đời, hoặc giữ kín cuộc sống cá nhân, hầu hết chính trị gia ít nhất nói rằng các quyền tự do này là đủ quan trọng để bảo vệ. Một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc can thiệp vào nền kinh tế lập luận rằng các quyền tự do cá nhân là cơ bản, xứng đáng được tôn trọng. Ngược lại, nếu bạn đang quyết định thành lập doanh nghiệp gì, lựa chọn nghề gì, làm việc ở đâu, kiếm tiền bao nhiêu, làm việc vào giờ nào, quảng cáo ở đâu, sản xuất sản phẩm gì, thuê ai, và tiêu tiền như thế nào - thì những người cầm quyền xem các quyền tự do này là ít quan trọng hơn. Họ cho rằng, chính quyền không những được phép điều chỉnh các hoạt động thương mại khác nhau, mà còn nên làm như vậy nữa. Hướng tới những mục tiêu cao hơn Đối với hầu hết mọi người, quyền phản đối dường như cao cả hơn so với việc điều hành một doanh nghiệp hoặc kiếm sống. Tương phản với điều đó, hoạt động kinh tế có vẻ trần tục. Chọn bạn đời và quan hệ tình dục mang tính cá nhân hơn là mua một sản phẩm hoặc thuê một nhân viên. Và khả năng giữ kín cuộc sống riêng tư của một người chính là để bảo vệ cái phần "người" của một con người. [Trong khi đó,] mua và bán trên thị trường đối với nhiều người lại là chuyện thông thường. Nhưng tự do kinh tế quan trọng hơn những vẻ bề ngoài của nó nhiều. Chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ những mưu cầu "cao hơn" mà qua đó ta thực hiện các quyền tự do cá nhân và chính trị. Nhưng có lẽ không có gì căn bản hơn so với tự do cải thiện cuộc sống của chúng ta và chăm sóc cho bản thân và gia đình của chúng ta theo cách thức chúng ta thấy phù hợp. Trong suốt thế kỷ 20, chúng ta đã trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu tự do kinh tế có mang lại sự thịnh vượng kinh tế hay không. Nếu bạn mong muốn một tương lai tốt hơn, thì bạn cần có tự do kinh tế. Nhưng sự tự do kinh tế mang lại nhiều điều khác hơn là tiền bạc. Hầu hết mọi người xem công việc như là một kết quả tự nhiên của mình. Nó tạo ra thị trường mở, tưởng thưởng cho tính lương thiện, làm việc chăm chỉ, sáng tạo, cảm hứng, cũng như các đức tính thầm lặng khác. Tự do kinh tế cũng là một cơ hội để nâng cao niềm tin của chúng ta, để đạt được thành công, để mưu cầu hạnh phúc, và để phát triển như một con người. Chắc hẳn bạn sẽ sử dụng các thành quả lao động của mình để đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ các mục tiêu tốt đẹp, hoặc đầu tư có hiệu quả cho mình chứ? Thật vậy, khi bạn tốt nghiệp đại học, quyền tự do quan trọng nhất có lẽ là quyền được làm việc, để kiếm tiền và tiết kiệm. Các quyền tự do khác, chẳng hạn quyền bỏ phiếu hoặc phản đối, rõ ràng là quan trọng. Nhưng quyền tự do cấp thiết nhất liên quan đến việc lựa chọn một nghề nghiệp, hoặc ít nhất là có được một công việc. Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Bạn sẽ dành phần lớn cuộc sống của bạn cho điều gì? Bạn sẽ dành phần lớn thời giờ của bạn ở đâu? Trong [những sinh hoạt] kinh tế. Tự do kinh tế cũng có tác động lan tỏa quan trọng. Tự do trong một lĩnh vực khuyến khích nó ở các lĩnh vực khác. Ví dụ, một đồng đô la bạn không kiếm được hoặc không thể giữ được là một đồng đô la bạn không thể chi cho một mục tiêu xã hội hay chính trị cao quý. Tự do báo chí không chỉ là quyền được nói ra, mà nó còn là quyền mua những phương tiện để được nói ra. Ở một số nước, chính quyền kiểm soát việc cung cấp giấy in báo và việc tiếp cận các phương tiện truyền thông. Trong những trường hợp như vậy, các quyền tự do truyền thông phải chịu rủi ro bị bóp nghẹt. Ai cần kiểm duyệt khi người ta có thể bịt miệng các nhà phê bình qua các phương tiện kinh tế? Tuy nhiên, sự lan rộng của máy tính, máy fax, điện thoại di động và truy cập Internet làm cho các thể chế độc tài như Trung Quốc khó khăn hơn trong việc kiểm soát số dân ngày càng tăng của quốc gia này. Nói rộng hơn, sự thịnh vượng kinh tế khi được gia tăng sẽ khuyến khích người dân nồng nhiệt lưu tâm đến những quyền tự do chính trị. Nếu con của bạn đang đói, bạn lo lắng về việc cho chúng ăn. Nếu con bạn được ăn uống sung túc và khỏe mạnh, bạn có thể lo lắng về những điều xa xỉ như hỗ trợ một mục tiêu, một ứng cử viên hoặc một chiến dịch. Ở các quốc gia đã trở nên giàu có hơn như Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan, dân số tầng lớp trung lưu đã buộc giới tinh hoa chính trị cầm quyền nhượng bộ. Điều này cuối cùng có thể xảy ra ở Trung Quốc. Tự do kinh tế có ý nghĩa nhiều hơn là lợi nhuận và thua lỗ. Tự do kinh tế phù hợp trong một xã hội tự do lớn hơn trong đó các nguồn tài nguyên sẵn có một cách tự do hơn để dành cho một loạt những mưu cầu trong phạm vi khả năng của con người. Trong thế giới những nước phát triển, nhiều người từ bỏ một đời sống thương mại để đổi lấy một đời sống phụng sự hoặc chiêm niệm. Bạn có thể làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận, vào trường dòng, trở thành một sinh viên đại học vĩnh viễn, hoặc vào một tu viện. Và trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, ai cũng có thể chọn không tham gia. Nếu bạn không thích các sản phẩm hoặc dịch vụ mà một doanh nghiệp đang bán cho bạn, bạn có thể chỉ đơn giản là không chọn nó. Hoặc bạn có thể tìm một nhà cung cấp khác, như một hợp tác xã[1] chẳng hạn. Một xã hội càng giàu có thêm nhiều chừng nào, thì những loại lựa chọn đó càng sẵn có. Bất khả phân Cuối cùng, thành công kinh tế cho phép một người tận dụng đầy đủ hơn các quyền tự do khác. Kiếm được một chút và sau đó đi du lịch thế giới, học sau đại học, khởi sự một tờ báo, làm từ thiện, phát động một chiến dịch tài trợ, hoặc ủng hộ chính trị gia mà bạn chọn. Tạo một dịch vụ trực tuyến mới như Twitter hay Facebook và giúp cho các nhà bất đồng chính trị và những người biểu tình trên khắp thế giới có phương tiện đấu tranh. Hoặc dựa vào một tài khoản ngân hàng dồi dào để chuyển đổi nghề nghiệp, cho dù chỉ để chiêm ngưỡng dung nhan của bạn hoặc để giúp nhân loại. Những người có ít quyền tự do kinh tế có ít lựa chọn như thế hơn. Điều cốt lõi là gì? Đó là: tự do bất khả phân. Tự do kinh tế cũng quan trọng như tự do cá nhân hoặc tự do chính trị, vì các cá nhân, chính trị và kinh tế là các lọn của cùng một bện tóc: tự do. Vì vậy, cách duy nhất để đạt được và bảo vệ một xã hội tự do là bảo vệ tự do trong tất cả các hình thức của nó. Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ. © Học Viện Công Dân Jan 2015 Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/indivisible-liberty-personal-political-and-economic#ixzz2GT0DxGjV Doug Bandow là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Cato và là tác giả của một số sách về kinh tế và chính trị. [1] Hợp tác xã là hình thức công ty do tư nhân tự nguyện thành lập tại địa phương, khác với khái niệm hợp tác xã của chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa.

Phát Triển Kỹ Năng Nói Chuyện Trước Công Chúng

Học Viện Công Dân xin giới thiệu đến quý bạn một chương trình tự huấn luyện về kỹ năng truyền thông (communication skills) rất phổ biến và được ưa chuộng tại 90 quốc gia trên toàn thế giới; đó là chương trình ToastMaster International Toastmaster International là một tổ chức bất vụ lợi với mục đích huấn luyện về kỹ năng nói chuyện trước công chúng và các kỹ năng lãnh đạo qua một hệ thống toàn thế giới. Tổ chức này có trụ sở đặt tại Rancho Santa Margarita, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Trong bài này xin giới thiệu sơ khởi một chương trình huấn luyện căn bản tương tự như của Toastmaster International với mục đích giúp quý bạn phát triển khả năng nói chuyện trước công chúng (public speaking skill) và khả năng diễn đạt ý tưởng bởi vì kỹ năng này là chìa khóa giúp bạn đi đến thành công trong bất cứ lãnh vực nào. Nếu bạn có một nhóm bạn khoảng 10 người trở lên, cùng chung ý hướng muốn xây dựng và phát triển kỹ năng ứng đối và nói chuyện trước công chúng, chúng tôi xin giới thiệu các bạn một chương trình tự huấn luyện rất hữu hiệu theo mô thức của tổ chức Toastmaster, tự giúp nhau tiến bô trong việc phát triển kỹ năng nói chuyện trước công chúng. Mục đích: Huấn luyện và phát triển kỹ năng diễn thuyết, thuyết phục và điều khiển trong tinh thần tương thân và học hỏi lẫn nhau. Chương trình cũng nhằm giúp bạn tập luyện khả năng ứng đối trong những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra trong sinh hoạt đời sống thường nhật. Chương trình huấn luyện kỹ năng nói chuyện trước công chúng bao gồm từ 10-12 buổi sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt sẽ chú trọng đến một hay nhiều kỹ năng cần thực tập và trao đổi lẫn nhau. Các kỹ năng này bao gồm: Tự giới thiệu và gây thiện cảm. Chuẩn bị và trình bày một vấn đề. Cử chỉ và giọng nói. Ngôn từ. Kỹ năng thuyết phục. Thuật gây cảm hứng và vận động. Kể chuyện duyên dáng. (Kỹ năng thuyết phục có thể được tập luyện riêng hoặc cùng lúc với kỹ năng gây cảm hứng) Yếu tố cơ bản để gặt hái được hiệu quả tốt đẹp qua các buổi sinh hoạt là sự tham gia đều đặn và tích cực và trình bày các bài nói chuyện khác nhau. Lẽ đương nhiên, cũng như bất cứ chương trình huấn luyện nào, đánh giá ưu khuyết điểm để rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau là điều không thể thiếu được. Trong chương trình huấn luyện này, nhiều khiá cạnh khác nhau của bài diễn thuyết cũng như của các buổi thảo luận sẽ được đánh giá và phê bình trong một tinh thần tương thân, phục thiện và xây dựng để cùng tiến bộ. Tùy theo yêu cầu cũng như mục đích của mỗi buổi sinh hoạt, một hay nhiều điểm sau sẽ được nhận xét và phê bình: Nhận xét chung về bài thuyết trình cá nhân hoặc thảo luận. Phê bình chú trọng về một hay những kỹ năng đã hoặc đang học dựa theo những tiêu chuẩn đã được xác định trước. Ngôn từ và văn phạm trong buổi thảo luận hoặc bài thuyết trình cá nhân. Nhận xét về những khuyết điểm hay thói quen có thể ảnh hưởng đến bài thuyết trình, ví dụ như: nói ấp úng, bài thuyết trình quá dài, nói hay ậm ừ, à, vân vân Không những là thuyết trình viên có thể học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm qua nhận xét của người phê bình mà chính bản thân người này cũng như cử toạ đều có thể học hỏi thêm nhằm chuẩn bị cho bài thuyết trình sắp tới. Hơn nữa, cùng trong các buổi sinh hoạt này bạn cũng có cơ hội để thực tập và phát huy khả năng điều khiển và liên lạc của mình, bằng cách đảm nhiệm các vai trò sau đây: Điều hợp viên cho buổi sinh hoạt (Toastmaster): vai trò này đòi hỏi sự chuẩn bị và sắp xếp chương trình cũng như sự góp ý với các thuyết trình viên về đề tài bài thuyết trình. Điều hợp viên cho cuộc thảo luận chung của nhóm (Table -Topicmaster). Hoạt náo viên duyên dáng (Jokemaster). Phê Bình Viên (Evaluator) Hướng Dẫn Viên về Từ Vựng (Word Master) thông thường là người "hay chữ" nhất trong nhóm, để giúp nhóm học hỏi thêm về cách dùng từ vựng cho chính xác và hiệu quả Người đếm các từ thừa như ừ, à, ậm ừ, "cái", thì, là, mà, vân vân (Ah counter). Người này chỉ lo nhiệm vụ đếm các từ thừa thãi không cần thiết trong các bài nói chuyện của thuyết trình viên để giúp họ tránh được các từ này trong tương lai. Người Giữ Giờ (Timer). Người này sẽ lo theo dõi thời lượng của từng bài nói chuyện và báo cho thuyết trình viên biết nếu họ nói quá giờ lượng định (Người này có thể dùng các thẻ xanh, vàng và đỏ để báo cho thuyết trình viên biết là họ chỉ còn năm phút, một phút, và 30 giây để chấm dứt bài nói chuyện). Và lẽ dĩ nhiên là... làm một thuyết trình viên hăng hái. Như vậy một buổi sinh hoạt (khoảng 90 phút) có thể diễn tiến như sau: Giới thiệu điều hợp viên của buổi sinh hoạt . Điều hợp viên nhắc lại vai trò khác nhau của các tham dự viên, chẳng hạn như: người phê bình (evaluator), điều hợp viên cuộc thảo luận, hoạt náo viên duyên dáng, hướng dẫn viên về từ vựng, người đếm các từ à, ậm ừ, ờ .. . Hoạt náo viên (nếu có) khơi động không khí sinh hoạt. Giới thiệu lần lượt các thuyết trình viên. Nên có 2-3 bài thuyết trình trong phần này. Mỗi bài thuyết trình dài từ 5 đến 10 phút, tùy theo kỹ năng tập luyện. Trong lúc thuyết trình viên trình bày, các người khác sẽ dùng Phiếu Phê Bình để ghi lại các điểm tốt và điểm chưa tốt để giúp thuyết trình viên học hỏi thêm và người "Ah Counter" tiếp tục ghi xuống số lần "cái" "thì" là mà, ừ, à mà thuyết trình viên lập lại trong bài nói chuyên. Làm thế nào để sau vài lần thuyết trình thì số từ thừa này sẽ biến mất, lúc ấy, bạn trở thành một người nói chuyện lưu loát và trôi chảy. Giới thiệu điều hợp viên của cuộc thảo luận chung. Thảo luận chung trong nhóm (30-40 phút). Tùy theo nhu cầu, cuộc thảo luận bao gồm 2-3 câu hỏi liên quan đến một hay hai đề tài khác nhau. Phần báo cáo của "Timer" và "Ah Counter". Phê bình và nhận xét cho từng thuyết trình viên: mỗi thuyết trình viên sẽ được phê bình và nhận xét chi tiết về kỹ năng tập luyện trong buổi học. Ngoài ra người phê bình cũng có thể nhận xét về lỗi văn phạm, cử chỉ, thói quen cần sửa đổi, và thời gian của bài thuyết trình, nêu lên các ưu điểm của thuyết trình viên và nói lên cảm tưởng riêng của mình về bài thuyết trình. Phần trình bày của Hướng Dẫn Viên về Từ Vựng về các từ đã được dùng đúng và hay trong các bài nói chuyện và có thể trình bày thêm một số thí dụ để hướng dẫn thêm về vốn từ vựng sử dụng trong văn nói. Tùy theo nhu cầu, cử toạ có thể bầu ra thuyết trình viên xuất sắc nhất của buổi sinh hoạt. Điều hợp viên trình bày tóm tắt các yếu tố quan trọng của kỹ năng chính của buổi sinh hoạt và những kỹ thuật liên quan. Ghi danh các thuyết trình viên cho buổi sinh hoạt tới. Các bạn đảm nhận vai trò phê bình kỳ này cũng có thể làm thuyết trình viên cho kỳ sau. Tuyên bố chấm dứt buổi sinh hoạt. Và đây là một số đề nghị cho các kỹ năng cần thực tập: Tự giới thiệu và gây thiện cảm: đây là giai đoạn đầu tiên của bất cứ buổi nói chuyện nào. Tạo được thiện cảm, làm cho thính giả hiểu rõ hơn về mình. Bạn đã đi được những bước đầu thành công rồi đó. Chuẩn bị và trình bày bài nói chuyện: Bước đầu tiên để trở thành một diễn giả hào hứng đòi hỏi sự chuẩn bị. Ngoài sự lựa chọn một đề tài thích hợp, chúng ta cần lưu ý sắp xếp dàn bài theo một trình tự hợp lý để diễn đạt trọn vẹn các ý để thu hút hoặc thuyết phục người nghe. Cử chỉ và giọng nói: 'Trăm nghe không bằng mắt thấy'. Cử chỉ của bạn cũng quan trọng không kém gì nội dung của bài nói chuyện. Nhưng đừng quên cử chỉ và vẻ mặt phải phù hợp và diễn tả được nội dung và ý tưởng của bạn . Ngoài ra người ta thường nói 'hát hay không bằng hay hát'. Giọng hát hay giọng nói đều có thể luyện tập! Bạn nên chú ý đến âm điệu (tone), âm độ (volume), lưu độ (rate) và cường độ (pitch) của giọng nói. Nếu bạn chú ý sửa đổi khuyết điểm về giọng nói và cử chỉ thì bài nói chuyện của bạn sẽ lôi cuốn người nghe gấp bội phần. Ngôn từ: Đừng để ý của bạn bị hiểu sai lạc vì từ ngữ không được sử dụng đúng chỗ. 'Sai một ly đi một dặm, Lạc một vần lỡ cả bài thơ'. Bạn không cần phải sử dụng từ ngữ hoa mỹ hay phức tạp. Từ ngữ giản dị, phong phú và chính xác sẽ giúp bạn diễn đạt rõ ràng ý nghĩ của mình và tạo sự liên kết với cử toạ. Thuyết phục và gây cảm hứng: Để có thể thuyết phục cử toạ trước hết đề tài lựa chọn phải là đề tài bạn yêu thích và tin tưởng. Bài nói chuyện cần được trình bày với sự hào hứng và hiểu biết tường tận về chủ đề lựa chọn. Nhưng, đối với cử toạ, một diễn giả có khả năng huy động tinh thần không những cần có tài thuyết phục mà còn phải có các đặc tính tiêu biểu của người lãnh đạo đó là: sự tự tin, lòng hăng hái, tính cương quyết. Kể chuyện duyên dáng: Làm thế nào để kể một câu chuyện một cách duyên dáng và hào hứng những khi cần thiết ? Một câu chuyện vui thường giúp bạn đạt điều này. Tuy nhiên bạn vẫn có thể lôi cuốn và làm ngạc nhiên cử toạ vớI những mẩu chuyện nhỏ qua cách trình bày đặc sắc, lý thú của mình. Bài tóm tắt trên đây nhấn mạnh đến các điểm chính của chương trình sinh hoạt huấn luyện kỹ năng 'Nói chuyện trước công chúng'. Để đạt được mục tiêu và hiệu quả, các buổi sinh hoạt nên được tổ chức thường xuyên vào mỗi hai đến ba tuần theo một lịch trình ấn định. Dĩ nhiên,cũng như bất cứ sinh hoạt tập thể nào, sự tham gia tích cực và đều đặn là cách tốt nhất để giúp bạn thực tập và học hỏi tường tận hơn về các hình thức nói chuyện trước công chúng. Nguồn: trích lại từ cuốn cẩm nang của Trại hè Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo Thanh Niên Lên Đường năm 1999, Hội Văn Hóa Khoa học Việt Nam: http://www.vcsa.org/

Hiến Pháp Trị Là Gì?

Khi hiến pháp của Mỹ được soạn thảo năm 1787, chính giới Hoa Kỳ chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những người chủ trương thành lập một chính quyền liên bang mạnh gồm rất nhiều quyền lực. Đại biểu cho nhóm này, còn gọi là nhóm Federalists, là James Madison, Alexander Hamilton và John Jay. Nhóm thứ hai gồm những người chủ trương bảo vệ quyền của tiểu bang, bỗng trở thành những người chống chủ trương thành lập chính quyền liên bang, dù cũng nhận thức được nhu cầu phải thành lập một chính quyền liên bang mạnh. Đại biểu cho nhóm này, còn gọi là nhóm anti-Federalists, là Patrick Henry và George Mason. Khi bản hiến pháp được trình cho các tiểu bang phê chuẩn, phe anti-Fedralists cho in trên báo chí các luận cương chống lại chủ trương liên bang, các tác giả đồng ký một tên chung là Brutus. Phe ủng hộ liên bang bèn cho ấn hành các luận cương trên báo chí để phản bác lập luận của phe anti-Federalist, và cùng ký một tên là Publius. Tất cả các tiểu luận của cả hai phe đều được ấn hành thành sách sau này . Luận cương về Chính quyền Liên bang (the Federalist Papers) được xem là một lý thuyết chính trị về Hiến Pháp Trị. [HVCD]. 2 Theo hiến pháp Mỹ, các viên chức chính quyền tiểu bang cũng như liên bang đều có thể bị đưa ra luận tội (impeachment) , tức là trả lời cáo buộc về phản quốc hay có hành vi hạnh kiểm xấu. Hạ viện là cơ quan do Hiến pháp chỉ định làm nhiệm vụ này. Sau khi Hạ viện luận tội và kết luận là có tội, Thượng viện sẽ xử vụ án này. Các trường hợp phạm pháp khác (hình sự và dân sự) đều do tòa án thường thụ lý. 3 Bất khả trùng tố (double jeopardy) là quy luật một người không bị xử hai lần về một tội.

Aung San Suu Kyi -- Diễn văn nhận Giải Nobel Hòa bình

Kính thưa Đức Vua và Hoàng Hậu, Kính thưa Quý Vị trong Hoàng Gia, Kính thưa Quý Quan Khách, Kính thưa các Thành Viên Đặc Biệt trong Ủy Ban Nobel Na Uy, Các Bạn thân mến, Những năm dài trước đây, [bây giờ nghĩ lại] tưởng như mấy kiếp đã trôi qua, lúc còn ở Đại Học Oxford, tôi từng nghe chương trình "Desert Island Discs" của đài phát thanh cùng với Alexander, con trai nhỏ của tôi. Đó là một chương trình nổi tiếng (theo tôi biết, đến nay vẫn còn tiếp tục) trong đó, những người lừng danh từ mỗi thành phần của xã hội được mời tham dự để nói về trường hợp nếu chẳng may bị lưu đày nơi hoang đảo và họ chỉ có thể mang theo tám đĩa nhạc, một quyển sách-không phải là Kinh Thánh và toàn bộ tác phẩm của văn hào Shakespeare, và một món đồ xa xỉ nào đó mà họ mơ ước có bên mình, thì đó là những thứ nào. Chúng tôi thích thú theo dõi và khi chương trình chấm dứt, Alexander hỏi tôi có nghĩ rằng, một ngày nào đó tôi có thể được mời lên nói chuyện trong chương trình Những Đĩa Nhạc Trên Hoang Đảo. "Tại sao không?" tôi nhẹ nhàng trả lời. Cũng vì biết thường chỉ những nhân vật nổi tiếng mới được mời tham gia vào chương trình này nên cháu tiếp tục hỏi tôi với một sự quan tâm thành thật rằng: lý do gì làm cho tôi nghĩ tôi sẽ được mời? Tôi đắn đo trong giây lát rồi trả lời: "Có lẽ mẹ được giải Nobel về Văn Chương," và cả hai mẹ con phá lên cười. Dự đoán này nghe có vẻ thú vị nhưng khó biến thành sự thật. (Giờ đây tôi không thể nhớ vì sao tôi lại trả lời như vậy; có lẽ lúc bấy giờ tôi vừa đọc xong một quyển sách do một tác giả được trao Giải Nobel, hoặc hôm ấy, nhân vật trong chương trình Hoang Đảo là một văn sĩ nổi tiếng.) Năm 1989, khi người chồng, nay đã quá cố, của tôi là Michael Aris đến thăm tôi trong kỳ hạn đầu tiên của thời gian bị quản thúc tại gia, anh đã cho tôi biết là John Finnis, một người bạn, đã đề cử tôi cho Giải Nobel Hòa Bình. Lần này tôi cũng cười. Trong khoảnh khắc, Michael tỏ ra ngạc nhiên nhưng sau đó, anh cũng nghĩ ra được lý do vì sao tôi cười. Giải Nobel Hòa Bình à? Một viễn ảnh đẹp, nhưng khó thành sự thực! Như vậy, tôi có cảm nghĩ như thế nào khi tôi thực sự được trao Giải Thưởng Nobel Hòa Bình? Câu hỏi này được đặt ra với tôi nhiều lần và chắc chắn đây là một cơ hội thích hợp nhất để tôi thẩm định lại xem Giải Nobel có ý nghĩa gì đối với tôi và hòa bình có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Trong những cuộc phỏng vấn, tôi đã lập đi lập lại nhiều lần là tôi nghe tin tôi được trao Giải Thưởng Nobel Hòa Bình trên đài truyền thanh vào một buổi tối. Thực ra, tôi không ngạc nhiên khi nghe tin vừa kể vì tôi đã biết tên mình được nêu lên như một trong những ứng viên hàng đầu được đề cử trong một số chương trình của đài phát thanh vào tuần lễ trước đó. Khi thảo bài diễn văn này, tôi hết sức cố gắng nhớ lại phản ứng tức thì của mình khi nghe tin thông báo về giải thưởng này. Không chắc lắm, nhưng tôi nhớ có tự nhủ: "Ồ, như vậy là họ đã quyết định trao giải ấy cho mình!" Dưới môt khía cạnh nào đó, sự việc này dường như không thực vì chính tôi cũng không nghĩ rằng tôi thực sự hiện hữu trong khoảng thời gian kể trên. Thường trong những ngày bị quản thúc tại gia, tôi có cảm tưởng như mình không còn là một phần của thế giới thực tại nữa. Thế giới của tôi là căn nhà tôi, có một thế giới khác của những người không có tự do, họ là một cộng đồng những người đang sống trong ngục tù, và thế giới của những người tự do; mỗi thế giới là một hành tinh khác biệt đang theo đuổi một hướng đi riêng cho mình trong một vũ trụ lạnh lùng hờ hững. Giải thưởng Nobel Hòa Bình, thêm một lần, lại kéo tôi từ một vùng cô lập mà tôi đã sống, trở về với thế giới nhân sinh và khôi phục lại trong tôi một cảm giác của thực tại. Dĩ nhiên, điều này không xảy ra trong chốc lát, nhưng khi ngày tháng trôi qua và tin tức của những phản ứng về Giải Thưởng đến với tôi qua làn sóng truyền thanh, tôi bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của nó. Một lần nữa, nó khiến tôi quay về với thực tại; nó kéo tôi trở lại với một cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn. Và điều quan trọng hơn nữa, Giải Nobel đã thu hút được sự chú ý của thế giới đến cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Miến Điện. Chúng tôi sẽ không bị quên lãng. Bị quên lãng. Người Pháp từng nói: ra đi là chết trong lòng một ít. Cũng thế, bị lãng quên là chết trong lòng một ít. Đó là đánh mất đi những mối liên lạc, như những neo thuyền đã giữ chúng ta với phần còn lại của nhân loại. Trong chuyến viếng thăm Thái Lan gần đây, tôi đã gặp những người Miến Điện lao động di cư và tỵ nạn, nhiều kẻ đã kêu than: "Đừng quên chúng tôi!'' Họ muốn nói: "Xin đừng quên cảnh ngộ của chúng tôi, xin đừng quên làm những gì có thể làm được để giúp chúng tôi, xin đừng quên rằng chúng tôi cũng thuộc về thế giới của bà!" Khi trao Giải Nobel, Ủy Ban đã nhận thức được rằng, những kẻ bị đàn áp và bị cô lập của Miến Điện cũng thuộc một phần của thế giới, Ủy Ban đã nhận ra được sự kết hợp thuần nhất của nhân loại. Vì vậy, với cá nhân tôi, nhận Giải Thưởng Nobel Hòa Bình là mở rộng sự quan tâm của mình vượt ra khỏi biên giới quốc gia về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Giải Thưởng Nobel Hòa Bình đã mở ra một cánh cửa trong tim tôi. Khái niệm của Miến Điện về hòa bình có thể được định nghĩa như sau: hạnh phúc chỉ được phát sinh khi những yếu tố ngăn chặn mối hài hòa và sự kết hợp bị chấm dứt. Danh từ nyein-chan dịch một cách văn chương là luồng khí mát đến sau khi ngọn lửa bị dập tắt. Ngọn lửa của khổ đau và xung đột đang hoành hành khắp thế giới. Trên đất nước tôi, thái độ thù nghịch vẫn chưa chấm dứt ở các vùng cực bắc; về phía tây, bạo lực nơi thị trấn gây ra nhiều vụ đốt phá và giết chóc vừa xảy ra mấy hôm trước khi tôi bắt đầu cuộc hành trình sang đây.Tin tức về hành động tàn bạo ở các vùng khác trên thế giới thì đầy dẫy. Những bài báo tường thuật về đói khát, bệnh tật, di tản, thất nghiệp, nghèo khổ, bất công, kỳ thị, thành kiến, cuồng tín; tất cả đều là những gì xảy ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Nơi nào cũng có những lực lượng tiêu cực gặm mòn cơ sở hòa bình. Nơi nào cũng dẫy đầy một cách vô trách nhiệm những phung phí vật chất và nguồn nhân lực, những yếu tố cần thiết trong việc bảo toàn sự hài hòa và hạnh phúc cho thế giới của chúng ta. Thế Chiến thứ Nhất đã tiêu biểu cho một số lãng phí kinh khủng của tuổi trẻ và tiềm năng, một sự phung phí khốc liệt những sức mạnh tích cực nơi hành tinh của chúng ta. Có một bài thơ viết vào thời đó, đối với tôi mang một ý nghĩa đặc biệt, vì tôi đọc bài ấy lần đầu lúc tôi cùng tuổi với những thanh niên này khi họ phải đối diện với một viễn ảnh bị tàn héo trước khi vừa chớm nở. Một thanh niên Hoa Kỳ chiến đấu bên cạnh lính Lê Dương Pháp đã viết, trước khi tử trận vào năm 1916 rằng anh có thể gặp cái chết của mình "tại một chướng ngại vật nơi vị trí phân tranh," "trên con dốc của một ngọn đồi mang đầy thương tích của đạn bom,""vào giữa đêm khuya trong một thành phố đang bốc cháy." Tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống mãi mãi bị tiêu diệt vì những mưu toan rồ dại muốn chiếm đoạt những địa điểm vô danh, không ai nhớ tới. Và để làm gì? Ngót một thế kỷ đã trôi qua mà chúng ta vẫn chưa tìm được một câu trả lời thỏa đáng. Có phải chúng ta sẽ không còn cảm thấy tội lỗi về sự liều lĩnh, sự phung phí những điều liên quan đến tương lai của chúng ta và nhân loại, nếu sự tàn bạo đó ở một mức độ yếu kém hơn? Chiến tranh đâu hẳn là một đấu trường duy nhất mà ở đó, hòa bình bị bức tử. Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị bỏ qua, nơi đó sẽ mọc lên những mầm xung đột, vì sự đau khổ hạ thấp nhân phẩm, gây cay đắng và phẫn nộ. Một trạng huống tích cực trong cuộc sống cô lập là tôi có rất nhiều thì giờ để nghiền ngẫm, suy tư về ý nghĩa của những ngôn từ, những lời giáo huấn mà tôi đã từng biết và chấp nhận trong suốt cuộc đời mình. Là một Phật tử, từ bé, tôi đã biết về "dukha," thường được chuyển dịch là sự đau khổ. Quanh tôi, gần như mỗi ngày, những người già hoặc chưa già lắm, thường hay thì thầm "dukha, dukha" hoài, khi họ phải chịu đựng những cơn đau nhức về thể xác hay gặp phải một vài bực bội nho nhỏ nào. Tuy nhiên, chỉ trong những năm bị quản thúc tại gia, tôi mới nghiệm được thêm về bản chất của sáu điều đau khổ lớn. Đó là: sinh, lão, bệnh, tử, bị chia lìa với những người thân, bị bắt buộc phải sống với kẻ xa lạ không có tình thương. Tôi suy ngẫm từng điều một trong sáu nỗi đau khổ, không thuộc phạm vi tôn giáo mà trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nếu sự đau khổ là một phần không thể tránh được trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng làm mọi cách để giảm đi đau khổ bằng cách nào thiết thực nhất, đơn sơ nhất. Tôi nghĩ mãi về những phương thức có thể mang lại kết quả hữu hiệu cho những chương trình chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh trước và sau khi sinh; những phương tiện thích hợp cho dân số cao tuổi; về việc phục vụ cho ngành y tế toàn diện, chương trình chăm sóc bệnh nhân với đầy lòng nhân ái và trong những nơi cứu cấp sau hết. Hai nỗi đau khổ cuối cùng khơi động đặc biệt sự chú ý của tôi: phải lìa xa những người thân yêu và bị cưỡng bách sống với những kẻ xa lạ không có tình thương. Đức Phật của chúng ta đã trải qua những kinh nghiệm đau buồn nào trong cuộc đời để Ngài phải bao hàm hai nỗi bất hạnh này thêm vào trong Tứ Khổ? Tôi nghĩ tới những người bị giam cầm và những người tỵ nạn, tới những công nhân xa xứ, những kẻ bất hạnh của nạn buôn người, tới đám đông giống như cây cối bị trốc rễ, phải sống xa quê hương giữa những người không niềm nở đón tiếp họ. Chúng ta được may mắn sống dưới một thời đại mà phúc lợi xã hội và sự trợ giúp nhân đạo được công nhận không phải chỉ là niềm ao ước mà là một điều cần thiết. Tôi cũng rất may mắn được sống trong một thời đại mà số phận của những tù nhân lương tâm khắp thế giới là mối quan tâm của mọi người, mọi nơi; một thời đại mà dân chủ và nhân quyền được chấp nhận như là một quyền xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh, dù quyền này chưa phổ cập toàn thế giới. Biết bao lần trong thời kỳ còn bị quản thúc tại gia, tôi đã tự tăng cường sức mạnh bằng những đoạn văn mà tôi ưa thích trong lời tựa của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: ...việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa đến những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới, trong đó, mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người. ...điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị đưa vào thế cùng, phải vùng lên chống áp bức và bạo quyền... Nếu có ai hỏi, vì sao tôi tranh đấu nhân quyền cho Miến Điện, những đoạn văn nêu trên sẽ là câu trả lời. Nếu có ai hỏi, tại sao tôi tranh đấu cho dân chủ của Miến Điện, tôi sẽ trả lời là vì tôi tin rằng những định chế và sự thực hành dân chủ là nền tảng cần yếu để bảo đảm nhân quyền cho con người. Trong năm qua, nỗ lực của những người tin tưởng vào dân chủ và nhân quyền đã bắt đầu mang lại dấu hiệu của sự kết trái tại Miến Điện. Đã có nhiều thay đổi tích cực, đã có những bước tiến để thực hiện dân chủ hóa. Nếu tôi chủ trương lạc quan nhưng thận trọng, không phải vì tôi chưa đủ tin vào tương lai mà vì tôi không muốn khuyến khích một niềm tin mù quáng. Nếu không có một sự tin tưởng mãnh liệt vào tương lai, không có một xác tín về giá trị của dân chủ và quyền căn bản của con người, những điều không những cần thiết mà còn có thể thực hiện được cho xã hội, thì phong trào của chúng tôi đã không thể tồn tại qua những năm dài đất nước bị tàn phá. Một số chiến sĩ của chúng tôi đã gục ngã tại các vị trí chiến đấu, một số rời bỏ hàng ngũ, nhưng nhóm nồng cốt vẫn mạnh mẽ giữ vững lập trường. Nhiều lúc nghĩ về năm tháng đã qua, tôi rất ngạc nhiên nhận thấy rằng, nhiều thành viên vẫn giữ được niềm tin vững vàng qua những thử thách gay go nhất. Niềm tin của họ vào chínhnghĩa không mù quáng; nó dựa trên một sự đánh giá sáng suốt, sức mạnh của kiên trì và lòng kính trọng sâu xa những khát vọng của dân tộc chúng tôi. Hôm nay, tôi được hiện diện trước quý vị là do những thay đổi gần đây trong nước tôi, và những sự thay đổi này đã xảy ra vì quý vị cũng như những người yêu chuộng tự do và công lý đã đóng góp vào sự nhận thức toàn cầu về hoàn cảnh của chúng tôi. Trước khi tiếp tục nói về đất nước của mình, tôi xin được nói về những tù nhân lương tâm của chúng tôi. Vẫn còn nhiều tù nhân lương tâm tại Miến Điện. Một điều đáng lo ngại là khi những người bị giam giữ nổi tiếng được phóng thích thì số tù nhân vô danh còn lại sẽ bị lãng quên. Tôi đang đứng nơi đây vì tôi từng là một tù nhân lương tâm. Quý vị đang nhìn tôi và nghe tôi nói, nhưng xin quý vị hãy nhớ một sự thực được lập đi lập lại rằng có một tù nhân lương tâm đã là một con số quá nhiều. Ở nước tôi, số người chưa được trả tự do, chưa được quyền hưởng công lý còn rất nhiều. Xin quý vị hãy nhớ đến họ và làm những gì quý vị có thể làm để họ sớm được trả tự do vô điều kiện. Miến Điện là một nước với nhiều sắc dân và niềm tin cho tương lai chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của một tinh thần đoàn kết chân thực. Từ khi giành được độc lập vào năm 1948, chưa bao giờ chúng tôi có thể tuyên bố rằng cả nước được hưởng hòa bình. Chúng tôi chưa xây dựng được lòng tin và sự hiểu biết cần thiết để xóa đi những nguyên nhân gây ra xung đột. Niềm hy vọng rằng sự ngưng bắn sẽ được duy trì từ đầu thập niên 1990 cho đến năm 2010 đã bị đứt đoạn chỉ trong thời gian vài tháng. Một hành động thiếu cân nhắc cũng đủ để phá tan cuộc đình chiến tưởng có thể kéo dài. Trong nhiều tháng qua, những vụ thương thuyết giữa chính phủ và những lực lượng của các sắc tộc trên toàn quốc có chiều hướng tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng, sự thỏa thuận ngưng bắn sẽ đưa đến những giải pháp chính trị dựa trên khát vọng của toàn dân và tinh thần đoàn kết. Đảng "Liên Hiệp Quốc Gia vì Dân Chủ" của chúng tôi và cá nhân tôi sẵn sàng giữ bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa giải quốc gia. Những biện pháp cải tiến đang được chính phủ của Tổng Thống U. Thein Sein khởi xướng chỉ có thể được duy trì do sự hợp tác của tất cả những lực lượng nội bộ: quân đội, các sắc tộc quốc gia, các đảng phái chính trị, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng doanh nghiệp và quan trọng hơn hết là quần chúng. Ta có thể nói rằng, sự cải tổ này chỉ có thể mang lại kết quả mỹ mãn nếu cuộc sống người dân được cải thiện và dưới một khía cạnh nào đó, cộng đồng quốc tế phhải giữ một vai trò thiết yếu. Viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo cùng với các thỏa thuận song phương và những chương trình đầu tư phải được phối hợp và xác định để bảo đảm quân bình và bền vững cho sự tăng trưởng về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Tiềm năng quốc gia của chúng tôi rất to lớn. Điều này cần được nuôi dưỡng và phát triển để tạo một xã hội chẳng những thịnh vượng hơn, hài hòa hơn, dân chủ hơn mà còn là nơi dân chúng nước tôi có thể sống trong hòa bình, an toàn và tự do. Hoà bình của thế giới chúng ta không thể phân chia được. Bất kỳ lúc nào mà những thế lực tiêu cực còn mạnh hơn những lực lượng tích cực thì tất cả chúng ta còn bị đe dọa. Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: liệu tất cả những thế lực tiêu cực có bao giờ bị loại bỏ hết không? Câu trả lời đơn giản là:"Không!" Bản chất của con người bao gồm cái tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, con người cũng có khả năng tác động, tăng cường cái tích cực và giảm thiểu hoặc vô hiệu hóa cái tiêu cực. Hòa bình trong thế giới của chúng ta là một mục tiêu không thể đạt được. Nhưng đó là hướng mà chúng ta phải tiếp tục cuộc hành trình; dán mắt vào hướng đi ấy như một kẻ du hành trong sa mạc, nhìn chằm chặp vào ngôi sao dẫn đường sẽ đưa anh ta về nơi giải thoát. Ngay cả khi chúng ta không đạt được hòa bình hoàn hảo trên quả đất này-bởi hòa bình hoàn hảo không có trên trái đất-thì những nổ lực chung để giành hoà bình sẽ đoàn kết mỗi cá nhân và mỗi quốc gia trong niềm tin và tình hữu nghị, giúp cho cộng đồng nhân loại an toàn hơn và tử tế hơn. Tôi dùng chữ "tử tế hơn" với sự cân nhắc thận trọng; có thể nói đó là một sự cân nhắc thận trọng qua nhiều năm. Về những ngọt ngào trong nghịch cảnh, và có thể nói điều đó không xảy ra nhiều lần, tôi đã tìm ra được một chất ngọt ngào nhất, quý báu hơn mọi thứ trên cõi đời này, đó là bài học về giá trị của sự tử tế của con người. Mỗi ân cần, dù nhỏ hay lớn mà tôi nhận được, đều thuyết phục tôi là trong thế giới của chúng ta, sự tử tế đó quả là hiếm hoi. Tử tế là đáp ứng bằng sự nhạy cảm và ân cần của con người trước hy vọng và nhu cầu của những kẻ khác. Chỉ một chút tử tế thôi cũng có thể giảm được nỗi đau của một trái tim nặng trĩu. Lòng tốt có thể thay đổi cuộc sống của con người. Na Uy là tấm gương sáng cho lòng tốt bằng cách cung cấp tổ ấm cho những kẻ tha phương trên quả đất, sẵn sàng giúp nơi trú ẩn cho người bị cắt đứt mối dây neo an toàn và tự do với quê quán của họ. Có những người tỵ nạn trên khắp thế giới. Gần đây, lúc đến viếng thăm trại tỵ nạn tại Maela, Thái Lan, tôi đã tiếp xúc với những người tận tâm; hàng ngày, họ cố làm thế nào để giúp cho đời sống của những trú nhân giảm bớt khó khăn càng nhiều càng tốt. Họ đề cập đến mối ưu tư của họ về "sự mệt mỏi của người tài trợ" mà ta có thể hiểu là "sự mệt mỏi của lòng nhân." "Sự mệt mỏi của người tài trợ" được xác định rõ ràng là sự giảm sút của nguồn tài trợ. "Sự mệt mỏi của lòng nhân" là sự giảm sút của mối quan tâm một cách ít rõ ràng hơn. Cái này là hậu quả của cái kia. Liệu chúng ta có thể cho phép lòng trắc ẩn của chúng ta bị hao mòn không? Cái giá cung cấp nhu cầu cho những người tỵ nạn có lớn hơn cái giá của hệ quả do sự làm ngơ, nhắm mắt trước nỗi khổ đau của họ hay không? Tôi khẩn khoản kêu gọi các nhà tài trợ trên thế giới, hãy đáp ứng nhu cầu của những người đang tìm một nơi trú ngụ mà họ cho là vô vọng. Tại Maela, tôi có được những cuộc thảo luận quý giá với các viên chức Thái Lan trách nhiệm về việc quản lý, điều hành các trại tại tỉnh Tak và các trại ở nơi khác. Họ cho tôi biết về những vấn đề nghiêm trọng hơn xảy ra trong các trại ty nạn như: vi phạm luật bảo vệ rừng, sử dụng ma túy bất hợp pháp, nấu rượu lậu, các vấn đề về việc kiểm soát bệnh sốt rét, bệnh ho lao, bệnh sốt xuất huyết và bệnh dịch tả. Quan tâm của cơ quan điều hành cũng chính đáng như quan tâm của người tỵ nạn. Những quốc gia nhận lãnh người tỵ nạn đáng được sự chú trọng và giúp đỡ cụ thể để các quốc gia này có thể đương đầu với những khó khăn liên quan đến trách nhiệm của họ. Như thế, mục tiêu tối hậu của chúng ta là tạo nên một thế giới không có những kẻ phải rời nguyên quán, những kẻ vô gia cư, những kẻ tuyệt vọng; một thế giới mà mỗi góc cũng là một nơi trú ẩn thực sự, một nơi mà cư dân ai ai cũng có tự do và quyền sống trong hòa bình. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động đều là một phần đóng góp vào sự tích cực và lành mạnh cho nền hòa bình. Mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có khả năng đóng góp đó. Hãy nắm tay nhau để tạo nên một thế giới hòa bình, nơi đó chúng ta có được một giấc ngủ an toàn và thức dậy trong hạnh phúc. Ủy Ban Nobel đã kết thúc tuyên bố vào ngày 14 tháng 10 năm 1991 rằng: "Khi trao Giải Nobel Hòa Bình cho bà Aung San Suu Kyi, Ủy Ban Nobel Na Uy muốn vinh danh người phụ nữ này bởi những nổ lực không mệt mỏi của bà và để thể hiện sự ủng hộ của Ủy Ban đến những người trên thế giới đang tranh đấu để đạt đến dân chủ, nhân quyền, hoà giải dân tộc bằng những phương tiện bất bạo động." Khi tham gia vào phong trào dân chủ ở Miến Điện, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là người lĩnh nhận bất kỳ giải thưởng hay vinh dự nào. Giải thưởng mà chúng tôi cố tranh đấu là một xã hội tự do, an toàn và công bình, trong đó dân tộc của chúng tôi có cơ hội thực hiện tất cả tiềm năng của mình. Vinh dự chính phải được dành cho cuộc đấu tranh của chúng tôi. Lịch sử đã cống hiến cho chúng tôi cơ hội để chúng tôi tận dụng công sức của mình cho một chính nghĩa mà chúng tôi tin tưởng. Khi Ủy Ban Nobel chọn vinh danh tôi, con đường tôi tự chọn theo đuổi cũng trở nên bớt cô đơn. Vì vậy, tôi xin cám ơn Ủy Ban, cám ơn dân chúng Na Uy và các dân tộc trên thế giới mà sự ủng hộ của tất cả đã củng cố niềm tin của tôi vào việc cùng nhau tìm kiếm nền hoà bình. Xin cám ơn Quý Vị. © Học Viện Công Dân 2012

Tôi Có Một Ước Mơ Martin Luther King, Jr.

LGT. Bài diễn văn "Tôi Có Một Ước Mơ" có lẽ là bài diễn văn hay nhất, hùng biện nhất của Mục sư Martin Luther King, Jr. Không những thế, bài diễn văn này vào năm 1999 còn được 137 học giả về nghệ thuật hùng biện xếp hạng nhất trong 100 bài diễn văn hay nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.Trong cuộc biểu tình lịch sử đòi hỏi dân quyền và sự bình đẳng của người da đen tại Mỹ, trên bậc thềm của Đài Tưởng niệm Tổng thống Lincoln, King đã diễn đạt ước mơ của mình trước một cử tọa gần 250 ngàn người vào ngày 28 tháng Tám năm 1963. Cuộc biểu tình vĩ đại này đã diễn ra trong trật tự và hòa bình và không có bất kỳ một sự xô xát nào giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình. Thành phần tham dự biểu tình không phải chỉ có những người da đen mà đã có gần 63 ngàn người da trắng cùng tham dự trong cuộc biểu tình quy tụ gần 1/4 triệu người. Ngày sinh của MLK, 15 tháng Giêng, đã được Hoa Kỳ chính thức chọn làm ngày lễ của toàn quốc khi tổng thống Reagan ký đạo luật ban hành vào năm 1983. Đạo luật này chỉ được Quốc hội Mỹ thông qua sau khi có sự vận động và thỉnh nguyện thư gồm có chữ ký của sáu triệu cử tri. *** Tôi rất sung sướng có mặt cùng anh em hôm nay trong một ngày lịch sử, một ngày đánh dấu cuộc biểu tình đòi tự do vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta. Một trăm năm trước đây,[1] một vĩ nhân Hoa kỳ, mà chúng ta đang đứng dưới bóng biểu tượng của người, đã ký Bản Tuyên Cáo Giải phóng Nô lệ. Bản tuyên cáo vĩ đại này đã trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho hàng triệu người nô lệ Da đen, những người đã bị héo khô mòn mỏi dưới ngọn lửa của bất công. Bản tuyên cáo đến như ánh bình minh rạng rỡ chấm dứt cho họ đêm đen của tù ngục. Nhưng một trăm năm sau, người Da đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang bị những cái cùm của sự phân chủng và xiềng xích của sự kỳ thị làm cho tàn tật. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang phải sống trên một hòn đảo nghèo đói cô đơn giữa một đại dương bát ngát của vật chất phồn vinh. Một trăm năm sau người Da đen vẫn còn phải chờ đợi mỏi mòn trong những góc khuất của xã hội Mỹ và thấy đang bị lưu đầy ngay trên chính quê hương mình. Và như vậy, chúng ta đã đến đây hôm nay để phô bày tình trạng đáng xấu hổ này trước công luận. Có thể nói ngày hôm nay chúng ta đến thủ đô là để lãnh một tấm chi phiếu, để đòi nợ. Khi những kiến trúc sư của nền cộng hòa của chúng ta viết những dòng chữ uy nghi trong bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập, họ đã ký một giấy nợ với tất cả những con dân của nước Mỹ. Giấy nợ này hứa hẹn rằng tất cả mọi người dân Mỹ, đúng vậy, tất cả, da đen cũng như da trắng, sẽ được bảo đảm những quyền "bất khả xâm phạm;" đó là "Quyền Sống, Quyền Hưởng Tự Do, và Quyền Mưu cầu Hạnh phúc." Thế nhưng, ngày nay, nước Mỹ đã bội ước trên món nợ này, ít ra là đối với những công dân gốc da màu. Thay vì tôn trọng bổn phận thiêng liêng này, nước Mỹ đã ký cho những người da đen một tấm chi phiếu vô giá trị, một tấm chi phiếu bị hoàn trả vì "không đủ tiền bảo chứng." Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng của công lý đã bị khánh tận. Chúng ta không tin rằng cái kho cơ hội vĩ đại của đất nước này lại không có đủ tiền bảo chứng. Và vì thế, chúng ta đã đến đây để lãnh tấm chi phiếu này; tấm chi phiếu đem lại, theo đòi hỏi của chúng ta, sự giàu có của tự do và an ninh của công lý. Chúng ta cũng đến nơi thiêng liêng này để nhắc cho nước Mỹ biết về tình trạng khẩn cấp như lửa cháy của Lúc Này. Lúc Này không phải là lúc để tham dự vào sự xa xỉ của những phiên họp nhằm "giảm nhiệt" hay uống những viên thuốc an thần của chính sách tiệm tiến. Bây giờ là lúc để biến thành hiện thực những hứa hẹn của dân chủ. Bây giờ là lúc phải vượt khỏi bóng tối và khổ đau của thung lũng phân chủng để vươn tới con đường trải đầy ánh sáng của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc phải nâng đất nước chúng ta lên khỏi vũng lầy của sự bất công chủng tộc và đặt lên trên nền đá tảng của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc biến công lý trở thành hiện thực cho mọi con dân của Thượng Đế. Nếu không quan tâm tới tính chất khẩn cấp của thời điểm này, đất nước của chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm chí tử. Mùa hè oi ả của sự bất mãn chính đáng của người Da Đen sẽ không tự trôi qua cho đến khi mùa thu đầy sinh lực của tự do và bình đẳng đến. Năm 1963 không phải là cứu cánh, mà chỉ là điểm khởi đầu. Và những kẻ nào hy vọng rằng người Da Đen sẽ hài lòng sau khi để cho họ "xả hơi bất mãn" thì họ sẽ phải đối diện với một sự thật phũ phàng, nếu đất nước này vẫn tiếp tục hành xử như cũ. Sẽ không có sự yên tĩnh và thanh bình trên nước Mỹ cho tới khi người Da Đen có được quyền công dân chính đáng của mình. Cơn lốc của cách mạng sẽ tiếp tục lay tận gốc đất nước của chúng ta cho đến khi ánh sáng xán lạn của công lý hiện ra. Nhưng có điều tôi cũng muốn trình bày với anh em của tôi, những người đang đứng trước ngưỡng cửa ấm áp dẫn vào cung điện của thần công lý: Trong tiến trình đòi hỏi chỗ đứng đúng đắn của mình, chúng ta không thể để bị buộc tội vì những hành vi sai trái. Hãy đừng dùng chén của thù hận và cay đắng để thỏa mãn cơn khát của mình. Chúng ta phải mãi mãi tiến hành cuộc đấu tranh của mình ở trên tầng cao của nhân phẩm và kỷ luật. Chúng ta không được phép để cho những sự phản đối đầy sáng tạo của ta thoái hóa thành sự bạo động bằng vũ lực. Ta phải luôn luôn nhớ là phải vượt lên đến trình độ vương giả là sử dụng sức mạnh của tinh thần để đối phó với bạo lực của thể chất. Phe chủ chiến vừa mới nổi lên đây đã bao trùm cả cộng đồng người Da Đen, nhưng ta đừng để chủ trương bạo lực này khiến ta mất niềm tin vào tất cả những người da trắng, vì rất nhiều những người anh em da trắng của chúng ta, mà sự hiện diện của họ với chúng ta ngày hôm nay đã chứng minh là họ nhận thức được định mệnh của họ và của chúng ta dính liền với nhau. Và họ đã tới để xác nhận một sự thực là sự tự do của họ và tự do của chúng ta là một mối dây không thể gỡ riêng ra được. Chúng ta không thể bước đi đơn độc. Khi bước đi, ta phải tự hứa rằng sẽ luôn luôn bước về phía trước. Chúng ta không thể quay đầu trở lại. Nhiều người đã hỏi những người đấu tranh cho dân quyền câu này: "Chừng nào mấy người mới thỏa mãn hả?" Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào người Da Đen còn là nạn nhân của những sự bạo hành khủng khiếp không thể tưởng tượng được của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào mà thể xác của chúng tôi, bị mỏi mệt vì đi đường xa, mà không thể vào nghỉ tại quán trọ trên đường đi hay tại khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi sự di chuyển cơ bản của người Da Đen là từ một khu ổ chuột nhỏ sang một khu ổ chuột lớn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi con em của chúng tôi bị tước đoạt ý thức về cái-tôi của chúng và bị cướp đi nhân phẩm bởi những tấm bảng đề: "Chỉ dành cho người Da Trắng." Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào còn người Da Đen ở Mississippi không được đi bầu, và còn người Da Đen ở New York nghĩ là y chẳng có gì để mà lựa chọn cả. Không. Không. Chúng tôi không thỏa mãn, và sẽ không thỏa mãn cho đến khi "sự chánh trực chảy xuống như nước, và công bình như sông lớn cuồn cuộn."[2] Tôi biết có những anh em đến đây sau bao nhiêu thử thách và hoạn nạn. Một số vừa mới ra khỏi những phòng giam chật hẹp. Và một số đến từ những vùng mà sự tìm kiếm tự do đã khiến cho thân thể anh em bị bầm dập bởi những cơn bão của bách hại và lao đao vì những cơn gió của cảnh sát tàn bạo. Các anh em đã là cựu chiến binh của những khổ đau đầy sáng tạo. Hãy tiếp tục công cuộc đấu tranh với đức tin là những sự đau khổ dưng không xảy đến cho mình, những đau khổ đó chính là ơn cứu chuộc. Hãy về lại Mississippi, về lại Alabama, về lại South Carolina, về lại Georgia, về lại Louisiana, về lại những khu ổ chuột và khu biệt cư của người Da Đen tại những thành phố miền bắc, và hãy tin rằng bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta có khả năng để thay đổi và tình trạng này sẽ được thay đổi. Tôi xin nói với anh em ngày hôm nay, đừng tự đắm mình trong thung lũng của tuyệt vọng. Và ngay cả khi chúng ta đang đối diện với những khó khăn ngày hôm nay và của ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Một ước mơ bắt nguồn sâu xa từ trong ước mơ của nước Mỹ. Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày đất nước này sẽ trỗi dậy và sống đúng với ý nghĩa của tín điều đã được tuyên xưng: "Chúng tôi công nhận những điều này là chân lý hiển nhiên, đó là mọi người sinh ra đều bình đẳng." Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con cái của những người cựu nô lệ và của cựu chủ nhân sẽ có thể ngồi xuống với nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ. Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày, ngay cả tiểu bang Mississippi, một tiểu bang mà sự bất công đang bốc hơi nồng nực, đang ngột ngạt dưới cái nóng của đàn áp, sẽ được hóa thân thành một ốc đảo của tự do và công lý. Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của tôi được sống trong một quốc gia mà chúng không bị đánh giá bởi màu da bên ngoài mà bằng tư cách ở bên trong. Tôi có một ước mơ ngày hôm nay! Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày tại Alabama—với những kẻ kỳ thị chủng tộc ác ôn, với viên thống đốc mà miệng lưỡi còn dính những chữ "trung gian" và "vô hiệu hóa"—một ngày mà trẻ con da đen và da trắng có thể nắm tay nhau thân ái trong tình huynh đệ. Tôi có một ước mơ ngày hôm nay! Tôi có một ước mơ là sẽ có ngày mọi thung lũng được nâng cao và mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp, những chốn gồ ghề sẽ được lấp bằng và mọi nẻo cong sẽ được uốn thẳng; "và sự vinh quang của Thượng Đế sẽ được hiển lộ cho tất cả nhân loại."[3] Đó là hy vọng của chúng ta và đó là đức tin tôi sẽ mang theo khi về lại miền Nam. Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể đẽo ra từ ngọn núi tuyệt vọng một viên đá của hy vọng. Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể biến cải những tiếng nói bất hòa và chát chúa thành một bản hợp xướng của tình Huynh đệ. Với đức tin này, chúng ta có thể cùng nhau làm việc, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tranh đấu, cùng nhau chịu tù đày, cùng nhau chiến đấu cho tự do, và biết rằng, sẽ có một ngày, chúng ta được tự do. Và ngày ấy sẽ đến—đó sẽ là ngày mà tất cả những người con của Thượng Đế sẽ có thể cất cao lời hát với ý nghĩa mới: Tôi hát ngợi ca quê hương này của tôi và của anh, đất ngọt của tự do. Vùng đất tổ tiên đã hy sinh, và đất của người Hành hương quang vinh, Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ khắp núi đồi quê hương. Và nếu Hoa Kỳ muốn trở thành một quốc gia vĩ đại, thì điều này phải thành sự thực. Và hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những ngọn đồi kỳ vĩ của New Hampshire. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những rặng núi đồ sộ của New York. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ rặng Allegheny của Pennsylvania. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ đỉnh cao tuyết phủ của dãy Trường Sơn Colorado. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những sườn đồi óng ả của xứ California. Nhưng không phải chỉ có thế: Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Thạch Sơn của Georgia. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Vọng Sơn của Tennessee. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ mọi ngọn đồi và đụn cát xứ Mississippi. Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ khắp núi đồi quê hương. Và khi tiếng chuông tự do vang lên, khi chúng ta để cho tiếng chuông tự do vang lên từ mọi làng thôn, từ mọi tiểu bang và phố thị, ta sẽ có thể tiến đến cái ngày ấy mau hơn, cái ngày mà mọi con dân của Thượng Đế, da trắng và da đen, người Do Thái và dân Ngoại giáo, tín đồ Tin Lành và Công giáo, sẽ cùng nắm tay nhau và hát lên những câu hát của bản thánh ca cổ của người Da Đen: Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do! Tạ ơn Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã có tự do![4] © Học Viện Công Dân 2012 Nguồn: http://www.americanrhetoric.com/speeches/mlkihaveadream.htm [1] Đây là lối chơi chữ "Five score years ago," mà King bắt chước tổng thống Lincoln trong diễn văn Gettysburg: "Four score and seven years ago." Một score là 20 đơn vị, không có đơn vị tương đương bên Việt ngữ, nên phải dịch thẳng là "một trăm năm trước đây" và không giữ được văn phong của King (ghi chú của người dịch). [2] Kinh thánh Cựu Ước: sách Amos, đoạn 5, câu 24. [3] Ê-Sai, đoạn 40, câu 5. [4] Free At Last (Cuối cùng ta đã có tự do) là một bản thánh ca cổ của người Da Đen được John Wesley Work đệ II sưu tập trong tuyển tập dân ca Da Đen.

Có Gan Làm Giàu William Brody

LGT. Bài diễn văn của Giáo sư Bill Brody, Viện trưởng Viện Đại học Johns Hopkins, tại một buổi họp của Hội Metropolitan tại thành phố New York. Trong bài nói chuyện này GS Brody đã nêu lên những yếu tố và nguyên nhân đưa đến sự suy thoái của nước Mỹ. Đây là những lời cảnh báo không những chỉ cho nước Mỹ, mà còn là bài học cho những nước đang phát triển, mà Việt Nam là một trong những nước này, để thấy và biết những gì cần tránh, cũng như những gì cần phát huy trong một thế giới đa cực và toàn cầu ngày nay. Buổi trưa, ngày thứ Hai, 25 tháng 4, 2005 Tại phòng ăn của Hội Metropolitan, thành phố New York Vào giữa thập niên 1960, khi cuộc chiến VN lên cao điểm, quân đội Mỹ phải đương đầu với một khó khăn lớn lao. Đó là những khu rừng dày đặc tại VN mà dù chúng ta có xe tăng, tàu bò tối tân cũng không vượt qua được những khu rừng này. Thành ra một số nhà khoa học của chúng ta nảy ra một sáng kiến. Họ nói là quân đội của ta cần một đàn voi rô-bô bằng máy để càn vào những khu rừng này. Rồi thì họ sử dụng những đồng tiền thuế mà chúng ta kiếm được rất vất vả để nghiên cứu và chế tạo những con voi máy. Cùng lúc đó, đối đầu với mối đe dọa từ cuộc Chiến tranh Lạnh, một nhóm những nhà nghiên cứu khác dùng tiền của Liên Bang để nghiên cứu về thần giao cách cảm và vận dụng năng lượng tâm ý để điều khiển vật chất từ xa, và để xem ta có thể đọc được ý tưởng của những nhà lãnh đạo Xô-viết xem họ có ý định "tiên hạ thủ vi cường" phóng hỏa tiễn đánh ta trước hay không. Đó là những câu chuyện có thật. Và dù rằng nghe nó có vẻ khôi hài, buổi trưa hôm nay tôi sẽ không nói với quý vị về lịch sử của những ý tưởng có vẻ điên rồ và sự phí phạm tiền thuế của quý vị cũng như của tôi. Nhưng ngược lại, tôi muốn trình bày với quý vị rằng những nhà khoa học đó, những người cố tìm cách đọc tâm ý người khác hay làm ra những con voi máy, thực ra họ chính là những anh hùng vô danh của nước Mỹ--một loại anh hùng mà chúng ta ngày nay còn cần có nhiều hơn. Tôi rất vui vì được hội Metropolitan mời làm diễn giả cho một trong những buổi nói chuyện trong bữa ăn trưa. Đây là một dịp tốt cho tôi được thưa chuyện với những nhà lãnh đạo ngay tại thủ đô văn hóa và chính trị của nước Mỹ. Một lần nữa xin cám ơn ông Chủ tịch Charles đã có lời giới thiệu rất nồng nhiệt. Như Charles đã nhắc lúc nãy, trong chín năm qua tôi là người lãnh đạo Viện Đại học Johns Hopskins, một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa và đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ. Viện Đại học Johns Hopkins là một trung tâm có ngân sách 5 tỷ Mỹ kim một năm và có cơ sở tại nhiều nơi trên thế giới-- tại Baltimore và Washingotn, D.C.; tại Bologna, Ý đại lợi; tại Nam Kinh, Trung Hoa; và tại Singapore. Chúng tôi là tổ chức hàng đầu nhận được tài trợ dành cho nghiên cứu của chính quyền Liên bang, và trong hai thập niên vừa qua đã là đại học đứng hàng thứ nhất trong toàn quốc về tổng số tiền chi tiêu dành cho những công trình nghiên cứu. Những khoa học gia làm việc tại Johns Hopkins mỗi ngày đều có những khám phá mới từ những lãnh vực vi-phân tử đến những khám phá ngoài vũ trụ. Họ đã can đảm để tìm tòi và nghiên cứu nhiều lúc chỉ theo linh tính hay theo những ý tưởng mà nhiều người khác sẽ cho là rồ dại. Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi cũng đã từng có một hai ý tưởng rồ dại, và kết quả là tôi trở thành một trong những người thành lập ra ba công ty chế tạo dụng cụ y khoa. Cho nên tôi cũng hiểu được tầm quan trọng và sự nguy hiểm khi dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Có gan mạo hiểm và chấp nhận rủi ro, thưa quý vị, là đề tài tôi muốn thưa chuyện hôm nay. Rủi ro là một yếu tố nội tại luôn luôn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Mỗi ngày, hàng triệu người đang chơi trò may rủi. Không phải chỉ là những trò may rủi của mua vé số, của đánh cá độ trận bóng đá quốc tế, hay đi sòng bạc ở thành phố Atlantic.[1] Không, hàng ngày còn nhiểu người hơn số đó đang thử thời vận trong những lãnh vực từ tài chính, như buôn bán cổ phiếu, tới doanh nghiệp như chế tạo những sản phảm mới, tới những nghiên cứu khoa học như mở rộng biên giới của lãnh vực y khoa phân tử hay cố tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư. Đất nước của chúng ta được thành lập trên nền tảng của sự mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Christopher Columbus "gặp may" trên chuyến hải trình đầy rủi ro và nguy hiểm và tìm ra Châu Mỹ. Những người đi khai phá miền Tây đã có gan chấp nhận những rủi ro khủng khiếp. Trong một đường hướng khác, những nhà doanh nghiệp khai phá như Henry Ford, John D. Rockefeller, Thomas Watson, và Bill Gates,[2] những nhà tư bản đầu tư như Chuẩn tướng Georges Doriot, Arthur Rock,[3] và những nhà nghiên cứu y khoa như Bác sĩ Jonas Salk, người tìm ra thuốc chủng ngừa bệnh bại liệt Polio, đạt được những thành quả như ta thấy là vì họ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị thất bại. Lịch sử của Hoa Kỳ là lịch sử được tạo nên bởi những người đi tiên phong, thám hiểm những lãnh vực từ bên trong đến bên ngoài không gian của quả địa cầu, những lãnh vực khoa học, kỹ thuật, và cả thương mại nữa. Nếu ta nhìn đàng sau những sự khám phá đã khiến cho đất nước chúng ta trở nên vĩ đại, ta sẽ thấy những người đã dám liều hết tất cả để thành công, và cũng có rất nhiều người cũng đã liều hết tất cả nhưng bị thất bại. Ngày hôm nay, tôi đang lo ngại, vì nhìn chung, tôi thấy cả nước đang tách xa khỏi cái tinh thần mạo hiểm của tiền nhân. Càng ngày người Mỹ càng trở nên ngại ngần không muốn chấp nhận rủi ro dù dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta đang trở nên sợ thất bại. Chúng ta đang có thái độ: mỗi một kết quả phải toàn hảo; mỗi một trẻ em sinh ra phải đẹp đẽ, khỏe mạnh; đừng đòi hỏi sinh viên của chúng ta nhiều quá, miễn họ không rớt là được rồi; tất cả mọi sinh viên của những trường Ivy League[4] phải tốt nghiệp hạng danh dự; cầu thủ nào ra sân chơi cũng đều được một cái cúp. Thái độ tránh né rủi ro đang dần dà đưa nước Mỹ xuống hạng thứ hai trong một nền kinh tế đang càng ngày càng trở nên toàn cầu hóa. Kết quả nào cũng được bảo đảm có nghĩa là những kỳ vọng và tiêu chuẩn đã bị hạ thấp. Và hạ thấp kỳ vọng sẽ dẫn tới những kết quả xoàng xĩnh và dưới tiêu chuẩn. Ta cần phải tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra? Quý vị chắc còn nhớ khi nhân vật Charlie Brown quen thuộc của chúng ta đến gặp Lucy, một "bác sĩ tâm lý học."[5] Lucy hỏi Charlie Brown: "Mày có sợ trách nhiệm không? Nếu có, thì đúng là mày mắc bệnh hypengyophobia." Charlie Brown trả lời: "Không hẳn như vậy." Lucy hỏi, "Thế mày có sợ mèo không? Nếu có thì đúng là bệnh ailurophobia." Charlie Brown nói, "Có hơi hơi thôi, tao cũng không biết chắc nữa." Lucy tiếp tục: "Mày có sợ cầu thang không? Nếu có thì mày mắc bệnh climacaphobia, hay là bệnh thalassophobia, tức là sợ biển, hay gephyrobia, tức là sợ đi qua cầu. Hay là có thể mày bị chứng pantophobia. Mày có nghĩ là mày bị pantophobia không?" Charlie Brown hỏi: "Nhưng pantophobia là cái quái gì?" Lucy trả lời: "Đó là chứng bệnh sợ đủ thứ." "ĐÚNG RỒI!" Charlie Brown hét toáng lên. Tôi đang phân vân không biết có phải chúng ta đang trở nên giống như chú nhỏ Charlie Brown hay không? Ở mọi nơi, xã hội chúng ta đều thấy có sự rủi ro--và càng lúc chúng ta càng đòi hỏi phải có những cách gì để loại bỏ sự rủi ro đó đi. Nhưng một bậc thức giả đã có lần bảo tôi: "Bill này, để tránh không phạm lỗi, anh phải có sự khôn ngoan." Tôi trả lời: "Đúng vậy, tôi muốn có sự khôn ngoan đó, nhưng tìm ở đâu đây?" "Rủi thay," bạn tôi trả lời, "muốn có sự khôn ngoan, bạn phải phạm lỗi trước đã!" Thomas Edison, khi được hỏi vì sao mà ông vẫn cứ kiên trì thí nghiệm làm bóng đèn dù đã thất bại 10 ngàn lần, đã trả lời như sau: "Tôi đâu đã thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10 ngàn cách làm bóng đèn mà nó không sáng thôi mà!" Sự sai lầm là mặt tiêu cực của việc chấp nhận rủi ro. Và dường như ta ngày càng không muốn khoan thứ cho những sai lầm. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong những trò chơi, trong những môn thể thao, trong những trò chơi chiếu trực tiếp trên truyền hình. Nhưng ta lại không dám chấp nhận rủi ro trong buôn bán, trong chương trình nghiên cứu và phát triển--ngay cả [để tiến thân] trong nghề nghiệp hay trong lãnh vực y khoa, hay trong gia đình, trong học đường, hay trong đời sống cá nhân. Trên phương diện quốc gia, chúng ta đã trở thành một dân tộc cái gì cũng sợ. Chúng ta giống như con nai bị chết điếng khi bị ngọn đèn pha chiếu vào mắt, không dám nhúc nhích gì nữa cả. Thái độ lẩn tránh rủi ro đang làm hại đến tính cạnh tranh toàn cầu của quốc gia và làm trì trệ đến lợi tức của chúng ta. Tôi đang làm đồng-chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu tính Cạnh tranh của Đề án Cách tân Quốc gia. Ủy ban này được thành lập đã 20 năm rồi, gồm có những nhà lãnh đạo cấp quốc gia trong các lãnh vực kỹ nghệ, giáo dục, và lao động, nhằm nghiên cứu, phát huy, và thúc đẩy tính cạnh tranh của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Khi làm việc với Ủy ban, tôi được biết đến một khái niệm mới: Phương trình Cách Tân. Khi nói về tính cạnh tranh, có nghĩa là nói đến khả năng gia tăng lợi tức thật sự của MỌI người dân Mỹ bằng cách sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao và những dịch vụ đáp ứng được những thử thách của thị trường thế giới. Nói nghe thì khá đơn giản, nhưng dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết là thực tế không phải vậy. Tính cạnh tranh của nước Mỹ có tầm quan trọng to tát ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, quyết định trực tiếp đến tiêu chuẩn sống của quý vị và của tôi. Sự cạnh tranh ảnh hưởng đến loại nhà cửa nào mà ta có thể mua và kham nổi tiền trả hàng tháng và nếp sống hàng ngày. Sự cạnh tranh ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta vì làm cho ta mất ngủ vì lo không đủ tiền trả hóa đơn hàng tháng. Và ngay lúc này, khi nói chuyện với phụ huynh của sinh viên, tôi biết người Mỹ đang mất ngủ vì lo lắng về những chi tiêu hàng tháng. Như vậy tính cạnh tranh không phải là điều trừu tượng. Nó không phải là mối lo của tương lai mà ta còn có thể tạm quên trong hiện tại. Tính cạnh tranh có thật, ngay bây giờ, và cực kỳ quan trọng. Và đây là lúc ta phải áp dụng Phương trình Cách Tân. Phương trình Cách Tân rất đơn giản: Kiến thức dẫn đến sáng kiến; sáng kiến dẫn đến sự gia tăng hiệu suất; gia tăng hiệu suất dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Tất cả chỉ có bấy nhiêu. Trong những năm qua, sự tăng trưởng hiệu suất đã dẫn đến sự tăng trưởng của hai phần ba mức tăng trưởng GDP hàng năm của chúng ta. Sự áp dụng những phát kiến kỹ thuật mới vào doanh nghiệp đã dẫn đến sự gia tăng hiệu suất. Nhưng không có gì bảo đảm là sự gia tăng hiệu suất này sẽ vẫn còn tiếp tục. Dựa trên những nghiên cứu của Ủy ban Cạnh tranh mà tôi được xem, thì dường như đường ống dẫn những phát kiến cách tân của ta đang dần bị bóp nghẹt. Nếu đà này tiếp tục, ta có thể đánh cuộc là Mỹ sẽ tụt hậu sau Trung Hoa, Ấn Độ, và ngay cả so với sự trổi dậy của Tây Âu. Đây là lý do tại sao: Thứ nhất, chúng ta đang bị thua trong cuộc chạy đua về xây dựng kỹ năng nghề nghiệp. Khoảng một phần ba của tất cả mọi công việc tại Mỹ đòi hỏi phải có khả năng chuyên môn về khoa học và kỹ thuật, nhưng chỉ có 16 phần trăm sinh viên của chúng ta tốt nghiệp đại học về hai ngành này. So với sinh viên Đại Hàn, thì ta chỉ có một nửa số sinh viên tốt nghiệp mà có quá trình đào tạo liên quan đến khoa học hoặc kỹ thuật. Đại học Harvard khi thăm dò ý kiến số sinh viên năm đầu tiên trong niên khóa gần đây, đã thấy rằng chỉ có một phần trăm sinh viên là có ý muốn theo học về khoa học điện toán mà thôi, trong khi ta thấy kỹ thuật tin học đang chính là động cơ chính thúc đẩy sự gia tăng hiệu suất của chúng ta. Thành thử ta cũng đừng nên ngạc nhiên khi Bill Gates sau năm học đầu tiên không còn muốn học ở Harvard nữa. Hiện nay số sinh viên ngoại quốc theo học các ngành khoa học và kỹ thuật tại những đại học Mỹ đã vượt quá xa số sinh viên Mỹ theo học những ngành này. Những sinh viên ngoại quốc là những sinh viên giỏi, siêng năng, nhưng chúng ta lại làm khó dễ khiến cho họ không thể xin được "thẻ xanh" để được thành thường trú tại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Càng ngày càng có nhiều sinh viên như vậy về nước họ vì ở đó họ cũng có được nhiều cơ hội nghề nghiệp như ở Mỹ. Châu Âu ngày nay, so với Mỹ, đào tạo ra gấp đôi số khoa học gia và kỹ sư, còn tại Á châu thì khoảng gấp ba lần. Cũng đáng ngại như sự tụt hậu trong cuộc đua về kỹ năng nghề nghiệp, chúng ta cũng đang mất dần thế thượng phong trong lãnh vực khám phá. Lịch sử cho thấy, sự phát minh trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật vẫn là kết quả trực tiếp của sự đầu tư vào lãnh vực nghiên cứu và phát triển cơ bản. Truyền thống yểm trợ tài chánh một cách rộng rãi cho những chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước Mỹ đã là một động lực chính giữ vững tính cạnh tranh kinh tế của chúng ta. Nhìn chung, ngân sách dành cho Nghiên cứu và Phát triển của nước Mỹ vẫn giữ nguyên một tỷ lệ nhất định của tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong nhiều năm--vào khoảng 2,8%. Nhìn con số này, ta có thể nghĩ rằng mọi chuyện vẫn tốt, vẫn OK, vì ngân sách đâu có bị cắt? Nhưng con số thống kê có thể bị hiểu sai như trong trường hợp này. Chương trình Nghiên cứu & Phát triển dành cho kỹ nghệ đã gia tăng trong 40 năm qua, nhưng phần lớn số tiền này lại được dành cho phát triển, một phần nhỏ dành cho nghiên cứu ứng dụng, và hầu như chẳng có đồng nào dành cho phần nghiên cứu cơ bản.[6] Trên phương diện Nghiêu cứu & Phát triển liên bang thì tình hình còn tệ hơn thế: ngân sách liên bang dành cho nghiên cứu lên đến đỉnh cao nhất 40 năm trước đây, tức là năm 1965, chưa đạt tới 2% của GDP. Ngày nay, con số này chỉ còn hơn một nửa chút đỉnh, khoảng 0.8% của GDP. Một mặt ngân sách nhà nước dành cho những nghiên cứu y học gia tăng, nhưng nói chung, ngân sách dành cho R&D về toán, vật lý, kỹ sư và công nghệ thông tin, những mũi nhọn chính của sự gia tăng hiệu suất, cứ tiếp tục suy giảm. Như quý vị thấy, những con số này có hệ quả thật, rất thật. Những tài liệu công bố các nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật của Tây Âu đã vượt xa con số công trình nghiên cứu khoa học của Mỹ, và vào năm 2010, người ta dự đoán rằng những nền kinh tế đang lên tại Á châu sẽ sản xuất ra nhiều bằng sáng chế và sẽ chi tiêu nhiều cho lãnh vực nghiên cứu và phát triển hơn nước Mỹ. Ai trong chúng ta cũng biết là nước ta đang bị sự thâm hụt mậu dịch khổng lồ. Nhưng trong nhiều năm, ta vẫn giữ được ưu thế mậu dịch trên lãnh vực xuất cảng kỹ-nghệ-cao. Năm 1980, Hoa Kỳ sản xuất 31% số lượng kỹ-nghệ-cao xuất cảng toàn cầu; Nhật bản khoảng 15%, và các nước Á châu đang lên khoảng 7%. Năm 2001, những con số này bị đổi vị trí. Bây giờ Mỹ chỉ còn sản xuất 18%, Nhật 10%, và những nước đang lên tại Á châu chiếm tới 25% số lượng xuất cảng kỹ nghệ cao. Cán cân mậu dịch về kỹ nghệ cao của ta đang bị nghiêng về số âm và còn tiếp tục đi xuống một cách nhanh chóng. Sự tụt dốc trong vai trò lãnh đạo về những phát minh nói lên một điều là tiêu chuẩn sinh sống của chúng ta cũng sẽ bị tụt dốc theo. Nếu ta có ý chí và "dám", ta có thể tăng gia gấp đôi ngân sách dành cho những chương trình nghiên cứu cơ bản trong lãnh vực vật lý và khoa học thông tin--tổng số tiền cần thiết để gia tăng một-lần-một mà thôi vẫn còn thấp hơn số tiền chi tiêu gia tăng, cứ mỗi ba tháng, dành cho chi phí y tế quốc gia. Tại sao ta không sử dụng khẩu hiệu của hãng Nike là "Hãy Làm Đi!"? Một phần của lý do chúng ta không dám "Hãy Làm Đi" có liên quan đến điều gọi là Nghịch lý St. Petersburg. Tính cạnh tranh của chúng ta bị suy giảm, vì, oái oăm thay, chúng ta không dám "đánh liều" chấp nhận rủi ro để cạnh tranh. Bây giờ để tôi giải thích Nghịch lý St. Petersburg: Tôi muốn quý vị cùng tưởng tượng là chúng ta vừa thắng một giải thưởng bao cả ăn ở để đi chơi sòng bạc ở Las Vegas. Khi đến Las Vegas, quý vị đi ngay đến một sòng bạc để chơi trò kéo máy.[7] Người ta bu quanh tất cả các máy, còn sót lại hai cái-mỗi cái là máy kéo quý vị phải bỏ vào $1 đô. Vì bây giờ là thời buổi của kiện cáo như rươi, nên trước khi chơi quý vị phải đọc và ký vào bản thông báo là hiểu hết luật chơi. Cái máy đầu tiên có bản thông báo như thế này: "Coi chừng! Cờ bạc là trò chơi nguy hiểm có thể làm hại đến sức khỏe. Bạn có thể thua nhẵn túi hoặc thua hết cả áo quần nếu không cẩn thận. Những thông tin về máy này không tiên đoán được là bạn sẽ thắng, nhưng trung bình, nếu bạn chi ra $3 đô, thì có thể thu về được $2.95." Cái máy thứ hai cũng có lời cảnh cáo tương tự, nhưng cho biết là "với cái máy này, tính trung bình bạn có thể thắng tới $6000 đô cho mỗi $3000 bạn chi ra." Có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ chọn chơi cái máy thứ hai hơn là cái thứ nhất? Đúng vậy, chúng ta ai cũng hiểu là nếu ta chọn máy thứ hai và chơi trong một thời gian đủ lâu, thì xác suất thắng cuộc thuộc về ta. Thế thì điểm khác biệt quan trọng giữa hai cái máy này là gì? Giả sử bạn chơi máy thứ nhất, thì sau khi kéo vài cú, bạn đã có thể thu lại được vài đồng rồi, và bạn sẽ hân hoan với số tiền thắng cuộc. Nhưng vấn đề là nếu cứ tiếp tục chơi, thì số tiền thu được vẫn ít hơn so với tiền chi ra (bạn có ký tên công nhận rồi). Cái máy thứ hai đòi hỏi phải có kiên nhẫn. Nếu có ai sẵn lòng và sẵn tiền để bỏ $1 đồng đô la vào máy trong một thời gian dài thì hy vọng sẽ thắng lớn. Nhưng dĩ nhiên, không có điều gì bảo đảm là cứ hễ bạn tiêu ra $3000 là sẽ thắng được $6000. Như thế, có một yếu tố rủi ro rõ rệt khi chơi chiếc máy này, và đó là bạn có thể sẽ thua hết tiền trước khi trúng được lô độc đắc (trong trường hợp này là $6000). Đây quả đúng là trường hợp "có gan làm giàu," hay còn được gọi là "không chịu đau, thì không được hưởng lợi." Nhưng nếu ta có tiền dư để đầu tư và có thì giờ để chơi trong một thời gian dài, thì cuối cùng bạn sẽ tăng được gấp đôi số tiền phải bỏ ra. Như vậy, trong trường hợp này nên chọn cái máy thứ hai. Bạn sẽ thắng. Đây là một thí dụ mà những nhà toán học về xác suất gọi là Nghịch lý St. Petersburg; nghịch lý này được nhà toán học Nicholas Bernoulli người Thụy sĩ khám phá ra cách đây gần 300 năm. Bernoulli nghiên cứu những trò chơi may rủi có giá trị thu hoạch dự kiến là số dương; nghĩa là xác suất để thắng thì thấp, nhưng tiền thắng (giá trị dự kiến) thì lại nhiều. Nghịch lý là, ngay cả khi giá trị dự kiến của trò chơi được bảo đảm đi nữa, đa số những tay cờ bạc đều không hoặc không thể ngồi chơi trò này trong một thời gian đủ dài để thắng cuộc. Có một điều đáng ngạc nhiên là những tay cờ bạc tinh khôn mà ta thấy hàng ngày trong xã hội trong những lãnh vực tài chánh, thương mại, nghiên cứu, giáo dục, từ những cổ đông đến người tiêu thụ, hàng triệu triệu người Mỹ đang chọn cái máy thứ nhất để chơi. Người Mỹ đang nhắm đến những gì chắc chắn. Họ chấp nhận những kết quả tiên đoán được (dù nhỏ nhoi) còn hơn là nhắm vào lô độc đắc. Những gì có ít rủi ro, thì cũng có ít phần thưởng: Đó chính là [kết quả của] lựa chọn "Ăn Chắc." Nhưng khi chọn cách chơi "ăn chắc," chính ta đang tự loại mình ra khỏi trò chơi. Suốt lịch sử của nước ta, chúng ta đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật khi sáng chế ra một hệ thống để lượng định rủi ro và tưởng thưởng cho những ai dám "làm liều." Trên con đường đó, chúng ta đã trở nên nhuần nhuyễn khi học được cách kiểm soát và giảm thiểu rủi ro. Từ những thuốc chủng ngừa đến dây lưng an toàn trên xe hơi, từ giảm hút thuốc lá đến mũ bảo vệ đầu cho người đi xe hai bánh, chúng ta đã vận dụng sự thông minh của mình một cách có hệ thống và giảm đi những rủi ro không cần thiết. Điều đáng lo là, có thể chúng ta đang trở thành nạn nhân của sự ngụy biện là "nếu có một ít đã là tốt rồi, thì có nhiều còn tốt hơn"--nghĩa là bởi vì ta có thể kiểm soát được rủi ro, vì vậy ta nên cố tìm cách dẹp hết toàn bộ những rủi ro. Tôi tin rằng vấn đề hiện nay của chúng ta là khi ta đang tìm cách giảm thiểu rủi ro, chúng ta đã đi quá xa. Đó cũng là điều đưa tôi trở lại với những nhà nghiên cứu về thần giao cách cảm và chế tạo ra đàn voi máy. Cả hai dự án đó đều xuất phát từ một cơ quan liên bang mà ít người biết đến, gọi là cơ quan DARPA[8]--Cơ quan Phụ trách Những Dự án Nghiên cứu Cao cấp của bộ Quốc Phòng. Có thể quý vị chưa nghe nói về DARPA, nhưng chắc chắn là quý vị đã được hưởng những thành quả do những dự án nghiên cứu của DARPA mang lại. Trong thập niên 1960, DARPA tài trợ cho những nghiên cứu về khoa học điện toán để xây dựng một mạng lưới nối kết những máy điện toán của những cơ quan nằm tại những nơi hẻo lánh xa xôi. Mạng DARPA, tên gọi lúc đó, hiển nhiên là một ý tưởng điên rồ, giống như đàn voi máy vậy. Lúc đó chẳng có ai nghĩ đến là mạng lưới này sẽ mang lại những công dụng thực tế gì. Trường Đại học Stanford là một trong những nơi được nhận trợ cấp để nghiên cứu về mạng lưới này. Lúc đó tôi còn đang là sinh viên bậc Cao học ở đó. Tôi dám chắc là quý vị đã đoán ra rồi, mạng-DARPA chính là tiền thân của cái gọi là Internet ngày nay. Có điều nữa mà có lẽ quý vị không biết là đã có hai công ty vào hạng Fortune 500[9] đã được hình thành từ dự án xây dựng mạng-DARPA tại Stanford. Những máy điện toán cá nhân do Sandy Bechtolsheim, một sinh viên bậc cao học tại Stanford chế tạo đã dẫn tới việc thành lập công ty SUN Microsystems. SUN, là chữ viết tắt của Stanford University Network. Còn những dụng cụ để điều hành lưu thông trên mạng là kết quả của Hệ thống Cisco. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là những bước đầu, sau đó nào là Apple Computer, Netscape, Google, Yahoo và eBay đều được xây dựng trên nền tảng đó trong những thập niên về sau. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là DARPA được thành lập chỉ ngay sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, và nhận một mệnh lệnh rõ ràng là thúc đẩy nền khoa học và kỹ thuật của Mỹ vượt qua những gì mà giới quân sự của Liên Xô đang tiến hành. Mệnh lệnh đó, nói một cách đơn giản là "rủi ro cao, phần thưởng lớn." Một cựu giám đốc của DARPA vừa mới trả lời phỏng vấn của tờ Los Angeles Times là "tại DARPA trong thập niên 1960, các khoa học gia có thể thực sự muốn làm cái gì thì làm, miễn là không vi phạm luật pháp hay đạo lý." Nói một cách khác, bạn có thể "liều" và chấp nhận những rủi ro thất bại lớn lao trong khi nghiên cứu về những điều không cần thiết và có thể sẽ trở thành những điều vô tích sự như mạng lưới điện toán, hay chế tạo ra đàn voi bằng máy. Tony Tether, giám đốc hiện nay của DARPA, ước lượng là có khoảng từ 85% đến 90% những dự án bị thất bại, không đạt được mục đích như đã ấn định trong kế hoạch. Nhưng, ông nói thêm, những chương trình nghiên cứu đôi khi lại tạo ra những kỹ thuật không nằm trong sự tiên liệu, như là mạng Internet chẳng hạn. DARPA là một cơ quan của chính quyền, một cơ quan rất sẵn lòng tài trợ cho những dự án nghiên cứu có vẻ viễn vông và chẳng có tý lợi ích thực tiễn nào, cho đến khi, dù chỉ thỉnh thoảng, tạo ra một đột phá vĩ đại trong một hay hai chục năm sau đó. Nhưng có lẽ tôi phải dùng từ "đã sẵn lòng" cho trường hợp của DARPA mới đúng. Dù DARPA hiện nay vẫn còn đang sống khỏe và đang tài trợ cho những công trình nghiên cứu khoảng $2.5 tỷ một năm, sắc diện và giọng nói của cơ quan này đã, trong những năm qua, bị thay đổi. Như dấu hiệu của tuổi già, tôi nghĩ, DARPA đang tách xa dần những công trình nghiên cứu cơ bản. Báo New York Times gần đây vừa tường thuật rằng DARPA đang ngày càng tập trung vào những công trình nghiên cứu ứng dụng dẫn đến những kết quả ngắn hạn. Nói một cách khác là chú tâm đến con số cuối hàng trong bản quyết toán tài chánh nhiều hơn. Mơ mộng xây dựng những gì như mạng-DARPA, tiền thân của Internet, là một việc làm liều lĩnh, đầy rủi ro, mà thành quả thì lại nằm ở một tương lai quá xa. Hãy tạo ra những gì ta có thể sử dụng ngay hôm nay, nhiều lắm thì đến ngày mai phải có. Nghe quen thuộc quá, phải không các bạn? Đó chính là điều ta làm cho Nghịch lý St. Petersburg trở thành đúng. Bây giờ chúng ta đang phải đối diện với hai nghịch lý. Khi mà ta đang bị thử thách như chưa từng có, nào là bị bạn thách thức về phương diện kinh tế, bị thù thách thức về quân sự, thì lại là lúc mà ta không còn dám liều để chấp nhận những rủi ro cần thiết nhằm đạt được những thành quả lớn lao. Sự thay đổi tại DARPA là một dấu hiệu của sự rút lui trên diện rộng, từ bỏ tâm lý và thái độ "dám liều" của chúng ta. Cho nên, nếu sáng kiến cách tân và tính cạnh tranh của nước Mỹ bị lệ thuộc vào thái độ "dám liều" của chúng ta, thì ta có thể làm gì để khích động tinh thần sáng tạo? Tôi vừa mới đi thăm một vị thầy, người có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi khi còn học kỹ sư tại MIT.[10] Vị thầy này tên là Amar Bose. Khi dạy chúng tôi, ông luôn luôn nhắc đi nhắc lại: "Tôi không cần biết câu trả lời cho những vấn đề mà tôi ra cho các anh là gì...Chúng ta đã biết câu trả lời rồi. Điều quan trọng là cách các anh giải quyết vấn đề. Bởi vì khi các anh ra khỏi trường MIT, các anh sẽ phải giải những vấn đề mà chưa từng có ai đặt ra." Và thầy Bose đã làm gì? Như đa số quý vị đã biết, Amar Bose nghỉ dạy tại MIT để mở một công ty để giải một vấn đề mà chưa từng có ai đặt ra; đó là điều gì khiến một cái loa phát âm tốt lại phát ra âm thanh tồi, và ngược lại. Có bao nhiêu quý vị ở đây có một cái radio hiệu Bose, hay đã từng muốn mua một cái hiệu Bose? Một điều thật rõ ràng, khi nghỉ dạy tại MIT, Amar Bose đã dám liều, chấp nhận một sự rủi ro rất lớn, nhưng ông đã thành công. Giải pháp độc đáo ứng dụng âm thanh học của ông đã đưa đến sự hình thành công ty Bose,[11] một công ty chuyên sản xuất những dụng cụ âm thanh với phẩm chất tuyệt hảo. Công ty Bose vẫn là một công ty tư nhân do Bose làm chủ và từ chối bán cổ phiếu của công ty. Ông nói: "Tôi đầu tư 100% tiền lời vào công trình R&D. Điều mà tôi sẽ không làm được nếu công ty trở thành công ty cổ phần." Và quyết tâm chấp nhận rủi ro trong những công trình nghiên cứu của Bose hình như lại mang lại kết quả lớn lao một lần nữa. Giáo sư Bose vừa mới trình làng một hệ thống ống nhún cho xe hơi mà những tạp chí chuyên ngành về xe hơi phải gọi là một phát minh cách mạng, một sự đột phá về kỹ thuật.[12] Hãng Bose bắt đầu nghiên cứu về ý tưởng này từ năm 1980, và đã mất rất nhiều năm qua bao nhiêu sự đầu tư quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển mới đưa được ý tưởng này thành hiện thực. Khi tôi đến thăm thầy Bose trong thời gian gần đây, ông nói với tôi: "Bill nè, nếu tôi mà làm CEO của một công ty cổ phần, thì tôi đã bị đuổi cổ ba lần rồi." May thay, công ty Bose không bị những nhà phân tích tài chính của Wall Street tính toán lời lỗ đến từng xu của công ty, nên Tiến sĩ Bose mới có thể chi trả cho những đầu tư cần thiết cho những kết quả trong tương lai. Và quý vị phải nhớ rằng, một lần nữa Bose lại đạt được thành công lớn. Ông cho tôi ngồi lên chiếc xe thử nghiệm hệ thống mới. Chiếc xe này được đặt trên một cái bệ đặc biệt mà có thể mô phỏng theo bất kỳ loại đường đi nào. Có lẽ ông bấm một cái nút mang tên là "Đường xá của thành phố Baltimore," vì tôi cảm thấy bị dằn lên dằn xuống muốn long cả óc. Rồi thì ông bấm cái nút khởi động hệ thống ống nhún Bose. Ngay lập tức chiếc xe trở nên như đang bay trên nệm không khí. Đây chính là một sản phẩm cách tân mà những nhà sản xuất xe hơi, dù là Mỹ, Âu châu, Nhật, Hàn quốc, hay ngay cả Tàu và Ấn Độ, rồi cũng phải làm theo. Đó chính là phần thưởng độc đắc: sự sáng tạo của Mỹ ở dạng đẹp nhất. Nhưng rủi thay, câu chuyện này không được lập lại thường xuyên trong những công ty của Mỹ thời buổi này. Qua những việc tôi làm tại Ủy ban Cạnh tranh và tại Ban Quản trị của nhiều công ty sáng tạo khác nhau, tôi hiểu được một điều là để có thể sản xuất được nhiều thêm những sản phẩm xuất sắc như vậy, ta cần phải sửa bốn chướng ngại sau đây: thuế vụ, luật lệ về sản xuất, kiện tụng, và giáo dục. Trong mỗi một lãnh vực, ta cần phải điều chỉnh chính sách hiện nay để tưởng thưởng xứng đáng hơn cho những ai dám liều chấp nhận rủi ro, và trừng phạt sự tự mãn. Sau đây là một vài điều tôi nghĩ chúng ta nên làm: Hãy xét đến chính sách thuế khóa. Khi nói đến việc cổ võ cho sự dấn thân và chấp nhận rủi ro, có lẽ lãnh vực thuế khóa là chỗ ta phải nói đến sau cùng mới đúng, nhưng tôi lại nghĩ rằng đây mới chính là điểm đầu tiên cần bàn. Nếu ta trả tiền cho Barry Bonds[13] để xem anh ta đánh những trái banh làm bàn, thì tại sao ta lại không làm điều đó với những công ty của chúng ta? Lúc này chúng ta đang đưa ra những cái nhuận thưởng quái ác khiến cho những công ty không muốn đầu tư vào những chương trình dài hạn. Phần lớn cổ đông trong những công ty cổ phần chỉ giữ cổ phiếu của họ, một cách trung bình, là dưới một năm. Và mặc dầu mức thuế cho những đầu tư dài hạn hiện đang ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử, phần lớn những cổ đông của những công ty cổ phần được đầu tư vào quỹ hưu bổng và quỹ đầu tư của những tổ chức từ thiện, và những đầu tư này không phải đóng thuế; cho nên, cổ đông có thể mua và bán cổ phiếu ngắn hạn mà không bị phạt. Ta nên yêu cầu mọi người đầu tư phải đóng thuế thu nhập trên những tiền lời ngắn hạn, và như thế họ có khuyến lệ để giữ tiền đầu tư lâu dài hơn. Sau đó là kéo dài thời hạn của những tiền lời dài hạn từ một đến ba hay năm năm. Cuối cùng, ta có thể dùng luật thuế khóa để tưởng thưởng cho những công ty nào đã dám chấp nhạn rủi ro mà bỏ ra một số tiền đầu tư đáng kể vào những công trình nghiên cứu. Làm như vậy sẽ khiến cho cổ đông thấy rằng giữ cổ phiếu của họ lâu dài là một sự đầu tư hấp dẫn hơn. Norm Augustine, nguyên Tổng Giám đốc của đại công ty Lockheed Martin, một đại công ty chuyên về quốc phòng, kể cho tôi câu chuyện sau đây, khi ông còn là Tổng Giám đốc của công ty Martin Marietta, công ty tiền thân của Lockheed Martin, là có một ngày ông mời những chuyên viên phân tích vào họp và tuyên bố rằng hãng sẽ thực hiện một loạt những công trình nghiên cứu mà ông nghĩ là sẽ đưa công ty vượt xa những đối thủ cạnh tranh. Nhưng điều làm cho ông ngạc nhiên là sau khi nghe ông trình bày xong, những chuyên viên này lập tức rời phòng họp và đem bán hết cổ phiếu của họ, khiến cho cổ phiếu của hãng bị tuột dốc và tiếp tục xuống trong suốt 18 tháng sau đó. Quá sức thắc mắc về phản ứng ngược của tin này, Norm bèn hỏi một trong những chuyên viên phân tích về quỹ hỗ tương. Câu trả lời như sau: "Ai cũng biết là phải mất từ tám đến mười năm thì những chương trình nghiên cứu mới có kết quả. Nhưng cổ đông của chúng tôi lại chỉ giữ cổ phiếu chưa tới một năm; cho nên, quỹ đầu tư của chúng tôi không đầu tư vào những công ty như công ty của ông đã đưa ra cách thức điều hành thiển cận như vậy." Kế tới là luật lệ. Chắc chắn ai cũng đồng ý là những luật lệ hành chánh là kẻ thù của sáng tạo. Dĩ nhiên ta cần phải có sự giám sát về nhiều thứ, như thuốc men, chống ô nhiễm không khí, và cách làm việc của những công ty. Nhưng ta cũng cần nhớ câu châm ngôn quan trọng sau đây: hoàn hảo tuyệt đối là kẻ thù của cái tốt. Ta chẳng bao giờ có thể có được một xã hội hoàn toàn không có rủi ro. Người Mỹ đang phải trả một cái giá cao cho một bộ máy hành chính được thành lập với ý tốt nhưng nặng nề và thiếu hiệu quả. Những luật lệ giám sát, như ta thường thấy, đi theo một chuỗi những sự kiện mà ta có thể tiên đoán được. Trước hết là tin tức hàng đầu về một sự khủng hoảng hay biến cố bi thảm nào đó, như vụ Enron chẳng hạn. Rồi thì một dàn đồng ca cùng trổi giọng là không thể để việc như thế này xảy ra một lần nữa, vì rủi ro quá lớn. Quốc hội bị áp lực phải có hành động ngay tức khắc--thường thì chỉ trong một thời gian kỷ lục--một đạo luật đã sẵn sàng được cho ra đời và bảo đảm là ngăn chặn những biến cố tương tự như vậy không thể xảy ra nữa, bằng cách áp đặt một lô nào là những quy định và luật lệ giám sát. Đó chính là cách ứng xử cổ điển khi đã để con ngựa xổng chuồng--làm gì, làm cái gì đi chứ!--trong trường hợp bị xổng ngựa, thì đóng hết cửa lại. Và thế là chúng ta lại bị phủ thêm một lớp luật lệ và quy định, mà chẳng cần quan tâm gì đến những phí tổn do những quy định này mang lại. Enron tạo ra đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002. Đạo luật này ra đời nhằm bảo đảm cho những người đầu tư bằng cách buộc những công ty phải cung cấp thông tin tài chánh chính xác và khả tín. Đạo luật Sarbanes-Oxley (SOX) có nhiều khoản tích cực. Thí dụ như buộc những công ty phải có báo cáo chính xác hơn. Nhưng ở đời chuyện gì cũng có chừng mực, thái quá thì sẽ có hại. Đạo luật đầy thiện ý này đã khiến cho những công ty bị thiệt hại hàng bao nhiêu tỷ đô-la về hiệu năng sản xuất. Và tôi chưa thấy có ông Tổng giám đốc nào tin rằng SOX sẽ ngăn chặn được một vụ tương tự Enron trong tương lai. Thế nhưng, chẳng có ai lên tiếng phản đối, bởi vì rốt cuộc thì, ai mà lại chẳng muốn có bản báo cáo tài chính của công ty chính xác hơn. Câu hỏi mà lẽ ra ta phải đặt là: Liệu những biện pháp giảm thiểu rủi ro của SOX có đáng phải tiêu hàng bấy nhiêu tỷ đô-la chăng? Kế đến là vấn đề kiện cáo, một vấn đề ngày càng trở nên gánh nặng cho tất cả chúng ta. Hiến pháp và Đạo luật về Dân quyền (10 Tu chính án đầu tiên) đã xác định những quyền cơ bản của con người mà không một chính quyền nào được vi phạm. Nhưng tôi nghĩ quý vị cũng đồng ý với tôi là những điều đó không có nghĩa là bảo đảm cho người dân có quyền muốn kiện ai, vì bất cứ lý do gì vào bất cứ lúc nào, thì kiện. Ấy vậy đó chính là hệ thống luật pháp chúng ta đang có ngày hôm nay. Cái hệ thống kiện tụng về thiệt hại cá nhân[14] mà không có luật lệ và sự dự đoán chắc chắn nào (trừ một điều chắc chắn là phí tổn cao), chẳng giúp ích được gì cho xã hội. Lợi đâu chẳng thấy, nhưng thiệt hại trước mắt là kiện cáo làm giảm đi hiệu năng sản xuất và sức sáng tạo của doanh nghiệp nếu họ bị dính vào những vụ kiện như giảm chất abestos trong nhà hay những kế hoạch quân bình kinh tế của công ty.[15] Cách đây hơn một thập niên, Phillip Howard, một luật sư tại New York đã viết một cuốn sách có tính đột phá, mang tựa đề: Cái chết của Lẽ Thường: Luật pháp Đang Làm Nước Mỹ Nghẹt Thở Như Thế nào. Quan điểm của Howard được nhiều người quan tâm, nhưng từ đó đến nay, chẳng có gì thay đổi mấy. Là một quốc gia, chúng ta đã dần dà mất đi ý chí để khẳng định là luật pháp phải vì quyền lợi của cả xã hội nói chung, chứ không vì quyền lợi của những nhóm lợi ích đặc biệt nhằm phục vụ cho những ý đồ thiển cận của họ. Và đây là sự tiên đoán của tôi: chúng ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi hệ thống pháp luật của chúng ta cho đến khi quần chúng Mỹ chấp nhận ý tưởng là chúng ta không thể--và không nên--tìm cách triệt tiêu hết rủi ro. Không có rủi ro là một ý tưởng không thực tiễn, và là một ý tưởng không thể bênh vực được Chướng ngại cuối cùng là vấn đề rất thiết thân với tôi: đó là giáo dục. Giáo dục chính là nền tảng của sự cạnh tranh của chúng ta, của tương lai nền kinh tế của chúng ta. Thế nhưng trong những năm gần đây dường như ta đã mất đi ý chí để dạy dỗ tất cả những con em của chúng ta. Là một quốc gia, tôi tin rằng giáo dục là bổn phận thiêng liêng nhất mà chúng ta phải thực hành để dạy cho con em chúng ta biết đọc biết viết, thông thạo về khoa học, toán học và biết lý luận. Điều này chẳng có gì lớn lao và khó khăn như học phóng phi thuyền--nhưng nó là một công trình khó nhọc. Và nó còn khó hơn vì ta phải làm công tác giáo dục này thiệt giỏi. Quý vị đã có bao giờ tự hỏi rằng nước nào có điểm số về môn đọc của con em họ cao nhất thế giới chưa? Có lẽ quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết đó là nước Finland, một nước có niềm tin cháy bỏng về giáo dục phổ thông cho mọi người. Trong bảng xếp hạng những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới, quý vị thử đoán xem nước nào đứng đầu? Đó là Finland. Tôi nghĩ, mối tương quan giữa giáo dục và cạnh tranh kinh tế đã được chứng tỏ một cách hiển nhiên. Khi tôi sang Singapore trong tháng Giêng vừa rồi, tôi biết được một điều rất thú vị. Học sinh tại Singapore từ mẫu giáo đến lớp 12 đứng đầu bảng điểm trên thế giới về môn khoa học và toán. Tôi tình cờ gặp một bà mẹ người Singapore, bà cho tôi biết là những đứa con gái đang học trung học của bà cảm thấy môn Anh ngữ và lịch sử là những môn khó nhất, còn toán và khoa học là những môn học "dễ dàng"--đó là một hiện tượng rất phổ thông tại Singapore. Trong lúc đó, tại nhiều trường học của ta tiêu chuẩn đã bị hạ thấp, nếu họ không muốn gây cho học sinh những chấn thương tâm lý và chịu sự giận dữ của phụ huynh khi con em họ bị điểm C, D, và F. Dù ta phải xây dựng sự tự tin nơi học sinh, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải đặt tiêu chuẩn học thật cao. Cứ cho học sinh lên lớp dù có học hành đàng hoàng hay không là làm hại chúng và làm hại cả xã hội. Chúng ta nên đặt ra những phần thưởng bằng hiện kim nho nhỏ thôi để thưởng cho những em học sinh giỏi trong cấp lớp mẫu giáo đến lớp12, và học bổng cho những em sẽ theo học ngành khoa học hoặc kỹ sư trên đại học. Chúng ta cũng có thể tỏ lòng kính trọng trí lực của thầy cô bằng cách tăng lương và trao những phần thưởng tài chánh cho những vị đã dạy học sinh giỏi những môn toán và khoa học. Chúng ta đào tạo con em để làm những nghề nghiệp lâu dài, chứ không phải những việc làm ngắn hạn. Con em chúng ta cần có một số những kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh với khối lượng nhân tài đang được đào tạo từ những nước như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Singapore và Nga. Kỹ năng đầu tiên trong những kỹ năng cần thiết mà chúng ta cần truyền đạt là dạy cho học sinh của chúng ta giá trị và sự quan trọng của việc dám chấp nhận những rủi ro trong lãnh vực trí tuệ. Nhưng hiện nay chúng ta lại không làm như vậy. Xã hội Hoa Kỳ ngày nay đã nẩy sinh ra một sự khiếm hụt nhận thức trầm trọng, mà ta có thể tóm gọn bằng câu sau đây: "Ta đã quên hết những gì giúp chúng ta thành công." Nước Mỹ của chúng ta được xây dựng trên nền tảng của sự dám chấp nhận rủi ro cao. Ta có thể nhận dạng được và kiểm soát một số những rủi ro này. Nhưng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn rủi ro ra khỏi đời sống được. Đó là điều bất khả nếu ta muốn thành công trong việc xây dựng đất nước hùng cường. Quý vị có thể tưởng tượng ra những người đi tiên phong trong thế lỷ 19 đã vượt rừng núi, xuyên sơn trên những chiếc xe ngựa từ St. Louis tới California? Họ là những người tiên phong đi mở đường, được hướng dẫn bởi những hướng đạo viên cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào về những chướng ngại mà họ sẽ phải đối đầu. Họ cùng nhau chất đầy lên những chiếc xe ngựa, và họ thấy một tấm bảng màu vàng ghi dòng chữ trên chỗ ngồi của người xà ích: "Cảnh báo! Du hành xuyên nước Mỹ bằng xe ngựa là điều nguy hiểm. Chiếc xe này chưa được Ủy ban Giao thông Quốc gia kiểm nghiệm xem có an toàn hay không khi bị lật. Xe không có túi hơi và thắt lưng an toàn hay những dụng cụ bảo vệ an toàn khác. Hành khách có thể bị thương, bị giết, hay bị mọi da đỏ lột da đầu, bị chết cóng hay chết đói. Chúng tôi không bảo đảm là sẽ đưa quý vị đến nơi một cách an toàn." Trong đời, tôi đã học được là không có một sự bảo đảm tối hậu nào là ta sẽ đến được nơi muốn đến một cách an toàn. Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu ta không dám chấp nhận rủi ro để thử, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến được mục tiêu. Xin cám ơn đã cho tôi có dịp thưa chuyện với quý vị ngày hôm nay. © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://web.jhu.edu/president/speeches/2005/norisk.html [1] Thành phố Atlantic là một thành phố thuộc bang New Jersey, được xem là trung tâm giải trí và cờ bạc tại miền đông Hoa Kỳ. [2] Henry Ford là vua xe hơi, người sáng chế ra xe hơi kiểu Model T, hãng xe Ford, và hệ thống lắp ráp dây chuyền đã cách mạng hóa nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ; John D. Rockefeller là tư bản dầu hỏa; Thomas Watson, người sáng lập ra IBM; và Bill Gates sáng lập ra Microsoft. [3] Chuẩn tướng Georges Doriot, là người Mỹ gốc Pháp, được xem là một trong những nhà tư bản đầu tư hàng đầu của Mỹ (đầu tư vào những công ty có tiềm năng cao dù mới thành lập), và cũng là người thành lập Công ty Phát triển và Nghiên Cứu Hoa Kỳ (ARDC); Doriot cũng nguyên là Khoa trưởng Phân khoa Kinh Doanh của Đại học Harvard. Arthur Rock là người đầu tư đầu tiên vào các công ty Intel, Apple Computer, Scientific Data Systems, và Teledyne. [4] Ivy League tên gọi chung tám trường đại học tư đứng hàng đầu của Mỹ, gồm có Đại học Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania, và Yale. [5] Charlie Brown và Lucy Van Pelt là hai đứa trẻ tinh nghịch, nhân vật chính trong truyện tranh nổi tiếng Peanuts được đăng tải trên nhiều nhật báo của Mỹ. Truyện tranh này khởi đăng từ 1950 cho đến năm 2000 khi tác giả là Charles Schulz qua đời. [6] Nghiên cứu cơ bản (basic research) còn gọi là nghiên cứu thuần túy hay lý thuyết. Nghiên cứu cơ bản thường không có lợi ích thương mại trực tiếp và rõ rệt, nhưng nhằm thấu hiểu những nguyên tắc cơ bản. Tuy vậy, những thành quả của nghiên cứu cơ bản lại có nhiều công dụng "không ngờ" mãi một thời gian dài sau đó. Thí dụ như nghiên cứu về tia sáng Laser được tiến hành sau khi Thuyết Tương Đối của Einstein ra đời (1917); nhưng mãi đến mấy chục năm sau (1957) ứng dụng thực hành của tia laser mới ra đời tại Bell Lab, 1964 laser được dùng vào hướng dẫn vũ khí, 1969 máy in laser ra đời, v.v... [7] Tức là slot machine. Bạn bỏ đồng bạc cắc (tùy loại 5 xu, 10 xu, hay 25 xu) vào máy rồi kéo cần. Nếu những hàng số trên máy hiện ra theo một thứ tự nào đó, 777 chẳng hạn, thì bạn thắng. Máy sẽ đổ ra một số bạc cắc theo như đã ấn định từ trước. Nhiều máy cho người chơi ăn tới cả trăm đô la cho một đồng 25 xu. Đây là một trò chơi hoàn toàn theo may rủi. [8] DARPA, viết tắt của Defense Advanced Research Projects Agency, một cơ quan Liên bang được thành lập năm 1958 (sau khi Mỹ bị Liên Xô qua mặt về chương trình không gian với vệ tinh Sputnik vào năm 1957) và phụ trách nghiên cứu trong lãnh vực quốc phòng. [9] Fortune 500 là danh sách xếp hạng hàng năm 500 công ty hàng đầu của Mỹ do Tạp chí Fortune thực hiện. Những công ty này được xếp hạng theo con số thu nhập trước khi trừ chi phí. Năm 2011 công ty Wal-Mart dẫn đầu bảng [10] MIT: Massachusetts Institute of Technology, được xem là đại học kỹ thuật hàng đầu của Mỹ. [11] Bose là công ty nổi tiếng nhất về chế tạo những dụng cụ âm thanh, được Amar Bose thành lập năm 1964. Cho đến nay Bose vẫn là một công ty tư nhân do Bose làm chủ, chứ không bán cổ phiếu cho công chúng. [12] Ống nhún của xe hơi có hai chức năng là sự thoải mái (không bị dằn) của người sử dụng và sự hữu hiệu khi điều khiển chiếc xe. Câu hỏi để nghiên cứu của thiết bị này là: "Liệu ta có thể tối ưu hóa sự thoải mái và điều khiển xe hơi không?" Câu trả lời là "Được!" và giải pháp là ứng dụng công dụng của điện từ (electromagnetics) thay vì dùng hệ thống thủy điều (hydraulics) như vẫn thường được áp dụng. [13] Barry Bonds là một trong những cầu thủ môn bóng chày nổi tiếng nhất của Mỹ. Môn bóng chày (baseball) là môn thể thao quốc hồn quốc túy của Mỹ có từ thế kỷ 18. Môn này được du nhập từ Anh quốc nhưng được cải biến thành môn thể thao độc đáo của Mỹ. [14] Kiện tụng về thiệt hại cá nhân (tort litigation) là vụ kiện hoặc giữa cá nhân với nhau về thiệt hại do một bên gây ra hay giữa cá nhân và công ty. Thực khách bị ngã trong một nhà hàng có thể kiện nhà hàng vì đã để sàn nhà trơn trợt để bồi thường thiệt hại. Có nhiều trường hợp kiện về thiệt hại cá nhân hợp lý vì sự bất cản của người khác hay của công ty. Nhưng cũng dã có rất nhiều vụ lợi dụng luật Tort để kiếm tiền. [15] Abestos là một hợp chất chống lửa được dùng trong nhà ở hoặc building ở Mỹ. Tuy nhiên, sau này abestos bị cấm không cho sử dụng vì có thể tạo ra ung thư. Kế hoạch quân bình kinh tế (zero-growth) là lý thuyết về kinh tế cho rằng những sự tăng trưởng kinh tế liên tục đi theo chu kỳ: tăng trưởng - suy trầm; cho nên, nên tìm một điểm quân bình, không có sự tăng trưởng nữa, thì nền kinh tế mới được ổn định.

Diễn Văn Của Tù Trưởng Seattle Khi Ký Hiệp Ước 1854 TÙ TRƯỞNG SEATTLE

LGT. Bài diễn văn dưới đây được xem là một trong những bài diễn văn nổi tiếng của Tù Trưởng Seattle, thủ lãnh của bộ tộc dân da đỏ Duwamish. Tên Seattle là phiên âm tiếng Anh của See-athle, hay Si-ahl. Bộ tộc Duwamish sinh sống tại vùng Tây Bắc của nước Mỹ, khi vùng đất thuộc bang Washington ngày nay còn là vùng đất của người da đỏ. Khi người di dân da trắng tiến vào vùng này, xung đột giữa hai sắc dân xảy ra, và cuối cùng thì Tù trưởng Seattle (tên gọi ngày nay thánh phố lớn nhất bang Washington) đã thuyết phục được dân da đỏ bán cho người da trắng vùng đất này, và chịu sinh sống trong những khu vực tập trung của người da đỏ. Sau khi ký hiệp định, truyền thuyết cho rằng Tù trưởng Seattle đã ứng khẩu đọc bài diễn văn này, nhưng không có một tài liệu nào ghi chép lại, vì những điều ông nói được dịch lại qua Anh ngữ qua ba thổ ngữ của người da đỏ. Đến năm 1887, bài diễn văn này được Bác sĩ Henry A. Smith cho đăng tải trên tờ Ngôi Sao Chủ Nhật của Seattle, số 29 tháng Mười,nhưng cũng không có tài liệu nào chứng thật được đó chính là những lời của Seattle. Do đó, ngày nay, gốc tích của bài diễn văn này vẫn còn được giới nghiên cứu tồn nghi. *** Bầu trời trên kia đã nhỏ xuống không biết bao giọt lệ xót thương cho dân tộc tôi qua hàng bao thế kỷ, và những gì có vẻ vĩnh cửu và bất dịch đều có thể đổi thay. Ngày hôm nay trời đẹp. Ngày mai nó sẽ có mây mù bao phủ. Nhưng những lời tôi nói cũng giống như những vì tinh tú sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Bất cứ điều gì Seattle nói, ngài tù trưởng vĩ đại tại Washington có thể tin tưởng một cách chắc chắn như mặt trời sẽ mọc ngày mai hay bốn mùa sẽ tuần hoàn. Vị thủ lãnh da trắng có nói rằng ngài Đại Tù Trưởng ở Washington gửi cho chúng tôi lời chào mừng hữu nghị và thiện ý. Thiệt là một điều quý hóa vì chúng tôi biết rằng ngài đâu có cần đến chút tình hữu nghị của chúng tôi đâu. Dân của ngài đông quá, nhiều như những ngọn cỏ che phủ những cánh thảo nguyên bát ngát. Còn dân tôi thì ít ỏi, giống như những cụm cây xơ xác còn trơ lại sau cơn bão tố. Ngài thủ lãnh Da Trắng vĩ đại, và vì vĩ đại nên tôi cũng cho là nhân ái, đã gửi lời là muốn mua đất đai của chúng tôi nhưng vẫn sẵn lòng chừa lại một khoảng đất để cho chúng tôi có thể sống thoải mái. Đề nghị này trông ra có vẻ công bằng, và độ lượng, vì người Da Đỏ đâu còn có chút quyền gì đâu để đòi hỏi người ta phải kính trọng, và đề nghị này cũng có vẻ khôn ngoan, vì chúng tôi đâu còn cần một lãnh thổ mênh mông nữa. Ngày xưa đã có lúc dân tôi sống ngập tràn trên lãnh thổ này như những đợt sóng biển được gió gợn đang che phủ trên thềm đại dương, nhưng ngày xưa đó đã qua lâu rồi cùng với những bộ tộc vĩ đại, và ngày nay chỉ còn lại là một ký ức thê lương. Tôi sẽ không nói đến chuyện này hay khóc thương gì nữa về sự suy tàn không đúng lúc, hay trách móc những người anh em mặt trắng đã làm cho sự suy tàn xảy ra mau chóng hơn, vì cả chúng tôi nữa cũng có phần đáng trách. Tuổi trẻ thì bồng bột. Khi những thanh niên của chúng tôi nổi giận vì những điều sai trái xúc phạm tới chúng tôi, dù đó là những điều xúc phạm có thật hay tưởng tượng, và khi họ dùng sơn đen vẽ vằn vện lên mặt, hành động đó cho thấy tấm lòng của họ cũng đã bị nhuộm đen và họ trở nên hung dữ và tàn bạo đến nỗi những trưởng lão và những bà mẹ cũng không ngăn cản nổi họ. Chuyện đó đã xảy ra. Chuyện đó đã xảy ra khi những người da trắng bắt đầu dồn tổ tiên chúng tôi về hướng tây. Nhưng chúng ta hãy hy vọng là sự thù địch đó giữa chúng ta sẽ không bao giờ xảy ra nữa. [Vì] chúng tôi sẽ mất hết và chẳng thu hoạch được lợi lộc gì. Sự trả được thù vẫn được giới thanh niên xem là có lợi, dù phải trả bằng ngay chính tính mạng của họ; nhưng những người lớn tuổi ở nhà trong lúc chiến tranh, và những bà mẹ có con chết trận, hiểu rõ hơn cái giá phải trả cho sự trả thù. Người cha nhân từ của chúng ta ở Washington--tôi nay cho rằng Người là cha của quý anh cũng như của chúng tôi, vì khi Vua George đẩy biên giới của Anh quốc xa hơn về hướng bắc--người cha vĩ đại và nhân từ của chúng ta, đã nhắn nhủ chúng tôi là nếu chúng tôi làm theo những điều người muốn, thì người sẽ bảo vệ chúng tôi. Những chiến sĩ can đảm của người sẽ trở thành bức tường thành vững chắc bảo vệ chúng tôi, những chiến hạm kỳ diệu của người sẽ đậu đầy trong hải cảng của chúng tôi, khiến cho những kẻ thù thâm căn cố đế ở phía bắc của chúng tôi--bộ tộc Haidas và Tshimsian[1]--sẽ phải khiếp sợ không dám dọa nạt đàn bà, trẻ con và người già của chúng tôi nữa. Và như vậy, trên thực tế, Người là cha của chúng tôi và chúng tôi là con dân của người. Nhưng liệu điều đó có thể xảy ra không? Thượng đế của quý vị không phải là Thượng đế của chúng tôi! Thượng đế của quý vị yêu thương con dân của Ngài và ghét bỏ dân tôi! Thượng đế của quý vị dang cánh tay vững mạnh và yêu thương ra để ôm lấy người con dân mặt trắng và cầm tay dẫn dắt như người cha dẫn đứa con còn nhỏ dại. Nhưng nếu những người Da Đỏ là con của Ngài, thì chúng cũng đã bị Ngài từ bỏ. Thượng đế của chúng tôi, vị Đại Linh Thần, dường như cũng đã từ bỏ chúng tôi. Thượng đế của quý vị giúp cho quý vị mỗi ngày mỗi trở nên mạnh mẽ hơn. Chẳng bao lâu dân của quý vị sẽ ở tràn đầy trên đất này, còn dân tôi thì sẽ tàn lụi đi như nước thủy triều rút xuống mà không bao giờ trở lại. Thượng đế của người da trắng không thể yêu thương hay bảo bọc dân tôi. Dân tôi là những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Như vậy thì làm sao mà chúng ta có thể trở thành anh em cho được? Làm sao mà Thượng đế của quý vị trở thành Thượng đế của chúng tôi giúp chúng tôi khôi phục lại sự hưng thịnh và đánh thức giấc mơ quang phục? Nếu chúng ta có một vị Cha chung ở trên trời, thì Ngài là một người cha thiên vị, chỉ lo cho những đứa con da trắng. Chúng tôi chưa hề gặp Ngài. Ngài ban giới luật cho quý vị, nhưng chẳng có lời nào cho những đứa con Da Đỏ, những người đã từng sinh sống đông đảo trên lục địa mênh mông này, nhiều như những vì sao trên trời. Không. Chúng ta là hai sắc dân khác nhau, có nguồn gốc và định mệnh riêng rẽ. Giữa chúng ta chẳng có gì giống nhau và chung với nhau hết. Đối với chúng tôi tro cốt của tổ tiên chúng tôi và nơi an táng họ là chốn linh thiêng. Quý anh rời bỏ mồ mả của tổ tiên và dường như chẳng có điều gì ân hận. Giáo luật của quý anh được viết trên những phiến đá bằng ngón tay sắt thép của Thượng đế của quý anh để cho quý anh không thể nào quên được những giới luật đó. Người Da Ðỏ sẽ chẳng bao giờ hiểu hoặc nhớ giáo luật đó. Giáo luật của chúng tôi là truyền thống của tổ tiên--những giấc mơ của những bậc trưởng lão đã được Đại Linh Thần trao cho trong giây phút uy nghiêm lúc nửa đêm, và viễn kiến của những lãnh tụ của chúng tôi--đã được khắc ghi vào tâm hồn của dân tộc chúng tôi. Tiền nhân của quý anh sẽ thôi phù hộ quý anh và nơi họ sinh sống khi họ bước qua ngưỡng cửa của tử sinh và trôi dạt về những tinh cầu xa lạ. Họ sẽ bị quý anh quên lãng và chẳng bao giờ trở lại nữa. Tiền nhân của chúng tôi chẳng bao giờ quên cái thế giới đẹp đẽ này nơi họ đã sinh ra. Họ sẽ vẫn còn yêu mến những thung lũng xanh tươi, tiếng rì rào của sông nước, những non cao hùng vĩ, những thung lũng hẻo lánh, những hồ nước và vịnh nước có cỏ mọc xanh mướt viền quanh, và ngay cả còn mong ước trở lại để an ủi những người còn sống cô đơn, và vẫn thường trở lại những khu săn bắn để thăm viếng, chỉ bảo, khuyên nhủ và an ủi họ. Ngày và đêm không thể sống bên nhau. Người Da Đỏ đã từng lẩn tránh sự tiếp cận của người Da Trắng như sương mù buổi sáng tan biến trước ánh bình minh. Tuy nhiên, đề nghị của quý anh có vẻ công bằng và tôi nghĩ rằng dân tôi sẽ chấp nhận, và chúng tôi sẽ rút về ở vùng đất bảo hộ mà quý anh đã đề nghị. Lúc đó chúng ta sẽ sống xa cách nhau trong hòa bình, vì lời nói của Ngài Đại Tù Trưởng Da Trắng cũng có quyền uy giống như tiếng của thiên nhiên nói với dân tôi qua màn đêm dày đặc. Nơi chốn mà chúng tôi sẽ sống những ngày còn lại ở đâu, không phải là điều quan trọng, vì cũng sẽ chẳng còn bao nhiêu ngày. Đêm tối của người Da Đỏ chắc chắn là sẽ tối đen. Chẳng có một ngôi sao hy vọng nào treo lửng lơ trên chân trời của họ. Chỉ có tiếng gió buồn rầu, rên rỉ trong không gian. Một định mệnh u tối phủ lên trên đường đi của người Da Đỏ và dù ở đâu y cũng sẽ nghe tiếng bước chân đang tiến tới gần của kẻ hủy diệt hung bạo và thản nhiên đón nhận số mệnh của mình như con hoẵng bị thương đang nghe bước chân của người thợ săn tiến tới. Một vài tuần trăng nữa, một vài mùa đông nữa, thì sẽ chẳng còn hậu duệ của những người chủ đã từng sống trong những gia đình hạnh phúc, đã từng bước đi trên vùng đất bao la này, đã từng được Đại Linh Thần che chở, còn sống sót để mà khóc thương trên những nấm mồ của một dân tộc đã từng có một thời oanh liệt hơn cả dân tộc của quý anh. Nhưng tại sao tôi phải thương tiếc cho cái định mệnh non yểu của dân tôi? Bộ tộc này tiếp nối bộ tộc nọ, quốc gia này theo gót quốc gia kia, như những đợt sóng trên biển cả. Đó là trật tự của thiên nhiên, và tiếc thương cũng chỉ hoài công. Thời khắc suy tàn của quý anh có thể cũng còn xa, nhưng chắc chắn ngày đó sẽ đến, vì ngay cả những người Da Trắng có được Thượng Đế dẫn dắt và an ủi như người bạn, cũng không thể được đặc miễn khỏi cái định mệnh chung. Cuối cùng có lẽ chúng ta là anh em thật. Hãy chờ xem. Chúng tôi sẽ cân nhắc đề nghị của quý anh và khi đã quyết định xong chúng tôi sẽ thông báo cho quý anh biết. Nhưng giả như chúng tôi có chấp nhận, tôi muốn đưa ra một điều kiện ngay tại đây, và vào lúc này, là chúng tôi phải có quyền thăm viếng mồ mả cha ông, bạn bè, và con cháu của chúng tôi bất cứ lúc nào và không bị ai ngăn trở. Mỗi phần của vùng đất này đều là chốn thiêng liêng đối với dân tôi. Mọi sườn đồi, mọi thung lũng, mọi cao nguyên, gò đống, lùm cây đã được thánh hóa bởi những biến cố buồn cũng như vui của bao ngày đã trôi qua trong lịch sử. Ngay cả những tảng đá ngây ngô đang nằm như chết dưới sức nóng gắt gao của mặt trời bên những bờ hồ lặng lẽ cũng rộn ràng với ký ức của những biến cố sôi nổi đã nối kết đời sống của dân tôi, và ngay cả mảnh đất mà quý anh đang đứng cũng đáp ứng thiết tha với những bước chân của dân tôi hơn là của các anh, bởi vì đất này đã đẫm máu của tiền nhân chúng tôi, và những bàn chân trần của chúng tôi nhận thức được mối giao cảm thân ái đó. Những liệt sĩ can đảm của chúng tôi, những bà mẹ trìu mến, những người con gái vui tươi và ngay cả những trẻ nhỏ đã từng hân hoan sống ở nơi đây, dù chỉ trong một mùa ngắn ngủi, cũng sẽ yêu cảnh tĩnh mịch đầy sầu muộn này và khi chiều đến họ đón chào những linh hồn đang trở lại viếng thăm. Và khi người Da Đỏ cuối cùng bị diệt vong, và khi ký ức về bộ lạc của tôi chỉ còn là một huyền thoại của người Da Trắng, thì lúc đó những bờ, những bãi sẽ tràn ngập cái chết vô hình của đồng bào tôi, và khi con cháu, chắt của quý anh nghĩ rằng chỉ có họ sinh sống trên đất này, trong những cửa hàng, trên những xa lộ, hay trong sự thinh lặng của những cánh rừng chưa khai phá, họ cũng không hẳn đã sống một mình. Cả trái đất này không có chỗ dành cho sự tĩnh mịch. Ban đêm khi những con đường trong phố phường của quý anh đã im tiếng và khi quý anh nghĩ rằng chẳng còn ai đi trên đường phố nữa, thì những đường phố đó vẫn có đầy những người đã từng là chủ của mảnh đất này, họ đang trở lại và vẫn còn yêu thương vùng đất đẹp đẽ này. Người Da Trắng sẽ chẳng bao giờ sống một mình một cõi. Hỡi người Da Trắng, xin hãy đối xử công bằng và tử tế với dân tôi, vì người chết chẳng phải là những người bất lực. Chết. Tôi vừa nhắc đến cái Chết, phải không? Không có sự chết, chết chỉ là sự đổi thay của thế giới. © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://www.halcyon.com/arborhts/chiefsea.html Các nguồn khác về lịch sử bài diễn văn này: http://www.archives.gov/publications/prologue/1985/spring/chief-seattle.html Detailed research calling into question the very existence of the speech, based on the Bureau of Indian Affairs records at the National Archives, by Jerry L. Clark. http://www.geocities.com/Athens/2344/chiefs3.htm Research by Per-Olof Johansson in Denmark http://www.kyphilom.com/www/seattle.html "Chief Seattle's Thoughts" - two versions of the speech, by Duane Bristow [1] Hai bộ tộc người Da Đỏ thuộc miền Tây bắc Thái Bình Dương của Mỹ.

Sự Nguy Hiểm của Vô Cảm: Những Bài học Rút ra từ Một Thế kỷ đầy Bạo động Elie Wiesel Thuyết trình ngày 12 tháng 4, 1999, Washington, D.C.

LGT. Elie Wiesel được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1986 qua những hoạt động chống lại bạo lực, đàn áp, và kỳ thị chủng tộc. Wiesel sinh năm 1928 tại Romania; ông là người gốc Do Thái. Năm 1940, Đức Quốc Xã chia một phần lãnh thổ Romania cho Hungary. Thành phố Sighet nơi gia đình ông sinh sống bị chuyển sang cho Hungary, và năm 1944, Hungary cho phép quân đội Đức trục xuất những người Do Thái tại đây và giam họ trong trại tập trung Auschwitz. Mẹ và hai em của Wiesel bị đầy đọa và chết trong trại tập trung này. Wiesel và cha bị đưa sang trại Buchenwald, và người cha bị chết vì kiệt sức tại đây, chỉ vài ngày trước khi trại này được Quân Đoàn III của Mỹ giải phóng. Sau chiến tranh, Wiesel hành nghề ký giả, dạy học, và viết văn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, cuốn "Đêm Tối" khi phát hành lần đầu tiên không được dư luận chú ý. Xuất bản năm 1960, cuốn sách chỉ bán được hơn một ngàn ấn bản, nhưng sau đó đã được tái bản nhiều lần và in ra hàng triệu ấn bản. Năm 2006 cuốn "Đêm Tối" bán được sáu triệu cuốn chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này đã được dịch ra 30 thứ tiếng. Di cư sang Mỹ năm 1955, Wiesel đã viết hơn 40 cuốn sách gồm cả tiểu thuyết lẫn ký sự. Ông được tặng thưởng Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ và Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ năm 1985. Đây là bài phát biểu của Wiesel tại Tòa Bạch Ốc trong buổi tiệc đánh dấu một thiên niên kỷ sắp qua đi. *** Ngày này, năm mươi bốn năm trước đây, một thiếu niên Do Thái thức giấc trong một thành phố nhỏ miền Cao nguyên Carpathian, một thành phố cách thành phố Weimar yêu dấu của Goethe[1] không xa lắm, trong một nơi mà cái tên của nó đã bị nguyền rủa muôn đời: trại tập trung Buchenwald. Cuối cùng cậu đã được tự do, nhưng sao trong tim cậu không có một niềm vui. Cậu nghĩ rằng có lẽ sẽ chẳng bao giờ vui được nữa. Được quân đội Mỹ giải thoát một ngày trước đó, cậu đã thấy những quân nhân này nổi điên lên trước những cảnh tượng mà họ chứng kiến trong trại tập trung. Và nếu cậu sống được cho đến khi thành một ông lão, cậu sẽ suốt đời cám ơn cơn điên đó của lính Mỹ, cũng như cám ơn lòng nhân hậu của họ. Dù cậu không hiểu được họ nói gì, nhưng ánh mắt của họ đã nói cho cậu rõ là chính họ sẽ mãi mãi ghi nhớ những hình ảnh này và là những nhân chứng sống. Và ngày hôm nay, tôi đứng đây, trước mặt Tổng thống, người Tổng Tư lệnh của quân đội đã giải phóng cho tôi và hàng chục ngàn người khác, trong lòng tôi tràn ngập sự biết ơn sâu xa đến nhân dân Hoa Kỳ. "Lòng tri ân" là chữ mà tôi trân trọng. Lòng tri ân là điều xác định nhân tính trong con người. Và tôi xin ngỏ lời biết ơn tới bà Hillary, Phu nhân tổng thống Mỹ, về những điều bà đã nói và những điều bà đã làm cho trẻ con trên thế giới, cho những kẻ vô gia cư, cho những nạn nhân của bất công, cho những nạn nhân của số mệnh và xã hội. Và tôi xin cám ơn tất cả quý vị có mặt nơi đây. Chúng ta đang đứng trước thềm một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới. Di sản của thế kỷ đang qua là gì? Ta sẽ nhớ đến thế kỷ đã qua như thế nào trong thiên niên kỷ mới? Một điều chắc chắn là nó sẽ bị phán xét, một cách nghiêm khắc, cả về phương diện đạo đức và siêu hình. Những sự thất bại này đã che phủ một bóng đen trên nhân loại: hai cuộc Đại Chiến, vô số cuộc nội chiến, một chuỗi những cuộc ám sát vô nghĩa lý (Gandhi, anh em Kennedy, Mục sư Martin Luther King, Tổng thống Sadat, Thủ tướng Rabin), những cuộc tắm máu ở Cambodia và Alegria, Ấn Độ và Pakistan, Ireland và Rwanda, Eritrea và Ethiopia, Sarajevo và Kosovo; sự phi nhân của trại tập trung Xô-viết và thảm kịch Hiroshima. Và, trên một bình diện khác, dĩ nhiên, còn có trại tập trung Auschwitz và trại Treblinka.[2] Có quá nhiều bạo động; có quá nhiều sự vô cảm. Sự vô cảm là gì? Theo từ nguyên, nó có nghĩa là "không có cảm xúc." Đó là một trạng thái lạ lùng và trái tự nhiên, một trạng thái mà trong đó đường ranh giữa sáng và tối, bình minh và hoàng hôn, tội ác và hình phạt, tàn bạo và nhân đạo, tốt và xấu bị mờ đi. Tiến trình của vô cảm và những hậu quả không thể tránh được của nó là gì? Vô cảm có phải là một triết lý sống hay không? Có cái gọi là triết lý vô cảm hay không? Liệu ta có thể xem vô cảm là một đức tính không? Có phải đôi lúc chúng ta cũng cần áp dụng vô cảm để giữ cho mình không bị hóa điên, để sống một cách bình thường, để thưởng thức một bữa ăn và cốc rượu ngon, khi thế giới quanh ta đang trải qua những biến động tang thương? Dĩ nhiên, vô cảm có thể trở nên hấp dẫn--hơn thế nữa, còn có sức mê hoặc. Tránh đừng nhìn nạn nhân thì vẫn dễ hơn. Tránh đi đừng để những cảnh tượng đó làm cản trở công việc của ta, giấc mơ và hy vọng của ta thì vẫn dễ hơn. Vì, thực ra, dính vào nỗi đau và sự tuyệt vọng của người khác vẫn là điều gây nên rắc rối và làm cho ta ngượng nghịu. Thế nhưng, đối với người vô cảm, hàng xóm của họ đâu có nghĩa gì đâu, cho nên, sự sống của họ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nỗi đau ngấm ngầm hay lộ liễu của họ chẳng ăn thua gì đến kẻ vô cảm. Sự vô cảm biến tha nhân trở thành một khái niệm trừu tượng. Ở đó, đằng sau những cánh cổng đen của trại tập trung Auschwitz, cảnh tượng thê thảm nhất là cảnh của những tù nhân vẫn thường được gọi là "người Hồi giáo." Quấn mình trong những tấm chăn rách nát, họ ngồi hay nằm trên mặt đất, mắt nhìn trừng trừng vào cõi không, họ không biết họ là ai và đang ở đâu--họ là những người xa lạ với môi trường chung quanh. Họ không còn cảm thấy đau đớn, đói, khát nữa. Họ không sợ gì nữa. Họ không cảm gì nữa. Họ đã chết rồi mà chưa biết đó thôi. Được nuôi dưỡng trong truyền thống Do Thái giáo, một số người trong chúng tôi cảm thấy rằng bị nhân loại từ bỏ chưa phải là điều chung cục. Chúng tôi cảm thấy rằng bị Chúa từ bỏ còn đáng sợ hơn là bị hình phạt của Ngài. Thà là chịu hình phạt của một Thượng Đế bất công còn hơn là có một Đấng Tối cao vô cảm. Đối với chúng tôi, bị Chúa chối từ là một hình phạt nặng nề hơn là trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ của Ngài. Người ta có thể sống xa Thượng Đế, nhưng không thể sống ở bên ngoài Thượng Đế. Thượng Đế ở cùng với chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Ngay cả trong cơn khốn khổ. Ngay cả trong khi đau đớn. Nói cách khác, vô cảm trước sự đau khổ của đồng loại chính là điều làm cho con người trở nên bất nhân. Vô cảm, thực ra, còn nguy hiểm hơn là thù hận và giận dữ. Sự giận dữ có khi cũng là nguồn cảm hứng của sáng tạo. Trong cơn giận, ta có thể viết lên những vần thơ tuyệt bút hay những bản hòa tấu tuyệt hảo. Ta đang tạo ra một điều gì đó đặc biệt cho nhân loại vì ta đang nổi giận trước những bất công mà ta đang chứng kiến. Nhưng sự vô cảm không bao giờ tạo nên sự sáng tạo. Ngay cả cơn thù ghét cũng có lúc tạo ra tác động. Vì thù ghét, ta chống lại nó. Ta phản đối nó. Ta vô hiệu hóa nó. Sự vô cảm không gợi ra được một sự đáp ứng nào từ người khác. Sự vô cảm không phải là một sự đáp ứng. Sự vô cảm không phải là sự khởi đầu; nó là sự kết liễu. Và, vì vậy, sự vô cảm luôn luôn là bạn hữu của kẻ thù, vì nó làm lợi cho kẻ áp bức hung hăng, chứ không phải cho nạn nhân của những kẻ này; những kẻ mà nỗi đau được phóng đại lên nhiều lần khi họ cảm thấy bị quên lãng. Người tù chính trị ở trong xà-lim, những trẻ em đói khát, những người tị nạn vô tổ quốc--những người mà nếu ta không ngó ngàng gì đến cảnh ngộ của họ, nếu ta không cất đi nỗi cô đơn của họ chỉ bằng họ một tia hy vọng thôi, thì chính ta đã xua đuổi họ ra khỏi ký ức của nhân loại. Và khi khước từ nhân tính của họ, ta đã phản bội nhân tính của chính mình. Sự vô cảm, vì thế, không những là một tội lỗi, nó chính là một hình phạt. Và đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất của thế kỷ đang qua đi, một thế kỷ gồm vô số những thí nghiệm cả xấu lẫn tốt. Ở chốn mà tôi đã ra đi, xã hội chỉ gồm có ba loại người: những kẻ sát nhân, nạn nhân, và những kẻ bàng quan. Trong những giờ phút đen tối nhất, bên trong những khu tập trung người Do Thái và trong những trại tử thần, chúng tôi đã cảm thấy bị bỏ rơi, và quên lãng. Hôm nay tôi rất vui khi thấy bà Clinton nói rằng chúng ta đang tưởng niệm lại cái biến cố đó, cái thời kỳ đó, và bây giờ ta có Ngày Tưởng Niệm Nạn nhân của Trại Tập trung Quốc Xã. Trong những ngày đen tối đó, niềm an ủi khốn khổ của chúng tôi là niềm tin rằng trại Auschwitz và Treblinka là những bí mật được Quốc Xã bảo vệ chặt chẽ, rằng những nhà lãnh đạo của thế giới tự do không biết có những gì đang xảy ra sau những cánh cổng sơn đen và hàng rào kẽm gai, và rằng họ không biết gì về cuộc chiến chống lại người Do Thái của quân đội Hitler và đồng lõa của chúng gây ra chính là một phần của cuộc chiến chống quân Đồng Minh. Nếu những vị lãnh đạo này mà biết được, chúng tôi nghĩ như thế, chắc họ sẽ can thiệp dù phải nghiêng trời lấp biển. Họ sẽ dõng dạc lên án những hành động sát nhân đó. Họ sẽ ném bom xuống những đường xe hỏa dẫn đến nhà tù Birkenau[3], chỉ cần ném bom đường xe hỏa, một lần thôi. Và bây giờ chúng tôi biết được, học được, khám phá ra được là Ngũ giác Đài và Bộ Ngoại giao biết.[4] Và nhân vật nổi tiếng cư ngụ trong Nhà Trắng lúc ấy, và cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất--tôi nói điều này với sự xót xa và đau khổ, vì, ngày hôm nay, đúng là ngày giỗ thứ 54 của ông--tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết vào ngày 12 tháng 4, 1945. Cho nên ngày hôm nay ông vẫn còn hiện diện đối với tôi và với chúng ta. Ta không thể phủ nhận ông là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông đã động viên nhân dân Mỹ và cả thế giới để tham chiến, đã đưa hàng trăm ngàn những chiến sĩ can trường của Mỹ vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Phát-xít, chống chế độ độc tài, chống Hitler. Và cũng đã có rất nhiều thanh niên ngã xuống trên chiến trường. Thế nhưng, chân dung của ông trong lịch sử của dân Do Thái-tôi phải nói điều này-chân dung đó có khuyết điểm. Câu chuyện não lòng của chiếc tàu St. Louis là một câu chuyện điển hình. Sáu mươi năm trước đây, hàng hóa chở trên chiếc tàu đó là những con người, gần một ngàn người Do Thái, và con tàu này đã bị buộc quay trở lại nước Đức Quốc Xã của Hitler. Và [đáng lưu ý là] chuyện này xảy ra sau khi đã có những cuộc bách hại người Do Thái, sau những cuộc tàn sát người Do Thái do nhà nước chủ trương với hàng trăm cửa tiệm của người Do Thái bị phá hủy, đền thờ bị đốt phá, hàng ngàn người bị nhốt vào trại tập trung. Và con tàu đó, đã cặp được vào bờ của nước Mỹ rồi, đã bị buộc quay trở lại. Tôi thật không hiểu nổi. Roosevelt là một người tốt, có trái tim nhân lành. Ông hiểu được những ai là ngưởi cần được giúp đỡ. Thế thì tại sao ông không cho phép những người tị nạn này được xuống tàu? Một ngàn người, có thấm vào đâu so với nước Mỹ vĩ đại, một quốc gia dân chủ và rộng lượng vào bậc nhất trong lịch sử hiện đại. Tại sao? Tôi không hiểu nổi. Tại sao lại lãnh đạm, vô cảm ngay tại thượng tầng quyền lực, trước những đau khổ của nạn nhân? Nhưng cũng có những người cảm động trước thảm trạng của chúng tôi. Những người không phải là Do Thái; họ là những người theo Thiên Chúa giáo, những người mà chúng tôi gọi là "Những Dân Ngoại đạo Công chính," những người mà hành động quên mình và anh hùng của họ đã làm vinh danh cho đức tin của họ. Tại sao lại chỉ có ít người như thế? Tại sao lại có những nỗ lực lớn lao hơn để cứu những tên sát nhân SS[5] sau khi chiến tranh chấm dứt thay vì cứu những nạn nhân trong chiến tranh? Tại sao lại có những đại công ty của Mỹ tiếp tục giao thương với nước Đức của Hitler mãi cho tới năm 1942? Đã có những tin tức, và những tin tức này đã được chứng minh bằng tài liệu, là quân đội của Đức không có khả năng tấn công nước Pháp nếu không có xăng dầu do Mỹ bán. Ta giải thích sự vô cảm của họ như thế nào đây? Thế nhưng, thưa quý vị, cũng có những điều tốt lành xảy ra trong thế kỷ tang thương này: sự bại trận của chủ nghĩa Quốc Xã; sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản; sự hồi sinh của nước Do Thái trên mảnh đất của cha ông họ; sự tiêu vong của chủ nghĩa Phân Chủng; hiệp ước hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập; hiệp ước hòa bình tại Ireland. Và ta hãy nhớ lại một phiên họp, đầy kịch tính và cảm động giữa thủ tướng Rabin và lãnh tụ Arafat mà chính Tổng thống Clinton đã triệu tập ngay tại phòng họp này. Tôi đã có mặt trong phiên họp đó và sẽ không bao giờ tôi quên được. Và dĩ nhiên chúng ta phải nhớ tới quyết định chung giữa Hoa Kỳ và NATO để can thiệp vào Kosovo và cứu những nạn nhân, những người tị nạn, đã xua đuổi khỏi quê hương của họ bởi một người, một người mà vì những tội ác của y, phải bị buộc tội chống lại nhân loại. Nhưng lần này, thế giới không im lặng nữa. Lần này, chúng ta đã trả lời. Lần này, chúng ta can thiệp. Liệu điều này có nghĩa là ta đã học được bài học từ quá khứ chăng? Liệu điều này có nghĩa là xã hội đã thay đổi không? Có phải nhân loại đã trở nên bớt vô cảm và có tình người hơn không? Chúng ta đã có thực sự học được từ kinh nghiệm của chính mình chưa? Chúng ta đã bớt chai lì trước cảnh ngộ của những nạn nhân của sự tẩy rửa sắc tộc và những hình thức bất công khác đang diễn ra ở những nơi xa và ngay cả ở những nơi gần gũi với chúng ta không? Có phải sự can thiệp có chính nghĩa vào Kosovo ngày hôm nay, sự can thiệp do chính Tổng thống lãnh đạo, là một sự cảnh báo có tính cách trường kỳ, rằng sẽ không bao giờ những sự trục xuất, khủng bố trẻ con và cha mẹ của chúng, được dung túng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới không? Liệu điều này có làm cho những kẻ độc tài ở những nơi khác trên thế giới phải chùn tay không? Thế rồi còn những đứa trẻ con thì sao? Ôi, ta thấy chúng trên truyền hình, ta đọc về chúng trên báo chí, với tấm lòng tan nát. Số phận của chúng là số phận thê thảm nhất, một số phận không thể tránh được. Khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi. Ta thấy những gương mặt và đôi mắt của trẻ thơ. Ta có nghe thấy tiếng cầu xin của chúng không? Ta có cảm được nỗi thống khổ và sự đau đớn của chúng không? Mỗi phút lại có một trẻ thơ chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát. Một số trẻ thơ này--ôi, có quá nhiều trẻ thơ--có thể được chúng ta cứu vớt. Và do đó, một lần nữa, tôi nghĩ về cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian. Cậu đã cùng bước đi với tôi, người mà năm tháng đã biến thành một ông lão, đi qua những năm dài đấu tranh và kiếm tìm chân lý. Và cùng nhau, chúng tôi và chúng ta bước về thiên niên kỷ mới, mang theo một nỗi lo sợ sâu xa cùng một niềm hy vọng phi thường. © Học Viện Công Dân 2012 Nguồn: http://www.americanrhetoric.com/speeches/ewieselperilsofindifference.html [1] Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một đại văn hào và nhà bác học của nước Đức thời hiện đại (cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19). Tác phẩm nổi tiếng nhất của Goethe là vở kịch thơ trường ca Faust, một bi kịch của kẻ bán linh hồn cho quỷ Satan. [2] Treblinka là trại diệt chủng do Đức Quốc Xã thành lập trên đất Ba Lan. 850 ngàn người Do Thái và Romania đã bị giết bằng hơi ngạt tại trại này. [3] Birkenau là khu trại dành để giết tù nhân hàng loạt bằng hơi ngạt, nơi được Himmler mệnh danh là nơi thực hiện "giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái." Ba triệu người Do Thái bị giết trong trại này (hai triệu rưỡi bị giết vì hơi ngạt, 500 ngàn chết vì đói và bịnh tật). [4] Ngũ Giác Đài (Pentagon): Bộ Quốc Phòng Mỹ. [5] SS, chữ viết tắt của chữ Schutzstaffel, lúc đầu là lực lượng vũ trang bán quân sự để bảo vệ đảng Quốc Xã và Hitler, do Himmler chỉ huy, nhưng sau đã phát triển thành cấp sư đoàn. Đồng phục của SS là màu đen, và huy hiệu là Sọ người. Quân số của SS lên đến trên một triệu người vào năm 1945.

Xin Cám ơn Cô, Cô Hoffman William Ralph Brody

LGT. Giáo sư William Brody, nguyên là Viện trưởng Viện Đại học Johns Hopkins từ 1996-2008. Johns Hopkins là một trong những đại học nổi danh nhất của Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ sư Điện tại MIT, sau đó là văn bằng Bác sĩ Y khoa và Tiến sĩ ngành Kỹ sư Điện tại Viện Đại học Stanford, California.Giáo sư Brody đặc biệt chú trọng vào chương trình giáo dục bậc cử nhân (undergraduate), với chương trình giáo dục toàn diện chứ không chỉ chú trọng vào lãnh vực chuyên môn. Giáo sư Brody viết rất nhiều tiểu luận về đủ lãnh vực như khoa học, văn chương, giáo dục, và ông còn tư vấn cho chính phủ Mỹ về những vấn đề khoa học và phát minh. Bản thân Giáo sư Brody cũng là một nhà phát minh có nhiều đóng góp cho kỹ thuật ứng dụng vào y học như CAT scan và MRI. Hiện nay Giáo sư Brody là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh Vật Học Salk (Salk Institute for Biological Studies) do Bác sĩ Jonas Salk thành lập năm 1960. *** Khi tôi nói với người khác là tôi sinh ra và lớn lên ở California, có lúc tôi thấy được là họ đang tưởng tượng ra hình ảnh của Baywatch hay Beverly Hills, 90210.[1] Thực ra, cuốn phim American Graffiti[2] có lẽ giống với hoàn cảnh tuổi nhỏ của tôi hơn. Lớn lên tại Thung lũng San Joaquin--vòng đai nông nghiệp của California có khí hậu nóng và khô --tôi thấy gần gũi với Chùm Nho Phẫn nộ của Steinbeck[3] hơn là với những vườn nho xanh mướt của Thung lũng Napa[4] hay những vườn cam của Pasadena. Nói đến Steinbeck thì nói vậy thôi, chứ tôi chưa bao giờ thích môn Anh văn và luận văn khi đi học. Không phải tại vì đó là bản tính của tôi đâu, nhưng mà vì những thầy cô dạy môn (Anh) Văn của tôi dạy chán quá. Trong khi đó tôi lại có những thầy cô dạy toán và khoa học hay hết xẩy, ngay từ hồi tôi học lớp bảy; những vị này đã tạo cho tôi một căn bản thật vững chắc khi học lên đại học và hậu đại học. Ít khi nào tôi đọc sách ngoài lớp học lắm, và nếu như tôi có đọc, thì chỉ toàn là sách về toán hay khoa học hơn là sách về lịch sử hoặc tiểu thuyết. Đó chính là hồi ức về kỷ niệm thời trung học của tôi. Chẳng có gì khó hiểu khi thầy cô môn Văn không thể cạnh tranh với những đồng nghiệp dạy toán và khoa học. Chẳng phải vì họ dạy dở, nhưng tại thầy cô dạy toán dạy quá hay. Chẳng cần biết vì lý do gì, sự quá khác biệt giữa thầy cô dạy văn và thầy cô dạy toán làm cho tôi bực mình quá. Có một lần, tôi nhớ là tôi đã lên xin thầy hiệu trưởng cho đổi sang lớp Văn của thầy khác vì trong lớp của thầy này tôi chẳng học được điều gì mới. Những điều đó hoàn toàn thay đổi khi tôi lên lớp 12. Câu chuyện như thế này. Ngày đầu niên học, lúc đang xem thời khóa biểu, thì tôi cảm thấy bụng nhói lên, khi thấy ghi: "Tiết thứ ba: 11 giờ sáng, môn Văn lớp 12, cô Agness Hoffman, phòng 214C."[5] Dù tôi chưa hề gặp cô Hoffman bao giờ, chỉ thấy tên của cô thôi là cũng đủ làm cho a-xít trong bao tử tôi trào ra gấp 10 lần--đủ biết tiếng tăm của cô lẫy lừng đến đâu rồi. Cô Hoffman chính thị là loại thầy cô khiến cho học trò bị đau bao tử, dù cô chẳng bao giờ bị căn bệnh này. Với chiều cao khoảng 1 thước sáu, hơi đẫy đà một chút, khoảng tứ tuần, da dẻ hồng hào, cặp mắt nhìn thấu tâm tư học sinh, và dễ nổi nóng, cô Hoffman quả là có tướng đáng nể. Nhưng chúng tôi bắt đầu niên học cũng nhẹ nhàng dễ chịu--cho đến kỳ thi giữa khóa đầu tiên. Cả lớp phải đọc một câu truyện do John Cheever viết, đăng trên Nguyệt San Atlantic. Bây giờ khi nhớ lại, sau khi đọc qua một hai lượt, tôi thấy câu truyện này quá sức khó hiểu. Nhưng không sao, kinh nghiệm học Văn cho tôi biết là những câu hỏi kiểm tra sự thấu triệt của học trò môn Văn trong kỳ thi giữa khóa cũng tương tự như những câu hỏi thi mãn khóa môn Tiếp thị Thể thao tại Đại học Georgia, đại loại như "trong một trận bóng rổ được chia làm mấy phân nửa," hay như kiểu câu hỏi của Gã Quạu Marx, "Ai được chôn trong mả của tướng Grant?" Rủi thay, sau câu hỏi đầu tiên, tôi mới té ngửa. Thiệt là bị tổ trác, và tôi không thể nào bịa ra câu trả lời cho được. Không những tôi không hiểu bài văn, tôi còn không hiểu luôn câu hỏi hỏi cái gì nữa. Nhưng dù sao được tiếng là học sinh giỏi và tôi hy vọng là cộng với tính ngoan ngoãn, thì tối thiểu tôi cũng được điểm C.[6] Đó là bài học nhớ đời. Ta chỉ có thể bịa câu trả lời đến một mức nào đó thôi. Ngày hôm sau, một con F đỏ chót nằm chình ình trên bài thi của tôi, không có "nếu," "nhưng" gì sất. Tệ hơn nữa là cuối trang giấy còn có dòng chữ của cô Hoffman: "Vui lòng gặp cô sau giờ học!" Cô đã nắm được tẩy của tôi. Tôi chỉ là một cái thùng rỗng, một nhà thông thái về toán nhưng lại rỗng tuếch về khả năng văn chương. Tôi chẳng thể nói là bị cô Hoffman "giũa" te tua là không đáng tội, nhưng thiệt là cũng khó nuốt. Điều cô nói thiệt là rõ ràng: "Brody, em tưởng là em có thể xoay xở và không cần học mà cũng đậu được lớp này hả, điều đó thì còn lâu lắm mới được." Nói vậy chứ cô Hoffman không phải là một "bà chằng" như tôi sợ. Cô cho tôi một cơ hội là sẽ cho một bài khác và ra một bài thi khác để giúp cho tôi khỏi bị đại họa ăn trứng vịt. Khỏi nói thì bạn cũng biết, bài văn kế tiếp còn khó hơn và phức tạp hơn, nhưng tôi đã dành hết thì giờ bỏ ăn bỏ ngủ cả cuối tuần, căng óc ra để học bài. Và rồi thì, voilà, đến 11 giờ đêm Chủ nhật, tôi đã ngộ ra được chân lý. Ngày thứ Hai tôi thi lại môn Văn và đậu vẻ vang. Và như thế đó. Tôi vốn chưa bao giờ phải học vất vả bất kỳ một lớp nào, trước và sau khi học lớp Văn với cô Hoffman. Ngoài việc phải đọc những chương sách bắt buộc, mỗi tuần cô còn ra bài tập luận văn, có khi chỉ cần viết có một đoạn văn ngắn. Thế mà tôi cũng phải đổ mồ hôi và bấn loạn lên, nào là viết đi rồi viết lại có mỗi một bài luận mà vẫn thấy chưa vừa ý (bạn phải nhớ là thời đó chưa có máy vi tính đâu nhé, vất vả lắm khi phải viết đi viết lại). Có khi tôi nhận lại bài luận của mình thì thấy có nhiều vết mực đỏ và nhận xét của cô Hoffman hơn cả những chữ mà tôi viết trong bài luận. Tôi phải vật lộn vất vả với luận văn, nhưng nhờ vậy mà tôi học. Đau thương, đúng vậy, nhưng mà hân hoan [vì thành quả đạt được]. Cuối cùng tôi được điểm A trong kỳ thi cuối khóa, và cô Hoffman cũng đã tha thứ cho sự thất bại lúc đầu của tôi và cho tôi điểm A- toàn môn học.[7] Nhờ cô Hoffman mà tôi học được cách đọc sách và học được cách viết luận. Hơn thế nữa nhở đó mà tôi trở nên thích thú với việc đọc và viết; cả hai điều này trở thành niềm vui cá nhân, và dĩ nhiên là khả năng này đã giúp tôi rất nhiều trong việc học lên cao và trong nghề nghiệp sau này. Tôi vẫn còn có một điều ân hận cho đến bây giờ. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi chưa bao giờ gặp lại cô Hoffman và chưa hề có cơ hội để ngỏ lời cám ơn chân thành của tôi về những công sức cô đã vun đắp cho tôi. Cô thấy là tôi có khả năng để tiến xa trên đường học vấn nhưng tôi chỉ có thể đạt được mục đích đó nếu cô đặt tiêu chuẩn của cô thật cao và không chấp nhận những gì thấp hơn tiêu chuẩn đó. Rồi cô cho tôi cơ hội thứ hai để chứng tỏ khả năng và rèn luyện những khả năng đó cho tốt hơn.[8] Cô rất khó, nhưng tôi biết là cô khó như vậy chỉ vì cô thương và lo học trò của mình. Rất nhiều học sinh trung học khi đến viếng Viện đại học Johns Hopkins đã nói với tôi là đây quả là một trường rất tốt, nhưng họ không muốn học ở đây bởi vì nó "khó quá." Việc học không phải là một việc dễ dàng hay có thể tiên đoán được. Nhưng, những người thầy giỏi nhất biết rằng những kỳ vọng họ đặt càng cao bao nhiêu, thì học trò của họ càng học được nhiều bấy nhiêu. Tình thương học trò của những thầy cô giỏi nhất là thứ tình thương "yêu cho roi cho vọt," như cô Hoffman đã làm, để giúp học trò đạt đến trình độ cao nhất. Sự học là công việc khó khăn và vất vả. © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://www.jhu.edu/gazette/2005/06sep05/06brody.html [1] Baywatch và Beverly Hills, 90210 là hai chương trình truyền hình rất ăn khách ở Mỹ. Baywatch là phim bộ về một toán nhân viên cứu người bị đắm tại bãi biển ở Los Angeles. Bộ phim này ăn khách nhờ các diễn viên trẻ trung, xinh đẹp và hấp dẫn trong trang phục áo tắm. Beverly Hills, 90210 là bộ phim về các cô cậu con nhà thời thượng cư ngụ tại khu sang trọng nhất của Hollywood trong sinh hoạt học đường từ trung học đến đại học. [2] American Graffiti là một phim về lứa tuổi thanh thiếu niên lớn lên trong thập niên 1960 tại Mỹ. [3] Một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của Mỹ. Ông được giải Nobel Văn chương năm 1962. [4] Napa Valley là nơi nổi tiếng về trồng nho làm rượu vang của Mỹ, nằm ở phía bắc cùa California, gần San Francisco. Pasadena nổi tiếng về kỹ nghệ trồng cam, thuộc về Quận Cam nơi có nhiều người Việt sinh sống. [5] Mỗi học sinh trung học ở Mỹ có thời khóa biểu riêng theo từng em và theo từng tín chỉ (credit). Nếu đã lấy gần đủ tín chỉ tốt nghiệp, học sinh lớp 12 chỉ cần lấy những tín chỉ còn thiếu và thì giờ còn lại có thể giúp cho văn phòng hay thư viện. Học sinh được sắp lớp để học từng môn và phải đổi phòng mỗi khi đổi tiết học. Giáo viên có phòng học riêng và học sinh đến từng phòng để học khác với VN là học sinh ở trong lớp, còn giáo viên đến lớp học. [6] Cách cho điểm của Mỹ thường theo chữ, có nơi còn thêm dấu + hay dấu trừ -, như sau: A: 95-100; A-: 90-94; B+: 86-89; B: 85; B-: 80-84,...Điểm F là dưới 60 điểm, là rớt. Thang điểm là 100. [7] Mỗi môn học ở Mỹ kéo dài 1 khóa học (semester) khoảng 18 tuần, trong 18 tuần có 3 học kỳ (6 tuần/học kỳ). Trong một khóa học có kỳ thi giữa khóa (mid-term) và kỳ thi cuối khóa (final). Điểm của toàn môn học là trung bình của từng học kỳ, mid-term, và final. [8] Tác giả đã dùng lối chơi chữ khi viết: "to prove, and improve, myself."

Chủ nghĩa Trọng Thương vẫn còn sống Charles L. Hooper

LGT. Khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, những chính trị gia đều tranh luận về những biện pháp nhằm hồi phục kinh tế, dù đó là tại nước Mỹ hay nước Tàu. Một trong những biện pháp được đề cập nhiều nhất là bảo hộ hàng hóa nội địa để tránh thâm hụt mậu dịch. Đây chính là tư tưởng cốt lõi của Chủ nghĩa Trọng thương, một học phái kinh tế thời Trung cổ đã bị đào thải vì lỗi thời. Nhưng ngày nay lại được đưa ra như một biện pháp mà cả nước Mỹ lẫn Trung Hoa đang dùng để biện minh cho chính sách kinh tế của mình. Charles Hooper, một chuyên gia kinh tế, nhận định và phê phán Chủ nghĩa Trọng thương trong bài viết dưới đây. *** Nhiều người ngày nay không để ý rằng một số nhà lãnh đạo chính trị và giới truyền thông dòng chính đang tán tụng những ý tưởng đã bị phủ nhận và đã bị để cho chết hơn hai trăm năm trước. Cũng giống như trong những phim kinh dị, có những kẻ tuy đã chết chôn xuống đất rồi mà không chịu nằm yên. Khi còn đi học môn kinh tế, tôi học được rằng chủ nghĩa trọng thương đã dành chỗ và thay thế chế độ phong kiến để trở thành một học thuyết kinh tế thống trị tư tưởng trong thời Trung Cổ. Chủ nghĩa Trọng thương được định nghĩa như sau: "chủ nghĩa kinh tế quốc gia nhằm xây dựng một nhà nước giàu mạnh và có quyền lực."[1]Định nghĩa này được đặt căn bản trên lập luận như thế này: "Một nước càng giàu, thì nước đó càng mạnh; một nước càng mạnh, thì đời sống của mọi người trong nước đó đều khá hơn."[2] Mãi cho đến thế kỷ 17, thì giá trị của chủ nghĩa trọng thương mới bị xét lại một cách nghiêm túc, và Adam Smith là người đã đóng cọc nhọn vào trái tim của chủ nghĩa trọng thương, để cho nó chết luôn, bằng tác phẩm Tài sản của Quốc gia (The Wealth of Nations), được ấn hành 235 năm trước đây. Có lẽ đa số những nhà kinh tế đều nắm được quan điểm lịch sử này, nhưng dường như phần còn lại của thế giới chưa bao giờ nhận được tờ cáo phó của chủ nghĩa trọng thương. Rủi thay, những ý tưởng cổ lỗ và phản tác dụng của chủ nghĩa trọng thương vẫn còn đang sống và hoạt động tại nước Mỹ vào thế kỷ 21. Chủ nghĩa trọng thương gồm một số những ý tưởng rời rạc, không có hình thái nhất định, nhưng lại quy định những thành tố của xã hội nên được tổ chức theo cơ cấu nào. Những nhà tư tưởng trọng thương không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, và khôi hài thay, có nhiều khi lại phê phán chính cái hệ thống của chủ nghĩa này. Tuy vậy, ta có thể ghi nhận một vài điểm trọng tâm của chủ nghĩa trọng thương như sau: Những biện pháp bảo hộ mậu dịch nên được áp dụng để bảo vệ cho những nhà sản xuất nội địa; xuất cảng nên tăng và nhập cảng nên giảm; việc làm nên được tăng cường tại thị trường nội địa; và chính sách tiền tệ nên gia tăng trữ lượng tiền và kim loại quý. Về điểm cuối cùng này, mặc dù hàng tiêu dùng làm cho phẩm chất của đời sống chúng ta được gia tăng, những nhà trọng thương lại tin rằng tiền bạc tốt hơn là hàng hóa, bởi vì có tiền thì lúc nào mua hàng hóa cũng được, trong khi hàng hóa có thể không bán được hay bị hư hao đi. Thêm nữa, họ còn lý luận rằng hàng hóa là để tiêu dùng và như vậy là "mất" đi rồi, còn kim loại quý luôn luôn có giá trị lâu dài. Chủ nghĩa trọng thương là một lý thuyết kinh tế nhìn từ quan điểm của những nhà xuất cảng, bảo hộ mậu dịch, chính trị gia và những kẻ tích trữ tiền tệ, và những kẻ được lợi chính từ lý thuyết này là những công ty lớn và chính quyền lớn. Một cách cơ bản, ta càng bán được nhiều hàng hóa ra nước ngoài và đem về càng nhiều vàng và bạc để cất kỹ trong tù sắt thì càng tốt. Hệ luận của lý thuyết này như sau: xuất cảng càng nhiều càng tốt, nhập cảng càng nhiều càng xấu, giá trị đồng tiền giảm là tuyệt và thặng dư mậu dịch là tối ưu. Không biết là chính họ có nhận thức được điều này hay không, nhưng vô hình trung, rất nhiều chính trị gia hiện đại thuộc đủ mọi khuynh hướng, đều theo chủ nghĩa trọng thương. Cứ xem tin tức trên TV thì thấy những người trong chính quyền và cơ quan truyền thông đang đưa ra những quan điểm theo phái trọng thương: Giá trị tiền tệ của những đối tác mậu dịch với chúng ta quá rẻ và thâm hụt mậu dịch thì quá cao-và hai yếu tố này cùng với nhau đã làm giảm công ăn việc làm tại nội địa. Một trong những biện pháp trọng thương mà một nước như Mỹ có thể áp dụng là làm giảm giá tiền tệ của mình, tức là cùng một lúc làm cho hàng xuất cảng rẻ hơn và hàng nhập cảng mắc hơn. Điều này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng cái nguyên tắc này lại phản tác dụng. Nếu bạn có tiền đô-la trong túi và tôi có tiền Yen Nhật, bạn có bực mình không khi thấy tiền đô-la của bạn bị giảm giá trị và so với tôi thì bạn bị nghèo hơn? Bạn có thể nghĩ xem có ai mà lại đi ăn mừng vì tài sản của mình bị giảm giá trị không? Bạn có nhiều đô-la trong số vốn đầu tư của mình hơn tiền yen hay nhân-dân-tệ, hay đồng Euro không? Tôi có. Bạn có muốn số vốn đầu tư của bạn tăng thêm giá trị không? Tôi muốn. Thế thì tại sao bạn lại muốn cho đồng đô Mỹ bị giảm giá? Dù tôi chẳng có ác cảm gì với vàng hay bạc (mỗi thứ tôi có một ít), quý kim chỉ là vật giữ giá trị-một phương tiện cho một mục đích nào đó-chứ tự nó không phải là mục đích. Tôi hy vọng là sẽ dùng vàng hay bạc của tôi (và cả đô-la, yen, nhân-dân-tệ và Euro) để một ngày nào đó mua thêm một căn nhà, một cái xe, trả học phí để học thêm, và đi nghỉ mát nhiều hơn. Đó chính là hàng hóa và dịch vụ-chứ không phải là cái giá trị lưu trữ trong quý kim hay tiền bạc mà tôi dùng để mua hàng hóa hay dịch vụ, tức là những điều làm cho đời sống của tôi được cải thiện và phong phú hơn. Chỉ cố chú trọng vào tích trữ tiền tệ và qua đó làm trở ngại cho tiến trình vận hành của thị trường, những biện pháp trọng thương khiến cho tôi càng ngày càng khó mua được những hàng hóa và dịch vụ mà tôi muốn. Những biện pháp trọng thương khác mà chính quyền Mỹ có thể áp dụng gồm có giới hạn nhập cảng và đánh thuế hàng nhập cảng; biện pháp này được nhiều chính khách và nhà bình luận thuộc đủ mọi khuynh hướng thảo luận và thường xuyên vận động. Khi thực hiện những biện pháp này, với cái mục đích được cho là để giúp cho người dân Mỹ, chính quyền Mỹ đã khiến cho người dân phải mua hàng hóa mắc hơn và khó kiếm hơn.[3] Bây giờ hãy thảo luận về sự thâm hụt mậu dịch, [một tình trạng] vẫn bị xem là điều xấu xa, xem như thế nào. Nếu tôi mua một cái xe Toyota làm tại Nhật thì điều gì xảy ra? Đơn giản lắm. Tôi có một cái xe tốt và một công ty của Nhật có thêm tiền và dùng số tiền này để trả cho những nhà cung cấp vật liệu, cho nhân viên và cho cổ đông (trong số cổ đông này có tôi). Những người được trả tiền này sẽ làm gì nếu họ không sử dụng để mua hàng hóa Mỹ? Chỉ có năm trường hợp: mua tài sản của Mỹ gồm có cổ phiếu, trái phiếu và đất đai; đầu tư trực tiếp vào nước Mỹ qua việc xây dựng hãng xưởng, v.v.; mua những dịch vụ của Mỹ; buôn bán đồng đô-la trên thị trường tiền tệ; hay là cất trong tủ sắt. Khi mua những tài sản hay dịch vụ của Mỹ, người mua sẽ giúp cho người Mỹ và những công ty Mỹ giàu có hơn. Vì chung cục, trong bất kỳ giao dịch nào, cả hai bên đều phải có lợi, chứ nếu không thì chẳng có ai tham gia giao dịch. Đầu tư trực tiếp vào hãng xưởng và dụng cụ sẽ làm gia tăng hiệu suất sản xuất và qua đó giúp cho đồng lương công nhân Mỹ tăng. Còn nếu những người ngoại quốc giữ đô-la mà không làm gì cả, thì người Mỹ chúng ta có được những chiếc xe có giá trị, còn họ thì chỉ giữ được những miếng giấy rẻ tiền mà chính phủ Mỹ có thể in ra rất nhiều. Còn nếu họ đổi tiền trên thị trường tiền tệ quốc tế, thì những đối tác của họ cũng có cùng những quyết định quan trọng như đầu tư/mua sản phẩm/mua dịch vụ/giữ tiền như họ vậy. Trong trường hợp xấu nhất, đồng đô Mỹ quay trở lại để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản của Mỹ. Trường hợp tốt nhất là người ta giữ luôn đồng đô-la và ta có được những hàng hóa hữu ích hầu như được miễn phí. Thâm hụt mậu dịch phản ảnh trường hợp tốt nhất, trong khi thặng dư mậu dịch là trường hợp tệ nhất-nhưng vẫn còn là tốt. Những người theo phái trọng thương ủng hộ lập luận xây dựng một nước mạnh với một lực lượng quân sự hùng mạnh. Vì sự nhập cảng những hàng hóa công nghiệp cuả nước ngoài, một số e ngại là khả năng sản xuất công nghiệp của Mỹ sẽ bị teo tóp lại, và vì vậy những kẻ diều hâu (đa số theo phái trọng thương) đưa ra đề nghị nhằm chú trọng vào việc giữ sức mạnh sản xuất công nghiệp nội địa hơn là những lãnh vực khác của kinh tế. Họ đặt vấn đề, "Nếu chiến tranh xảy ra, thì ta sẽ làm gì nếu không còn khả năng sản xuất súng đạn và chiến xa?"[4] Giải pháp đơn giản nhất, dĩ nhiên, là đừng đánh nhau. (Lịch sử cho thấy điều này khó xảy ra). Lực lượng quân sự của Mỹ luôn luôn dựa vào sức mạnh của vũ khí và mức sản xuất công nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì trong tình trạng lớn mạnh. Đúng là nền sản xuất công nghiệp của Mỹ đã sa thải bảy triệu nhân công từ cuối thập niên 1970, nhưng công nhân Mỹ ngày nay sản xuất nhiều hơn những công nhân thời 1970 tới ba lần.[5] Nền sản xuất công nghiệp của Mỹ đã đạt tới năng suất kỷ lục vào năm 2007[6], trước khi bị suy thoái kinh tế, và cùng với Trung Hoa là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hãy xem con số sau đây, nếu bộ phận sản xuất công nghiệp của Mỹ là một nền kinh tế tách riêng ra, thì nó sẽ nằm giữa hai nền kinh tế của Anh và Pháp, thuộc vào hàng những nền kinh tế đứng hàng thứ sáu trên thế giới, với mức sản phẩm hàng năm là $2.155 ngàn tỷ đô-la (trillion).[7] Con số lớn lao này đủ chứng minh là ta không cần phải lo ngại thái quá. Những người theo phái trọng thương hiện đại cho rằng người tiêu thụ tại Mỹ nên chịu gía hàng hóa cao hơn do thuế khóa đánh vào hàng nhập cảng, những quy định giới hạn hàng nhập cảng, và giảm giá trị tiền tệ để yểm trợ và bảo vệ những nhà sản xuất công nghiệp của Mỹ, những người sẽ thuê mướn nhân công, xuất cảng hàng hóa, và đem về tiền mặt. Còn những nhà kinh tế hiện đại trả lời rằng đó là cách khiến cho một nước nghèo hơn chứ không giàu có hơn được. Mậu dịch làm lợi cho cả hai bên, dù hai bên có ở đâu đi chăng nữa, như ở ngay bên nước Tàu, hay ở Phố Tàu tại San Francisco. Cách thức để làm cho một nước giàu mạnh là giữ đồng tiền ổn định và để cho mậu dịch nội địa cũng như quốc tế được phát triển. Làm như vậy thì những cá nhân và những địa phương cá biệt có điều kiện để chuyên môn hóa [ngành nghề] và khám phá ra lợi thế tương đối của chính mình-tức là lãnh vực sản xuất mà ta có năng suất cao nhất và phương thức sản xuất hữu hiệu nhất để làm ra những hàng hóa mà người khác muốn mua. Khi tìm ra được lợi thế tương đối và sản xuất theo hướng này, thì cùng với một số lượng chi vào cho sản xuất, ta thu lại được sản phẩm và số lượng có giá trị cao nhất, và nhờ thế mà quốc gia, nói chung, trở nên giàu có hơn. Như Adam Smith đã nêu ra: "Đây là một định luật cho tất cả những người trưởng gia đình khôn ngoan, là không bao tìm cách tự làm ra những gì tại nhà, mà lại mắc hơn nếu đi mua [ở ngoài tiệm.]...Nếu một nước ngoài có thể cung cấp cho ta một món hàng rẻ hơn giá thành do ta tự làm lấy, thì tốt hơn là mua của họ, bằng một số lượng nào đó của nền kỹ nghệ của ta mà ta có lợi thế hơn họ."[8] Bảo hộ kỹ nghệ nội địa cũng có sức hấp dẫn [đối với một số người]. Bằng cách ngăn không cho hàng hóa ngoại quốc cạnh tranh với hàng quốc nội, ta có thể giữ được việc làm cho người Mỹ và giúp cho những công ty đang gặp khó khăn có chỗ nương tựa khi cần, cho đến khi họ trở nên mạnh mẽ trở lại. Rủi thay, thực tế của chính sách bảo hộ có nhiều điều tệ hại và xấu xa mà nhiều người không để ý tới. Trước hết là nỗ lực vận động Quốc hội đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch, thay vì phải đưa ra những quyết định khó khăn về mậu dịch quốc tế. Thứ hai là phí tổn trực tiếp của sự bảo hộ việc làm cho nhân công. Thí dụ để giữ lại 226 công việc sản xuất va-li cho công ty của Mỹ, người tiêu dùng tại Mỹ phải trả thêm một số tiền hàng năm là $290 triệu đô-la cho tiền mua va-li hàng năm. Tính đổ đồng thì phí tổn để giữ lại một công việc làm va-li lên tới $1.2 triệu đô-la.[9] (Chẳng có ai, nhất là đối với người tiêu dùng Mỹ, lại có thể lập luận là những công việc này đáng giá tới chừng đó.) Thứ ba những kỹ nghệ sử dụng sản phẩm thuê nhiều công nhân hơn những kỹ nghệ sản xuất ra những sản phẩm được bảo hộ. Thí dụ, công nhân trong những kỹ nghệ sử dụng thép [để làm xe hơi chẳng hạn] đông hơn số công nhân trong kỹ nghệ chế tạo thép gấp 57 lần.[10] Làm cho giá thép mắc hơn sẽ gây thiệt hại cho 57 công nhân dùng thép mà chỉ giúp được cho một công nhân chế tạo thép, và thêm vào đó là tất cả mọi người tiêu dụng đều bị thiệt hại. Câu hỏi tại sao người tiêu dùng bị buộc phải hỗ trợ người sản xuất, và tại sao không buộc người sản xuất bán hàng cho người dùng với giá rẻ là một câu hỏi đáng cho ta suy nghĩ. Cả hai câu hỏi này đều chẳng có nghĩa lý gì. Thực ra, hầu như chúng ta ai cũng đã biết đến trường hợp về một người bạn ("người mua") mua một cái xe của một người bạn khác ("người sản xuất") với hy vọng nhờ vào tình bạn mà mua được cái xe với giá rẻ hơn. Những chính sách kinh tế của phái trọng thương làm cho nước ta và chúng ta nghèo đi, chứ không giàu lên được. Nhưng ta sẽ không bao giờ biết được điều này khi nghe những phát biểu của chính trị gia hay đọc trên báo chí. Adam Smith cho rằng hệ thống kinh tế trọng thương là một âm mưu vĩ đại giữa những nhà sản xuất công nghiệp và thương nhân chống lại người tiêu thụ, và năm 1776, Smith đã viết, "Không có điều gì có thể ngớ ngẩn hơn là toàn bộ cái lý thuyết quân bình mậu dịch."[11] Tương tự như vậy, kinh tế gia Henry George đã nêu ra, "Điều mà bảo hộ mậu dịch dạy cho ta là tự gây ra cho mình trong thời bình những thiệt hại mà kẻ thù gây ra cho ta trong thời chiến."[12] Bảo hộ mậu dịch chưa bao giờ là một chính sách tốt và sẽ chẳng bao giờ làm cho nước Mỹ mạnh mẽ. Chẳng phải bây giờ là lúc ta nên dẹp đi luôn những ý tưởng đã lỗi thời và lắng nghe những nhận định sâu sắc của những bậc thầy về kinh tế hiện đại? © Học Viện Công Dân 2012 Charles L. Hooper là Chủ tịch của tổ chức Objective Insight và là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Hoover. Hooper cũng là đồng tác giả của cuốn sách Making Great Decisions in Business and Life (Chicago Park Press, 2006). Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2011/Hoopermercantilism.html [1] Laura LaHaye, "Mercantilism," in David R. Henderson, ed., The Concise Encyclopedia of Economics, Liberty Fund, 2008. [2] John J. McCusker, Review essay of Eli F. Heckscher's Mercantilism, Economic History Association, December 3, 2000. [3] Xem thêm International Capital Flows, của Mack Ott, tại the Concise Encyclopedia of Economics (CEE) và Balance of Payments, của Herbert Stein, in the CEE. [4] See Loren Thompson, "America's Economic Decline,"Armed Forces Journal, March 2009. [5] Mark J. Perry, "The Truth About U.S. Manufacturing,"Wall Street Journal, February 25, 2011. [6] Donald J. Boudreaux, "Manufacturing Error," Cafe Hayek, August 12, 2009. [7] Ibid. Mark J. Perry, "The Truth About U.S. Manufacturing." [8] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, The University of Chicago Press, Vol I, Book IV, Ch II, pg 478-479, 1976, originally published in 1776. Passage is at pars. IV.2.11-IV.2.12. [9] The Fruits of Free Trade, 2002 Annual Report, Federal Reserve Bank of Dallas, Exhibit 11. The High Cost of Protectionism. [10] Ibid. Fruits of Free Trade, Exhibit 11. [11] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Vol. I, Book IV, Ch. III, Pt. II, pg. 513. Passage is at par IV.3.31. [12] Henry George, Protection or Free Trade, Ch. IV, pg 12, Government Printing Office, 1892. Passage is at Chapter 6, par. VI.7.

Các Bài học từ Solyndra Robert P. Murphy*

LGT. Mặc dù bài viết dưới đây phân tích một thí dụ về một sự việc kinh tế tại Mỹ, tác giả đã cho thấy rằng khi nhà nước "dính" vào những hoạt động kinh tế, thì có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Công ty kỹ thuật năng lượng mặt trời Solyndra được chính phủ Liên bang Mỹ cho vay có bảo đảm tới một nửa tỷ Mỹ kim, nhưng chỉ sau vài năm hoạt động đã phải khai phá sản. Tại Mỹ, sự kiểm tra gắt gao của những quy chế và định chế về kế toán và tài chính, dầu sao cũng đã giảm thiểu được phần nào thiệt hại cho người dân đóng thuế. Ngược lại, khi thiếu sự kiểm soát minh bạch và công khai, và nhất là khi nhà nước lại là chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn của nhà nước, thì thiệt hại, khi xảy ra, sẽ vô cùng nghiêm trọng, như trường hợp Vinashin tại Việt Nam chẳng hạn.[1] Như một viên chức của Toà Bạch Ốc đã mô tả một cách mỉa mai trong một điện thư nói rằng lý do các hãng như Solyndra cần sự hỗ trợ của chính phủ là bởi vì các nhà đầu tư trong lãnh vực tư cho rằng các món tiền cho vay đó có nhiều rủi ro. Vào tháng 9 năm 2011, đại công ty về năng lượng mặt trời Solyndra đã tuyên bố phá sản và sa thải hơn 1100 nhân viên. Sự phá sản của công ty là một vụ khó ăn khó nói lớn cho chính quyền Obama, bởi vì Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Biden đã công khai nêu ra trường hợp của Solyndra - công ty đã nhận được khoảng 0.5 tỷ dollar từ công quỹ để bảo đảm tiền cho vay - và đã coi công ty đó là một thành công sáng chói trong biện pháp tạo ra công ăn việc làm và thay đổi khí hậu của chính quyền Obama. Sự lúng túng đó chẳng bao lâu trở thành một vụ bê bối khi các nhà lập pháp phát hiện rằng chính quyền hình như đã không nghe những lời cảnh báo sớm hơn về việc cho Solyndra vay. Khi tôi viết bài này, tức là bốn tháng sau khi Solyndra phá sản [vào tháng 9, 2011 - ND], thì các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hoà vẫn đang đòi chính quyền phải tiết lộ thêm những điện thư giữa các viên chức then chốt để quyết định xem vào thời điểm nào họ đã biết được tình trạng thực sự của công ty. Bài này có hai mục đích. Thứ nhất là tóm lược những sự kiện then chốt trong trường hợp Solyndra và giải thích tại sao đó là một vụ bê bối chứ không phải một vụ đầu tư không đúng chỗ. Mục đích thứ hai là để từ trường hợp Solyndra này đi xa hơn và phê bình quan niệm bảo đảm tiền cho vay của chính quyền cho những công ty. Bởi vì chính quyền của cả Georges Bush và Obama đều ủng hộ những chương trình cho vay bảo đảm đó, vì vậy phần phê bình là phê bình cả hai đảng. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận tiền đề mà các nhà bảo vệ môi trường thường đưa ra, cho rằng chính phủ cần phải khuyến khích đầu tư tư nhân vào những kỹ thuật không sinh ra những khí thải nhà kính, [tức là những chất làm ô nhiểm môi trường - ND], thì ngay cả trong những trường hợp đó, cũng không thể biện minh cho chương trình cho vay của Bộ Năng Lượng. Có những sự lựa chọn về chính sách hữu hiệu hơn, những sự lựa chọn ít bị tham nhũng hơn những chương trình mà trong đó các viên chức của chính quyền liên bang đưa hàng trăm triệu đô-la cho những công ty được hưởng lợi. Tóm lược quá trình Khi Solyndra được thành lập vào tháng 5, 2005, kế hoạch kinh doanh của công ty là chế tạo những tế bào năng lượng bằng loại phim mỏng hình ống và làm bằng những hợp chất CIGS (copper-indium-gallium-selenide). Đây là một phương pháp mới bởi vì những công ty cạnh tranh với Solyndra thường sản xuất các tế bào năng lượng làm bằng silicon. Vào tháng 7 năm 2005 chính quyền Bush lập ra chương trình bảo đảm cho vay theo điều khoản 1703 như có ghi trong Đạo Luật về Chính sách Năng lượng của năm 2005. Theo trang mạng của Bộ Năng Lượng thì: Điều khoản 1703...của Đạo Luật Chính Sách về Năng Lượng năm 2005 cho phép Bộ Năng Lượng của Hoa Kỳ hỗ trợ các kỹ thuật sáng tạo về năng lượng không ô nhiểm, những kỹ thuật thường không nhận được sự tài trợ của lãnh vực tư, vì có những rủi ro về kỹ thuật cao. Thêm vào đó, các kỹ thuật này phải làm sao tránh, giảm, hay cô lập các chất tạo ô nhiểm hay những sự thoát hơi nhà kính do con người tạo ra.[2] Vào tháng 12 năm 2006, Solyndra nộp đơn xin được hưởng tiền cho vay có bảo đảm của chính phủ theo chương trình 1703. Sau khi đã làm mọi thủ tục cần thiết, tới tháng 1 năm 2009 Solyndra đã thuyết phục được Ủy Ban Tín Dụng của Bộ Năng Lượng là dự án này "có vẻ có giá trị." Tuy nhiên, Bộ Năng Lượng cũng vẫn chưa muốn cho vay có bảo đảm mà còn cần phải biết thêm nữa. Tổng Thống Obama, nhậm chức vào tháng 1 năm 2009 đã có chương trình là sẽ chính thức công bố chương trình bảo đảm tiền cho vay vào ngày 19 tháng 3 trong chuyến đi thăm California. Tuy nhiên sự thông báo này đã bị hủy bỏ sau khi các viên chức của Toà Bạch Ốc trình bày những điểm hãy còn thắc mắc, trong đó có một cái điện thư, mà bây giờ trở nên rất là tai tiếng, của một chuyên gia phân tích ngân sách. Hình như điện thư này được gởi cho các đồng nghiệp của người đó đang làm việc với Tổng Thống, mặc dầu những tên của người nhận đã được thay đổi đi. Điện thư gởi vào ngày 10 tháng 3 nói rằng sự kiện này chưa nên loan báo một cách rầm rộ công khai. Và cùng lúc đó, thì một viên chức của Bộ Năng Lượng viết một điện thư nói rằng có "một vấn đề quan trọng hãy còn chưa giải quyết" về số tiền cho vay đó. Vấn đề này xoay quanh các dự phóng cho thấy rằng công ty thực sự nhận số tiền cho vay của Solyndra, tức là công ty phụ Solyndra Fab 2, sẽ bị thiếu tiền vào tháng 9 năm 2011, và do đó sẽ cần sự giúp đỡ của công ty trung ương. Mặc dầu có những bận tâm này, ngày 20 tháng 3 Solyndra cũng vẫn nhận được sự chấp thuận có điều kiện để được cho vay có bảo đảm. Vào tháng 8 năm 2009, người đứng đầu của văn phòng Tổng Thống ở Toà Bạch Ốc gởi một điện thư cho cơ quan quản lý và ngân sách, nhắc lại rằng Phó Tổng Thống dự định sẽ loan báo về Solyndra và hỏi rằng Toà Bạch Ốc có thể làm gì để vấn đề này có thể tiến triển nhanh hơn không. Vào đầu tháng 9 năm 2009, sau khi các bên liên hệ đã ký kết, Bộ Năng Lượng chính thức chấp thuận tiền cho vay có bảo đảm cho Solyndra. Ba ngày sau, Phó Tổng Thống Biden, tham dự qua video, và Bộ Trưởng Năng Lượng Steven Chu, cùng với Thống Đốc Schwarzenegger đã chủ trì lễ khởi công của Solyndra tại Fremont, California. Trong bài diễn từ đọc trước những người tham dự buổi lễ đó, Biden nói về chính quyền mới nhậm chức của Obama như sau: "Chúng tôi biết là chúng tôi phải hành động. Và nội trong 200 ngày từ khi chính quyền nhận chức, chúng tôi đã ban hành đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư tại Huê Kỳ. Đạo luật Phục hồi đã đang được thi hành, chứng cớ là quý vị thấy được áp dụng ngaytại địa điểm này." Cũng trong diễn từ đó, Biden nói: Một phần của kế hoạch của chúng tôi bảo đảm là chúng tôi sẽ tạo công ăn việc làm, chúng tôi tạo công ăn việc làm cho tương lai như là những loại công việc mà quý vị đang tạo ra ngày hôm nay. Những công ăn việc làm mà quý vị tạo ra có thể xây dựng một gia đình, tạo ra những công việc giảm ô nhiểm, những công việc tạo nền móng cho một nền kinh tế Hoa Kỳ lớn mạnh hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho việc đầu tư vào Solyndra, và đầu tư vào những công việc làm của Solyndra là rất quan trọng, không phải cho hiện tại, mà là để cho chúng ta thêm sức mạnh tiến về một tương lai xán lạn hơn... Theo một nghĩa thì chúng ta đang đi trên một cuộc hành trình càng ngày càng gần mặt trời, để đưa Hoa Kỳ tới một nền kinh tế sử dụng năng lượng mặt trời, và trong cuộc hành trình đó chúng ta đã để lại đằng sau cái bóng của quá khứ không hữu hiệu và gây ra những tai hại. Hôm nay tôi rất lấy làm vui mừng cùng với Bộ Trưởng Năng Lượng thông báo rằng chúng tôi đã chấp thuận một khoản tiền cho vay có bảo đảm là 535 triệu đô-la cho công ty Solyndra, tức là hơn nửa tỷ đô-la. Đây là một trong những tin mà Bộ Trưởng Năng Lượng sẽ tiếp tục phổ biến là Bộ sẽ có hơn 30 tỷ để làm tiền cho vay có bảo đảm trong đạo luật Phục hồi để cung cấp ngay bây giờ, và sẽ cung cấp cho các công ty Hoa Kỳ dẫn đầu trong kế hoạch tiến tới một tương lai năng lượng mới và sạch. Số tiền cho Solyndra vay sẽ giúp xây dựng những cơ sở chế xuất mới và cùng với những cơ sở chế xuất này, ngay lập tức, sẽ tạo ra 3000 việc làm có lương tốt cho các công nhân xây dựng. Một khi cơ sở này hoàn tất, sẽ có khoảng 1000 công việc thường xuyên tại Solyndra và tại những vùng doanh nghiệp chung quanh, và hàng trăm công việc làm nữa cho những người làm việc đặt những bảng năng lượng mặt trời trong nước. Đó là một sự kiện quan trọng. Nó quan trọng bởi vì những công việc làm này là những công việc làm thường xuyên. Đây là những công việc làm cho tương lai, đây là những công việc làm cho môi trường xanh, đây là những công việc làm sẽ không bị mất đi qua xuất khẩu. Đây là những công việc làm điển hình cho thế kỷ 21 và những công việc tạo ra sẽ khiến cho Hoa Kỳ có thể cạnh tranh và dẫn đầu như chúng ta đã từng làm trong thế kỷ thứ 20. [Phần in đậm do tác giả thêm vào] Sau các lời phát biểu của Biden, Bộ Trưởng Năng Lượng Chu - người đã được giải Nobel về Vật Lý năm 1997 và được nhiều người công nhận là chuyên gia hoàn hảo nhất để hướng những nguồn vốn khan hiếm vào các công trình có ích cho xã hội - đã nói như sau: Tôi xin cám ơn tất cả những người đã cộng tác chặt chẽ với Bộ Năng Lượng trong việc thực hiện dự án thành công này. Tôi xin cám ơn Phó Tổng Thống Biden cũng đã tham gia vào sự kiện này. Tôi cám ơn Thượng Nghị Sĩ Feinstein... Thượng Nghị Sĩ Boxer, và dĩ nhiên Thống Đốc Schwarzenegger đã giữ vai trò lãnh đạo trong công việc phát triển một nền kinh tế có năng lượng sạch tại California. Như quý vị thấy, nếu chúng ta làm được một tấm năng lượng mặt trời tốt hơn, thì thế giới sẽ đua nhau tìm đến chúng ta. Làm được tấm năng lượng mặt trời thông minh hơn, chính là điều Solyndra đã làm. So với những tấm năng lượng mặt trời trước kia, thì tấm năng lượng mặt trời làm bằng phim mỏng do Solyndra mới sáng chế sẽ tạo ra năng lượng nhiều hơn với giá rẻ hơn, và giản dị hơn. Chứng cớ cho thấy thế giới đang đòi hỏi một nền kinh tế có năng lượng sạch là hiện tại những đơn đặt hàng về các (tấm) năng lượng mặt trời đã lên tới 2 tỷ đô-la. Nhờ chương trình bảo đảm tiền vay này, những đơn đặt hàng đó sẽ được thực hiện bởi các công nhân Hoa Kỳ. Gần đây, quý vị đã nghe nói rất nhiều về các công việc trong ngành năng lượng xanh. Ngày hôm nay, quý vị đang được chứng kiến công việc đó trên thực tế [Phần in đậm do tác giả thêm vào]. Ngày 26 tháng 10 năm 2010, Tổng Thống Obama tới thăm cơ xưởng Solyndra tại Fremont và trong lời phát biểu, Tổng Thống nói:[3] Cũng là một điều rất thích hợp là California đang đi tiên phong trong kỹ thuật này. Lẽ dĩ nhiên là phải ở California chứ. Chính tại đây có những công ty như Solyndra đang đi tiên phong hướng về một tương lai xán lạn và phồn vinh hơn. Chúng tôi nhìn nhận rằng cũng chỉ có một số việc nào đó mà chính phủ có thể làm được. Động cơ thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế vẫn phải ở trong tay các công ty như Solyndra...Nhưng thế không có nghĩa rằng chính phủ chỉ đứng bên cạnh để nhìn. Chính phủ vẫn còn có trách nhiệm để giúp tạo ra những điều kiện cho các sinh viên được đào tạo để có thể làm việc tại Solyndra, và những nhà kinh doanh cũng có thể được nguồn tài trợ để lập ra một công ty. [Phần in đậm do tác giả thêm vào]. Tới tháng 12 năm 2010, Solyndra hết tiền và tiếp xúc với Bộ Năng Lượng xin vay thêm để tránh bị vỡ nợ. Tuy không có thêm tiền của chính phủ bỏ vào, nhưng chính phủ cũng làm việc với Solyndra. Tháng 2 năm 2011, chính quyền Obama đã thay đổi cơ cấu cho vay với Solyndra, và cho phép những người đầu tư bên ngoài có thể đổ thêm 75 triệu đô-la nữa. Mặc dầu như vậy, đến ngày 4 tháng 9 Solyndra đã tuyên bố phá sản và sa thải khoảng 1100 công nhân. Có vẻ có tham nhũng Diễn trình cơ bản vừa nói trên cho thấy rằng chính quyền Obama đã nhận và coi Solyndra như một trường hợp tốt đẹp để quảng cáo chương trình gói kích thích kinh tế và quảng cáo cho nỗ lực chống lại sự thay đổi khí hậu. Vì công ty sụp đổ, để cho những người dân đóng thuế một món nợ có lẽ là lên tới nửa tỷ đô-la, nên câu chuyện đó không những chỉ là một điều khó ăn khó nói về chính trị, mà nó còn đặt thành một nghi vấn đối với khả năng của chính phủ khi lựa chọn một dự án có vẻ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là do nhân viên thiếu khả năng: Solyndra đã trở nên một vụ bê bối bởi vì có chứng cớ cho rằng các viên chức quan trọng trong chính quyền Obama đã không hành động một cách minh bạch và đã bỏ qua những lời cảnh báo mà nếu được nghe theo thì đã không là hao phí tiền của người đóng thuế. Thí dụ, chỉ có hai ngày trước khi Tổng Thống Obama thăm cơ xưởng Solyndra, một người gây quỹ cho Obama đã viết trong điện thư những quan tâm như sau: Trong chúng tôi có một số người không được yên tâm về việc Tổng Thống sẽ tới thăm Solyndra. Báo chí đã cho biết là công ty phải sửa lại cái số thu nhập của công ty và càng ngày càng có thêm các thắc mắc bởi vì những kiểm toán viên tài chánh của công ty đã đưa ra một lá thư bày tỏ sự quan tâm về sự điều hành của công ty.[4] [Nghĩa là họ cảnh báo có thể công ty sẽ vỡ nợ trong nay mai. - Theo tác giả]... Nhiều người trong số chúng tôi tin rằng cơ cấu về chi phí của công ty sẽ khiến cho công ty khó tồn tại trong dài hạn. Công ty đã tiêu vào vốn với mức độ là 10 triệu đô-la mỗi tháng từ Quý 1 tới Quý 3 căn cứ trên bản kê khai tình hình tài chánh S-1 nộp cho Uỷ ban Chứng khoán, và hơn 20 triệu mỗi tháng bao gồm cả chi tiêu điều hành và chi tiêu vốn. Tất cả những điều này đều là những cờ đỏ báo nguy rất lớn. Điện thư này được chuyển lên các cấp cao, và có người ở trong số các viên chức của Toà Bạch Ốc đã trả lời trong văn thư nội bộ như sau: "Lẽ dĩ nhiên, nếu công ty đã được tài trợ một cách mạnh mẽ và đầy đủ mà không nhờ đến chúng ta, thì họ đâu có cần sự tài trợ của chính phủ. Do đó, lá thư bày tỏ sự quan tâm về sự điều hành của công ty và về việc Solyndra có thể không đủ điều kiện để đăng ký gây vốn trong thị trường chứng khoán thì tự nó không phải là điều cho tôi phải lo ngại. Nói như vậy, nhưng chúng ta cũng cần phải tìm hiểu để biết rõ công ty này quả thật có vững chắc hay không."[5] Còn có một vấn đề khó khăn trầm trọng hơn về việc thay đổi cơ cấu số tiền bảo đảm cho Solyndra vay trước đây. Sự thay đổi này đã khiến những người đầu tư tư nhân có ưu tiên cao hơn, trong trường hợp mà công ty không trả được nợ. Kết quả là những khoản cho vay của chính phủ, tức là tiền của người đóng thuế, bị đặt vào hàng thứ yếu. Trước khi thay đổi cơ cấu, Trợ lý Bộ Trưởng Tài chánh là Mary Miller đã viết cho Jeffrey D. Zients, là Phó Giám đốc của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB, Office of Management and Budget), cảnh báo ông ấy rằng sự thay đổi như vậy có thể bất hợp pháp. Bà cũng đã khuyên Bộ Năng Lượng nên tham khảo ý kiến với Bộ Tư Pháp trước khi tiếp tục kế hoạch đó. Vào tháng 8 năm 2011 bà Miller viết cho OMB như sau: "Theo chúng tôi được biết thì việc này chưa bao giờ được thực hiện." Vấn đề còn tệ hại hơn nữa, đó là một cố vấn về chính sách kích thích kinh tế của Bộ Năng Lượng, Steve Spinner - mà công ty luật của vợ của ông ta đại diện cho Solyndra khi nộp đơn này - đã nhiều lần dục để cho quyết định bảo đảm vay lúc trước được chấp thuận. Chẳng hạn Spinner đã gởi điện thư cho một viên chức của OMB vào ngày 28 tháng 8 năm 2009, tức là trước khi được chính thức chấp thuận, và hỏi như sau: "Làm như vậy thì khó cái đếch gì ? Còn đợi gì nữa? Chúng tôi có thể có cái chấp thuận đó nội trong ngày hôm nay được không?"[6] Sự nghi ngờ có tham nhũng lại có thêm chứng cớ rõ ràng hơn, đó là từ năm 2008 đến năm 2011, Solyndra đã chi gần tới 1.9 triệu để trả cho những người hành nghề vận động hành lang chính trị.[7] Những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng đưa ra những lập luận về việc George Kaiser, một người gây quỹ khá quan trọng cho công cuộc tranh cử của Obama, công ty của ông ta là Argonaut Ventures, đã tham gia vào việc bỏ thêm tiền vào Solyndra (và bây giờ số tiền đó sẽ được coi như ưu tiên hơn số tiền của chính phủ trong trường hợp Solyndra giải thể). Trong những năm 2009 và 2010, Kaiser đã đến Toà Bạch Ốc nhiều lần (và theo những điện thư đã được công bố) để thảo luận về Solyndra, mặc dầu Toà Bạch Ốc đã phủ nhận là vấn đề đó không bao giờ được nêu ra.[8] Sau hết, khía cạnh mới nhất khi vụ bê bối sắp xẩy ra liên quan đến việc Chính quyền cố gắng yêu cầu Solyndra hoãn lại việc công bố sa thải hơn 200 nhân viên cho tới sau khi có những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2010.[9] Các khoản nợ cho vay được bảo đảm của chính phủ liên bang không hữu hiệu, ngay cả với những trường hợp coi là thành công Tuy cố gắng coi Solyndra chỉ là một trường hợp duy nhất không được tốt, nhưng Bộ Năng Lượng đã bảo đảm cho những dự án năng lượng tái sinh khác vay nợ và những dự án đó cũng đã bị thất bại.[10] Tuy nhiên, dù chương trình của Bộ Năng Lượng luôn luôn lựa chọn những dự án tốt - nghĩa là không có những người vay không trả nợ, và do đó người đóng thuế không mất một đồng nào cả - chương trình này cũng đã tạo ra những điều kiện khiến cho việc sử dụng nguồn lực không được hữu hiệu. Như một viên chức của Toà Bạch Ốc đã mô tả một cách mỉa mai trong một điện thư nói rằng lý do các hãng như Solyndra cần sự hỗ trợ của chính phủ là bởi vì các nhà đầu tư trong lãnh vực tư cho rằng các món tiền cho vay đó có nhiều rủi ro. Khi chính phủ bắt đầu tham gia, và trên thực tế, coi như là người cùng ký vay nợ, thì sự kiện này cũng không làm mất đi những sự nghi ngờ nguyên thủy của người đầu tư. Trái lại, nó chỉ khiến cho những người đóng thuế ở trong một thế kẹt, bị thiệt hại nếu có sự gì trục trặc, trong khi đó những người đầu tư tư nhân lại được lợi nếu mọi sự đều tiến triển tốt đẹp. Trường hợp của Solyndra còn rắc rối hơn nữa, bởi vì phần lớn các số tiền cho vay có bảo đảm của chính quyền liên bang lại là số tiền trực tiếp đưa ra từ Ngân Hàng Tài trợ Liên bang, là một bộ phận của Bộ Tài Chánh.[11] Những khoản nợ do chính quyền bảo đảm không tạo thêm ra những nguồn lực vật chất và tự nó không thúc đẩy các cá nhân tiết kiệm hơn nữa. Do đó, khi chính phủ lại hứa sẽ đầu tư những khoản thiếu hụt cho một món nợ nào đó, mà nếu không có sự bảo đảm đó thì sẽ không xẩy ra, có nghĩa là chính phủ đã rút những tiền vốn hiếm có từ những dự án mà các nhà đầu tư tư nhân đã lựa chọn từ lúc đầu. Trừ phi chúng ta có lý do chính đáng nào đó để tin rằng các nhà chính trị và nhân viên của họ thận trọng hơn với tiền của người đóng thuế - hơn là những nhà đầu tư tư nhân thận trọng với tiền riêng của họ - thì những vụ cho vay có bảo đảm đó sẽ làm cho đầu tư bị đưa vào các dự án thấp kém hơn. Vấn đề của sự biến đổi khí hậu Những người ủng hộ chương trình cho vay có bảo đảm của Bộ Năng Lượng đã trả lời về sự sụp đổ của Solyndra bằng lời nói rằng chương trình này nói chung vẫn là một sự thành công, vì khuyến khích đầu tư vào các dự án về năng lượng tái sinh có lợi cho xã hội, và vì các dự án đó sẽ không thành nếu chỉ trông cậy vào các đầu tư tư nhân mà thôi.[12] Theo những người bênh vực Bộ Năng Lượng, những điều cho là "yếu tố bất lợi phát sinh từ bên ngoài" do sự thay đổi khí hậu có nghĩa là kinh tế thị trường hiện nay có quá nhiều nhà máy điện chạy bằng than, và quá ít nhà máy điện dùng năng lượng gió và mặt trời. Cho dù chúng ta chấp nhận mọi tiền đề của lập luận đó, lý luận này vẫn không biện minh được việc chính phủ liên bang nhận bảo đảm tiền vay cho các dự án riêng là đúng. Lý do chính là hiển nhiên có thể dẫn tới lạm dụng và tham nhũng, nhất là khi đã xẩy ra vụ bê bối Solyndra. Nếu chúng ta tin rằng các viên chức của chính quyền có khả năng bỏ cả trăm triệu đô-la vào quỹ của các công ty đặc biệt, và quyết định đó chỉ là theo sự hướng dẫn của khoa học, thì sự tin tưởng đó rất là ngây thơ. Ngay cả khi chúng ta không nói đến vấn đề thực tế là tham nhũng, một nhóm nhỏ "chuyên gia" của chính quyền trên nguyên tắc không có tất cả sự hiểu biết thích hợp để quyết định dự án nào cần có được sự hỗ trợ hữu ích khi yêu cầu chính phủ tài trợ. Hơn nữa, cho dù các công chức biết rằng dự án nào cần được tài trợ hơn là mức độ mà thị trường có thể cho, làm thế nào mà họ quyết định được số tiền vay thích hợp để bảo đảm? Trường hợp của Solyndra chứng minh điểm sau đây. Dù Bộ trưởng Chu và các cộng tác viên có lý khi nghĩ rằng các nhà sản xuất bảng năng lượng mặt trời là biểu tượng của xu hướng tương lai, các viên chức này, khi ủng hộ Solyndra, đương nhiên đã coi loại bảng năng lượng mặt trời này là hay nhất. [Trên thực tế] công ty bị xụp đổ, một phần vì giá của các bảng năng lượng mặt trời truyền thống làm bằng silicon đã giảm nhanh hơn sự tiên đoán của đa số các chuyên gia phân tích thị trường. Cho dù chúng ta công nhận tiền đề trong lập luận là cần có chính phủ để điều chỉnh các "yếu tố bất lợi phát sinh từ bên ngoài", các kinh tế gia có quan tâm đến sự thay đổi khí hậu chỉ nên chủ trương đặt ra một thuế tổng quát đánh vào việc thải chất carbon, hoặc chỉ nên đưa ra một hình thức như hệ thống "cap-and-trade"[13][giới hạn mức tối đa khí thải và cho phép các quốc gia cũng như các công ty và nhà sản xuất mua và bán lại lượng khí thải dưới định mức - ND] . Theo phương pháp này, chính quyền - dù sẽ tiếp tục dựa trên con số thiếu chính xác của các "chuyên gia"- bắt buộc các tư nhân và các hãng chịu phần tốn kém gây ra bởi các hoạt động gây bất lợi cho vấn đề thay đổi khí hậu. Mặc dù đánh thuế carbon[14] vẫn còn những khó khăn đáng kể, nhưng ít nhất trên lý thuyết thuế đó sẽ đưa đến một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề đe dọa của sự thay đổi khí hậu. Một khi những điều được coi là sự thiếu hoàn chỉnh của thị trường đã được giải quyết, thì các dấu hiệu tiêu chuẩn về lời lỗ của thị trường sẽ làm công việc điều chỉnh mầu nhiệm như đối với các lĩnh vực thông thường khác. Nếu viễn tượng thiệt hại do khí thải carbon gây ra khiến cho cần phải đầu tư nhiều hơn vào thị trường các bảng năng lượng mặt trời thì đánh thuế tương đối cao vào các nhà máy điện dùng than sẽ đương nhiên khiến cho kỹ thuật năng lượng mặt trời có lợi thế hơn. Nếu chính quyền định lượng đúng mức "chi phí xã hội của carbon" và phạt sự dùng carbon một cách thích hợp, thì cũng như một bàn tay vô hình, các lực của thị trường sẽ hướng dẫn các cơ quan kinh doanh và người tiêu dùng đến một kết quả hữu hiệu. Trong trường hợp này, sự can thiệp của chính quyền liên bang trong thị trường cho vay là một điều thừa và phí phạm, cũng như trong trường hợp một thế giới không có sự đe doạ của sự thay đổi khí hậu. Kết luận Vụ bê bối của Solyndra cho thấy rõ sự dại dột khi dùng phương sách chính trị để đưa ra những quyết định về kinh doanh. Ngay cả khi chủ trương chính phủ phải can thiệp trong vấn đề thay đổi khí hậu là đúng, thì việc chính quyền liên bang cùng ký vay nợ với các công ty đặc biệt vẫn không hợp lý. Thay vào đó, chính quyền nên thiết lập một hình thức phạt chung đối với việc thải khí carbon để các tư nhân nhận biết được các mức độ lời lỗ khi quyết định đầu tư. Trong mọi trường hợp, chương trình cho vay có bảo đảm của Bộ Năng Lượng, về phương diện kinh tế, hoàn toàn không thể biện minh được. © Học Viện Công Dân 2012 Chuyển ngữ: Song Ngọc Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2012/Murphysolyndra.html * Robert P. Murphy là Chuyên gia Nghiên cứu Cao Cấp về Kinh Doanh và Kinh Tế tại Viện Nghiên Cứu Pacific, và là một kinh tế gia của Viện Nghiên Cứu Năng Lượng chuyên về ngành kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu. Ông là tác giả cuốn Sách Hướng Dẫn Không Hợp với Chính Trị về Tư Bản (The Politically Incorrect Guide to Capitalism, Regnery, 2007). [1] Khoản nợ của Vinashin là 86.745,43 tỷ đồng (VN), tương đương gần 4.4 tỷ USD. http://vtc.vn/2-288534/xa-hoi/thanh-tra-cp-vinashin-gay-that-thoat-lon-cho-nha-nuoc.htm [2] "1703." U.S. Department of Energy Loan Programs Office. https://lpo.energy.gov/?page_id=39 (truy cập ngày15 tháng 1 2012.) [3] President Obama's remarks can be viewed in "Pr. Obama at Solyndra (1) Solar Power Plant." Private individual's YouTube upload made on May 26, 2010. http://www.youtube.com/watch?v=KYiJ-_K9NCo [4] Khái niệm "going concern" - tạm dịch là "đang tiếp tục hoạt động tốt" - là một thuật ngữ kế toán dựa trên giả định là một công ty sẽ tiếp tục hoạt động như đang làm trong một tương lai tiên đoán được. Trong bảng Cân đối, tài sản được ghi nhận với giá trị cao hơn là khi những tài sản này được dùng thanh toán nợ. Nếu có sự nghi ngờ có mức độ khả tín cao về khả năng công ty tiếp tục hoạt động như thường lệ, trong vòng một năm sau khi bảng Cân đối được công bố, thì người kiểm toán phải thêm vào báo cáo của mình là: "Dù công ty đang liệt kê những tài sản dưới dạng đang tiếp tục hoạt động tốt (going concern), nhưng trong trường hợp phá sản hay phải thanh toán nợ, thì rất nhiều những tài sản của công ty không còn giá trị như lúc còn tình trạng "going concern." [5] Những điện thư này được đăng trên tờ Washington Post, bài "Thời biểu của vụ bê bối Soyndra" tại địa chỉ: http://www.washingtonpost.com/wp-srv/special/politics/solyndra-scandal-timeline/ Thời biểu này ghi sai ngày là 24 tháng Ba, thay vì 24 tháng năm, và tổng thống Obama đến thăm Solyndra vào ngày 26 tháng Ba thay vì 26 tháng Năm. [6] Stephens, Joe and Carol D. Leonnig, "Thỏa thuận về khoản nợ cho Solyndra: Cảnh báo về tính cách pháp lý từ trong nội bộ chính phủ Obama." Washington Post, Oct. 7, 2011. http://www.washingtonpost.com/politics/solyndra-obama-and-rahm-emanuel-pushed-to-spotlight-energy-company/2011/10/07/gIQACDqSTL_story.html [7] McArdle, John, "Solyndra Spent Liberally to Woo Lawmakers Until the End, Records Show." New York Times, Sept. 16, 2011. Online at http://www.nytimes.com/gwire/2011/09/16/16greenwire-solyndra-spent-liberally-to-woo-lawmakers-unti-81006.html [8] Daly, Matthew, "George Kaiser, Obama Donor, Discussed Solyndra Loan With White House, Emails Show." Huffington Post, Nov. 9, 2011. Online at http://www.huffingtonpost.com/2011/11/09/george-kaiser-solyndra_n_1084568.html [9] Snyder, Jim, "Obama Aides Discussed Solyndra Layoffs Before 2010 U.S. Election," Bloomberg Businessweek, Jan. 15, 2012. Online at http://www.businessweek.com/news/2012-01-18/obama-aides-discussed-solyndra-layoffs-before-2010-u-s-election.html [10] For example, Beacon Power, which developed energy storage systems, filed for bankruptcy after receiving a $43 million loan guarantee. Murphy, Robert P., "Beacon Power: Another DOE Loan Bites the Dust." Institute for Energy Research, Nov. 4, 2011. Online at http://www.instituteforenergyresearch.org/2011/11/04/beacon-power-another-doe-loan-bites-the-dust/ In addition, A123 Systems, a manufacturer of electric vehicle batteries, went belly up after receiving a $249 million grant from the DOE, while the manufacturer of a plug-in car that used A123 as a supplier received a $529 million loan guarantee. Murphy, Robert P., "DOE's Renewables Failures: They Keep Going and Going and Going..." Institute for Energy Research, Dec. 5, 2011. Online at http://www.instituteforenergyresearch.org/2011/12/05/doe%E2%80%99s-renewables-failures-they-keep-going-and-going-and-going%E2%80%A6/ [11]Vekshin, Alison, "Treasury Department's Watchdog Probes Federal Bank Role in Solyndra's Loan." Bloomberg, Sept. 14, 2011. Online at http://www.bloomberg.com/news/2011-09-14/treasury-department-s-watchdog-probes-federal-bank-role-in-solyndra-s-loan.html [12] The "unmitigated success" remark is from Center for American Progress fellow Richard Caperton, in the short video embedded at a September 16, 2011 Climate Progress blog post titled, "A Post-Solyndra Video Primer on How Loan Guarantees Work," http://thinkprogress.org/romm/2011/09/16/321226/video-primer-on-how-loan-guarantees-work/?mobile=nc In the video, Caperton goes on to say, "These [clean energy] technologies need support because they need to bridge the so-called 'valley of death.' That is, they're not start-up companies that get venture capital, and they're not companies with a very mature technology that get debt financing from traditional Wall Street banks." In the text of the blog post (as opposed to the video embedded in it), author Stephen Lacey criticizes the apparent hypocrisy of Michigan Republican Fred Upton, who heads the committee investigating Solyndra. According to Lacey "no nuclear facility would get built in this country if it weren't for loan guarantees and government-backed insurance. Yet Upton is one of the biggest supporters of nuclear in Congress. By comparison, even though the loan guarantee program is extremely important for helping the largest and most innovative renewable energy facilities get built, there's still plenty of activity taking place in that sector without the program." [13] Hệ thống "cap and trade" là cách thức dùng cơ chế thị trường để giảm thiểu ô nhiễm. Thí dụ: Căn cứ theo tổng số định mức khí thải tối đa được ấn định, chính phủ sẽ cấp giấy phép ấn định mức khí thải tối đa cho từng cơ quan hay công ty. Cơ quan hay công ty nào có mức khí thải ít hơn định mức có thể bán mức dư đó cho cơ quan hay công ty nào có mức khí thải cao hơn mức quy định [Ghi chú của người dịch] [14] Murphy, Robert P., "Rolling the DICE: Nordhaus' Dubious Case for a Carbon Tax." Independent Review, vol. 14, no. 2., Fall 2009, pp. 197-217. Online at http://www.independent.org/pdf/tir/tir_14_02_03_murphy.pdf

Nelson Mandela: Tám Bài Học về Thuật Lãnh Đạo Richard Stengel

LGT. Nelson Rolihlahla Mandela là cựu tổng thống Nam Phi và cũng là vị tổng thống đầu tiên được toàn quốc Nam Phi kể cả người Nam Phi da trắng và da đen bầu ra. Sinh năm 1918, năm nay 93 tuổi, Mandela đã trải qua một thời gian dài đấu tranh bằng phương pháp bạo lực vũ trang để chấm dứt chế độ phân chủng tại Nam Phi. Vì những hoạt động này ông đã bị kết án tù chung thân và phải chịu sự giam cầm trong suốt 27 năm tại những nhà tù hắc ám nhất của Nam Phi. Sau này Mandela thay đổi chiến lược tiến hành đấu tranh bất bạo động và được trả tự do năm 1990. Trong cuộc bầu cử đa đảng và đa chủng đầu tiên năm 1994, đảng ANC của Mandela đã giành thắng lợi, và ông trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử của nước Nam Phi. Mandela nhận được hơn 250 huy chương và giải thưởng cho những hoạt động của ông, kể cả giải Nobel Hòa bình năm 1993. Richard Stengel là nhà văn và ký giả đã cộng tác với Mandela để viết cuốn tiểu sử tự bạch"Bước Đường Tự Do" của Mandela. Bài viết này được đăng trên Tạp chí Time, số ra ngày 9 tháng Bảy, năm 2008, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Mandela. *** Nelson Mandela chỉ cảm thấy thoải mái khi ở gần trẻ con, và ta có thể nói rằng sự mất mát lớn nhất mà ông phải chịu trong 27 năm tù là không được nghe tiếng khóc của trẻ con hay được cầm lấy tay chúng. Tháng vừa rồi, khi tôi đến thăm Mandela tại Johannesburg, tôi gặp một Mandela chậm chạp hơn, gầy yếu hơn-hành động tự nhiên đầu tiên của ông là dang tay ôm hai đứa con trai của tôi vào lòng. Chỉ trong giây lát chúng cũng quấn quít lấy ông lão đang thân mật hỏi han chúng ăn gì vào buổi sáng và thích môn thể thao nào nhất. Trong lúc chúng tôi chuyện trò, Mandela ôm lấy con trai tôi, bé Gabriel. Cháu có cái tên đệm khá rắc rối là Rolihlahla. Cái tên này cũng là tên cúng cơm thật sự của Mandela. Ông kể cho Gabriel sự tích cái tên đó, và ý nghĩa của nó trong tiếng Xhosa[1]là "kéo cành cây xuống" nhưng ý nghĩa thực sự của nó là "kẻ gây rối." Tuần sau, Nelson Mandela sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 90, [trong từng ấy năm,] ông là kẻ đã gây đủ rắc rối cho cả vài kiếp người. Ông đã giải phóng đất nước ông ra khỏi một hệ thống đầy thành kiến quá khích và góp phần vào đoàn kết sắc dân da trắng và đa đen, những kẻ đàn áp và những người bị đàn áp, bằng một phương thức vô tiền khoáng hậu. Năm 1990, tôi làm việc với Mandela gần hai năm để thực hiện cuốn tiểu sử tự bạch Bước Đường Dài Tự Do. Sau chừng ấy thời gian làm việc với ông và khi cuốn sách đã viết xong, tôi cảm thấy một sự hụt hẫng khủng khiếp, như thể mất đi ánh sáng mặt trời. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những năm qua, nhưng tôi muốn gặp ông lần này, biết đâu lại chẳng là lần cuối, và cho hai đứa con tôi gặp ông thêm một lần nữa. Tôi cũng muốn bàn với ông về thuật lãnh đạo. Mandela là người mà thế giới có thể xem là một ông thánh ở cõi phàm, nhưng ông vẫn cho là ông tầm thường hơn thế nhiều: chỉ là một chính trị gia mà thôi. Ông đã lật đổ được chế độ Phân chủng và kiến tạo nên một nước Nam Phi dân chủ không phân biệt chủng tộc bằng sự phán đoán chính xác phải thay đổi những vai trò của ông vào lúc nào và như thế nào, [lúc thì] là một chiến sĩ, một nhà tử đạo, một nhà ngoại giao, và một nhà lãnh đạo tầm vóc quốc gia. Là người không thoải mái lắmvới những khái niệm triết học trừu tượng, Mandela vẫn thường bảo tôi là [khi đối phó với] một vấn đề "không phải là một câu hỏi về nguyên tắc, mà là một câu hỏi về chiến thuật." Ông là một bậc thầy về chiến thuật. Mandela cũng không cảm thấy thoải mái khi có người thăm viếng hay xin xỏ ân huệ này nọ. Một mặt ông e rằng ông sẽ không thể đáp ứng được sự mong đợi của người dân khi họ đến thăm và xem ông như một vị thánh sống, và mặt khác, ông cũng còn khá tự ái vì nếu không đáp ứng được thì họ nghĩ là ông đã hết thời. Nhưng thực ra, thế giới chưa bao giờ cần đến những tài năng và vai trò của ông-một chiến thuật gia, một nhà vận động chính trị, một chính trị gia-hơn là lúc tại London, ngày 25 tháng Sáu, khi ông đứng lên và lên án sự tàn bạo dã man của nhà độc tài Robert Mugabe của xứ Zimbabwe. Và khi ta đang đi vào giai đoạn chính của cuộc tranh cử tổng thống mang đầy tính lịch sử tại Mỹ[2], Mandela có nhiều điều có thể dạy cho hai ứng cử viên. Tôi luôn luôn nghĩ rằng những điều mà độc giả sắp đọc dưới đây phải được coi là Những Định Luật của Madiba (tên tộc của ông dùng trong bộ lạc hay những người thân cận thường gọi), những quy luật chính trị mà tôi đã thu nhặt được trong những lần đàm luận với ông và qua những sự quan sát cách ứng xử của ông từ xa cũng như ở gần. Tất cả những quy luật này đều mang tính thực tiễn. Và nhiều điều được rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân của Mandela. Tất cả đều được tính toán để tạo ra một sự rắc rối tốt đẹp nhất: một sự rắc rối buộc ta phải đặt câu hỏi là làm thế nào để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bài học thứ nhất: Can đảm không có nghĩa là không biết sợ-Can đảm là truyền dũng khí "vượt qua nỗi sợ" cho kẻ khác Năm 1994, khi đang vận động tranh cử tổng thống (lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi), Mandela đi một chiếc phi cơ nhỏ bay bằng cánh quạt để thăm tỉnh Natal, nơi đã từng là bãi chiến trường, và nói chuyện với những người gốc Zulu đang ủng hộ ông. Tôi đồng ý gặp ông sau khi ông nói chuyện xong để còn tiếp tục công việc phỏng vấn. Khi máy bay còn cách phi trường khoảng 20 phút, thì một động cơ bị hỏng. Một số người trên phi cơ bắt đầu hoảng hốt. Điều duy nhất giúp họ giữ được bình tĩnh chính là cử chỉ của Mandela; ông thản nhiên và yên lặng đọc báo như thể là đang đi trên chuyến xe lửa đến văn phòng làm việc. Ở bên dưới, phi trường chuẩn bị cho máy bay đáp khẩn cấp và viên phi công cũng đưa được máy bay đáp an toàn. Khi Mandela và tôi ngồi vào băng ghế sau của chiếc xe BMW được bọc thép chắn đạn để đi đến chỗ họp, ông quay sang nói với tôi: "Chúa ơi, tôi sợ phát khiếp lên được khi máy bay bị hỏng động cơ trên không." Trong thời gian hoạt động bí mật, Mandela cũng có nhiều phen sợ hãi, như trong phiên xử tại Rivonia,[3]hay trong thời kỳ bị giam giữ tại nhà tù trên Đảo Robben.[4] Ông nói với tôi: "Dĩ nhiên là tôi sợ chứ!" Chỉ có những kẻ mất trí mới không biết sợ thôi. "Tôi không thể giả vờ là mình là người can đảm và có thể chiến thắng cả thế giới." Nhưng là một nhà lãnh đạo, ta không thể để cho người dân biết được điều này. "Ta phải tạo ra một bộ mặt can đảm." Và đó chính là điều ông đã thực tập: làm bộ can đảm, và những hành động có vẻ "vô úy" ấy đã tạo niềm hứng khởi và dũng khí cho người khác. Đó là một vở kịch câm mà Mandela đã diễn xuất tuyệt hảo trên Đảo Robben, một nơi nổi tiếng là rùng rợn. Những tù nhân bị giam chung trên đảo nói rằng chỉ cần nhìn thấy Mandela bước quanh sân trại, ngực ưỡn thẳng đầy kiêu hãnh, cũng đủ để giúp cho họ thêm sức sống trong nhiều ngày. Mandela biết rằng ông là tấm gương cho người khác và đó cũng giúp cho ông sức mạnh để vượt qua nỗi sợ của riêng mình. Bài học thứ hai: Lãnh đạo phải đi đầu-nhưng đừng để "hậu cứ" lại đằng sau Mandela là một người khôn ngoan và kín đáo. Năm 1985 ông phải giải phẫu vì tuyến tiền liệt bị nở lớn. Khi trở lại nhà tù, ông bị giam riêng không cho ở chung với các bạn đồng tù nữa, những người đã ở chung với ông trong 21 năm. Họ phản đối trại giam về lệnh phân cách này. Nhưng, theo lời của Ahmed Kathrada, một người bạn thâm giao, Mandela đã nói với bạn tù là: "Các bạn, cứ từ từ. Biết đâu trong việc này lại chẳng có điều hay. Điều hay xảy đến chính là việc Mandela tự ý tiến hành đàm phán với chính phủ phân chủng. Điều này là điều cấm kỵ bậc nhất của tổ chức Hội nghị Toàn quốc Phi Châu (African National Congress-ANC). Sau hàng bao thập niên tuyên bố rằng "tù nhân không thể đàm phán" và sau khi cổ võ cho đấu tranh vũ trang để lật đổ chế độ phân chủng, Mandela đã quyết định rằng bây giờ là đúng thởi điểm để bắt đầu "nói chuyện" với những người đang thống trị và đàn áp mình. Khi Mandela đề xướng đàm phán với chính quyền năm 1985, rất nhiều người nghĩ rằng ông đã thua trong cuộc đấu tranh rồi. Cyril Ramaphosa, lúc đó là một lãnh tụ có thế lực và nồng nhiệt của Công đoàn Phu Mỏ Quốc gia, đã nói: "Chúng tôi nghĩ ông ấy là kẻ phản bội. Tôi đã đến gặp chỉ để nói với ông là 'Anh đang làm cái gì vậy?' Đó quả là một đề xuất không thể tin nổi. Và ông đã chấp nhận một sự rủi ro vô cùng lớn lao." Mandela phải mở một chiến dịch để thuyết phục ANC rằng con đường ông chọn là con đường đúng đắn. Ông đặt cược bằng tất cả uy tín của mình. Kathrada nhớ lại là ông đi đến từng đồng chí một, những người cùng bị giam trong tù, để giải thích và thuyết phục họ về con đường ông chọn. Từ từ và thận trọng, ông đã thuyết phục được họ cùng đồng hành. Ramaphosa, lúc đó là tổng thư ký của ANC và bây giờ là một đại doanh gia, nói: "Bạn phải mang được hậu cứ đi theo với bạn. Khi đã tới điểm đổ bộ, lúc đó để cho họ tiến bước. Mandela không phải là loại lãnh tụ "kẹo cao-su"-nhai xong rồi bỏ. Đối với Mandela, từ chối không đàm phán hoàn toàn là vấn đề chiến thuật, chứ không phải nguyên tắc. Trong suốt cuộc đời, hành động của ông thể hiện rõ nét sự khác biệt này. Cái nguyên tắc vững chắc của ông-lật đổ chế độ phân chủng và đạt được thể chế mỗi người, một phiếu-là một nguyên tắc không thể thay đổi được. Nhưng hầu như bất cứ điều gì giúp ông đạt được mục đích đó, ông đều xem là chiến thuật. Phải nói Mandela là một người lý tưởng thực tiễn nhất. Ramaphosa nói: "Ông ấy là một con người lịch sử. Tầm suy nghĩ của ông vượt xa chúng tôi. Ông luôn nghĩ đến hậu thế trong tư duy của mình: Thế hệ mai sau sẽ nghĩ thế nào về những việc ta đã làm?" Cuộc sống lao tù đã tạo cho ông khả năng có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Bắt buộc phải như vậy thôi, vì đi tù chung thân biết đến ngày nào được thả [mà nghĩ đến chuyện gần]. Ông không nghĩ theo ngày hay tháng, mà cả hàng thập niên về sau. Ông biết là lịch sử đồng hành với ông, và sự thành công là điều tất yếu; chỉ còn lại là vấn đề chừng nào và làm thế nào để đạt được sự thành công này. Ông thường nói, "về lâu về dài tình hình sẽ khá hơn." Ông chấp nhận đấu tranh trường kỳ. Bài học thứ ba: Lãnh đạo từ phía sau-và để cho người khác tưởng họ đang dẫn đầu Mandela rất thích hồi tưởng lại thời thơ ấu và những buổi chiều chăn trâu nhàn hạ. Ông nói: "Bạn biết không, chăn trâu bạn phải chăn từ phía sau đàn." Nói xong ông nhướng mắt nhìn xem tôi có hiểu được sự so sánh ấy không. Khi còn là một đứa trẻ, Mandela chịu ảnh hưởng sâu đậm của Jonginbata, vị vua của bộ tộc Xhosa và là người đã nuôi dưỡng ông khôn lớn. Khi Jonginbata thiết triều, quần thần tụ tập thành vòng tròn xung quanh, và chỉ sau khi mọi người đã phát biểu, nhà vua mới bắt đầu lên tiếng. Mandela nói, công việc của nhà lãnh đạo không phải là bảo người ta làm gì mà là để tạo được sự đồng thuận. Ông vẫn thường hay nói: "Đừng có tham gia vào cuộc tranh luận quá sớm." Trong suốt thời gian tôi làm việc với Mandela, ông thường triệu tập những phiên họp những cộng sự viên thân cận tại nhà riêng ở Houghton, một khu ngoại ô lịch sự của Johannesburg. "Nội các trong bếp" của Mandela gồm khoảng một chục người, gồm có Ramaphosa, Thabo Mbeki (bây giờ là Tổng thống Nam Phi sau cuộc bầu cử 1999) và những người khác, ngồi chung quanh chiếc bàn ăn hay đôi khi ngồi thành vòng tròn ngoài sân đậu xe. Vài người lớn tiếng đòi hỏi phải làm nhanh, quyết liệt hơn, và Mandela chỉ ngồi yên lắng nghe. Sau khi mọi người phát biểu và ông lên tiếng, ông nói chậm rãi và đúc kết ý kiến của từng người một cách có phương pháp và rồi thì mới cho biết ý kiến riêng của mình, một cách khéo léo đưa đến quyết định theo ý ông muốn mà không cần phải áp đặt. Cái khéo của thuật lãnh đạo là phải để cho chính mình cũng được lèo lái. Mandela nói: "Điều khôn ngoan là làm sao thuyết phục người khác làm điều mình muốn và khiến cho họ nghĩ rằng đó chính là ý kiến của họ." Bài học thứ tư: Hiểu rõ kẻ thù-Và tìm hiểu xem họ thích môn thể thao nào nhất Từ những năm trong thập niên 1960, Mandela bắt đầu học tiếng Afrikaans,[5] ngôn ngữ của người Phi châu da trắng (Afrikaner), những người đã tạo ra chế độ phân chủng. Đồng chí của Mandela trong ANC vẫn thường chế diễu ông về điều này; nhưng ông muốn tìm hiểu quan niệm và triết lý sống của người Phi da trắng là gì. Vì ông biết rằng sẽ có một ngày ông phải hoặc là đấu tranh hoặc là đàm phán với họ, và ở trường hợp nào đi nữa, định mệnh của cả hai dính liền với nhau. Việc học tiếng Afrikaans đối với Mandela mang tính chất chiến lược ở hai điểm: khi nói được tiếng của đối phương, ông có thể hiểu được ưu điểm và nhược điểm của họ để hoạch định những chiến thuật đúng đắn. Nhưng đồng thời ông cũng thu phục được cảm tình của đối phương. Mọi người, từ những anh lính gác tù cho tới tổng thống P.W. Botha, đều nể phục Mandela về sự tự nguyện học tiếng Afrikaans và lịch sử của người da trắng Afrikaner. Mandela còn học hỏi thêm về môn bóng rugby,[6] môn thể thao được người Afrikaner yêu chuộng, hầu có thể bàn và so sánh các đội banh và cầu thủ với những người khác. Mandela hiểu rằng người da đen và da trắng Phi châu có chung một điều căn bản: Người da trắng Afrikaner tin rằng họ là người Phi châu cũng giống như người da đen Phi châu tin họ là người Phi châu. Ông cũng biết rằng chính những người da trắng Afrikaner cũng là nạn nhân của thành kiến: Chính quyền nước Anh và những người di dân Anh quốc vẫn coi khinh những người da trắng Afrikaner. Họ cũng bị mặc cảm tự ti văn hóa tương tự như những người da đen. Mandela là một luật sư và ở trong tù ông giúp ý kiến cho những người cai tù về những vấn đề luật pháp. Họ là những người kém học và bình dân hơn ông nhiều; cho nên, đối với họ sự việc một người da đen sẵn lòng và có khả năng giúp đỡ họ là một điều phi thường. Allister Sparke, sử gia hàng đầu của Nam Phi nói: "Những người cai tù này là điển hình cho đặc tính thô bạo và tàn ác nhất của chế độ phân chủng, nhưng ngay cả với những phần tử tồi tệ và thô lỗ nhất ông cũng có thể đàm phán được." Bài học thứ năm: Giữ bạn ở gần-và giữ kẻ thù gần hơn Có nhiều người khách được Mandela mời tới nhà riêng ở Qunu, nơi ông lớn lên. Trong số những người này có những người Mandela thổ lộ với tôi là không thể hoàn toàn tin được. Nhưng ông vẫn mời họ ăn cơm, gọi điện thoại hỏi ý kiến, ca tụng và tặng quà cho họ. Mandela là người có sức hấp dẫn mạnh mẽ và ăn nói duyên dáng, và nhờ đó đã tạo được nhiều ảnh hưởng tới đối phương hơn là với đồng minh. Lúc bị giam trên Đảo Robben, trong vòng những người thân cận của Mandela luôn luôn có những người mà ông hoặc là không thích hoặc là không hoàn toàn tin tưởng. Một người rất gần gũi với ông là Chris Hani, tham mưu trưởng của ANC, một người rất nóng nảy. Có nhiều người cho rằng Hani đang âm mưu hạ bệ Mandela, nhưng ông vẫn rất thân mật với Hani. Ramaphosa nói: "Chẳng phải chỉ có Hani mà thôi. Có những tay kỹ nghệ gia giàu sụ, những gia đình làm chủ hầm mỏ, và phe đối lập nữa. Ông ấy vẫn nhắc điện thoại gọi chúc mừng ngày sinh nhật của họ. Ông đi thăm viếng họ trong những dịp quan hôn tang tế. Ông ấy cho đó là những cơ hội." Khi Mandela ra khỏi tù, tiếng tăm ông càng nổi bật hơn nữa khi bao gồm cả những người đã giam ông trong vòng những người bạn và mời cả những người lãnh đạo đã giam giữ ông vào Nội Các đầu tiên. Trong số những người nay có những người ông xem rất thường. Tuy thế, cũng có lúc Mandela phủi tay trước một số người--và cũng có lúc, như những người có sức hấp dẫn mạnh mẽ, ông để cho nguời khác thuyết phục. Như lúc đầu Mandela đã tạo được mối quan hệ thân thiết với tổng thống De Klerk, và đó cũng là lý do ông cảm thấy bị phản bội khi De Klerk trở mặt đả kích ông trước công luận. Mandela tin rằng ôm lấy đối phương là một cách để chế ngự họ: để họ ở ngoài vòng ảnh hưởng của mình còn nguy hiểm hơn nhiều. Mandela quý trọng sự trung thành, nhưng chưa bao giờ để cho sự trung thành trở thành một chướng ngại trong việc dùng người. Ông vẫn thường nói, "người ta hành động là vì quyền lợi riêng của họ." Đó chỉ là một thực tế của bản chất con người, chứ không phải là một khuyết điểm. Mặt tiêu cực của sự lạc quan--Mandela là một người lạc quan--là quá tin người. Nhưng ông nhận thức được cách thức hữu hiệu nhất đối với những người ông không tin là trung lập hóa họ bằng sức hấp dẫn của mình. Bài học thứ sáu: Bề ngoài rất quan trọng, và luôn ghi nhớ phải tươi cười Khi còn là một sinh viên luật nghèo tại Johannesburg, Mandela chỉ có một bộ đồ vest đã cũ sờn. Ông được đưa đến gặp Walter Sisulu, một người môi giới địa ốc và cũng là một lãnh tụ trẻ của ANC. Mandela thấy đó là một người da đen lịch lãm và thành công, một mẫu người ông muốn noi theo. Còn Sisulu khi thấy ông thì thấy tương lai của Nam Phi. Sisulu nói với tôi rằng trong cuộc vận động lớn lao trong thập niên 1950 để biến ANC thành một phong trào quần chúng, thì vào một ngày, ông vừa cười vừa kể, "một lãnh tụ quần chúng bước vào văn phòng của tôi." Mandela là người đẹp trai, cao lớn, một võ sĩ quyền anh tài tử, đi đứng với một phong thái vương giả như một vị hoàng tử. Và anh ta có một nụ cười rực rỡ như ánh mặt trời ra khỏi đám mây. Đôi khi chúng ta quên là có một mối quan hệ lịch sử giữa người lãnh tụ và nhân dáng của họ. Khi bước vào bất cứ căn phòng nào,tổng thống George Washington là người cao nhất và có lẽ là người to khỏe nhất. Vóc dáng và sức mạnh có lẽ tùy thuộc nhiều vào DNA hơn là với những cẩm nang rèn luyện lãnh tụ, nhưng Mandela hiểu được cách vận dụng phong thái của mình để đạt mục đích đấu tranh. Là lãnh tụ của bộ phận vũ trang hoạt động mật của ANC, khi nào cần chụp hình ông cũng đòi phải có quân phục chỉnh tề và để một hàm râu quai nón. Trong suốt sự nghiệp chính trị ông luôn quan tâm đến cách phục sức phù hợp với cương vị của mình. George Bizos, luật sư riêng của Mandela, nhớ lại là lần đầu tiên gặp ông tại một tiệm may của người Ấn Độ trong thập niên 1950, và Mandela là người Nam Phi da đen đầu tiên đi may một bộ vest. Ngày nay, "quân phục" của Mandela là những chiếc áo sơ-mi hoa hòe rực rỡ như để bảo với mọi người ông là một vị cha già vui vẻ của nước Nam Phi hiện đại. Khi Mandela tranh cử chức tổng thống năm 1994, ông hiểu là biểu tượng cũng quan trọng như thực chất. Mandela không phải là một nhà hùng biện tài ba, người ta vẫn thường chẳng để ý gì đến điều ông nói sau vài phút đầu tiên. Nhưng biểu tượng là điều mà người ta hiểu. Khi ra trước diễn đàn, Mandela luôn luôn biểu diễn toyi-toyi, một điệu múa dân gian đã được dùng làm biểu tượng của cuộc đấu tranh. Nhưng điều quan trọng hơn là nụ cười rực rỡ, nhân bản và bao dung của Mandela. Đối với những người Phi da trắng, nụ cười là biểu tượng của sự hỷ xả và sự cảm thông với họ. Đối với cử tri da đen, nụ cười này là biểu tượng của một "chiến sĩ hạnh phúc và vui vẻ" và chúng ta sẽ chiến thắng. Bích chương vận động bầu cử được ANC treo khắp mọi nơi chỉ đơn giản có in hình gương mặt và nụ cười của Mandela. Ramaphosa nói, "Nụ cười, chính là thông điệp của Mandela," Sau khi ra khỏi tù, người ta nhắc đi nhắc lại mãi là thật là kỳ diệu khi không thấy Mandela biểu lộ sự cay đắng [về những khổ nhục ông phải chịu đựng]. Thực ra có cả ngàn điều để ông cay đắng, nhưng ông biết hơn ai hết là phải biểu lộ cảm xúc trái ngược với cay đắng. Ông vẫn thường nói: "Hãy quên quá khứ đi"-- nhưng tôi biết ông bao giờ quên được. Bài học thứ bảy: Không có gì hoàn toàn là trắng hay đen Khi chúng tôi bắt đầu những cuộc phỏng vấn, tôi vẫn thường hỏi ông những câu đại loại như thế này: Khi quyết định ngưng cuộc đấu tranh vũ trang, lúc đó ông nghĩ là không có đủ sức để lật đổ chế độ hay là vì ông biết là có thể chinh phục được dư luận quốc tế bằng con đường bất bạo động? Lúc đó ông liếc nhìn tôi với một cái nhìn lạ lùng vì câu hỏi ngớ ngẩn ấy và nói: "Tại sao lại không thể làm cả hai?" Tôi đã hỏi những câu hỏi thông minh hơn, nhưng điều ông muốn nói đã rất rõ ràng: Cuộc đời không bao giờ đóng khung trong cái "hoặc là" thế này hay thế nọ. Những quyết định rất phức tạp, và luôn luôn có những yếu tố cần phải cân nhắc. Đầu óc con người vẫn có khuynh hướng tìm một sự giải thích đơn giản, nhưng lại không bao giờ phù hợp với thực tế cả. Những điều trông thẳng như mực tàu thực ra chưa hẳn như vậy. Sự mâu thuẫn không làm Mandela khó chịu. Trong cương vị một chính trị gia, ông là người thực tiễn nhận thức được là thế giới có vô vàn sắc thái rất tế nhị. Tôi tin rằng Mandela có được sự nhận thức này vì là một người da đen phải sống dưới chế độ phân chủng, một chế độ mà hàng ngày người da đen phải đau khổ trước những lựa chọn làm suy nhược tinh thần: Tôi có nên làm theo ý muốn của chủ da trắng để có được việc tôi muốn làm và tránh bị đánh đập không? Tôi có phải mang theo giấy phép đi đường không? Trong cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia, Mandela có một sự trung thành khác thường với Muammar Gaddafi và Fidel Castro. Họ đã trợ giúp ANC khi Hoa Kỳ còn cho Mandela là thành phần khủng bố. Khi tôi hỏi ông về Gaddafi và Castro, ông nói rằng người Mỹ có thói quen nhìn vấn đề hoặc trắng hoặc đen, và trách tôi là không nhận thức được những điều tế nhị của vấn đề. Mỗi vấn đề đều có nhiều nguyên do. Dù thái độ chống chế độ phân chủng của ông thật rõ ràng và không thể bàn cãi được, nhưng những nguyên nhân của sự phân chủng thì lại phức tạp, xuất xứ từ nguồn gốc lịch sử, xã hội và cả tâm lý nữa. Sự tính toán của Mandela luôn luôn rõ ràng: Mục đích của ta là gì và phương cách nào thực tiễn nhất để đạt được mục đích đó? Bài học thứ tám: Chấp nhận Bỏ cuộc cũng là lãnh đạo Năm 1993, Mandela hỏi tôi là có biết có nước nào trên thế giới mà tuổi tối thiểu để đi bầu dưới 18 không. Tôi tìm hiểu và trình cho ông một danh sách những nước mà tiếng tăm không được hay ho cho lắm. Những nước này gồm có: Nam Dương, Cuba, Nicaragua, Bắc Hàn, và Iran. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng và khen "tốt lắm, tốt lắm." Hai tuần sau Mandela lên đài truyền hình Nam Phi và đề nghị hạ thấp tuổi đi bầu xuống còn 14. Ramaphosa nhớ lại: "Ổng cố vận động chúng tôi ủng hộ ý kiến đó, nhưng rút cuộc chỉ có mình ổng thôi. Và Mandela chấp nhận thực tế là ý kiến này không được chấp nhận, và chấp nhận sự thất bại một cách khiêm tốn chứ không tỏ vẻ giận dỗi gì hết. Đó cũng là một bài học về lãnh đạo." Biết cách từ bỏ một ý tưởng, một công tác hay mối quan hệ đã bị hỏng thường là loại quyết định khó nhất mà người lãnh đạo phải chọn. Về nhiều phương diện, di sản lớn nhất mà Mandela để lại trong cương vị Tổng thống Nam Phi là cách ông đã chọn khi mãn nhiệm kỳ. Khi đắc cử vào năm 1994, Mandela có thể làm tổng thống suốt đời--nhiều người còn cho rằng đó là điều tối thiểu nước Nam Phi có thể làm để đền bù cho những năm ông chịu tù đày. Trong lịch sử cả Phi châu, chỉ có một số nhỏ đếm trên đầu ngón tay những nhà lãnh đạo được dân bầu là chịu đi xuống khi hết nhiệm kỳ. Mandela cương quyết là sẽ tạo ra tiền lệ cho những người đi sau-không phải chỉ ở Nam Phi mà còn ở khắp Châu Phi. Ông là nhân vật phản diện của Mugabe,[7] ông là người đã khai sinh ra đất nước nhưng từ chối nắm giữ đất nước làm con tin của mình. Ramaphosa nói: "Nhiệm vụ của ông là vạch ra con đường, chứ không phải là người lèo lái con tàu." Ông cũng biết rằng người lãnh tụ qua những việc mà họ quyết định không làm cũng thể hiện sự lãnh đạo giống như qua những việc họ quyết định làm. Nói tóm lại, bí quyết để hiểu được Mandela nằm ở 27 năm ông chịu tù đày. Người thanh niên bước chân lên Đảo Robben năm 1964 là một người đầy tình cảm, bướng bỉnh, và dễ dàng nổi nóng. Người đàn ông bước ra khỏi nhà tù là một người trầm tĩnh và tự chế. Mandela không bao giờ và chưa bao giờ là người tự quan sát nội tâm của mình. Tôi thường hỏi ông là người đàn ông bước chân ra khỏi tù khác với người thanh niên bướng bỉnh khi bước chân vào tù như thế nào. Mandela ghét câu hỏi này lắm. Mãi cho đến một ngày kia ông mới nói: "Khi bước ra, tôi đã trưởng thành." Không có điều gì hiếm hoi và quý báu cho bằng một người đàn ông trưởng thành. Chúc Mừng Sinh Nhật, Madiba. © Học Viện Công Dân 2012. Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1821467,00.html [1] Xhosa là một bộ lạc của tổ tiên của Nelson Mandela, bộ lạc này sinh sống tại vùng phía đông-nam của nước Nam Phi. [2] Cuộc bầu cử một tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ với ứng cử viên Barak Obama. [3] Rivonia thuộc ngoại ô của Johannesberg (thủ đô của Nam Phi), nơi diễn ra vụ xử án 10 nhà lãnh đạo Hội nghị Toàn quốc Phi Châu, năm 1963-1964. Nelson Mandela là một trong 10 người này và bị kết án tù chung thân, thay vì bản án tử hình vì bị thế giới lên án và can thiệp. [4] Đảo Robben nằm ở phía tây của Cape Town, cách bờ khoảng 7 km. Nhà tù này cũng nổi tiếng như Côn Đảo của VN hay Alcatraz của Mỹ. [5] Afrikaans, tạm dịch là tiếng Nam Phi, là một ngôn ngữ thuộc miền tây nước Đức và là ngôn ngữ chính của hai nước Nam Phi và Namibia. 95% ngữ vựng là tiếng Đức-Hà Lan vì ngôn ngữ này được hình thành từ thổ ngữ Hà Lan thuộc thế kỷ 17. Số ngữ vựng còn lại thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau như Mã Lai, Bồ-đào-nha, Bantu và Khoisan. [6] Rugby là môn bóng hình bầu dục, một trong những môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Anh và những nước thuộc ảnh hưởng của Anh. Môn bóng này cũng tương tự như môn football của Mỹ. [7] Mugabe, năm nay 87 tuổi, là tổng thống của Zimbawe đã cầm quyền 28 năm và không chịu từ bỏ quyền lực dù bị thua trong cuộc bầu cử năm 2009.

Tôi Là Cây Bút Chì[*] Gia phả của Tôi theo Lời kể của Leonard E. Read

Leonard E. Read (1898-1983) thành lập Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education-FEE) năm 1946 và làm chủ tịch của tổ chức này cho đến khi qua đời. FEE là một trong những trung tâm nghiên cứu tự do (think tank) đầu tiên của Mỹ. "Tôi, Cây Bút Chì," tiểu luận nổi tiếng nhất của ông, được ấn hành tháng 12, 1958 trong tạp chí Người Tự Do. Dù có một vài những thay đổi trong cách thức và nơi sản xuất bút chì, những nguyên tắc trong bài này vẫn không đổi. *** Tôi là một cây bút chì--một cây bút chì bằng gỗ, tầm thường và quen thuộc với những em học sinh và người lớn biết đọc và biết viết. Viết vừa là nghề chính vừa là nghề phụ và là thú vui của tôi. Đó là những việc tôi làm. Có thể bạn đang thắc mắc là tại sao tôi lại viết về gia phả của mình. Xem nào, để bắt đầu, phải nói là câu chuyện đời tôi là một chuyện rất thú vị. Và thứ nữa, tôi là một bí ẩn--còn bí ẩn hơn cả một cái cây hay một buổi hoàng hôn, hay ngay cả một tia chớp. Nhưng, buồn thay, những người dùng tới tôi vẫn thản nhiên sử dụng và chẳng buồn tìm hiểu nguồn gốc của tôi như thế nào, cứ như thể sự hiện hữu của tôi chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên và chẳng có căn nguyên chi hết. Cái thái độ rẻ rúng ấy đẩy tôi xuống hạng những đồ vật hạng xoàng. [Nhưng] Đó là một loại sai lầm khủng khiếp mà nhân loại không thể tồn tại lâu dài được mà không gặp nguy hiểm. Lý do là vì, như nhà thông thái G. K. Chesterton đã nói: "Chúng ta bị héo tàn đi vì thiếu sự tò mò, chứ không phải vì thiếu những điều kỳ diệu." Tôi, Cây Bút Chì, dù có bề ngoài đơn giản, đáng để cho các bạn phải kinh ngạc, vâng, đó là điều mà tôi sẽ cố thuyết phục các bạn. Thực ra, nếu bạn có thể hiểu tôi--không, đối với nhiều người, đây quả là một đòi hỏi quá đáng--hay nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản thân tôi, thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất dần đi. [Cuộc đời tôi] là một bài học thâm thúy. Và bản thân tôi có thể dạy bài học này hay hơn một chiếc xe hơi hay một cái máy bay, hay một cái máy rửa chén, bởi vì, thực ra, tôi có một bề ngoài đơn giản. Đơn giản? Đúng thế! Nhưng tôi dám cá là không có một cá nhân nào trên trái đất này biết cách chế tạo ra tôi. Nói nghe có vẻ lập dị, phải không các bạn? Nhất là khi ta thấy có vào khoảng một tỷ rưỡi cây bút chì được chế tạo hàng năm tại nước Mỹ. Xin bạn hãy cầm tôi lên và ngắm nghía xem. Bạn thấy gì nào? Chẳng có gì hấp dẫn đôi mắt cả--một chút gỗ, chút sơn, cái nhãn hiệu, than chì, chút kim loại, và một cục tẩy. Vô số tiền nhân Nếu như bạn không thể truy nguyên gia phả của bạn từ nhiều đời trước, thì đó cũng là điều bất khả cho tôi để kể tên và giải thích tất cả những tiền nhân của mình. Nhưng tôi cũng cố kể ra một số đủ để lấy le với bạn về cuộc đời phong phú và phức tạp của tôi. Cây gia phả của tôi bắt đầu, thực ra, là một cái cây, chính là một cây tuyết tùng có thớ gỗ thẳng, mọc tại miền bắc của tiểu bang California và tiểu bang Oregon. Bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng ra tất cả những nào cưa, nào xe vận tải, dây chão và vô số những dụng cụ khác nhau để đốn những cây tuyết tùng xuống và kéo ra lề đường. Hãy thử nghĩ đến tất cả những người thợ và vô vàn những kỹ thuật cần thiết tạo nên nghề thợ rừng: đào mỏ lấy quặng sắt, luyện thép và chế biến thành lưỡi cưa, lưỡi búa, động cơ; việc trồng những cây gai dầu và quá trình chế biến thành những sợi dây chão to lớn và chắc chắn; rồi những trại cưa có phòng ngủ và phòng ăn và bếp núc cho nhân viên. Có cả hàng ngàn người không ai biết đến đã góp phần vào tạo nên một ly cà phê buổi sáng cho những người thợ rừng. Những thân gỗ sau khi đốn xong được chuyên chở bằng xe lửa tới một nhà máy cưa ở San Leandro, bang California. Bạn có thể tưởng tượng ra những người chế tạo ra những toa xe lửa, đường rầy và những kỹ sư hỏa xa đã chế tạo và xây dựng ra những hệ thống thông tin phụ thêm vào đó? Những điều này thuộc về vô số tiền nhân của tôi. Bây giờ hãy xem đến nhà máy xẻ gỗ ở San Leandro. Những thân gỗ tuyết tùng được xẻ thành những lát gỗ mỏng và cưa thành những thanh gỗ có chiều dài bằng cây bút chì, dầy khoảng 0.6 phân. Rồi lại còn có những lò nướng và nhuộm màu cho những thanh gỗ này như kiểu phụ nữ thoa phấn lên mặt. Người ta muốn tôi có màu sắc đẹp đẽ chứ không phải màu trắng nhợt nhạt của gỗ. Xong rồi những thanh gỗ này được thoa sáp và nướng khô thêm một lần nữa. Bao nhiêu kỹ thuật đã đổ vào việc chế tạo nên lò nướng và máy nhuộm, vào việc tạo ra sức nóng, điện lực và ánh sáng, động cơ, dây cu-roa, và những vật dụng cần thiết khác trong một nhà máy cưa? Phải kể luôn những người thợ quét dọn nhà máy nữa chứ? Vâng, và phải kể luôn những người đã đổ bê-tông làm nên cái đập thủy điện cho Công ty Điện lực và Khí đốt thiên nhiên Thái Bình Dương, tức là công ty cung cấp điện cho nhà máy cưa này. Cũng đừng nên quên những bậc tổ tiên hiện tại và quá khứ của tôi đã góp phần vào việc chuyển vận sáu mươi toa xe chở những thanh gỗ đi khắp nước. Rồi vào đến xưởng làm bút chì--gồm có bốn triệu đô-la tiền máy móc và nhà cửa, tất cả vốn liếng tích lũy từ bao nhiêu tổ tiên của tôi ky cóp để dành--mỗi thanh gỗ được xẻ 8 cái rãnh bằng một cái máy rất phức tạp, sau đó một cái máy khác đặt chì vào những thanh gỗ khác, rồi được trét keo và đặt chồng lên nhau như những miếng bánh sandwich kẹp chì vậy. Tôi và 7 anh em khác được "đẻ" ra từ cái bánh mì kẹp chì này. Cái "ruột" chì của tôi, gọi như vậy chứ thật ra chẳng có chút chì nào cả, cũng rất phức tạp. Bột than (chì) được lấy lên từ mỏ ở Ceylon. Hãy nghĩ đến những người thợ mỏ và những người thợ làm bao nhiêu những vật dụng khác và những người thợ làm bao giấy đựng bột than chì để chuyên chở, rồi những người thợ làm dây để buộc những bao này lại, rồi những công nhân bốc vác những kiện hàng này lên tàu thủy, rồi những người thợ đóng tàu thủy nữa. Ngay cả những người giữ hải đăng và những người tài công lái tàu ra vào hải cảng cũng góp phần vào việc sinh sản ra tôi. Bột than chì được trộn với đất sét lấy từ Mississippi có chứa dung dịch ammoniac và được dùng trong quá trình tinh luyện. Rồi thì những hóa chất lỏng khác được thêm vào như chất mỡ sulfate--một loại mỡ động vật có phản ứng hóa học với axit sulfuric. Sau khi chảy qua vô số máy móc, hợp chất này cuối cùng được bơm ra thành những sợi dài, giống như từng thỏi xúc-xích, được cắt đúng cỡ và nướng thêm vài giờ với nhiệt độ 1010 độ C. Nhằm gia tăng độ cứng và trơn láng của những thỏi "chì," chúng được nhúng vào một hợp chất nóng gồm có chất sáp làm nến lấy từ Mexico, sáp paraffin, và mỡ động vật được hy-drô hóa. Cái vỏ gỗ tuyết tùng của tôi được sơn sáu lớp sơn láng. Bạn có biết loại sơn láng (làm sơn mài) có bao nhiêu chất không? Ai có thể nghĩ rằng những người nông dân trồng cây thầu dầu và những người thợ ép thầu dầu cũng dự phần trong tiến trình này? Nhưng mà thật như vậy đó. Ngay cả tiến trình pha sơn thành màu vàng đẹp đẽ cũng cần tay nghề của vô số bao nhiêu người. Hãy xem đến cái nhãn hiệu. Đó là một lớp màng mỏng tạo nên bởi than đen trộn với nhựa cây và được hơ nóng. Bạn có biết người ta lấy nhựa cây như thế nào không? Tôi có một chút xíu kim loại--cái vòng bịt đuôi cây bút chì--làm bằng thau. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những người thợ mỏ kẽm và đồng và những người có tay nghề tạo nên những tấm thau sáng loáng từ những sản phẩm đó của thiên nhiên. Còn cái vòng màu đen trên cái vòng bằng thau đó làm bằng chất kền màu đen. Kền màu đen là cái gì và dùng nó như thế nào đây? Để biết được tại sao ở giữa cái vòng bịt bằng thau đó lại không có vòng kền màu đen cũng phải mất thêm cả bao nhiêu trang nữa để giải thích. Rồi đến cái vương miện của tôi, vẫn thường được gọi nôm na là "cái mấu," tức là chỗ giữ cục tẩy để người ta xóa đi những chỗ viết sai. Cái chất gọi là "factice" chính là cái chất "tẩy" đi những chỗ viết sai. Cái chất này cũng giông giống như chất cao-su, nhưng thực ra là hợp chất của dầu hạt cải Canola trộn với chất sulfur chloric. Chất cao-su, trái với những gì ta nghĩ, không "tẩy" được và chỉ dùng để dính hợp chất này lại mà thôi. Rồi còn vô số những hóa chất và chất xúc tác khác. Còn thêm chất đá bọt đến từ Ý đại lợi và chất phẩm màu để nhuộm cái mấu là từ hợp chất cadmium sulfide. Không một ai biết Còn có ai muốn thử với điều tôi khẳng định ban đầu là không có một người duy nhất nào trên trái đất biết cách làm ra tôi không? Thực ra, hàng triệu người đã góp tay vào việc cấu tạo nên tôi, nhưng mà không có ai biết được những người khác. Bạn cũng có thể nói rằng tôi đã nói phóng đại khi liên kết một người hái trái cà phê ở xứ Ba-tây xa lắc và những người trồng thực phẩm ở chỗ nào đó với sự cấu tạo ra tôi. Nhưng tôi vẫn giữ lập trường. Đó là, không có một người duy nhất nào trong số những triệu người này, kể cả ông chủ xếp sòng của công ty sản xuất bút chì, là người đã đóng góp hơn một phần nho nhỏ cách thức tạo ra tôi. Sự khác nhau giữa người thợ mỏ ở Ceylon và người thợ rừng ở Oregon là sự khác nhau về cách thức. Cả hai người thợ này không thể thiếu được, cũng như nhà hóa học trong xưởng hay người công nhân tại giếng dầu hỏa (sáp paraffin làm từ dầu hỏa) cũng không thể thiếu được. Đây cũng là một sự kiện đáng ngạc nhiên nữa. Đó là, tất cả những người dính dáng đến tiền thân của tôi, từ người công nhân làm việc ở giếng dầu hỏa, đến nhà hóa học, hay người thợ mỏ đào than chì và đất sét, hay bất cứ ai chế ra tàu thủy, xe lửa, hay xe vận tải, hay những người thợ chạy cái máy làm "vương miện" cho tôi, hay ông chủ tịch hãng làm bút chì...làm những công việc của họ...đều không cần đến tôi. Mỗi người trong số những người này không cần tôi bằng một em bé đang học lớp một. Thực ra, có một số người trong hằng hà sa số những người này chưa bao giờ thấy một cây bút chì chứ đừng nói gì đến sử dụng nó. Động lực để họ làm việc là điều gì khác chứ không phải tôi. Có lẽ phải nói như thế này: Mỗi người trong số hàng triệu người này thấy rằng họ có thể trao đổi một tí ti kiến thức về cách thức chế tạo đồ dùng và dịch vụ của họ với những nhu cầu khác mà họ cần. Tôi có thể không nằm trong danh sách những nhu cầu của họ. Không có Nhà Tổng Đạo Diễn Có một sự kiện còn đáng ngạc nhiên hơn: sự vắng bóng của một nhà tổng đạo diễn, một người chỉ đạo và ra mệnh lệnh điều khiển vô vàn những hoạt động kể trên để tạo ra tôi. Ta không tìm được dấu tích của một người như vậy. Thay vào đó, ta thấy có một Bàn Tay Vô Hình đang điều động mọi sự. Đó cũng chính là sự bí ẩn tôi nói tới lúc ban đầu. Người ta thường nói là "Chỉ có Thượng đế mới có thể tạo ra một cái cây." Tại sao ta đồng ý với câu nói này? Chẳng phải vì ta nhận thức được là con người không thể tạo ra được một cái cây hay sao? Thực ra, liệu ta có thể mô tả được một cái cây hay không đã? Ta không thể làm được điều này ngoài một số những miêu tả hời hợt. Ta có thể nói, thí dụ như thế này, là một cấu trúc phân tử nào đó đã thể hiện thành một cái cây. Nhưng có một bộ óc con người nào đã có thể ghi chép lại, chứ đừng nói đến việc chỉ đạo, những thay đổi liên tục trong những phân tử đã diễn ra trong đời sống của một thân cây không? Đó là một kỳ tích không thể nào tưởng tượng nổi! Tôi, Cây Bút chì, là một sự kết hợp phức tạp của nhiều điều kỳ diệu: một cái cây, kẽm, đồng, bột than, vân vân. Nhưng thêm vào trong những điều kỳ diệu đã thể hiện trong thiên nhiên còn có một điều kỳ diệu hơn nữa: sự phối hợp những năng lực sáng tạo của con người--hàng triệu những kiến thức nhỏ bé được phối hợp một cách tự nhiên và tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu và ước muốn của con người mà không có một bàn tay đạo diễn nào của con người cả! Vì chỉ có Thượng Đế mới tạo ra được một cái cây, tôi khẳng quyết là chỉ có Ngài mới tạo ra tôi. Con người chẳng có thể làm gì hơn là sắp xếp hàng triệu những phương thức sản xuất lại cũng như Ngài đã phối hợp những phân tử lại để tạo ra một cái cây. Đó chính là những điều tôi muốn nói khi viết rằng: "nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản thân tôi, thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất dần đi." Vì, nếu ta ý thức được rằng những phương thức sản xuất này sẽ, một cách tự nhiên và tự động, sắp xếp lại thành những công thức sản xuất đầy sáng tạo để đáp ứng những nhu cầu của con người--nghĩa là không có sự hiện diện của chính quyền hay một sự chỉ đạo mang tính cưỡng bách nào--thì con người sẽ thủ đắc được phần tử tuyệt đối cần thiết cho tự do: Niềm tin vào những con người tự do. Tự do sẽ không thể nào hiện hữu được nếu thiếu niềm tin này. Một khi mà nhà nước có được độc quyền về một hoạt động sáng tạo, thí dụ như phân phát thư tín, thì hầu hết người ta sẽ nghĩ rằng thư tín sẽ không thể nào được phân phối một cách hữu hiệu bởi những người hoạt động một cách tự do. Và đây là lý do: Mỗi người trong chúng ta nhìn nhận rằng mình không biết mọi cách thức liên quan đến việc phát thư, đồng thời cũng nhận thức rằng không một cá nhân nào có thể biết hết được. Đó là những nhận thức đúng đắn. Không một cá nhân nào có thể biết được hết mọi cách thức phân phối thư tín cho toàn quốc, cũng như không có ai biết hết mọi cách thức làm ra cây bút chì. Và, khi mà ta không có niềm tin vào con người tự do--niềm tin rằng hàng triệu những phương thức sản xuất nho nhỏ sẽ tự động và tự nhiên phối hợp lại để tạo ra sản phẩm--thì người ta không thể nào mà không kết luận, một cách sai lầm, rằng thư tín chỉ có thể được phân phối bởi và qua sự "đạo diễn" của nhà nước. Những bằng chứng hùng hồn Nếu Tôi, Cây Bút Chì, chỉ là một đồ vật được dùng làm bằng chứng cho sự sáng tạo của con người khi họ được tự do để thử nghiệm, thì lập luận của những người thiếu niềm tin sẽ tương đối đứng vững. Nhưng, có vô số bằng chứng như vậy trên mọi lãnh vực. Việc phân phối thư từ coi vậy chứ thực đơn giản khi ta so sánh với, thí dụ, việc ráp một chiếc xe hơi hay một cái máy tính hay một cái máy xay lúa hay một cái máy tiện hay hàng chục ngàn những điều khác nữa. Phân phối ư? Trên lãnh vực này khi người ta được tự do thử nghiệm, đã gởi giọng nói của con người vòng quanh trái đất trong vòng không tới một giây đồng hồ; họ đã chuyển đi hình ảnh và tiếng nói trực tiếp tới nhà khi sự việc đang xảy ra; họ đã chuyển 150 hành khách từ Seattle tới Baltimore[1] dưới 4 tiếng đồng hồ; họ đã chuyển xăng dầu từ Texas tới New York bằng một giá rẻ không ngờ và chẳng cần trợ cấp của chính phủ; họ đã chuyển 4 ký dầu hỏa từ Vịnh Ba Tư tới bờ phía đông nước Mỹ với một giá rẻ hơn là bưu phí gửi một lá thư qua bên kia đường. Bài học mà tôi muốn truyền đạt như thế này: Hãy để cho tất cả những năng lực sáng tạo được tự do. Xã hội chỉ cần được tổ chức để hoạt động hài hòa với bài học này. Hãy để bộ máy pháp luật của xã hội dẹp bỏ hết những chướng ngại cho sự tự do càng nhiều càng tốt. Hãy để cho những phương thức sản xuất đầy sáng tạo được tự do tuôn chảy. Hãy có niềm tin là những con người tự do sẽ tương tác hài hòa với Bàn Tay Vô Hình. Niềm tin này sẽ được xác lập. Tôi, Cây Bút Chì, dù bản thân tôi rất ư là đơn giản đã thể hiện được sự kỳ diệu của sự sáng tạo ra tôi; đó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy đây là một niềm tin thực tiễn và thực tế, cũng có thực như trời nắng, trời mưa, cây tuyết tùng, và trái đất của chúng ta. © Học Viện Công Dân 2010 Nguồn: http://www.econlib.org/library/Essays/rdPncl1.html [1] Seattle là thành phố thuộc bang Washington thuộc miền tây nước Mỹ, Baltimore là thành phố thuộc bang Maryland thuộc miền đông nước Mỹ. [*] Tên chính thức của tôi là Mongol 482. Những bộ phận tạo nên tôi được lắp ráp, chế tạo, và hoàn tất tại xưởng của Công ty Bút chì Eberhard Faber (công ty sản xuất bút chì nổi tiếng trên thế giới; được thành lập tại Đức năm 1922, được công ty Faber-Castell (Mỹ) mua lại năm 1994, và sau trở thành một bộ phận của công ty PaperMate của Mỹ).

Thị Trường của Tự Do Amartya Sen

Liên Hiệp Quốc đang khởi xướng cuộc vận động để giảm thiểu sự nghèo khó bằng cách chỉnh đốn lại nền kinh tế toàn cầu. Giáo sư Amartya Sen, người đoạt giải Nobel Kinh Tế năm 1998, lập luận rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều trên nền tảng dân chủ cũng như trên nền tảng tự do mậu dịch. Trong bài tiểu luận nhan đề Sự Tiến Bộ của Học Vấn viết từ gần 400 năm trước, Francis Bacon đã lập luận rằng "sự biểu lộ và bày tỏ nghi vấn có công dụng song phương." Ngoài công dụng hiển nhiên là giúp ta tránh được những "sai sót," công dụng khác là giúp mở rộng tầm khảo sát. Bacon cho rằng, những vấn đề, "lẽ ra đã có thể bị bỏ sót nếu không có những nghi vấn," đã được "quan sát tận tường cẩn thận," chính là do những nghi vấn được trình bày ra. Cái công dụng thứ hai đó rất quan trọng khi chúng ta ra công tìm hiểu những quan niệm hay phê bình về toàn cầu hóa đang được phổ biến dưới nhiều hình thức. Tôi thiết nghĩ, sự quan trọng của những điều này không phải nằm trong những "luận đề" được trình bày đơn giản trên những khẩu hiệu hay bích chương mà nằm trong những "chủ đề" được đưa ra một cách mạnh mẽ trong các cuộc tranh cãi toàn cầu. Những cuộc biểu tình không phải chỉ xảy ra ở những diễn đàn tài chánh thương mại quốc tế (như ở Seatle, nơi Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới hội họp) mà còn trong những cuộc chống đối dù thiếu tầm cỡ tổ chức hơn nhưng không kém phần quyết liệt ở nhiều thủ đô quốc gia khác, từ Jakarta, Băng Cốc, đến Abidhjan và Mễ Tây Cơ. Những nghi vấn về mối quan hệ kinh tế toàn cầu tiếp tục được đưa ra từ nhiều ngóc ngách của thế giới đủ để minh chứng là những nghi vấn về toàn cầu hóa cũng chính là một hiện tượng toàn cầu. Sự "nghi vấn toàn cầu" này không phải chỉ là những hiện tượng chống đối phát sinh từ những địa phương đơn lẻ. Tuy nhiên, ý nghĩ của hiện tượng này không phải làm tổn hại khía cạnh kinh tế của nền mậu dịch thế giới hay sự sử dụng rộng rãi của kỹ thuật và khái niệm tài chánh hiện đại. Thật thế, tôi tin chắc chắn là như vậy. Và hơn nữa, những sự tranh luận như thế có thể đóng một vai trò rất hữu ích để mở rộng sự khảo sát của chúng ta về những quan hệ kinh tế và tài chính thế giới và buộc ta phải chú ý đến những vấn đề lẽ ra có thể bị lãng quên. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng từng vấn đề. Những người phản đối chính sách toàn cầu hóa có thể xem đây là chuyện điên rồ mới, nhưng thật ra nó không phải mới mà cũng không là chuyện điên rồ. Nó chỉ làm tăng thêm cường độ cho quá trình tương tác giữa du hành, mậu dịch, di trú và quảng bá kho tàng kiến thức, một quá trình đã định hình cho sự tiến bộ của thế giới qua bao thiên niên kỷ. Điều có thể thấy ngay là có những bằng chứng hẳn hòi là nền kinh tế toàn cầu đã mang sự thịnh vượng đến nhiều vùng khác nhau của quả địa cầu này. Những sự đóng góp về kinh tế và phát triển của một hệ thống hợp nhất toàn cầu là điều khó có thể chối bỏ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận ra sự bất bình đẳng to lớn xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới và rất thường xảy ra trong phạm vi từng quốc gia và chúng ta cần xem xét sự chênh lệch quá hiển nhiên đã khiến cho những sự "nghi vấn toàn cầu" có được góc cạnh chính trị như hiện nay. Điều chúng ta cần không phải là từ khước vai trò tốt đẹp của cơ cấu thị trường trong việc tạo ra nguồn thu nhập và sự thịnh vượng, nhưng chính là sự nhận thức quan trọng là cơ cấu thị trường phải hoạt động trong một thế giới với quá nhiều định chế. Chúng ta cần quyền hành và sự bảo vệ của những hệ thống này, thông qua hoạt động dân chủ, quyền công dân và nhân quyền, hệ thống truyền thông tự do và cởi mở, cơ sở cho nền giáo dục phổ thông và y tế, mạng lưới an toàn kinh tế và, tất nhiên, chuẩn bị cho cả quyền hạn và sự tự do cho phụ nữ, một lãnh vực bị lãng quên chỉ mới vừa giành lại được sự chú ý đáng có. Tôi đưa ra vài ví dụ nhỏ. Đầu tiên, một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu không loại bỏ sự cần thiết của một nền dân chủ và những quyền tự do công dân và chính trị. Những quyền này không những chỉ cho con người quyền tự do sinh sống theo sở thích cá nhân (mà không bị điều khiển bởi ai) mà chúng còn cho con người cơ hội lên tiếng đòi hỏi những khi quyền lợi của họ bị bỏ quên. Nạn đói không bao giờ xảy ra ở những nước dân chủ có tự do báo chí và bầu cử định kỳ (dù là những nước nghèo) chính là một bằng chứng cơ bản cho mối quan hệ đó. Điều này cũng không làm cho ta ngạc nhiên khi thấy các đòi hỏi dân chủ, quyền công dân và chính trị đã trở nên mạnh mẽ hơn ở Đông Á và Đông Nam Á khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 phát triển và lan tràn. Khả năng bảo vệ của nền dân chủ đặc biệt cần đến khi một quốc gia đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Dĩ nhiên, không có mâu thuẩn cơ bản giữa sự toàn cầu hóa kinh tế và sự bồi dưỡng nền dân chủ. Nhưng những tổ chức tư bản thế giới vẫn bày tỏ sự thiên vị rõ rệt đến những nền chuyên chế có trật tự hơn là những chuyện chính trị rắc rối liên quan đến những chính quyền dân chủ hay đến vấn đề nhân quyền. Chỉ thừa nhận suông thôi cũng không đủ--như nhiều người biện hộ cho sự tin cậy căn bản vào thị trường thường làm--là những tổ chức phi thị trường có thể là [những định chế] quan trọng; chúng ta cần làm sao cho những cơ quan tổ chức đó đủ mạnh và có thể cung cấp cho cơ cấu thị trường một cách hợp lý và thỏa đáng. Đề tài thứ hai là khả năng của dân chúng tham gia vào kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng to tát bởi những cơ cấu xã hội cho sự giáo dục, y tế, tiểu-tín dụng, cải cách đất đai và những chính sách công cộng khác. Hơn nữa, sự chia sẻ những lợi tức của nền kinh tế thị trường cũng tùy thuộc vào những tổ chức xã hội. Điều đó cũng đúng cho những nước giàu có. Hãy xem xét những nhóm dân ở tầng lớp thiếu ưu đãi trong nước Mỹ, như người dân Mỹ gốc Phi Châu. Ngay cả những người Mỹ da đen thường thì vẫn khá giả hơn người dân ở những quốc gia đang phát triển trên phương diện mức thu nhập trung bình, nhưng trên phương diện khả năng tồn tại tới tuổi trưởng thành, họ vẫn thua xa dân chúng ở những nước chậm tiến, ngay cả ở vài vùng quan trọng của Trung Hoa và Ấn Độ. Bên cạnh những cuộc xung đột của dân chúng, vấn đề thiếu hệ thống y tế toàn quốc, sự suy nhược của hệ thống giáo dục nội đô và những hạ tầng cơ sở xã hội khác cũng ảnh hưởng tới những vấn đề đó. Sự phát triển kinh tế chưa từng thấy của nước Mỹ cũng không thể giải quyết được những nan đề này. Điều thứ ba, bằng chứng hiển nhiên về sự gia tăng quyền của phụ nữ trong học đường, cơ hội nghề nghiệp đã có những ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống mọi người, kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Nó làm giảm thiểu số tử vong của trẻ em, giảm những hiểm họa sức khỏe cho người lớn từ vấn đề hài nhi sinh thiếu trọng lượng. Nó tăng cường phạm vi và hiệu quả của những cuộc thảo luận, nó ảnh hưởng đến vấn đề điều hòa tốc độ sinh sản hơn cả sự phát triển kinh tế. Chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của nó trong việc giảm thiểu tốc độ sinh sản ở Bangladesh xuống phân nửa trong vòng không đầy hai thập niên, và thật vậy, dù nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn còn tốc độ sinh sản cao, những vùng khác với mức quân bình giới tính hơn có tốc độ sinh sản thấp hơn Mỹ và Anh quốc. Những tổ chức xã hội hoạt động về quân bình giới tính quả đã tạo ra ảnh hưởng to tát thật đáng ngạc nhiên. John Kenneth Galbraith cũng đã nhấn mạnh một điều quan trọng có tương quan tới vấn đề trên. Vai trò của những tổ chức xã hội phải được đánh giá trên "sức trung hòa" tương tác giữa những tổ chức đó với nhau. Sự bất đối xứng trong khả năng ở một lãnh vực này có thể được điều chỉnh bởi sự phối trí lại các thế lực trong lãnh vực khác. Sự phân bố quyền hành trên thế giới liên quan mật thiết với số lượng đông đảo của những tổ chức trên. Điều này cũng áp dụng vào cơ quan căn bản của mậu dịch và tài chính thế giới, như Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, vân vân. Chúng ta cũng nên kiểm điểm lại việc cân bằng quyền lực trong việc quản trị những cơ quan tổ chức khác nhau đã tạo nên kiến trúc toàn cầu. Cấu trúc của những cơ quan tổ chức hiện nay phần lớn tạo dựng nên từ thập niên 40, trên căn bản những sự hiểu biết về nhu cầu kinh tế thế giới được biện giải trong Hội Nghị Bretton Woods[1] khi Thế Chiến thứ 2 vừa tàn. Đương nhiên, thế giới thời thập niên 40 thì khác hẳn với ngày nay khi phần lớn Á châu và Phi châu còn bị chủ nghĩa thực dân kiểu này hay kiểu khác và khi mà sức chịu đựng bất an và nghèo khó còn lớn hơn ngày nay nhiều (ngay cả phương Tây cũng chỉ vừa thoát ra cuộc suy thoái to lớn và một cuộc chiến tranh tàn khốc) và khi mà sự hiểu biết về triển vọng to tát toàn cầu của nền dân chủ, sự phát triển kinh tế và nhân quyền trên thế giới còn quá ít ỏi. Ngay cả trong phạm vi kiến trúc toàn cầu hiện tại, những chính sách trọng yếu được sử dụng bởi những cơ quan tổ chức chính yếu có thể có tầm ảnh hưởng lớn lao. Thí dụ như sự thay đổi mới đây của Ngân Hàng Thế Giới (dưới sự lãnh đạo của James Wolfensohn) trong vấn đề [ấn định] mức độ ưu tiên giữa các chính sách, khi sự an ninh về kinh tế và phát triển xã hội đóng vai trò to lớn hơn, đã có tầm ảnh hưởng không thể nghi ngờ. Những cơ quan tổ chức hiện hành có thể trình bày những "nghi vấn toàn cầu" một cách đầy đủ hơn và Liên Hiệp Quốc có thể đóng một vai trò lớn trong việc hướng sự chú ý của thế giới về những mối quan tâm này. Thật ra cũng không khó lắm khi gạt bỏ rất nhiều những chỉ trích về toàn cầu hóa trong thời gian gần đây, và điều đó cũng đúng thôi vì những điều đáng bị bác bỏ phải bị bác bỏ. Nhưng có điều căn bản ta cần nhận ra là dù kinh tế toàn cầu có đóng góp to lớn vào sự thịnh vượng của thế giới, ta cũng cùng lúc phải dối đầu với sự bất bình đẳng rất rõ ràng và sâu rộng giữa các nước với nhau và ngay cả trong từng nước nữa. Cuộc tranh luận thực sự về toàn cầu hóa, rốt cuộc lại, không phải về sự hữu hiệu của thị trường, cũng không phải về sự quan trọng của kỹ thuật tiên tiến. Cuộc tranh luận này, lẽ ra, phải là về sự bất bình đẳng quyền lực, một sự bất bình đẳng đang xảy ra trên thế giới một cách khốc liệt hơn so với thời kỳ vừa chấm dứt Đệ nhị Thế chiến. Ta cũng không thể, xin mượn lời của Francis Bacon, để cho những nghi vấn to lớn này cứ "trôi qua một cách nhẹ nhàng mà không làm gì hết." Thế giới trong thời Breton Woods không phải là thế giới hôm nay. © Học Viện Công Dân 2007 Giáo Sư Amartya Sen dạy tại Đại học Master of Trinity, Cambridge; đoạt giải Nobel về Kinh Tế năm 1998. Nguồn: http://observer.guardian.co.uk/comment/story/0,,336125,00.html#article_continue [1] Hệ thống Bretton Woods là hệ thống quản trị tài chính và thương mại quốc tế do 44 nước Đồng Minh cùng ký kết tại Bretton Woods, New Hampshire trong Hội nghị về Tiền tệ và Tài chính của Liên Hiệp Quốc vào tháng 7, 1944. Điểm quan trọng nhất trong các thỏa thuận tại Bretton Woods là các nước hội viên đồng ý duy trì tỷ giá hối đoái cố định trên kim bản-vị, với sai biệt tối đa là 1%. Cũng tại Bretton Woods hai định chế quốc tế được thành lập là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Quốc tế (IBRD); ngân hàng này sau trở thành Ngân hàng Thế giới (World Bank). Đến năm 1971, Hoa Kỳ chấm dứt việc dùng kim bản-vị cho đồng đô-la và thả nổi giá trị đô-la trên thị trường hối đoái; các nước khác trên thế giới cũng làm theo như vậy.

Sự Nhiệm màu của Cộng tác Russell Roberts*

Làm sao mà mỗi ngày hàng triệu người này có thể cộng tác với hàng triệu người khác để đem bánh tới tiệm cà phê ở góc đường của quý bạn? Không có một văn phòng nào, không có một cơ quan chính quyền nào, hay một guồng máy trung ương nào làm phát sinh ra những sự giao dịch thương mại. Không ai thấy cả mạng lưới nối kết hệ thống đó. Một trong những điều hay của khoa kinh tế là nó cho chúng ta thấy rõ những điểm không nhìn thấy được và bị che dấu. Trong tiểu luận cổ điển của Frederic Bastiat, What is Seen and What is not seen (Những cái thấy và Những cái không thấy), Bastiat đã phân tích những hậu quả kinh tế của một hành động phá hoại đơn giản, tức là phá vỡ cửa kính. Chúng ta thấy một cái cửa kính bị vỡ. Chúng ta có thể nhìn thấy hay hình dung ra những hậu quả của một cửa kính bị vỡ, tức là người làm cửa kính sẽ có thêm tiền. Nhưng điều khó hình dung hơn là những điều chúng ta không nhìn thấy, đó là các hoạt động kinh tế mà sẽ không xảy ra nếu không phải sửa lại cửa kính. Thí dụ đơn giản này là một điều nhắc nhở cơ bản là vào bất cứ lúc nào sự lựa chọn của chúng ta đều bị giới hạn bởi tình trạng thiếu tài nguyên. Bastiat đưa ra thí dụ một cửa sổ bị vỡ để phê bình những đề nghị về chính sách hứa hẹn sẽ thành công nhưng lại thường không để ý tới sự thiếu tài nguyên không thể tránh được sẽ xảy ra bất cứ lúc nào - nghĩa là những tài nguyên đã được dùng vào một việc này thì sẽ không còn có để dùng vào một việc khác. Nhưng Bastiat có một cái nhìn sâu sắc khác về những điểm có thể thấy và những điểm không thể thấy mà người ta ít nhận được giá trị trong thí dụ về cái cửa sổ bị vỡ của ông. Trong Chương 18 của cuốn sách Các Ngụy biện Kinh tế, Bastiat hỏi tại sao ở thành phố Paris không có một người nào lo sợ đến mất ngủ vì sợ rằng không biết là sáng hôm sau có đủ bánh mì và các thứ khác để mua không: Trong một dịp đến thăm Paris, tôi tự hỏi: Đây là một trường hợp mà hàng triệu con người sẽ bị chết trong vòng vài ngày nếu những nguồn cung cấp của tất cả mọi loại hàng không được đưa đến đô thị lớn lao này. Không thể tưởng tượng được là cần có biết bao nhiêu hàng hóa đủ mọi loại phải được đưa vào thành phố vào sáng hôm sau để cho những cư dân trong thành phố không bị trải qua nỗi kinh hoàng vì nạn đói, bạo loạn và cướp bóc. Vậy mà tất cả mọi người đều yên tâm ngủ không hề bận tâm lo sợ một chút xíu nào về viễn tượng đáng sợ đó...Thế thì lực quán xuyến và bí mật nào đã chi phối sự điều hoà tuyệt vời của các hoạt động phức tạp như vậy? Ai cũng mặc nhiên tin tưởng vào sự điều hoà đó, tuy rằng sự sung túc và ngay cả cuộc đời của họ tùy thuộc vào đó? Cái lực đó là một nguyên tắc tuyệt đối, đó là nguyên tắc tự do trao đổi." Hiện tượng không nhìn thấy này thực ra có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là người ta lấy làm lạ rằng vấn đề phối hợp và cộng tác lớn lao đó có thể giải quyết hàng ngày mà không có người nào phụ trách cả. Có người nào ở một tiệm bánh mì hay ở một chỗ bán báo, hay ở một quầy bán đồ ăn trong một thành phố lớn lại có lúc ngừng lại để thưởng thức cái công tác độc đáo này của nền văn minh không? Người ta không nhận chân được cái giá trị của thành tích đó vì sự cộng tác đó quá hoàn hảo. Hệ thống hoạt động hiệu nghiệm đến nỗi không ai nhận ra là nó đang hoạt động. Chúng ta chẳng bao giờ coi đó là phép mầu, bởi vì ít khi chúng ta thấy hệ thống này bị thất bại. Có bao giờ quý bạn đến tiệm cà-phê nhưng lại thấy không có bánh ăn điểm tâm không? Tiệm thường lúc nào cũng có bánh mới làm với giá rất phải chăng. Khía cạnh thứ hai của hiện tượng không nhìn thấy này là nếu có người nào tình cờ thấy hệ thống không có người quản lý này hoạt động một cách rất hữu hiệu thì người đó sẽ không biết giải thích tại sao nó lại hoạt động như vậy được. Làm sao mà mỗi ngày hàng triệu người này có thể cộng tác với hàng triệu người khác để đem bánh tới tiệm cà phê ở góc đường của quý bạn ? Không có một văn phòng nào, không có một cơ quan chính quyền nào, hay một guồng máy trung ương nào làm phát sinh ra những sự giao dịch thương mại. Không ai thấy cả mạng lưới nối kết hệ thống đó. Trong tiểu luận này, tôi muốn trình bầy một vài nỗ lực các nhà kinh tế đã thực hiện, để làm sáng tỏ cái trật tự đã phát sinh, không ai điều hợp mà cũng không ai nhận ra; cái trật tự đó hàng ngày tạo ra tiền tài cho cuộc sống chúng ta, nhưng ai cũng cho đó là sự thường tình không có gì đáng để ý. Bastiat không phải là người đầu tiên đã nêu ra sự nhiệm mầu về cộng tác. Nói cho cùng thì sự cộng tác trong diễn trình đó đã được thúc đẩy bởi sự chuyên môn hoá lao động và sự phân công lao động. Do đó, không phải là điều ngạc nhiên khi thấy Adam Smith bắt đầu cuốn The Weakth of Nations (Tài sản của Quốc gia) bằng một cuộc thảo luận về sự phân công và những khả năng sinh ra tài sản nhờ sự phân công đó. Smith cũng nhắc người đọc suy nghiệm về sự nhiệm mầu của việc chuyên môn hoá, phân công lao động và sự cộng tác vô hình của hàng ngàn người để làm ra một cái áo len (đoạn văn của Smith ở trong Quyển I, Chương Ibắt đầu từ đoạn 11, nói tới điều đó). Hãy xem sự tiện nghi của một người thợ rất là bình thường, hay của một người thợ công nhật trong một nước văn minh và phồn thịnh. Ta sẽ thấy một số lớn không thể kể hết được những người mà công việc làm của họ đã đóng góp, dù là một phần rất nhỏ, vào việc cung cấp sự tiện nghi cho người thợ. Thí dụ cái áo len mà người lao công mặc. Nó có vẻ thô sơ và không đẹp, nhưng nó là một sản phẩm của một sự hợp tác lao động của một số lớn những người lao động khác. Từ người chăn cừu, người phân loại len, người trải len, người đóng kiện len, người nhuộm len, người kéo sợi len, người dệt len, người chuẩn bị len thành quần áo, cũng như người tỉa lông cừu, và biết bao nhiêu người khác, tất cả đều đã góp công lao của mình để hoàn tất một sản phẩm bình thường như vậy. Biết bao nhiêu người buôn bán, người khuân vác, cũng đã được dùng trong việc tải những vật liệu từ một số những người lao động này tới những người khác, thường ở trong những vùng rất xa nhau ở trong một nước. Henry George, nếu được bạn đọc thời nay biết đến, được coi là một người cổ võ cho việc đánh thuế đất thay vì đánh thuế các nhập lượng, và là một người phổ biến rất hay khái niệm về sự cộng tác vô hình này. Trong tác phẩm Bảo vệ hay Tự do mậu dịch, ông viết về một gia đình ở nông thôn chuẩn bị nấu bữa ăn gồm có bánh mì, cá và trà bên cạnh ngọn lửa reo vui: Người khẩn hoang chặt cây. Nhưng nguyên cái việc sản xuất ra củi cũng bao gồm nhiều việc khác nữa. Nếu chỉ chặt cây không thôi thì cây sẽ nằm ngay ở chỗ mà nó bị chặt xuống. Công sức kéo gỗ cũng là một phần ở trong công việc sản xuất, chẳng khác gì công chặt cây xuống. Cũng như vậy, cuộc hành trình đến và rời nhà máy xay bột cũng cần thiết cho việc sản xuất bột như việc trồng và thu hoạch lúa mì. Để cho có cá, thì cậu bé phải đi ra hồ bắt cá và mang cá về nhà. Và để có nước trong ấm thì không những chỉ cần có một cô gái ra suối lấy nước về mà còn cần cả việc đào một cái hố để múc nước lên, và việc làm một cái sô để xách nước về. [đoạn. VII.2] Còn trà thì được trồng tại Trung Quốc, rồi được gánh tới một làng ở ven sông, bán cho một người lái buôn Trung Quốc, và người đó chuyển bằng thuyền tới một hải cảng đã nhượng cho ngoại quốc. Tại hải cảng này, sau khi đã đóng gói để vận tải bằng đường biển, trà được bán cho các đại diện của một công ty Mỹ nào đó, và sau đó được gửi bằng tàu thủy tới San Francisco. Từ San Francisco, trà được chuyển bằng xe lửa và cũng sang quyền sở hữu của người khác, vào tay của một người buôn sỉ tại Chicago. Người buôn sỉ này lại bán cho một người khác, và trà được đưa tới một cửa tiệm của một người ở trong một làng.Người chủ tiệm này sẽ giữ lại trà đó cho tới khi người khẩn hoang lập nghiệp có thể mua được trà với số lượng mà ông ta muốn, cũng giống như nước ở trong suối được giữ trong một cái hố để được lấy khi cần thiết. Điểm mà George[1] muốn đưa ra không phải chỉ là sự nhiệm mầu của tất cả sự cộng tác vô hình này mà là sự quan trọng của tất cả các công đoạn từ lúc sản xuất đến tiêu thụ, để cho chúng ta có thể hưởng được những sản phẩm chúng ta làm ra. Chúng ta có thể cho rằng những người phân phối, những người buôn bán và những người vận chuyển không quan trọng bằng người thợ làm bánh mì, nhưng người thợ làm bánh cũng không thể làm được bánh mì nếu không có người đưa bột đến và nếu không có người xây cất lò, vv.... Đối với một độc giả ngày nay, có lẽ thí dụ hay nhất về sự nhiệm mầu của sự cộng tác là bài tuyệt vời có tựa là Tôi là cái Bút chì của Leonard Read. Mượn lời nói của cái bút chì đã được nhân cách hoá, Read nói rằng không có một người nào có thể tự nhận là đã làm ra được cái bút chì. Read viết như sau: Có người nào muốn thách thức lời nói trước đây của tôi là không có một người nào trên trái đất này biết làm ra tôi được không ? Thực ra, có hàng triệu người đã đóng góp vào việc làm ra tôi, mà trong số hàng triệu người đó mỗi người chỉ biết tới một vài người thôi. Lẽ dĩ nhiên, quý bạn có thể nói rằng tôi đã nói quá trớn khi liên hệ người hái cà phê tại vùng Brazil xa xôi và những người làm thực phẩm với việc tạo ra tôi, tức là cây bút chì. Quý bạn cho đó là quan điểm cực đoan, nhưng tôi vẫn giữ vững lời tuyên bố của tôi. Trong số hàng triệu người này không có một người duy nhất nào, kể cả người chủ tịch công ty làm bút chì, mà không đóng góp dù chỉ một phần rất nhỏ vào trong cách thức làm bút chì. Nói về cách thức làm bút chì thì sự khác biệt duy nhất giữa một người thợ khai thác than chì tại Tích Lan và một người khai thác gỗ tại Oregon chỉ là sự khác nhau về cách làm thôi. Không thể không có người thợ mỏ cũng như người khai thác gỗ. Họ cũng cần thiết chẳng khác gì chuyên viên hoá học tại sở sản xuất, hay là những người làm việc ở những mỏ dầu, bởi vì paraffin là một phó sản của dầu hoả. Read nhấn mạnh khía cạnh không phối hợp của sự phối hợp tuyệt vời này. Còn một sự kiện làm cho ta ngạc nhiên hơn, đó là không có một khối óc chỉ đạo nào hết, không có một người nào ra chỉ thị hay bắt buộc làm vô số các hoạt động này để tạo ra tôi. Không tìm thấy bất cứ dấu vết của một người nào có vai trò như vậy. Thay vào đó chúng ta thấy có một Bàn tay Vô hình đang hướng dẫn. Vâng, quả thực đó là một điều mầu nhiệm khi có những chiếc bánh bagel đang chờ đợi chúng ta trong quán cà phê. Vâng, quả thực đó là một điều mầu nhiệm khi có những bút chì ở trong nhiều tiệm đang đợi chúng ta ở những chỗ mà chúng ta ghé qua để mua những thứ khác nữa. Có rất nhiều áo len, rất nhiều trà, và ngạc nhiên hơn nữa, có nhiều xe hơi, máy điện toán và máy truyền hình, và các sản phẩm khác phức tạp hơn nhiều. Nhưng yếu tố gì đã duy trì được sự cộng tác khiến cho các sản phẩm đó có thể được hàng triệu người không quen biết nhau họp lại, làm việc cần cù mà không biết rằng họ đang cộng tác với nhau?" Một trong những nỗ lực sâu sắc để làm rõ diễn trình đó là bài viết của Hayek vào năm 1945, đăng trong tạp chí American Economic Review với tựa đề là Việc Sử dụng Kiến thức trong Xã hội. Hayek không chỉ đưa ra sự nhiệm mầu trong việc cung cấp bút chì, bánh mì, áo và truyền hình. Hayek còn muốn các độc giả thấy một điều nhiệm mầu hơn và vô hình nữa. Đó là đám đông những người cộng tác không có phối hợp với nhau để sản xuất phản ứng ra sao khi có sự khan hiếm hay có sự thay đổi từ bên ngoài. Hayek muốn làm sáng tỏ sự cộng tác tuyệt vời của những điều hiểu biết phân tán phải đáp ứng như thế nào mỗi khi cần điều chỉnh với tình trạng khan hiếm. Câu trả lời của Hayek-giống như điều Bastiat đã trình bầy về lợi ích cá nhân và sự trao đổi, và cũng giống như Bàn tay Vô hình mà Read đã nêu ra-là do hệ thống giá cả, và Hayek đã nói chi tiết hơn về hệ thống này. Cũng có người muốn cho rằng Hayek đã nói tới đề tài mà ngày nay người ta gọi là luật cung cầu. Nhưng đáng tiếc là các sinh viên ngày nay được giảng dạy rằng luật cung cầu cần phải có cạnh tranh hoàn toàn và hiểu biết hoàn toàn. Điều này khiến cho các sinh viên coi cung và cầu chỉ là một quan điểm hoàn toàn lý thuyết, không thể áp dụng vào thế giới thực tiễn, ngoại trừ trong một vài trường hợp khó hiểu như lúa mì. Nhưng Hayek có một quan điểm hoàn toàn khác hẳn về diễn trình đó. Hayek cho rằng diễn trình đó không hoàn hảo nhưng hữu hiệu. Lẽ dĩ nhiên, những sự thích ứng này không bao giờ "hoàn hảo" theo nghĩa các nhà kinh tế đã mô tả khi phân tích tình trạng quân bằng của kinh tế. Nhưng tôi e rằng khi phân tích một cách lý thuyết các vấn đề chúng ta có thói quen là phải giả định rằng mọi người phải có những kiến thức ít nhiều hoàn hảo. Giả định đó đã khiến cho chúng ta không nhìn thấy sự vận hành của cơ cấu giá cả, và đã khiến ta áp dụng những tiêu chuẩn sai lầm trong vấn đề đánh giá sự hữu hiệu của cơ cấu giá cả. Điều nhiệm mầu là khi một nguyên liệu nào đó bị khan hiếm thì không có ai cần phải ra lệnh -- có lẽ ngoài một số người rất nhỏ -- không ai cần biết nguyên nhân của sự khan hiếm, thì hàng chục ngàn người không ai nhận biết được dù có điều tra cả mấy tháng, đều được thúc dục để dè sẻn hơn khi dùng vật liệu hay sản phẩm đó, tức là họ đang làm trong chiều hướng đúng. Nguyên sự kiện này đã là một sự mầu nhiệm, dù rằng trong một thế giới luôn luôn thay đổi, không phải người nào cũng tính toán đúng để giữ cho tỷ số lợi nhuận của họ được duy trì ổn định ở mức "bình thường." Tôi đã cố ý dùng từ "nhiệm mầu" để làm thức tỉnh người đọc ra khỏi tình trạng tự mãn, thường coi việc vận hành của hệ thống đó là một điều đương nhiên. Tôi tin tưởng rằng nếu đó là kết quả của một sự tính toán cố ý của con người, và nếu những người được hướng dẫn bởi sự thay đổi về giá cả hiểu rằng quyết định của họ sẽ có những ý nghĩa xa hơn mục đích nhất thời của họ, thì cơ chế này phải được vinh danh là một trong những thành tích lớn lao của khối óc con người. Nhưng cơ chế này lại có tới hai điều không may mắn. Đó là: nó không phải là sản phẩm của sự tính toán của con người, và những người được hướng dẫn bởi nó cũng không biết tại sao họ phải làm như họ đã làm. Một trong những ưu điểm trong phần trình bày của Hayek-mặc dầu cách hành văn không hấp dẫn so với các thí dụ tôi đã đưa ra đây là nó nhấn mạnh làm cách nào mà sự cộng tác vô hình đã giải quyết được vấn đề cốt lõi của trật tự kinh tế hiện nay.[2] Làm cách nào mà bạn có thể quyết định xã hội cần bao nhiêu cái bánh, bao nhiêu cái bút chì hay bao nhiêu cái xe hơi? Cách trả lời câu hỏi này thay đổi như thế nào theo hoàn cảnh và kiến thức? Tôi muốn dùng điều này để bước sang một thí dụ về sự cộng tác vô hình đang diễn ra hiện nay. Trong vòng năm hay mười năm tới, sẽ có hàng trăm triệu người Trung Quốc rời bỏ vùng nông thôn để ra thành thị. Cuộc di cư vĩ đại này sẽ đòi hỏi hàng triệu sự thích nghi để bảo đảm cho cuộc sống của chúng ta tại Hoa Kỳ không bị rối loạn. Tất cả những người cư dân thành thị mới này ở Trung Quốc sẽ dùng nhiều bút chì hơn, uống nhiều cà phê hơn, mua nhiều xe đạp hơn, mua nhiều xe hơi hơn,v.v. Vậy thì có đủ những thứ đó cho những người sống ở ngoài Trung Quốc không? Chắc chắn là sự di dân này sẽ tạo ra những rối loạn rất lớn. Nhưng mà ta có cần phải lo lắng về điều đó không ? Chúng ta cần phải làm những gì để phòng ngừa khiến cho việc chuyển tiếp này được êm thắm ? Tuy nhiên, cũng giống như những người dân Paris trong ví dụ của Bastiat, chúng ta quả thực cũng không lo lắng đến mất ngủ về những sự thay đổi này. Sự chuyển tiếp sẽ không được quản lý bởi một tiểu ban Quốc Hội, hay một ủy ban chấp hành của Tổng Thống được thành lập để tránh sự khủng hoảng. Sự chuyển tiếp này sẽ được điều khiển bởi hệ thống giá cả mà chúng ta không hề hay biết gì cả. Một phần của sự tin tưởng của tôi là do phân tích của Hayek về cách hoạt động ra sao của thị trường. Nhưng phần lớn sự tin tưởng của tôi là do những chứng cớ đã có được trong vòng hai mươi năm qua, khi một trăm triệu người Trung Quốc đã chuyển từ nông thôn ra thành thị, như chúng ta đã dự trù trong tương lai. Đây là một sự di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng tôi chắc là các bạn đã không để ý tới. Thế giới chung quanh ta đã không thay đổi gì mấy. Các người Trung Quốc đã không mua hết tất cả các xe đạp hay các gỗ làm bút chì, hay mua hết tất cả cà phê đã xay để làm cà phê. Bằng một cách nào đó, hệ thống kinh tế của chúng ta đã giữ cho sự chuyển tiếp này hữu hiệu đến nỗi phần lớn chúng ta không biết nó đã xảy ra. Những sự thay đổi như vậy lúc nào cũng xảy ra. Hệ thống giá cả, đi đôi với lợi nhuận mà chúng ta cho người sản xuất kiếm được khi đáp ứng một cách có hiệu quả đối với giá cả, đã giúp cho cuộc sống kinh tế của chúng ta được ổn định hơn khi đối diện với những sự thay đổi. Các nhà giảng dạy về kinh tế, trong đó có tác giả bài này, cần tìm cách làm sáng tỏ những hoạt động vô hình của hệ thống tuyệt vời đó. Hệ thống này thường được gọi là hệ thống cạnh tranh. Nhưng nói cho cùng, đó là một hệ thống cộng tác. Không có ai nghĩ ra hệ thống đó. Tự nó hoạt động, không có ai điều khiển. Mầu nhiệm ở chỗ đó. © Học Viện Công Dân 2013 * Russell Roberts là giáo sư kinh tế tại Đại Học George Mason và là Chủ biên của trang mạng Library of Economics and Liberty (Thư Viện Kinh Tế và Tự Do). Ông đang viết cuốn sách về nguyên nhân làm sao sự xuất hiện của trật tự và cộng tác không có kế hoạch tạo nên sự phồn vinh và mức sống tại Hoa Kỳ. Song Ngọc chuyển ngữ Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2005/Robertsmarvel.html

Thuật Lãnh Đạo theo một số lý thuyết kinh điển Michele Erina Doyle và Mark K. Smith

Lãnh Đạo là gì? Trong bài này, Michele Erina Doyle và Mark K. Smith tìm hiểu một số mô hình kinh điển về Lãnh Đạo. Một cách cụ thể hơn, họ điểm qua một số phương pháp đã từng được sử dụng khi nghiên cứu về Lãnh Đạo; đó là các lý thuyết về lãnh đạo qua đặc tính cá nhân, qua cách hành xử, và qua lý thuyết được biết đến gần đây là lý thuyết, tạm dịch là, "ứng phó với các tình huống bất ngờ" (contingency theory). Sau đó họ điểm qua các lý thuyết "thăng hóa," và các vấn đề về thực thi nhiệm vụ lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng có một số người đặc biệt được nhiều người khác đi theo, dù với bất kỳ lý do nào; có thể vì họ thích cách xử thế và hành động của những người đó, hoặc cũng có thể vì những người này có óc khôi hài. Khi nhìn vào những buổi sinh hoạt có tổ chức, ta luôn thấy có một người nào đó có "phẩm chất lãnh đạo;" họ là những người sẵn sàng bảo những người khác những điều cần làm nhưng vẫn có sự tôn trọng những người đó hay được những người khác tôn trọng. Những hình ảnh liên hệ đến Lãnh Đạo thường bắt nguồn từ những cuộc xung đột. Khi nói về lãnh đạo, ta thường nghĩ đến những vị tướng mưu lược hơn đối phương, những chính trị gia [có khả năng] thuyết phục và hướng dẫn những người theo mình thực hiện một hành động nào đó, hoặc những người giải quyết được một cơn khủng hoảng. Chúng ta nhìn vào những cá nhân đặc biệt như Gandhi hoặc Jeane D'Arc, Napoleon, hoặc Hitler. Những câu chuyện chung quanh các nhân vật này đều cho thấy có những giây phút ngặt nghèo, hoặc những lúc mà quyết định của một người có tính chất thay đổi thời cuộc. Những người này có một viễn kiến về những điều có thể làm, hay nên làm, và có thể truyền đạt viễn kiến này đến những người đi theo mình. Thiếu sót những phẩm chất này, nguy cơ có thể xảy ra. Phẩm chất của khả năng lãnh đạo, có thể được xem là trọng tâm của sự sống còn và sự thành bại của tổ chức. Như Binh Pháp Tôn Tử, cuốn binh thư cổ nhất (khoảng 400 năm trước Công Nguyên), đã nói "Tướng soái giỏi dụng binh là thần hộ mệnh của dân là người giữ sự an nguy của quốc gia" (Thiên Tác Chiến [20]). Thế thì, thế nào là Khả Năng Lãnh Đạo? Hình như đó là một trong những phẩm chất mà khi thấy thì ta biết liền, nhưng lại khó mô tả. Phải nói là có bao nhiêu nhà bình luận thì cũng có chừng ấy định nghĩa khác nhau về lãnh đạo. [Tuy nhiên,] rất nhiều định nghĩa liên kết sự lãnh đạo với người lãnh đạo. Theo quan niệm này, có bốn điểm chính. Đầu tiên, lãnh đạo bao gồm việc ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai, hễ có người lãnh đạo thì luôn luôn có người đi theo. Thứ ba, các nhà lãnh đạo thường xuất hiện khi có một cơn khủng hoảng, hoặc có một vấn nạn cần được giải quyết. Nói một cách khác, những người lãnh đạo thường xuất hiện khi có nhu cầu cần có một phương thức giải quyết mới cho một vấn đề xã hội. Thứ tư, người lãnh đạo là người có cái nhìn rất rõ họ muốn đạt được điều gì và tại sao họ muốn điều đó. Như vậy, người lãnh đạo là người có khả năng suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo trong những tình huống bất thường, là người đưa ra viễn kiến mới để ảnh hưởng đến hành động, niềm tin và cảm xúc của những người xung quanh. Theo quan niệm này khả năng lãnh đạo bắt nguồn từ khả năng và phẩm chất của một cá nhân. Tuy nhiên, nó cũng liên hệ tới các vai trò khác, như là vai trò của người quản lý hoặc chuyên viên. Và như vậy thì cũng rất khó phân biệt, bởi vì không phải người giám đốc điều hành nào cũng là người lãnh đạo và ngược lại, không phải người lãnh đạo giỏi nào cũng là người quản lý giỏi. Trong khoảng 80 năm trở lại đây, trong các quan niệm kinh điển về vai trò lãnh đạo, có 4 khuynh hướng định nghĩa chính như sau: Các lý thuyết về Lãnh Đạo do đặc tính cá nhân Các Lý thuyết về Lãnh đạo qua cách hành xử Các Lý Thuyết về Lãnh đạo do thời thế tạo nên Các Lý Thuyết về Lãnh Đạo qua thăng hóa. Như John Van Maurik (2001: 2-3) đã nói, điểm quan trọng là bốn loại lý thuyết này không hoàn toàn tách biệt lẫn nhau và không giới hạn vào thời gian. Mặc dù đúng là quá trình phát triển của tư tưởng có khuynh hướng tiếp nối nhau [theo từng thế hệ], nhưng cũng có thể có những tư tưởng của một [trường phái thuộc] thế hệ trước lại xuất hiện trong những nghiên cứu của những tác giả thuộc về các thế hệ mãi về sau này, những tác giả thuộc thế hệ trẻ này cũng không nghĩ là họ thuộc về trường phái đó.Sau cùng có thể nói một cách công bằng là mỗi thế hệ đã thêm vào những đóng góp đáng kể trong cuộc bàn luận về lãnh đạo và cuộc bàn luận đó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. (van Maurik 2001:3)

Ý nghĩa Đích thực của Lòng Yêu Nước Có nghĩa là hiểu biết, sống, và giảng dạy về tự do Lawrence W. Reed

Lòng yêu nước ngày nay giống như lễ Giáng Sinh, nhiều người bị cuốn vào một không khí lễ hội tràn đầy ánh sáng và những màn trình diễn. Chúng ta nghe những lời nhắc nhở về "ý nghĩa thực sự" của lễ Giáng sinh và chúng ta thậm chí có thể lầm bầm một vài từ đầy tội lỗi về những cái đang tác động tới chúng ta, nhưng mỗi người chúng ta lại tốn nhiều thời giờ và bận tâm về tiệc tùng, tặng quà, và những vật dụng linh tinh khác của một ngày lễ đang bị trần tục hóa hơn là suy nghĩ một cách sâu sắc về ý nghĩa thật sự của nó. Lòng yêu nước thì cũng thế, nhất là vào ngày Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) vào tháng Năm, ngày Quốc Kỳ[1] vào tháng Sáu, và ngày lễ Độc lập vào tháng Bảy. Hãy đi xuống Đại lộ America và hỏi từng công dân xem lòng yêu nước có nghĩa là gì, trừ một vài câu ngoại lệ, bạn sẽ nhận được một mớ những câu trả lời đầy tự mãn nhưng hời hợt và thường là sai trầm trọng. Nếu nhìn thấy chúng ta như hiện nay thì những Nhà Lập Quốc của Hoa Kỳ, những người nam và nữ đã cho chúng ta lý do trở thành người yêu nước từ thuở ban đầu, sẽ nghĩ rằng chúng ta đã lạc đường. Kể từ cuộc tấn công bỉ ổi ngày 11 tháng 9 năm 2001, người Mỹ, hầu như nhất trí với nhau là cảm nhận "thấy" mình yêu nước. Đối với phần lớn dân chúng, thật là buồn thay, vì họ cho rằng cảm giác đó đủ biến người ta thành một người yêu nước chính cống. Nhưng nếu tôi đúng, thì đã đến lúc để người Mỹ phải đi học bổ túc trở lại về thế nào là ái quốc. Lòng yêu nước không phải là tình yêu đối với đất nước nếu bạn coi "đất nước" có nghĩa là những cánh đồng lúa chín vàng, những dãy núi uy nghi màu tía và những thứ tương tự. Hầu như nước nào cũng có những dãy núi đá, những cảnh sông nước đẹp đẽ, cùng những thứ [hoa màu] để con người trồng trọt làm lương thực. Nếu lòng yêu nước chỉ có thế, thì người Mỹ có rất ít thứ tuyệt đẹp mà chúng ta có thể cho đó là thứ tình yêu độc nhất hay riêng biệt. Và chắc chắn, lòng yêu nước không thể nào có nghĩa là hy sinh mạng sống con người chỉ vì một dòng sông hay một dãy núi nào đó. Lòng yêu nước không phải là niềm tin mù quáng vào những điều mà các nhà lãnh đạo của chúng ta làm hay nói với chúng ta. Điều đó chỉ là thay thế một vài khái niệm cao thượng bằng những hành động vô ý thức mang tính phô trương như những bước chân cứng ngắc đang đi duyệt binh. Lòng yêu nước không đơn giản là đi bầu cử. Bạn cần phải biết nhiều hơn nữa điều gì thúc đẩy cử tri trước khi đánh giá lòng yêu nước của anh ta. Anh ta có thể bỏ phiếu bởi vì anh ta chỉ muốn được hưởng điều gì đó nhờ sự ngu ngơ của kẻ khác. Có lẽ anh ta cũng chẳng quan tâm lắm về việc chính khách mà anh ta chọn có được lá phiếu từ đâu. Xin nhớ sự khôn ngoan của Tiến sĩ Johnson khi ông nói: "Lòng yêu nước là nơi trú ẩn cuối cùng của một tên vô lại." Phất cờ có thể là một dấu hiệu bên ngoài của lòng yêu nước, nhưng hãy đừng làm giảm giá trị từ "yêu nước" đến mức cho rằng nó cũng chẳng hơn gì một dấu hiệu. Và mặc dù khái niệm đó luôn phù hợp để thương tiếc những người đã mất mạng sống đơn giản chỉ vì họ cư trú trên đất Mỹ, thì điều đó cũng không được định nghĩa là lòng yêu nước. Dân chúng ở mọi quốc gia và trong mọi thời đại đã bày tỏ cảm xúc về điều gì đó mà chúng ta thản nhiên gọi là "lòng yêu nước," nhưng điều đó đưa đến một câu hỏi. Lòng yêu nước là gì vậy? Nó có thể trở nên quá rẻ rúng và vô nghĩa đến nỗi một vài cử chỉ và cảm xúc cũng khiến cho bạn trở thành yêu nước hay sao? Không có trong cuốn sách của tôi Tôi chấp nhận quan điểm lòng yêu nước bắt nguồn từ những tư tưởng và những tư tưởng này tạo ra một quốc gia; chính vì những tư tưởng này và khi nghĩ về chúng mà tôi cảm thấy yêu nước. Tôi là một người Mỹ yêu nước bởi vì tôi kính trọng những tư tưởng đã thôi thúc những Nhà Lập Quốc và, trong nhiều trường hợp, đã buộc họ đánh cược cuộc sống, vận may, và danh dự thiêng liêng của mình. Đó là những ý tưởng gì vậy? Hãy đọc Tuyên ngôn Độc lập lần nữa. Hoặc, nếu bạn giống như hầu hết người Mỹ hiện nay, hãy đọc bản tuyên bố đó tối thiểu lần đầu tiên. Tất cả nằm ở trong đó cả đấy. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được Đấng Tạo hóa, chứ không phải chính quyền, ban tặng những quyền bất khả chuyển nhượng. Đứng đầu trong những quyền đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính quyền phải bị giới hạn trong việc bảo vệ hòa bình và gìn giữ các quyền tự do của chúng ta, và hành vi của chính quyền phải được sự đồng ý của người dân. Đó là quyền của một dân tộc tự do để dẹp bỏ đi cái chính quyền đã huỷ hoại những mục đích chính của chính quyền, như những Nhà Lập Quốc của chúng ta đã thực hiện qua một hành động cao cả của dũng khí và thách thức [nước Anh] từ hơn hai trăm năm trước. Gọi điều đó là sự tự do. Gọi điều đó là quyền tự do. Gọi điều đó là bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng đó là nền tảng trên đó quốc gia này được thành lập và chúng ta sẽ gặp nguy hiểm nếu đi ra khỏi nền tảng này; Đó là những điều xác định chúng ta là người Mỹ. Đó là những gì hầu hết những người từng sống trên hành tinh này đã khao khát được hưởng. Nó làm cho cuộc đời này đáng sống, có nghĩa là quyền tự do ấy đáng cho chúng ta chiến đấu để giành lấy và hy sinh mạng sống để gìn giữ. Khái niệm kiểu Mỹ Tôi biết rằng khái niệm về lòng yêu nước này là một khái niệm kiểu Mỹ. Nhưng tôi không biết làm thế nào để trở nên yêu nước đối với Uganda hay Paraguay. Tôi hy vọng người Uganda và người Paraguay có lý tưởng cao cả mà họ ca tụng khi họ cảm thấy yêu nước, nhưng họ có lý tưởng hay không lại là một câu hỏi bạn phải hỏi họ mới biết được. Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết lòng yêu nước có nghĩa là gì đối với tôi, một người Mỹ. Tôi hiểu rằng nước Mỹ từ trước tới nay thường không hiểu hết những tư tưởng cao siêu được bày tỏ trong bản Tuyên ngôn. Điều đó không hề làm tôi bớt tôn trọng những tư tưởng đó, cũng chẳng làm lu mờ niềm hy vọng trong tôi rằng những thế hệ tương lai của người Mỹ sẽ tìm lại được nguồn hứng khởi từ những tư tưởng này. Thực ra, loại chủ nghĩa yêu nước này giúp tôi vượt qua được những thời khắc cam go nhất và hoài nghi nhất. Lòng yêu nước của tôi không bao giờ bị ảnh hưởng bởi thất bại của bất kỳ một chính trị gia nào, hoặc bởi bất kỳ khuyết điểm trong chính sách nào đó của chính phủ, hoặc bởi bất kỳ sự suy thoái nào trong nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán. Tôi chưa bao giờ ngưng cảm giác "phấn khởi" khi nhìn thấy lá Quốc kỳ phất phới bay trong gió, cho dù những thế hệ hôm nay đã hiểu sai ý nghĩa nguyên thủy của những ngôi sao và đường kẻ [trên quốc kỳ] như thế nào. Không có kết quả bầu cử nào, dù tệ đến đâu, làm cho tôi giảm đi nhiệt tình dành cho những lý tưởng mà những Nhà Lập quốc đã viết nên năm 1776. Thật vậy, với nhiều kinh nghiệm của cuộc sống, với tôi, sự thông thái mà những vĩ nhân như Jefferson và Madison ban tặng cho chúng ta trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi được tiếp thêm lửa như chưa từng có để giúp người khác đánh giá đúng những điều tương tự. Trong một chuyến viếng thăm gần đây tại vùng đất của tổ tiên tôi tại Scotland, tôi tình cờ bắt gặp một vài dòng chữ rất cổ xưa khiến tôi dừng lại. Mặc dù những dòng chữ đó xuất hiện trước bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta 456 năm, [ở một nơi] cách xa Hoa Kỳ ba ngàn dặm, tôi khó có thể nghĩ được có điều nào viết ra ở đây [mà có thể] làm dấy lên mạnh mẽ hơn nữa trong tôi lòng yêu nước tôi đã định nghĩa ở trên. Năm 1320, trong một lần cố gắng giải thích lý do tại sao tổ tiên tôi đã trải qua trận chiến đẫm máu, vào 30 năm trước, để trục xuất người Anh xâm lược, những nhà lãnh đạo Scotland đã kết thúc Tuyên ngôn Độc lập của Arbroath với dòng chữ này: "Chúng ta chiến đấu không phải vì danh dự hay vinh quang hay sự giàu có mà chỉ vì tự do, không có người tốt nào chịu từ bỏ tự do, trừ phi phải chết." Tự do — hiểu biết về nó, sống với nó, dạy về nó, và hỗ trợ những người đang giáo dục người khác về các nguyên tắc của nó. Điều đó, hỡi những đồng bào Mỹ của tôi, mới là ý nghĩa của lòng yêu nước với mỗi người chúng ta hôm nay. Michelle Phạm chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, Feb 2016 Lawrence W. ("Larry") Reed trở thành chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (FEE) vào năm 2008 sau khi ông giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tổ chức này vào thập niên 1990, ông còn là tác giả của những bài viết và diễn văn cho Tổ chức Giáo dục Kinh tế từ cuối thập niên 1970. Nguồn: http://fee.org/resources/the-true-meaning-of-patriotism/ [1] Ngày Quốc Kỳ (Flag Day) kỷ niệm ngày Quốc Kỳ Mỹ được quốc hội thứ hai biểu quyết chấp thuận năm 1777.

Thị trường Tự do, Pháp trị, và Chủ nghĩa Tự do Cổ điển RICHARD EBELING

Lịch sử của sự tự do và sự thịnh vượng không thể tách rời khỏi sự thực hành của kinh doanh tự do và pháp trị [tinh thần thượng tôn pháp luật]. Cả hai đều là sản phẩm tinh thần của chủ nghĩa tự do cổ điển. Nhưng, trong thế giới ngày nay người ta rất thiếu sự hiểu biết một cách đúng đắn về kinh doanh tự do, pháp trị, và chủ nghĩa tự do. Trong lịch sử, chủ nghĩa tự do là triết lý chính trị của tự do cá nhân. Nó tuyên bố và khẳng định rằng cá nhân được tự do suy nghĩ, nói, và viết như anh ta muốn; tin tưởng và thờ phụng như anh ta muốn; và sống một cuộc sống yên bình như anh ta muốn. Một cách khác để nói điều này là trích dẫn từ định nghĩa của Lord Acton: "Sự tự do, theo tôi, là sự đảm bảo rằng mỗi người phải được bảo vệ khi làm điều mà anh ta tin rằng trách nhiệm của mình là chống lại ảnh hưởng của quyền lực và tập quán, và dư luận." [1] Vì lý do này, ông tuyên bố rằng việc bảo vệ sự tự do "là kết quả chính trị cao nhất" [2] Bạn sẽ nhận thấy rằng Lord Acton đã không nói tự do là kết quả cao nhất, mà là kết quả chính trị cao nhất. Trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc sống một người, tự do chính trị và kinh tế là phương tiện cho những kết quả khác. Những kết quả gì vậy? Ấy là những kết quả mang lại ý nghĩa và mục đích cho sự tạm cư của người đó trên trái đất này. Chủ nghĩa tự do không phủ nhận rằng có thể có hoặc có một chân lý tối hậu, hay một "điều đúng" về mặt đạo đức, hay một nhận thức đúng về "cái tốt" và "cái đẹp." Điều mà chủ nghĩa tự do lập luận là ngay cả những người tốt nhất và thông thái nhất cũng chỉ là những con người hữu tử. Họ thiếu sự toàn tri, sự toàn hiện, và sự toàn năng của Thượng Đế. Con người hữu tử nhìn và hiểu thế giới trong biên giới của tri thức bất hoàn thiện của mình, từ viễn tượng của góc tồn tại hẹp của mình, và với sức mạnh thể chất và tinh thần hết sức giới hạn so với những gì mà Đấng Toàn Năng sở hữu. Kết quả là, vì không ai có thể tuyên bố rằng mình có được sự hiểu biết về con người và thế giới của con người như quyền của Thượng Đế, nên không ai có thể tuyên bố rằng mình có quyền từ chối bất kỳ ai khác được tự do làm theo lương tâm của mình trong việc tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi sâu xa và tối hậu. Những câu hỏi đó quan trọng đối với chính sự tồn tại của anh ta như một con người tinh thần và đạo đức đến nỗi chúng phải được loại bỏ khỏi vũ đài chính trị và sự kiểm soát chính trị. Chúng phải được để lại trong biên giới cá nhân và riêng tư của mỗi người và lương tâm của người đó. Lý do cho điều đó là hiển nhiên. Sự kiểm soát chính trị, về cơ bản, là sức mạnh của vũ lực thể chất. Đó là quyền yêu cầu công dân phải vâng lời - hoặc làm, hoặc không làm điều gì đó - dưới sự đe dọa của việc sử dụng sự cưỡng chế. Quyền lực chính trị có thể được sử dụng để chỉ huy con người về cách họ có thể sống, cách họ có thể nghĩ, và cách họ có thể hành động. Nó là kẻ uốn cong ý chí của người khác thành ý chí của mình dưới mối đe dọa gây tổn hại về thể chất. [3] Một số người đã phải đối mặt với các mối đe dọa hoặc việc sử dụng vũ lực như thế mà không từ bỏ đức tin hay niềm tin hay ý kiến của họ. Nhưng chủ nghĩa tự do lập luận rằng không ai phải đối mặt với sự tra tấn hoặc cái chết vì điều mà lương tâm dẫn dắt. Hơn nữa, một khi quyền lực chính trị được sử dụng để cưỡng bách những gì con người có thể tin tưởng và cách họ có thể hành động một cách hòa bình, thì xã hội đang phải đối mặt với một cuộc đấu tranh bất tận khi những người với những đức tin, những niềm tin và những ý tưởng xung đột chiến đấu giành quyền kiểm soát dây cương của quyền lực chính trị. Nó trở thành một cuộc đối đầu giữa sự sống và cái chết để quyết định ý niệm của ai về cái tốt, cái đẹp, cái đúng, và cái chính đáng sẽ tác động đến tất cả mọi người. Trong một cuộc chiến như thế về chân lý và đức hạnh, thế giới con người trở thành một địa ngục trần gian của sự hủy diệt về vật chất lẫn con người. Từ đó nảy sinh ý tưởng về sự bao dung, rằng mỗi người phải tôn trọng quyền của mọi người khác được hướng dẫn bởi những mệnh lệnh của lương tâm mình. [4] Nhưng thậm chí sự bao dung đã sớm bị xem là chuyên chế; nó ngụ ý rằng một người bao dung cho những tư tưởng và hành động tự do của người khác đã làm vậy như thể anh ta cho ai đó một đặc ân, một đặc ân mà nếu được cho đi thì có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào. Do đó, cần nhấn mạnh rằng tự do lương tâm là quyền cơ bản được sở hữu bởi tất cả mọi người, mà không phải điều được số đông cho phép hay chấp nhận vì lợi ích của thiểu số. Nhưng làm thế nào mà quyền lực chính trị - chính quyền - được ngăn chặn khỏi đi quá các ranh giới của nó và xâm phạm các quyền cá nhân như tự do lương tâm và các thành tố khác của tự do cá nhân? Làm thế nào những người có quyền lực chính trị bị kiềm hãm khỏi việc hạn chế các quyền của những người khác? Toàn bộ pháp luật là do con người làm ra, bất kể nguồn cảm hứng về nó. Con người xây dựng pháp luật và đồng thuận nó, con người pháp điển hóa nó, và con người thiết lập và làm cho có hiệu lực các thủ tục và cơ chế để nó được tôn trọng và thi hành. Con người, do đó, không bao giờ có thể được tách ra khỏi pháp luật và các quá trình pháp lý. Trách nhiệm công Một cách để đảm bảo xã hội sống dưới pháp trị mà không phải nhân trị là nhất quyết rằng ngay cả những người chấp hành và thi hành pháp luật phải được giữ cho có trách nhiệm dưới các thủ tục nào đó được quy định rõ ràng về hành xử của họ đối với với công dân. Hay như triết gia pháp luật người Anh Albert Venn Dicey phát biểu vào cuối thế kỷ 19: "Với chúng tôi, mọi công chức, từ Thủ tưởng xuống đến công an hay người thu thuế, đều có cùng trách nhiệm như bất kỳ công dân khác đối với mọi hành vi được thực hiện mà không có sự biện hộ [miễn trừ] về mặt pháp lý. Một thành tố thiết yếu của pháp trị là nó xác định điều mà chính quyền không được làm đối với công dân. Ví dụ, chính quyền hay các cơ quan pháp lý khác nhau của nó không được câu lưu môt cá nhân mà không đưa ra lời buộc tội chống lại người đó trước một phiên tòa trong một thời khoảng xác định. Trát định quyền giam giữ đảm bảo rằng không ai bị câu lưu về thể chất trong một khoảng thời gian không xác định mà không có lời buộc tội được đưa ra chống lại người đó trước tòa. Nếu nó không được trình bày trước tòa thì vi phạm pháp luật đã xảy ra và bằng chứng cho việc câu lưu bị cáo là không đủ, [do đó] anh ta phải được thả ra. Hoặc như Dicey giải thích: "Tự do không được đảm bảo trừ khi pháp luật, bên cạnh việc trừng phạt mọi sự can thiệp vào tự do pháp lý của một người, còn cung cấp sự đảm bảo thỏa đáng để những ai bị giam giữ mà không có sự bào chữa pháp lý sẽ có thể được tự do." [8] Một phẩm chất và giá trị đặc biệt của pháp trị là nó cố gắng, nếu không loại bỏ hoàn toàn, thì cũng hạn chế đến mức có thể, tất cả các quyền lực tùy tiện trong tay của những người nắm giữ chế độ chính trị và trật tự pháp lý. Friedrich Hayek, ví dụ, đã nhấn mạnh rằng pháp trị nói tới các đạo luật với bản chất chung và trừu tượng được áp dụng đối với tất cả mọi người một cách độc lập trong bất kỳ tình huống cụ thể. [9] Do điều này có vẻ khá mơ hồ, nó có thể được hiểu rõ hơn thông qua phát biểu về các quy tắc độc lập với kết quả [10] Chúng ta có thể nghĩ về điều này, ví dụ, các quy tắc của con đường. Các quy tắc này xác định liệu các ô tô có được lái theo lề phải hay lề trái của con đường, rằng tất cả ô tô phải dừng và đợi đèn đỏ, và có thể đi khi đèn chuyển sang màu xanh; rằng giới hạn tốc độ được đưa ra phải được tuân theo; và rằng nếu ô tô cảnh sát hoặc xe cứu thương đi xuống con đường, tất cả những người lái xe phải tạt sang một bên và dừng cho đến khi nó đi qua. Các quy tắc của con đường là chung và thống nhất, theo đó chúng được áp dụng một cách công bằng đối với tất cả những người lái xe và không miễn trừ hay đặt nặng lên bất kỳ ai. Hơn nữa, chừng nào mỗi người lái xe tuân theo các quy tắc này, anh ta được tự do chu du trên các con đường bất cứ khi nào anh ta mong muốn, cho bất cứ mục đích nào anh ta có thể có trong đầu. Không người lái xe nào có thể bị cảnh sát tuần tra các con đường và xa lộ phạt vì sự vi phạm giao thông trừ khi có một sự vi phạm vào các quy tắc chung và thống nhất của con đường. Các quy tắc chung và trừu tượng mang tính độc lập với kết quả ("end-independent") vì chúng không ngụ ý hay đòi hỏi bất cứ tác động hay kết quả cụ thể nào từ các hành động hay tương tác của công dân, chừng nào họ còn tuân theo các quy tắc. Do đó, dù mọi người tuân theo các quy tắc của con đường để đi làm, hay để đi thăm nha sỹ của gia đình, hay đơn giản là ra khỏi nhà trong chốc lát và chỉ lái xe loanh quanh, thì điều đó không thành vấn đề. Chính bản chất của xã hội tự do dưới pháp trị là xã hội đó, tự nó, không có mục đích, hay "số phận hiển nhiên" hay "vai trò lịch sử" mà nó được kêu gọi để biểu diễn. Một xã hội tự do không có những kế hoạch hay mục đích tách rời khỏi những kế hoạch và mục đích của các công dân riêng lẻ. Tính ích kỷ và những mục đích vĩ đại Ý niệm về một xã hội tự do không có kế hoạch hay mục đích hay tiếng gọi cao hơn độc lập với của công dân đã làm cho những người nghĩ rằng các quốc gia phải có những "tiếng gọi" tới "sự vĩ đại" khó chịu. Họ thấy trong những kế hoạch và mục đích cá nhân của công dân tính hẹp hòi và tính ích kỷ không đáng giá cho những mục đích vĩ đại và những người vĩ đại. Một tiếng nói đi đầu trong nửa đầu của thế kỷ 20, người muốn các quốc gia mưu cầu những mục đích vĩ đại dưới những người vĩ đại là Werner Sombart, một người Đức theo chủ nghĩa Marx, người mà sau này trong những năm 1930 đã trở thành một kẻ biện hộ thẳng thừng cho Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia của Hitler. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất, Sombart đã xuất bản một số lượng nhỏ cái mà ông gọi là "những suy tư ái quốc" có nhan đề "Thương gia và Anh hùng" ("Traders and Heroes"). [12] Ông đã đối chiếu một đằng là thương gia hay người làm thương mại, người mà Sombart khẳng định, không thấy gì ngoài lợi nhuận được làm ra thông qua các giao dịch thị trường với một đằng là tinh thần của anh hùng sinh ra đức hạnh của sự can đảm, sự tuân phục, và sự hy sinh bản thân. Sombart nói: "Thương gia chỉ nói về các quyền, còn anh hùng chỉ nói về bổn phận." Ngay nay, tất nhiên, câu hỏi về đặc tính của "anh hùng" trong mô tả của Sombart vẫn không có câu trả lời, đó là: sự tuân phục đối với ai, và sự hy sinh cho cái gì? Trong cái nhìn của Sombart, đó là một nhà nước, thông qua những người lãnh đạo chính trị, sai khiến những mục tiêu mà vì nó, công dân tạo ra sự hy sinh và rằng sự tuân phục được yêu cầu là để đạt được những nhiệm vụ quốc gia. Các cá nhân của xã hội hy sinh những mục tiêu, những mục đích, những kế hoạch, những ước mơ của riêng mình. Những điều đó là hạn hẹp, trần tục, và nhỏ nhen. Những người lãnh đạo chính trị vĩ đại khiến những thành viên khác trong xã hội tuân theo một kế hoạch và mục đích cao hơn, cái mà họ cho là thấy rõ thông qua trực giác và hiểu biết rằng những người bình thường không thể lĩnh hội hay nắm bắt. Do đó, họ được kỳ vọng tuân phục những mệnh lệnh của những người lãnh đạo đó trong việc phục vụ một hệ thống thứ bậc của các kết quả được áp đặt mà với nó, họ phải hy sinh những kế hoạch và mục đích cá nhân. Trong xã hội của những anh hùng của Sombart, các quy tắc, mà dựa vào đó công dân giờ đây hành động, là phụ thuộc vào kết quả. Đó là, các quy tắc và quy định pháp lý - mà dựa vào đó con người được sinh ra - điều khiển họ hành động và tương tác theo những cách có ý nghĩa đảm bảo các kết quả cụ thể. Các hành động của công dân được thực hiện để đi theo các con đường dẫn tới các kết quả mà những người lãnh đạo chính trị xem là hình trạng mong ước cho xã hội. Có cách nào khác để có thể đảm bảo rằng các hành động của tất cả mọi người đi theo chiều hướng được yêu cầu bởi tiếng gọi tới sự vĩ đại của quốc gia? Cần rõ rằng điều này đòi hỏi sự thủ tiêu tự do hành động, tự do lựa chọn và tự do quyết định của riêng cá nhân. Anh ta được làm thành công cụ cho những kết quả của người khác. Anh ta phục vụ cho những kết quả mà người đó giao cho, mà không phải của riêng mình. Cũng cần rõ rằng đây là lý do tại sao những người mong muốn giao những mục đích và tiếng gọi cao hơn cho xã hội có xu hướng nghi ngờ và thường có thái độ thù nghịch một cách tích cực với kinh doanh tự do và kinh tế thị trường. Bản chất của mọi loại chủ nghĩa tập thể, dù nó được gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa quốc xã, hay trạng thái phúc lợi theo chủ nghĩa can thiệp, là mong muốn và ý định áp đặt lên xã hội một thiết kế được cơ cấu về mặt chính trị mà với nó, tất cả mọi người được kỳ vọng, và nếu cần, bị cưỡng chế để tuân theo. Adam Smith, trong cuốn sách đầu tiên của ông, "Lý thuyết về Các tình cảm Đạo đức" ("The Theory of Moral Sentiments"), nói tới kỹ sư xã hội như một "người của hệ thống" người nhìn vào xã hội như thể nó là một bàn cờ khổng lồ mà trên đó anh ta di chuyển các quân cờ người cho đến khi mô hình tổng thể được tạo ra là cái mà anh ta ưa thích. Cái mà người của hệ thống hoàn toàn không đếm xỉa là mỗi quân cờ người trên bàn cờ xã hội có ý chí, những ước nguyện, những mong muốn, những ước mơ, những mục tiêu, những giá trị, những niềm tin của riêng mình, thúc đẩy những biến chuyển của riêng người đó độc lập với bất kỳ nỗ lực mà với nó, kỹ sư xã hội điều khiển và đặt định nơi chốn và vị trí của người đó trong xã hội. Quyền sở hữu mang lại sự tự trị Chủ nghĩa tự do cổ điển luôn nhấn mạnh sự kết nối không thể tách rời giữa tự do cá nhân và quyền sở hữu tư nhân. Một phần, nó dựa trên ý tưởng về công lý: rằng cái mà một người sản xuất ra một cách lương thiện và hòa bình thông qua những nỗ lực của riêng anh ta, hay cái mà anh ta có được thông qua các hoạt động trao đổi tự nguyện với những người khác, phải được xem là của anh ta một cách hợp lẽ. Trong trường hợp sở hữu tư nhân được tạo ra trên cơ sở về tính hiệu quả công lợi: khi con người biết rằng những phần thưởng từ công việc của họ thuộc về họ, họ có các động cơ và sự thúc đẩy để vận dụng năng lực của mình theo những cách hiệu quả và sáng tạo. Nhưng thêm vào đó, người theo chủ nghĩa tự do cổ điển bảo vệ định chế của sở hữu tư nhân bởi vì nó cung cấp cho cá nhân một mức độ tự trị khỏi quyền lực có tiềm năng bị lạm dụng. Sở hữu tư nhân cho cá nhân một phạm vi, hay một khu vực, mà ở đó anh ta có khả năng hình thành và thiết kế cuộc sống riêng của mình, tự do khỏi sự kiểm soát của vũ lực chính trị. Là chủ sở hữu tư nhân của một số phương tiện sản xuất - ngay cả khi nó chỉ là công sức của riêng anh ta - anh ta có thể tìm kiếm lao động cho bản thân mà anh ta xem là hấp dẫn nhất và có lời nhất, dựa trên những mục đích và kế hoạch cá nhân của mình. Một cộng đồng các cá nhân, mà mỗi người trong đó sở hữu các loại tài sản khác nhau mà anh ta tự do vận dụng và tận dụng theo những cách khác nhau, cung cấp một mạng lưới các mối quan hệ tiềm năng về sản xuất, buôn bán và liên kết giữa những người bên ngoài và độc lập với quỹ đạo và sự kiểm soát của chính quyền. Sở hữu tư nhân mang hiện thực vào lý tưởng về tự do cá nhân. Các mạng lưới liên kết tự nguyện, hòa bình và riêng tư tạo nên các thành tố của cái gọi là "xã hội dân sự." Chúng là những "định chế trung gian" đứng giữa quyền lực của nhà nước và cá nhân riêng lẻ, tách biệt; chúng cung cấp hỗ trợ và trợ giúp cho cá nhân trong các nhu cầu kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần của cuộc sống. Nhưng chúng cũng mang sự bảo vệ và sức mạnh đến cho cá nhân đơn độc, người phải một mình đối mặt với quyền lực của chính quyền. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi quyền lực và phạm vi xâm nhập của chính quyền càng mở rộng tới những công việc của công dân, thì nhà nước càng nỗ lực theo nhiều cách khác nhau để phá hủy và thay thế các định chế liên kết tự nguyện của xã hội dân sự bằng các cấu trúc hành chính của riêng nó. Các định chế trung gian của xã hội dân sự bị làm suy yếu hoặc loại bỏ khiến cho cá nhân ngày càng phụ thuộc vào tính thất thường và sự ban phát của những người quản lý các cơ quan chính quyền. Anh ta trở thành con tốt trong tay của những người của hệ thống - những người mà Adam Smith cảnh báo chúng ta chống lại. Ở nơi pháp trị được thực hành và tôn trọng, những năng lượng sáng tạo của con người được giải phóng. Mỗi người được tự do tận dụng tri thức của riêng mình cho những mục tiêu của riêng anh ta, nhưng chính bản chất của kinh tế thị trường tự do là anh ta phải vận dụng tri thức và khả năng của mình theo những cách phục vụ các kết quả của những người khác trong xã hội. Vì không ai có thể đạt được tất cả những mục tiêu của cuộc đời-ngoại trừ những mục tiêu đơn sơ và cơ bản-bằng sự lao động và các tài nguyên cá biệt của riêng mình hay có thể nằm trong sự sở hữu và kiểm soát của mình, [cho nên,] anh ta phải thiết lập các mối quan hệ trao đổi với những người khác trong xã hội. Con người trở nên chuyên môn hóa trong việc sản xuất những thứ mà vì nó, họ có lợi thế so sánh với những láng giềng của mình để mở rộng cơ hội buôn bán với những người khác trong cộng đồng đang phát triển. Tính tương thuộc mà một sự phân công lao động tạo ra làm cho mỗi thành viên của xã hội ngày càng có ý thức rằng anh ta phải phục vụ những người bạn để hoàn tất những kết quả của riêng mình. Các cá nhân trên bàn cờ xã hội vĩ đại di chuyển chính mình quanh việc tạo lập các kết nối, các mối quan hệ, và các liên kết với những người khác xung quanh mình khi họ khám phá các cơ hội cho sự cải tiến hỗ tương. Các mô hình được định hình; các hình trạng của sự tương liên được định dạng. Nhưng các mô hình này không được lập kế hoạch hay thiết kế; chúng nổi lên từ các mối quan hệ mà con người lựa chọn thiết lập giữa họ với nhau, mà không có ý định có ý thức về việc sản sinh ra nhiều trật tự và cấu trúc định chế do các tương tác thị trường hay xã hội của họ. Như Hayek đã chỉ ra, từ những tri kiến của các nhà kinh tế chính trị của thế kỷ 18, trật tự xã hội phát triển đến một mức độ kỳ vĩ là "các kết quả của hành động con người, mà không phải của thiết kế của con người." [20] Và, như Hayek nhấn mạnh, tất cả [những điều này] mang lại kết quả tốt hơn. Tại sao? Bởi các mô hình xã hội mới nổi, cùng trật tự, và các sắp đặt định chế kết hợp tri thức, khả năng và tính sáng tạo của vô số những người tham gia. Không một trí tuệ đơn lẻ hay một nhóm trí tuệ nào - bất kể thông thái và có ý định tốt ra sao - có thể biết, hiểu, và nhận thức đúng đắn tất cả tri thức, tri kiến, và khả năng rời rạc - tồn tại như tri thức phân chia và khả năng sáng tạo trong tâm trí của tất cả các thành viên của loài người như một toàn thể. Nếu tất cả những gì mà một người biết, rằng anh ta có thể làm hay có thể tưởng tượng, là để được tận dụng hoặc phát huy cho những điều tốt đẹp chung của loài người, thì mỗi cá nhân phải được tự do sử dụng những gì mình biết, và làm những gì mình muốn, theo thiết kế của riêng mình. Điều làm kỹ sư xã hội khó chịu là khi anh ta nhìn quanh xã hội tự do [và thấy] nó có vẻ là một thế giới không có một "kế hoạch," mà là một mớ lộn xộn của những hỗn loạn xã hội. Cái mà một người theo chủ nghĩa tự do cổ điển nhìn là một thế giới với vô số kế hoạch, mỗi kế hoạch là một kế hoạch được đưa ra bởi một cá nhân cho cuộc sống của riêng mình. Thế giới này có trật tự, có mô hình, có cấu trúc, nhưng trật tự, mô hình và cấu trúc được sinh ra từ các mối tương liên mà các cá nhân tạo lập giữa họ với nhau thông qua các mối quan hệ thị trường và xã hội tự nguyện. Pháp trị cung cấp các quy tắc xã hội của con đường trên đó các cá nhân có thể di chuyển tự do theo cách họ thấy thích hợp. Các quy tắc cho xã hội tự do khá đơn giản và rõ ràng: không được giết người, không được ăn cắp; không được làm chứng gian dối - không giả trá hay lừa gạt trong các mối quan hệ với những người khác. Ngoài những loại quy tắc đơn giản này, mỗi cá nhân được tự do theo lương tâm và thị hiếu của riêng mình trong mọi vấn đề khác. Một thế giới vô pháp luật Thế giới mà chúng ta sống ngày nay ngày càng trở nên là một thế giới vô pháp luật, nếu chúng ta hàm ý vô pháp luật là những tình huống mà ở đó pháp trị không được tôn trọng hoặc thậm chí không được hiểu biết. Pháp luật, trong thực tiễn, ngày càng phụ thuộc vào kết quả trong mục đích và sự áp dụng của nó. Một số người trong xã hội không thích mô hình của sự chia sẻ thu nhập tương đối, được hình thành từ các tương tác giữa người sử dụng lao động và người lao động, nên họ sử dụng quyền lực của nhà nước để tái phân phối thu nhập và sự giàu có theo quan niệm của họ về công lý và công bằng về vật chất. Những người khác không chấp thuận rằng một số người trong xã hội thích - phải nói là khoái - hút thuốc, đặc biệt khi họ đang uống một ly rượu và sau một bữa ăn, nên họ hạn chế hay gia tăng cấm các tiệm tư nhân thiết lập các quy tắc riêng của mình trên cơ sở xem xét sự ưa thích và mong muốn của các khách hàng. Họ thực hiện điều này bằng cách cấm hoàn toàn việc hút thuốc ở những nơi mà họ tuyên bố là "công cộng." Còn có những người khác cho rằng không thể tin tưởng là công dân có thể tạo ra những quyết định đủ khôn ngoan liên quan đến kế hoạch nghỉ hưu hay bảo hiểm y tế toàn diện của mình, nên họ ban hành các đạo luật và các quy định áp đặt các quy tắc đảm bảo cho sự tạo ra các mô hình, mà kỹ sư xã hội ưa thích, cho hành vi xã hội như thế lên bộ phận những người mà lựa chọn và quyết định của họ được kỹ sư xã hội xem là ít sáng suốt hơn so với của anh ta. Để đảm bảo, theo cách nói thông thường, rằng sẽ "không có trẻ em nào bị bỏ lại đằng sau,"[1] các kỹ sư xã hội đang áp đặt nhiều quy định liên bang hơn lên những tiêu chuẩn cho giáo dục tại các trường học trên các tiểu bang, để nhân rộng một mô hình riêng lẻ về việc học tập và đo lường sự thành công của nó mà tất cả các định chế giáo dục và trẻ em buộc phải tuân theo. Một trong những đóng góp mang lại cho Hayek giải Nobel về kinh tế là sự nhắc nhở sáng suốt rằng sự cạnh tranh có thể và nên được xem là quá trình khám phá, thông qua đó, mỗi người chúng ta khám phá tiềm năng và khả năng trong sự đua tài trên thị trường. Thực vậy, Hayek nói, trong quá trình cạnh tranh, con người được kích thích thấy họ có thể thúc đẩy bản thân và các khả năng của mình tiến xa đến chừng nào, những ý tưởng mới và những sáng kiến quan trọng gì họ có thể đạt đến và những vai trò và vị trí hiệu quả và giá trị nhất của họ có thể là gì trong hệ thống xã hội phân công lao động vì lợi ích chung cho tất cả. [22] Làm sao điều này có thể diễn ra trên lĩnh vực trọng yếu của việc phát kiến những cách mới và tốt hơn trong việc giáo dục thanh niên, khi những người của hệ thống, các kỹ sư xã hội, ở Washington, D.C., ngày càng quốc gia hóa nội dung và hình thức học tập trong tất cả các trường học khắp cả nước? Xu hướng cuối cùng của chiều hướng này là một nỗi sợ hãi đang gia tăng rằng nền kinh tế toàn cầu mới đe dọa sinh kế và các tiêu chuẩn vật chất cho cuộc sống của người dân Hoa Kỳ. Một dàn hợp xướng của các nhóm lợi ích đặc biệt và những tinh hoa trí thức đang cảnh báo rằng các cơ hội đầu tư và nhiều công việc được trả lương tương đối hậu hĩnh đang mất dần vào tay những quốc gia khác trên thế giới. Họ gợi lên các cảnh tượng ác mộng trong đó người Hoa Kỳ mua mọi thứ từ phần còn lại của thế giới, nơi nhân công rẻ hơn và chi phí sản xuất thấp hơn nhiều, và rằng Hoa Kỳ bị bỏ lại không còn gì để sản xuất ở trong nước. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ để lại cho Hoa Kỳ một vùng đất cằn cỗi của nghèo đói và sự phụ thuộc vào các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và các dịch vụ nhân công bên ngoài được cung cấp bởi Ấn Độ. Điều chúng ta đang nghe là phiên bản thế kỷ 21 của những gì diễn ra vào đầu thế kỷ 19, Luddites, người ở thời kỳ đó đã rung chuông cảnh báo rằng cuộc cách mạng công nghiệp sẽ sớm dẫn đến thất nghiệp cho số đông vì kỷ nguyên máy móc nổi lên đã làm nhân công trở nên thừa thãi. Kỷ nguyên máy móc công nghiệp đã thực sự dẫn tới sự thay thế nhiều loại nhân công. Nhưng điều này đã giải phóng cho 10 triệu đôi tay để sau đó làm công việc khác mới mẻ với sự trợ giúp của nhiều công cụ tốt hơn, để chất lượng, chủng loại và số lượng hàng hóa và dịch vụ sẵn có được mở rộng ra ngoài bất cứ phạm vi nào mà người ta có thể tưởng tượng ra vào thời kỳ đó. Tiêu chuẩn sống hiện đại của chúng ta đã bắt đầu với cách mạng công nghiệp và kỷ nguyên máy móc được mở ra từ cuộc cách mạng đó. Sau hàng ngàn năm nghèo đói khủng khiếp, ngày càng nhiều bộ phận của thế giới bắt đầu gia nhập và đuổi bắt phương Tây về các tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống. Chúng ta nên hoan nghênh điều này như một trong những giờ phút vĩ đại nhất của con người trong sự tồn tại lâu dài của mình trên trái đất này. Sự biến đổi vĩ đại này, tất nhiên, sẽ mang lại những thay đổi, thậm chí những thay đổi đột ngột, trong cấu trúc và các mô hình của hệ hống phân công lao động toàn cầu, khi hàng tỷ người trên các lục địa khác tìm kiếm những nơi hiệu quả hơn và có lời hơn trong mạng lưới thương mại và công nghiệp của thế giới. Vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới Chắc chắn rằng, vai trò và vị trí của Hoa Kỳ trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu cũng sẽ thay đổi. Một số ngành công nghiệp và các khu vực dịch vụ sẽ thu nhỏ lại hoặc được thay thế hoàn toàn bởi các nhà sản xuất và các nhà cung cấp trong các bộ phận khác của thế giới. Nhưng thương mại là con phố hai chiều. Nhập khẩu được thanh toán nhờ xuất khẩu. Trên thực tế, lý do duy nhất một quốc gia xuất khẩu bất cứ thứ gì là để sử dụng việc buôn bán ngoài nước như phương tiện cho việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ có thể được mua từ nước ngoài ít đắt đỏ hơn so với khi chúng được sản xuất ở trong nước. Thay vào đó, các ngành công nghiệp và các khu vực dịch vụ khác sẽ nổi lên hoặc mở rộng ở Hoa Kỳ, khi các công dân của Hoa Kỳ khám phá trên vũ đài thương mại và cạnh tranh quốc tế những nơi tốt hơn và hiệu quả hơn để phục vụ cho những láng giềng ở trong nước và những người bạn của họ trên thế giới. Khi thế hệ kế tiếp nhìn trở lại thời kỳ của chúng ta, giả sử, 25 năm kể từ nay, họ sẽ có thể thấy các quá trình của thị trường mà với nó, các mô hình và các mối quan hệ thương mại mới nổi lên và định hình. Và họ sẽ thấy những cải tiến và những lợi ích là kết quả của các quá trình này theo cách chúng ta không thể tưởng tượng hơn so với những người sợ hãi kỷ nguyên máy móc trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 19 có thể tưởng tượng, về những cải tiến kỳ diệu trong điều kiện của con người mà có thể thấy được khi một người nhìn lại đầu thế kỷ 20. Chúng ta không bao giờ có thể sở hữu tri thức của ngày mai vào hôm nay. Chúng ta không bao giờ có thể biết những phát kiến, những ý tưởng sáng tạo, và những cải tiến hữu dụng gì sẽ được sinh ra trong tâm trí của những người tự do trong những năm tới. Đó là lý do tại sao chúng ta phải để con người và tâm trí của họ được tự do. Con người của hệ thống, kỹ sư xã hội, chỉ thấy những vấn đề hiển nhiên từ những thay đổi toàn cầu, muốn lập kế hoạch cho vị trí của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu mới đang nổi lên. Nhưng để làm vậy, anh ta phải giới hạn và trói buộc tất cả chúng ta theo cách tâm trí anh ta cho là có thể, có lợi, và đáng mong muốn từ viễn tượng hẹp hòi với tri thức mà anh ta sở hữu hiện tại. Kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô Viết có thể dường như bị quăng vào sọt rác lịch sử (theo lối nói của người theo chủ nghĩa Marx), nhưng trên thực tế, ý tưởng bên dưới vẫn sinh động và hay ho [đối với nhiều quốc gia] trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Những tinh hoa trí thức và những thành phần đa số trong các cuộc bầu cử không chỉ không thừa nhận các quyền cá nhân của những người khác được sống cuộc sống của mình theo những cách lựa chọn riêng, mà họ thậm chí càng không biểu lộ sự bao dung cho bất cứ pham vi khác biệt về quan điểm và hành động. Họ kiên quyết lập kế hoạch cho cuộc sống và tương lai của chúng ta - và, thực vậy, thậm chí cả cho tư tưởng của chúng ta trong thời đại ngày càng chống đối sự tự do. [24] Leonard Read, người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của FEE, đã viết một cuốn sách với tiêu đề "Bất cứ điều gì [miễn là] hòa bình" ("Anything That's Peaceful"). [25] Trong đó, ông nói rằng nếu chúng ta muốn giành lại sự tự do mà chúng ta đã đánh mất, và áp dụng đầy đủ và nhất quán nền pháp trị, một cơ chế mà một thời là sự bảo hộ cho quyền tự do và sự tự do kinh doanh của chúng ta, thì chúng ta phải khơi lại trong đồng bào của chúng ta sự hiểu biết về tự do, pháp trị và trách nhiệm bản thân cá nhân. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trừ khi mỗi người chúng ta sẵn lòng tham gia vào quá trình tự giáo dục trong đó chúng ta trở nên hiểu biết về tự do và sự đối lập của nó. Và chúng ta phải đủ quyết tâm và can đảm để bảo vệ một cách nhất quán tự do, trách nhiệm bản thân và tất cả những nội hàm của chúng. Mỗi người chúng ta, Leonard Read viết, phải trở thành những ngọn nến của tự do trong bóng tối của những ý tưởng về chủ nghĩa tập thể. Mỗi người chúng ta càng soi sáng qua sự hiểu biết và khả năng diễn đạt ý nghĩa của tự do chừng nào, chúng ta sẽ càng trở thành những ngọn hải đăng để có thể thu hút những người khác chừng đó. Trích dẫn một tục ngữ Anh cũ, Read nhắc nhở chúng ta rằng đó là ánh sáng tạo ra con mắt và khả năng tri kiến. Không ai trong chúng ta, những người quan tâm tới tự do với một lương tâm thanh thản có thể tránh được trách nhiệm trong vấn đề này. Tôi sẽ khép lại bài viết với những lời của kinh tế gia người Áo Ludwig von Mises, một trong những ngọn đèn sáng nhất và vĩ đại nhất vì dân chủ trong thế kỷ 20: "Mọi người mang một phần của xã hội lên đôi vai của mình, không ai được những người khác giảm nhẹ phần trách nhiệm. Và không ai có thể tìm ra con đường an toàn cho bản thân nếu xã hội đang hướng tới sự hủy diệt... Điều cần thiết để chặn lại xu hướng tiến tới chủ nghĩa xã hội và chế độ chuyên quyền là lẽ thường và lòng can đảm đạo đức." [26] Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, April 2015 Nguồn: http://fee.org/freeman/detail/free-markets-the-rule-of-law-and-classical-liberalism Cước chú của tác giả 1. Lord Acton, "The History of Freedom in Antiquity" [1877], reprinted in Selected Writings of Lord Action: Essays in the History of Liberty (Indianapolis: Liberty Classics, 1985) p. 7. 2. Ibid. p. 22. 3. Ludwig von Mises, Liberalism: The Classical Tradition (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1996 [1927]), pp. 4, 52-55; Ludwig von Mises, Human Action: A Treatise on Economics (Irvington-on-Hudson, N.Y. Foundation for Economic Education, 1996), pp. 145-57; Ludwig von Mises, Theory and History: An Interpretation of Socia and Economic Evolution (Auburn, Ala.: Ludwig von Mise Institute, 1985 [1957]), pp. 49-50. 4. J. B. Bury, A History of Freedom of Thought (New York Oxford University Press, 1913). Oliver Brett, A Defense of Lib erty (New York: G. P. Putnam's Sons, 1921), pp. 151-70 Everett Dean Martin, Liberty (New York: W. W. Norton 1930), pp. 193-238; see, also, John Morley, On Compromise (Edinburgh: Keele University Press, 1997 [1877]). 5. Guido de Ruggiero, The History of European Liberalism (Gloucester, Mass.: Peter Smith, 1981 [1927]), pp. 18-19. 6. Albert Venn Dicey, The Law of the Constitution (Indianapolis: Liberty Classics, 1982 [1885; revised ed., 1914]), p. 114 7. Lord Hewart, The New Despotism (London: Ernes Benn, Ltd., 1929), pp. 28-29; Francis W. Hirst, Liberty and Tyranny (London: Duckworth, 1935), pp. 67-74; Richard M Ebeling, "Civil Liberty and the State: The Writ of Habeas Corpus," Freedom Daily (April 2002), pp. 9-15. 8. Dicey, p. 132. 9. F. A. Hayek, The Constitution of Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 1962), pp. 148-61. 10. Geoffrey Brennan and James M. Buchanan, The Reason of Rules: Constitutional Political Economy (Cambridge: Cambridge University Press, 1985), pp. 1-18. 11. Werner Sombart, A New Social Philosophy (Princeton N.J.: Princeton University Press, 1937). 12. Werner Sombart, Handler und Helden: Patriotische Besinnungen (Munich: 1915). 13. Fritz K. Ringer, The Decline of the German Mandarins: The German Academic Community, 1890-1933 (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1969), pp. 183-84; Jerry Z. Muller, The Mind and the Market: Capitalism and Modern European Thought (New York: Alfred A. Knopf, 2002), pp. 256-57. 14. However, on the meaning of "leadership" in a free society, see Leonard E. Read, Elements of Libertarian Leadership (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1962); and The Coming Aristocracy (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1969). 15. Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments (New Rochelle, N.Y.: Arlington House, 1969 [1759]), pp. 242-43. 16. Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy, or the Production, Distribution, and Consumption of Wealth (New York: Augustus M. Kelley, 1971 [1821]), pp. 127-32; William Huskisson, Essays on Political Economy (Canberra: Australian National University, 1976 [1830]), pp. 45-64; Frédéric Bastiat, Economic Harmonies (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand, 1964 [1850]), pp. 199-235; John R. McCulloch, The Principles of Political Economy, with Some Inquiries Respect-ing their Application (New York: Augustus M. Kelley, 1965 [1864]), pp. 25-36. 17. For recent statements of this idea, see, James M. Buchanan, Property as a Guarantor of Liberty (Brookfield, Vt..: Edward Elgar, 1993); Tom Bethell, The Noblest Triumph: Property and Prosperity through the Ages (New York: St. Martin's Press, 1998); and Richard Pipes, Property and Freedom (New York: Alfred A. Knopf, 1999). 18. Edward Shils, "The Virtue of Civil Society," Government and Opposition, Winter 1991, pp. 3-20, and Robert Nisbet, Twilight of Authority (New York: Oxford University Press, 1975); also, Richard M. Ebeling, Austrian Economics and the Political Economy of Freedom (Northhampton, Mass.: Edward Elgar, 2003), Chapter 6: "Classical Liberalism and Collectivism in the 20th Century," pp. 159-78, especially, pp. 168-72. 19. Adam Smith, The Wealth of Nations (New York: The Modern Library, 1937 [1776]), Book I, Chapters 1-3, pp. 3-21; Mises, Human Action, pp. 143-76. 20. Friedrich A. Hayek, "The Results of Human Action, but not of Human Design" [1967] in Studies in Philosophy, Politics and Economics (Chicago: University of Chicago Press, 1967), pp. 96-105; reprinted in Richard M. Ebeling, ed., Austrian Economics: A Reader (Hillsdale, Mich.: Hillsdale College Press, 1991), pp. 134-49. 21. Hayek, The Constitution of Liberty, pp. 22-38. 22. Friedrich A. Hayek, "Competition as a Discovery Procedure" [1969] in New Studies in Philosophy, Politics, Economics and the History of Ideas (Chicago: University of Chicago Press, 1978), pp. 179-90; and Thomas Sowell, Knowledge and Decisions (New York: Basic Books, 1980). 23. Richard M. Ebeling, "Globalization and Free Trade," The Freeman, April 2004, pp. 2-3; on this general theme of the benefits from freedom of trade and its continuing importance today, see Richard M. Ebeling, Austrian Economics and the Political Economy of Freedom, Chapter 10, "The Global Economy and Classical Liberalism: Past, Present and Future," pp. 247-81; and on related aspects of the same issue, Richard M. Ebeling and Jacob G. Hornberger, eds., The Case for Free Trade and Open Immigration (Fairfax, Va.: Future of Freedom Foundation, 1995). 24. David Henderson, Anti-Liberalism, 2000 (London: Institute of Economic Affairs, 2001), and David E. Bernstein, You Can't Say That! The Growing Threat to Civil Liberties from Antidiscrimination Laws (Washington, D.C.: Cato Institute, 2003). 25. Leonard E. Read, Anything That's Peaceful (Irvingtonon-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1964). 26. Ludwig von Mises, Socialism: An Economic and Sociological Analysis (Indianapolis: Liberty Classics, 1981 [1951]), pp. 468-69, 540. [1] No Child Left Behind là một đạo luật về giáo dục của Liên bang của Hoa Kỳ, được ban hành dưới thời Tổng thống George W. Bush năm 2002. Tất cả mọi tiểu bang đều phải tuân theo luật này. Theo luật này học sinh tiểu học và trung học ở Hoa Kỳ phải trải qua nhiều kỳ thi "tiêu chuẩn" để bảo đảm là học sinh đạt đến mức khá và xuất sắc. Đạo luật sau khi thi hành bị chỉ trích từ mọi phía và gần đây chính phủ Obama đã đồng ý cho 10 tiểu bang khỏi bị đạo luật này ràng buộc. Hiện nay đề nghị mới của Liên bang là "Tiêu chuẩn Cốt lõi Chung" (Common Core Standard). Sau khi đưa vào thực hành Tiêu chuẩn này cũng đang bị chỉ trích từ nhiều phía (ghi chú của HVCD).

Đừng Sợ: Lòng Can Đảm và Những Nguyên Tắc Đạo Đức Công Dân Clarence Thomas Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

Lời Giới Thiệu: Bài viết sau đây được trích từ diễn văn của Clarence Thomas, Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao, đọc ngày thứ Ba mùng 6 tháng 2 năm 2001 trong bữa dạ tiệc hàng năm tại Học viện American Enterprice, nơi ông nhận lãnh giải thưởng Francis Boyer. Alexander Hamilton[1] đã viết trong Luận cương Liên bang số 78 "Các quan tòa cần phải có một nghị lực phi thường để làm tròn bổn phận là người bảo hộ trung tín của Hiến Pháp hầu chống lại sự lạm quyền của cơ quan lập pháp, một sự lạm quyền dựa vào tiếng nói đa số của cộng đồng." Điểm này hiếm khi được chú trọng. Đức tính mà Hamilton chọn ra, nghị lực, là căn bản cho triết lý sống của tôi cả trong cương vị của một quan tòa, và căn bản hơn nữa là trong cương vị một người công dân của đất nước tuyệt vời này. Ngày 1 tháng 7 năm 1991, khi tôi đến nhà Tổng Thống Bush ở Kennebunkport, ông mời tôi vào gặp trong phòng riêng. Trong suốt lần gặp ngắn ngủi đó, ông chỉ hỏi tôi hai điều. Thứ nhất, liệu tôi và gia đình có chịu đựng nổi [áp lực] trong quá trình xác minh lý lịch? Tôi đã trả lời: được, tuy chưa biết điều gì đang chờ đón. Câu hỏi thứ hai chỉ đơn giản rằng khi tôi trở thành một thẩm phán của toà án tối cao, không biết tôi có thể thấy sao thì nói vậy, cũng như không biết tôi có thể phán quyết theo luật pháp chứ không phải theo quan điểm cá nhân ? Về câu hỏi này, tôi cũng trả lời: được. Trong một thế giới hoàn hảo, câu hỏi thứ hai này sẽ là câu hỏi duy nhất mà các thành viên tòa án tối cao phải trả lời cho tổng thống hoặc cho các nhà lập pháp, là những người quyết định sự bổ nhiệm của họ. Các quan tòa, sau đó có thể tập trung năng lực vào thực chất của những quyết định của họ, đó là những điều chiếm hữu hầu hết trí tuệ hay tâm hồn của bất cứ một ai... Tôi mong rằng nó chỉ đơn giản như vậy. Theo thiển ý, những người đến để tham dự vào những cuộc tranh luận quan trọng và những người dám thách thức những kinh nghiệm đã được thừa nhận nên biết rằng mình sẽ bị xử tệ. Tuy nhiên, họ phải đứng vững, phải kiên cường. Đó là điều cần thiết, đó là một thái độ phải có, vì đó chính là sự dũng cảm cần thiết để bảo đảm tự do. Không cần được nhắc, chúng ta cũng biết phải tham gia vào quốc sự nếu thấy rằng những công việc ấy quan trọng và có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Nhưng ta sẽ tham gia bằng cách nào? Ngày nay ta nghe nói nhiều đến sự ôn hòa. Điều này nhắc tôi nhớ về một đồng nghiệp cũ tại EEOC,[2] người thường nói đùa rằng anh ta là một người "ôn hòa nhưng có súng," thật là một cách biểu thị mâu thuẫn lạ lùng. Hãy nghĩ về điều ấy xem-cứ như là liều chết vì những chuyện không đáng... Trên bình diện rộng, khuynh hướng này là kết quả của sự quá chú trọng về phương diện lịch sự. Không ai trong chúng ta có thể tỏ ra bất lịch sự khi tranh luận về những vấn đề quan trọng. Bất kể khó khăn đến đâu, thái độ lịch sự luôn cần thiết. Tuy nhiên, trong sự cố gắng cư xử cho lịch sự, nhiều người nghĩ rằng tốt hơn hết là làm dịu bớt những quan điểm cứng rắn của mình và tránh bị nhận xét là người hay chỉ trích. Họ kiềm chế lời nói của họ, không phải chỉ ở hình thức mà còn ở nội dung. Sự đòi hỏi thái độ lịch sự khi tranh luận có một tác dụng sai lầm là làm hủy hoại hết những nguyên tắc của chúng ta, những nguyên tắc căn bản của một xã hội dân sự. Điều này cho thấy tại sao lịch sự không thể là một nguyên tắc chủ đạo của tính cách công dân hay sự lãnh đạo. Như (Gertrude) Himmelfarb đã nhận định trong cuốn sách của bà, cuốn Một Quốc gia, Hai Văn hóa (One Nation, Two Culture): "So sánh tính cách công dân với ý tưởng hiện đại về lịch sự, tức là để đạt những mối giao hảo êm đẹp, là xem thường không những vai trò chính trị của công dân mà còn là coi thường những đức tính mà người công dân phải có, những đức tính công dân đã được biết đến trong thời cổ đại và trong những ý tưởng cộng hoà thuở ban đầu." Đây là những đức tính mà Aristotle cho rằng cần thiết để sống như một người tự do, những đức tính mà Montesquieu đã so sánh như " Cái lò xo thúc đẩy sự hoạt động của một chính quyền cộng hòa," và là những điều mà tư tưởng của các vị khai sáng nước Mỹ đã tạo nên một sự kết hợp sinh động giữa niềm tin sâu xa và kỷ kuật tự giác, những điều cần thiết của một chế độ do chính mình cai trị. Himmelfarb nhắc đến hai loại đức tính. Loại thứ nhất là lòng nhân ái nhu thuận. Chúng gồm có sự khả kính, sự khả tín, lòng trắc ẩn, tính công bằng, sự lễ độ. Đây là những đức tính khiến đời sống hàng ngày được êm đẹp bên gia đình và bên những người quen biết. Loại thứ hai là những đức tính cương mãnh. Những đức tính cương mãnh này vượt qua khuôn khổ gia đình và cộng đồng và không chừng, khi có dịp, sẽ xâm phạm đến các tập quán của phép lịch sự. Đây là những đức tính định hình những vị lãnh đạo tài ba, tuy rằng họ không nhất thiết là những người bạn tốt: những người dũng cảm, hoài bão chí lớn và có óc sáng tạo. Tác giả ghi chú rằng đức tính cương mãnh đã từng bị đức tính nhu thuận kia thay thế, dẫu rằng những đức tính này không nhất thiết hoàn toàn tách biệt hoặc xung khắc với nhau. Những nhà lãnh đạo và những công dân tích cực phải được hướng dẫn hành động bởi đức tính cương mãnh hơn là bởi đức tính quan tâm. Ta không nên để cho ước muốn trở thành người tử tế và lịch thiệp áp đảo cái bản chất thực của các nguyên tắc, hoặc quyết tâm của ta nhằm bảo vệ những nguyên tắc này. Rốt cuộc, thì ta vẫn nên dùng cả hai đức tính nhu thuận và cương mãnh. Nhưng trên hết, không được để đức tính thứ nhất thống trị đức tính thứ hai. Thêm nữa, khi chấp nhận cái hình thức giả tạo của lịch sự, thỉnh thoảng chúng ta đã để những lời phê phán hăm dọa mình. Như tôi đã nói, những sự công kích bỉ ổi thường nhắm vào người năng động. Họ bị gán cho những phẩm chất như độc ác, phân biệt chủng tộc, kỳ thị màu da, chống đối đồng tính luyến ái, hạ phẩm giá phụ nữ, vân vân...Vì thế chúng ta thường phản ứng, nếu không là chịu thua, thì cũng là không dám liên tục chống đối, để tỏ ra mình là người vô tư. Vậy là ta đã tự kiểm duyệt chính mình. Điều này không phải là văn minh. Nó là sự hèn nhát hoặc cố ý dối lòng. Immanuel Kant đã cho thấy, để thoát khỏi cảm giác xấu hổ hoặc tự khinh, ta phải học cách lừa dối chính ta. Sự lừa dối này tạo thành một chướng ngại đáng sợ cho những hoạt động vì sự thật. Và một trong những thành quả tuyệt diệu nhất của con người là đập tan những điều dối trá đó. Ta đã từng biết dù cho sự thật rành rành, việc tự dối lòng vẫn dễ dàng làm sao! Hãy lắng nghe những sự thật đang hiện hữu trong trái tim ta và đừng sợ khi đi theo con đường mà chân lý dẫn dắt. Hai chữ nhỏ bé này có một sức mạnh biến đổi được cá nhân và làm thay đổi được thế giới. Hai chữ nhỏ bé này tạo cho ta một quyết tâm và lòng can đảm không cần phải khoa trương nhưng cần thiết để chịu đựng được những mối đe dọa trên đường tranh đấu. Ngày nay ta không hô hào liều mạng chống lại những bạo chúa vô nhân. Nước Mỹ không phải là một quốc gia man rợ. Nhân dân chúng ta không bị đàn áp và cuộc sống của ta không phải đối mặt với những sự đe dọa quốc tế, như đã từng có với Liên bang Xô Viết. Mặc dù cuộc chiến chúng ta đang tham dự là một cuộc chiến văn hóa, chứ không phải cuộc chiến về xã hội dân sự, cuộc chiến này cũng thử thách xem đất nước này, một đất nước được thai nghén trong tự do có thể tồn tại lâu dài hay không. Những lời nói của Tổng thống Lincoln vẫn còn đây: "Chính chúng ta, những người còn sống, chấp nhận hiến thân cho cái nhiệm vụ cao cả còn trước mặt; từ những cái chết vinh quang của những người đã tận tụy và hết lòng phụng sự, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển sự tận tụy ấy; đó là nhiệm vụ mà chúng ta tại nơi đây, kiên quyết tiếp tục để cho những cái chết ấy sẽ không bị lãng phí, để cho quốc gia này, dưới sự che chở của Thiên chúa, sẽ đạt được một nền tự do mới và để cái chính phủ của dân, do dân và vì dân này sẽ không bị hủy diệt trên hoàn cầu." Những vị khai sáng đã cảnh báo chúng ta rằng tự do đòi hỏi ta phải có sự cảnh giác thường xuyên và có hành động liên tục. Chuyện được kể rằng, khi được hỏi những nhà khai sáng đã thành lập nên loại chính quyền nào, Benjamin Franklin trả lời: "Các ông ấy đã cho chúng ta một nước cộng hòa với điều kiện ta có thể giữ được nó." Ngày nay, như từng trong quá khứ, chúng ta sẽ cần một loại đức tính công dân dũng cảm, không phải là loại lịch sự nhút nhát, để giữ gìn được đất nước cộng hòa của chúng ta. Vậy buổi chiều hôm nay tôi xin trao lại các bạn một câu khích lệ đơn giản: Đừng sợ hãi! Xin Chúa phù hộ các bạn. © Học Viện Công Dân 2010 Nguồn: http://www.newtotalitarians.com/ThomasSpeech.html Thời báo Washington: Số ra ngày 16 tháng 2 năm 2001 [1] Alexander Hamilton là một trong 3 tác giả Tuyển tập Luận Cương Liên Bang, gồm 85 bài tham luận nhằm vận động quần chúng phê chuản Bản Hiến Pháp của Mỹ được soạn thảo năm 1787. Hai tác giả khác là James Madison, sau này là tổng thống đời thứ tư của Hoa Kỳ. Luận cương Liên bang được xem là tác phẩm quan trọng về lý thuyết chính trị của chế độ cộng hòa, nói chung và thể chế liên bang, nói riêng. [2] EEOC, viết tắt của Equal Employment Opportunity Commission (Ủy ban Bảo vệ Quyền Bình đẳng Cơ hội về Việc làm) là một cơ quan liên bang của Hoa Kỳ. Ủy ban này được thành lập năm 1964 để giám sát việc thi hành Đạo luật về Dân quyền.

Viết Từ Ngục Birmingham Martin Luther King

Lời Giới Thiệu: Đây là lá thư Mục sư Martin Luther King (MLK) viết từ nhà tù tại Birmingham để trả lời những mục sư da trắng trong Giáo hội Tin Lành về chủ trương và hành động "đấu tranh bất bạo động" cho dân quyền của người Da Đen tại Mỹ. Lá thư viết từ Ngục Birmingham có đầy đủ tính chất của một bài diễn văn tuyệt tác, dù MLK không trình bày bài diễn văn này trước công chúng. * Ngày 16 tháng Tư, năm 1963 Quý vị Mục sư thân mến, Trong lúc này đây, khi tôi đang ngồi trong phòng giam của thành phố Birmingham, tôi đọc được bản tuyên bố gần đây nhất của quý vị cho rằng những hoạt động hiện nay của tôi là "thiếu khôn ngoan" và "không đúng lúc." [Trong công việc hàng ngày,] rất ít khi tôi dừng lại để trả lời những lời chỉ trích về công việc tôi đang làm hay những ý tưởng của tôi. Nếu tôi mà trả lời tất cả những thư từ chỉ trích, thì có lẽ cô thư ký của tôi sẽ chẳng còn thì giờ làm việc gì khác ngoài việc đánh máy thư trả lời suốt ngày, và tôi cũng chẳng còn thì giờ để làm những công việc có tính cách xây dựng. Nhưng vì tôi cảm thấy rằng quý anh em là những người thực sự có thiện ý và những lời chỉ trích của anh em là những lời lẽ chân thành, tôi muốn trả lời thư của anh em bằng những lời lẽ chừng mực và có tình có lý. Tôi nghĩ rằng tôi phải nêu lên lý do tại sao tôi lại có mặt ở Birmingham, vì quý anh em đã bị ảnh hưởng bởi cái quan điểm chống lại "những người ngoài xía vô." Tôi được vinh dự làm chủ tịch của Hội đồng Lãnh đạo Giáo hạt miền Nam, một tổ chức hoạt động trên mọi tiểu bang miền Nam, có trụ sở trung ương tại thành phố Atlanta, bang Georgia. Chúng tôi có khoảng 85 các chi hội trải khắp miền Nam, và một trong những tổ chức này là Phong trào Cơ đốc Đòi Nhân quyền tại Alabama. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với các chi hội những phương tiện tài chánh, giáo dục, và cả nhân sự nữa. Cách đây vài tháng, chi hội Birmingham đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị tham gia vào một chương trình hành động trực tiếp bất-bạo động, nếu tình hình đòi hỏi. Chúng tôi đã sẵn lòng đồng ý tham gia, và khi thời điểm đến, thì chúng tôi thực hiện như đã hứa. Như vậy, tôi, và vài thành viên trong văn phòng của tôi tới đây, vì chúng tôi được mời tới đây. Tôi có mặt ở đây vì tôi có mối quan hệ về tổ chức với chi hội ở đây. Nhưng căn bản hơn, tôi có mặt tại Birmingham bởi vì sự bất công đang diễn ra ở đây. Cũng giống như những nhà tiên tri vào thế kỷ thứ tám trước Thiên Chúa giáng sinh đã bỏ làng mạc của họ và mang theo lời tiên tri "Chúa đã phán rằng" để rao giảng ra ngoài biên giới quê hương của họ, và cũng giống như Thánh tông đồ Phao-lô đã rời bỏ làng Tarsus của mình để rao truyền phúc âm của Chúa Jesus tới tận cùng biên giới của thế giới Hy-La, tôi bị thôi thúc phải rao truyền phúc âm của tự do ra bên ngoài làng mạc của tôi. Cũng như Thánh Phao-lô, tôi phải luôn luôn đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của anh em ở Macedonia. Hơn nữa, tôi biết rõ mối quan hệ hỗ tương giữa tất cả mọi cộng đồng và tiểu bang. Tôi không thể ngồi rỗi ở Atlanta và chẳng hề bận tâm gì đến những chuyện đang xảy ra tại Birmingham. Một sự bất công ở bất cứ nơi nào cũng là mối de dọa đến công lý ở mọi chốn. Chúng ta khi sinh ra đã bị mắc míu vào một mạng lưới hỗ tương không thể nào tránh được, bị dệt chung vào trong cùng một tấm vải của định mệnh. Bất cứ điều gì xảy đến trực tiếp cho một ai cũng đều có ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người. Trong thời đại này, chúng ta không thể sống với cái tư tưởng địa phương, hẹp hòi phân biệt "kẻ khuấy động bên ngoài" với người trong một xứ nữa. Bất cứ ai đang sống trong nước Mỹ không thể bị coi là kẻ lạ tại bất kỳ nơi nào nằm trong vòng biên giới của quốc gia. Quý anh em chê trách cuộc biểu tình diễn ra tại Birmingham. Nhưng trong tuyên bố của anh em, tôi rất tiếc phải nói rằng, đã không thể hiện mối quan tâm một cách tương xứng với điều anh em chê trách; đó là những điều dẫn đến những cuộc biểu tình này. Tôi chắc chắn rằng không một ai trong anh em lại hài lòng với những phân tích xã hội hời hợt chỉ nhìn tới hậu quả mà không chú trọng đến những nguyên nhân cơ bản. Rất tiếc là đã có những cuộc biểu tình diễn ra ở Birmingham, nhưng điều đáng tiếc hơn là hệ thống chính quyền thành phố nằm trong tay những người Da trắng đã khiến cho cộng đồng Da đen không còn lựa chọn nào khác. Trong bất kỳ một chiến dịch bất bạo động nào cũng có bốn bước: thứ nhất, thu thập dữ kiện nhằm xác định quả thật đang có những bất công; thứ hai, đàm phán; thứ ba, tự thanh tẩy; và cuối cùng, hành động trực tiếp. Chúng tôi đã tuần tự đi qua hết bốn bước vừa kể tại Birmingham. Một sự thật không thể chối cãi được là sự bất công chủng tộc đang bao trùm cộng đồng này. Birmingham có lẽ là một trong những vùng có sự tách biệt chủng tộc triệt để nhất tại Mỹ. Cái hồ sơ xấu xí về sự tàn bạo của Birmingham ai ai cũng biết. Những người Da đen đã chịu những sự đối xử cực kỳ bất công nơi tòa án. Rất nhiều vụ ném bom vào nhà và nhà thờ của dân Da đen mà không biết ai là thủ phạm đã xảy ra tại Birmingham nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trong nước. Đó là những sự thật tàn bạo và vững chắc của sự bất công [đang diễn ra tại đây]. Trên căn bản của những điều này, những nhà lãnh đạo Da đen đã tìm cách thương thuyết với các nhà lãnh đạo của thành phố. Nhưng họ đã một mực từ chối thương thảo với thành ý. Thế rồi tháng Chín vừa rồi chúng tôi có cơ hội nói chuyện với những nhà lãnh đạo kinh tế của Birmingham. Trong quá trình đàm phán, những nhà buôn này đã hứa một số điều, thí dụ như là dẹp bỏ những tấm bảng có tính chất lăng mạ sắc tộc treo trước cửa tiệm của họ. Trước những hứa hẹn này, Mục sư Fred Shuttlesworth và các vị lãnh đạo Phong trào Cơ đốc Alabama Đòi Nhân quyền đã đồng ý ngưng tất cả những cuộc biểu tình. Nhưng những tuần và tháng trôi qua, chúng tôi mới thấy mình là nạn nhân của một sự bội ước. Một vài tấm bảng được tháo xuống trong chốc lát, rồi lại được treo lên. Những tấm bảng khác vẫn còn nằm nguyên trước cửa tiệm. Cũng giống như bao nhiêu kinh nghiệm trong quá khứ, niềm hy vọng của chúng tôi bị vỡ tan, và bóng tối của sự thất vọng sâu xa bao trùm lên tất cả mọi người. Chúng tôi không còn cách nào khác hơn là chuẩn bị cho những hành động trực tiếp, để qua đó, dùng chính thân xác chúng tôi làm phương tiện trình bày nguyện vọng của mình trước lương tâm của cộng đồng địa phương và lương tâm của cả nước. Biết trước những khó khăn chờ đợi, chúng tôi quyết định thực hiện một tiến trình tự thanh tẩy. Chúng tôi bắt đầu học tập về đấu tranh bất bạo động, và liên tục tự hỏi chính mình là "Tôi có sẵn sàng chịu sự đánh đập mà không phản ứng không?" "Tôi có sẵn sàng chấp nhận tù đầy chăng?" Chúng tôi quyết định chọn ngày cho chiến dịch hành động trực tiếp vào dịp Lễ Phục Sinh vì ngoài Lễ Giáng Sinh, đây là mùa lễ và dịp mua sắm lớn trong năm. Chúng tôi biết rằng chương trình hành động trực tiếp sẽ có ảnh hưởng phụ đến việc mua bán, cho nên đây là thời điểm tốt nhất để tạo áp lực lên những chủ tiệm nhằm đòi hỏi những đổi thay cần thiết. Nhưng rồi chúng tôi biết được là sẽ có cuộc bầu cử thị trưởng Birmingham vào tháng Ba, thế là chúng tôi quyết định ngưng các hoạt động lại cho đến sau ngày bầu cử. Khi chúng tôi biết được Chủ tịch Ủy ban An ninh Công cộng, ông Eugene "Bull" Connor, có đủ số phiếu để vào vòng bầu cử kỳ hai, chúng tôi lại quyết định dừng các cuộc biểu tình cho đến sau kỳ bầu cử lần thứ hai để khỏi ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Cũng như nhiều người khác, chúng tôi chờ kết quả ông Connor bị thất cử, và chúng tôi đã phải đình hoãn hết lần này sang lần khác. Vì đã tham gia giúp đỡ cho nhu cầu của cộng đồng ở đây, chúng tôi cảm thấy rằng chiến dịch hành động trực tiếp không thể bị đình hoãn nữa. Quý anh em sẽ hỏi rằng: "Tại sao lại hành động trực tiếp? Tại sao lại diễn hành, tại sao lại biểu tình ngồi lì tại chỗ, vân vân? Chẳng phải thương thảo là con đường tốt đẹp hơn chăng?" Các anh em rất có lý khi kêu gọi thương thuyết. Thực ra, đó chính là mục đích của hành động trực tiếp. Hành động trực tiếp bất bạo động là nhằm tạo ra một tình trạng căng thẳng và tạo ra một bước ngoặt khiến cho một cộng đồng đã từng liên tục từ chối thương thuyết phải đối phó và giải quyết vấn đề. Hành động trực tiếp nhằm gây ấn tượng và xúc động mạnh mẽ khiến vấn đề của chúng tôi không còn tiếp tục bị bỏ qua. Khi nói tạo căng thẳng là một mục tiêu của những người tranh đấu bất bạo động, tôi biết có một số anh em sẽ khó chịu. Nhưng tôi phải thú thật là tôi không e ngại gì hết khi dùng đến từ "căng thẳng." Tôi đã từng nhiệt liệt chống lại sự căng thẳng của bạo động, nhưng cũng có một loại căng thẳng bất bạo động có tính chất xây dựng rất cần thiết cho sự trưởng thành. Điều này cũng giống như khi Socrates thấy rằng cần phải tạo ra sự căng thẳng trong tâm trí để người ta có thể vượt lên khỏi sự trói buộc của những điều hoang tưởng và những sự thật nửa vời hầu tiến tới một tâm tư được giải phóng bởi những phân tích sáng tạo và đánh giá khách quan. Vì thế chúng tôi thấy có nhu cầu tạo ra những khó chịu bất bạo động để tạo ra một sự căng thẳng trong xã hội hầu giúp cho ta vượt lên khỏi trũng tối tăm của thành kiến và kỳ thị chủng tộc để tiến tới được đỉnh vinh quang của cảm thông và tình huynh đệ. Mục đích của chiến dịch hành động trực tiếp là tạo ra một tình trạng chứa đầy tiềm năng gây ra khủng hoảng để rốt cuộc sẽ mở ra được cánh cửa thương thảo. Tôi nhất trí với lời kêu gọi thương thảo của anh em. Đã quá lâu rồi miền Nam thân yêu của chúng ta bị sa vào một vũng lầy thê thảm phải sống trong độc thoại chứ không được đối thoại. Một trong những điểm căn bản trong bản tuyên bố của quý anh em là hành động mà tôi cùng những cộng sự viên của tôi đã làm tại Birmingham là không đúng lúc. Có người đã hỏi: "Tại sao các anh không để cho chính quyền mới của thành phố có đủ thì giờ để trả lời?" Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể đưa ra là cái chính quyền mới này cũng phải bị hối thúc liên tục như chính quyền tiền nhiệm, trước khi nó có một hành động nào đó. Chúng tôi đã lầm lẫn một cách tội nghiệp khi cảm thấy rằng sự đắc cử thị trưởng của ông Albert Boutwell sẽ mang lại một kỷ nguyên mới cho Birmingham. Dù ông Boutwell là một người được xem là hòa nhã hơn ông Connor nhiều, cả hai đều là những người theo chủ nghĩa phân cách [chủng tộc], cùng dùng hết sức mình để bảo vệ cho cái tình trạng phân chủng hiện nay. Tôi đã hy vọng là ông Boutwell sẽ là người biết điều để thấy được tính vô vọng của những nỗ lực, dù rất lớn lao, nhằm chống lại tiến trình xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Nhưng ông ấy sẽ không nhận thức được điều này nếu không có áp lực từ phía những người đấu tranh cho dân quyền. Thưa quý anh em, tôi phải thưa với quý anh em rằng chúng tôi chưa đạt được một thành quả đơn độc nào về dân quyền mà lại không sử dụng đến áp lực bất bạo động và những hành động pháp lý kiên quyết. Tiếc thay, có một sự thật lịch sử là những nhóm đặc quyền sẽ chẳng bao giờ tự ý từ bỏ những đặc quyền của họ. Những cá nhân có thể thấy được ánh sáng của đạo đức và tự nguyện từ bỏ địa vị bất công của họ, nhưng cũng như Reinhold Niebuhr đã từng nhắc nhở chúng ta, những nhóm người được hưởng đặc quyền lại thường tỏ ra vô lương hơn những cá nhân rất nhiều. Chúng tôi đã biết qua những kinh nghiệm đau thương rằng tự do chẳng bao giờ được những kẻ đàn áp tự nguyện trao trả mà phải do những người bị đàn áp đòi hỏi. Thực ra, đối với những ai chưa từng bị đau khổ quá mức từ căn bệnh phân biệt chủng tộc, thì chưa bao giờ có một chiến dịch hành động trực tiếp nào mà tôi đã tham gia được xem là "đúng lúc" cả. Hàng bao nhiêu năm qua, tôi đã nghe lời kêu gọi "Đợi đã!" Lời kêu gọi này vang vọng trong tai của mỗi một người Da đen với âm thanh nhức nhối. Lời kêu gọi "Đợi đã" hầu như luôn luôn có nghĩa "Không bao giờ." Chúng tôi phải đến, cùng với một trong những nhà luật học của chúng tôi, đến để thấy rằng "công lý bị đình hoãn quá lâu tức là công lý đã bị phủ nhận." Chúng tôi đã đợi để có cái quyền mà hiến pháp và Thượng Đế ban cho chúng tôi hơn 340 năm qua. Những nước Á và Phi châu đang nhanh chóng giành được độc lập chính trị với vận tốc phản lực, còn chúng tôi vẫn ì ạch bò với tốc độ của chiếc xe thổ mộ ngõ hầu có được một chỗ ngồi uống cà phê tại quầy bán cơm trưa. Có lẽ đối với những người chưa từng chịu những mũi tên nhức nhối của phân chủng thì rất dễ dàng cho họ thốt lên câu "Hãy đợi đã." Nhưng khi quý anh em thấy cha mẹ của mình bị đám côn đồ ác ôn treo cổ bất cứ khi nào chúng thích; thấy anh chị em của mình bị chúng dìm chết dưới nước tùy theo hứng; thấy những cảnh sát viên lòng chứa đầy thù hận chủi bới, đánh đập và ngay cả giết những người anh em da đen của mình; thấy đa số trong số 20 triệu anh em da đen đang bị bóp nghẹt trong cái cũi nghèo khó ngột ngạt của một xã hội giàu có; thấy lưỡi mình líu lại không nói nên lời khi phải giải thích cho đứa con gái sáu tuổi của mình tại sao cháu không được vào khu giải trí công cộng đang được quảng cáo trên TV, và nhìn thấy mắt lệ đoanh tròng của cháu khi biết là khu hội chợ không cho trẻ em da màu vào chơi, và thấy đám mây tự ti mặc cảm làm vẩn đục trí óc ngây thơ, rồi thấy cháu bóp méo nhân cách của mình vì trong vô thức đã trở nên thù hận và cay đắng đối với người da trắng; thấy mình phải bịa ra câu trả lời đứa con trai năm tuổi khi cháu hỏi, "Bố ơi, sao người da trắng đối với người da màu lại ác độc như thế?"; thấy mình phải ngủ lại qua đêm trên băng ghế chật hẹp trong xe trong những chuyến viễn hành vì không một quán trọ nào chịu chứa; thấy mình bị lăng nhục hết ngày này qua ngày khác bởi những tấm bảng "da trắng" và "da màu;" thấy mình bị gọi là "thằng mọi đen" họ "John" và vợ và mẹ của mình không bao giờ được gọi bằng "bà;" thấy mình bị xách nhiễu ngày đêm chỉ vì là người da đen, luôn luôn bất an vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra và bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi tự nội tâm và phẫn uất đối với hoàn cảnh bên ngoài; thấy mình luôn luôn phải chiến đấu với cảm giác mình chỉ là những kẻ thấp hèn, vô dụng--thì quý anh em mới hiểu được tại sao chúng tôi thấy khó mà chờ đợi thêm nữa. Sẽ có lúc khi chén chịu đựng đã đầy tràn và người ta không còn chịu được cảnh bị dìm vào đáy vực của tuyệt vọng. Tôi hy vọng, thưa quý anh em, rằng quý anh em thông cảm được sự thiếu kiên nhẫn hợp pháp và tất yếu phải xảy ra của chúng tôi. Quý anh em đã tỏ ra rất lo âu khi thấy chúng tôi sẵn sàng vi phạm luật pháp. Đó là nỗi lo âu hợp lý. Vì chúng tôi cố gắng khuyên nhủ mọi người tuân theo phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1954[1] ngăn cấm sự phân cách chủng tộc trong học đường, thành thử bảo chúng tôi cố tình vi phạm luật pháp là một điều có vẻ mâu thuẫn. Quý anh có thể hỏi rằng: "Các anh làm thế nào để vừa kêu gọi vi phạm một số luật lệ này, vừa tuân theo một số luật khác?" Câu trả lời nằm trong một sự thật hiển nhiên là đã có hai loại luật pháp: công bằng và bất công. Tôi sẽ là người đầu tiên kêu gọi mọi người hãy tuân phục những điều luật công bằng. Và ngược lại, ta có trách nhiệm đạo đức để bất tuân những luật lệ bất công. Tôi đồng ý với Thánh Augustine khi cho rằng "một đạo luật bất công thì không phải là luật pháp." Thế thì đâu là sự khác nhau giữa hai đạo luật này? Ta làm thế nào để xác định thế nào là một luật lệ công bằng hay bất công? Luật pháp công chính là những quy phạm con người đặt ra mà phù hợp với quy luật đạo đức và luật của Thượng Đế. Luật pháp bất công là những điều không hòa hợp với quy luật đạo đức. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Thomas Aquinas: Luật pháp bất công là những luật do con người làm ra mà không xuất phát từ luật tự nhiên và luật của vĩnh cửu. Bất cứ luật lệ nào nâng cao nhân cách của con người là luật công chính. Bất cứ luật lệ nào làm mất phẩm giá của con người là luật pháp bất công. Tất cả những đạo luật về phân cách chủng tộc đều bất công vì phân cách chủng tộc làm biến dạng tâm hồn và hư hoại nhân cách. Những đạo luật đó tạo cho kẻ phân cách một cảm tưởng sai lầm là họ cao cả và những người bị phân cách một cảm giác sai lầm là họ thấp hèn. Sự phân cách chủng tộc, nói theo thuật ngữ của triết gia Do Thái Martin Buber, đã thay thế quan hệ "Tôi và Anh" bằng quan hệ "Ta và Nó," và cuối cùng đưa đến sự thay thế nhân vị bằng vật vị. Như thế sự phân cách chủng tộc không những không chính đáng về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, nó còn là sự sai lầm mang tính đạo đức và là tội lỗi nữa. Paul Tillich[2] đã nói rằng tội lỗi chính là sự phân cách. Chẳng phải sự phân cách chủng tộc là sự thể hiện bi thảm của sự phân cách của con người, sự xa rời Thượng Đế, và là một tội lỗi kinh khủng của con người hay sao? Chính vì thế mà tôi kêu gọi mọi người hãy tuân theo phán quyết 1954 của Tối cao Pháp viện, vì đó là phán quyết đúng đắn về đạo lý, và tôi kêu gọi anh em hãy bất tuân những điều luật phân cách chủng tộc vì chúng là những điều sai trái về đạo lý. Hãy xét một thí dụ cụ thể hơn về luật lệ công chính và bất công. Một đạo luật bất công là một đạo luật mà một nhóm đa số hay có quyền lực buộc một nhóm thiều số phải tuân theo nhưng chính mình thì lại không bị điều luật đó ràng buộc. Đó là sự khác nhau đã được hợp pháp hóa. Tương tự như thế, một đạo luật công chính là một đạo luật mà đa số buộc thiểu số phải tuân theo và đa số cũng sẵn lòng tuân theo đạo luật ấy. Đó là sự đồng nhất đã được hợp pháp hóa. Hãy xem một thí dụ nữa. Một đạo luật bất công là đạo luật gây thương tổn cho một thiểu số, khiến cho họ không có quyền bầu cử, và kết quả là không được dự phần vào việc làm luật và thi hành luật pháp. Ai dám bảo rằng cơ quan lập pháp của Alabama, cơ quan đã ban hành luật phân cách chủng tộc, là một cơ quan được bầu ra một cách dân chủ? Trong toàn tiểu bang Alabama đủ mọi mánh khóe đã được sử dụng để ngăn không cho người da đen ghi danh trở thành cử tri, và ngay cả ở một số quận mà người da đen chiếm đa số, không có được một cử tri người da đen. Ta có thể cho rằng những luật lệ được ban hành trong những tình trạng như vậy là dân chủ không? Cũng có khi một đạo luật trên bề mặt thì công chính nhưng khi áp dụng thì bất công. Thí dụ, tôi đã bị bắt về tội đi biểu tình không có giấy phép. Không có điều gì sai trong việc đòi hỏi phải có giấy phép đi biểu tình hết. Nhưng một điều luật như vậy trở nên bất công khi nó được sử dụng để duy trì tình trạng phân chủng và để phủ nhận quyền được phản đối và hội họp ôn hòa của công dân, một quyền đã được Tu chính án thứ Nhất ghi nhận. Tôi hy vọng quý anh em thấy được sự khác biệt tôi vừa nêu ra. Tôi chưa hề bao giờ cổ võ cho sự tránh né hay bất tuân luật pháp như những người chủ trương phân chủng điên cuồng đang cáo buộc. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Những ai muốn chống lại một đạo luật bất công phải công khai thực hiện với tấm lòng yêu thương và sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Tôi trịnh trọng thưa rằng bất cứ một cá nhân nào chống lại một đạo luật mà lương tâm cho là bất công, và sẵn sàng chấp nhận đi tù để đánh thức lương tâm của cả cộng đồng về sự bất công của đạo luật đó, thì người đó mới thực sự là người thể hiện tinh thần trọng pháp cao độ nhất. Dĩ nhiên, dân sự bất phục tùng không phải là điều gì mới lạ. Một thí dụ hùng hồn là sự từ chối của ba anh em Shadrach, Meshach và Abednego khi họ không tuân theo luật lệ của vua Nebuchadnezzar,[3] vì làm như vậy là phạm vào một điều luật đạo đức cao hơn. Những con chiên của Chúa từ thưở xa xưa đã thực hiện những hành vi dân sự bất phục tùng một cách hiên ngang trước hàm sư tử và trước cọc xử trảm chứ không khuất phục trước những luật pháp bất công của Đế quốc La Mã. Ta có thể so sánh, sự tự do trong học thuật trở thành một thực thể hôm nay là bởi vì Socrates đã thực thi dân sự bất phục tùng. Trong đất nước của chúng ta, Nhóm Phản đối Thuế Trà ở Boston đại diện cho một hành vi dân sự bất phục tùng vĩ đại.[4] Chúng ta cũng không bao giờ nên quên là mọi điều Hitler làm ở nước Đức đều "hợp pháp" và mọi điều những người Hung tranh đấu cho tự do đang thực hành tại Hungary đều bị xem là "bất hợp pháp." Giúp đỡ và cưu mang một người Do Thái trong nước Đức của Hitler là "bất hợp pháp." Dù vậy, tôi dám chắc rằng nếu tôi sống tại nước Đức vào thời đó, tôi cũng sẽ giúp đỡ và cưu mang những người anh em Do Thái. Nếu ngày hôm nay tôi sống trong một nước Cộng sản, nơi mà những nguyên tắc chính yếu, thiết thân đến đức tin Ky-tô bị đàn áp, thì tôi cũng sẽ công khai kêu gọi bất phục tùng những đạo luật phi tôn giáo của nước đó. Tôi có hai điều phải thú thật với quý anh em tín hữu và Do thái. Trước hết, tôi phải thú nhận rằng trong vài năm qua tôi đã thất vọng cực độ với những người Da trắng ôn hòa. Có lúc gần như tôi đã phải đi đến một kết luận đáng tiếc là vật chướng ngại lớn nhất trên bước đường tiến tới tự do của người Da đen không phải là Ủy ban Công dân Da trắng hay nhóm Ku Klux Klan, mà chính là những người da trắng ôn hòa, những người quan tâm nhiều đến "trật tự" hơn là công lý; những người đó thích sự yên ổn tiêu cực hơn, một sự yên ổn trong đó không có những căng thẳng của một sự yên ổn tích cực tức là có sự hiện hữu của công lý; những người đó luôn nói rằng: "Tôi đồng ý với mục đích của các anh, nhưng không đồng ý với phương thức hành động trực tiếp;" những người đó là những người có thái độ "kẻ cả" nghĩ rằng họ có thể sắp đặt thời biểu ban phát tự do cho người khác; những người đó sống trong một khái niệm thời gian hoang tưởng và luôn luôn khuyên nhủ người Da đen hãy đợi "một lúc nào thuận tiện hơn." Sự hiểu biết nông cạn của những người có thiện tâm còn làm cho ta uất ức hơn là sự hiểu lầm tuyệt đối của những người có ác ý. Sự chấp nhận hời hợt còn gây hoang mang nhiều hơn là sự cự tuyệt thẳng thừng. Tôi đã hy vọng là những người da trắng ôn hòa hiểu rằng mục đích của luật pháp và trật tự là để tạo ra công lý và khi thất bại trong mục đích này, thì luật pháp và trật tự lại trở thành một con đê nguy hiểm ngăn chặn dòng tiến hóa của xã hội. Tôi đã hy vọng những người da trắng ôn hòa hiểu rằng sự căng thẳng hiện nay tại miền Nam là một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết từ một sự bình an tiêu cực và xấu xa, một sự bình an mà những người Da đen đành chấp nhận số phận bất công của họ, sang một sự bình an tích cực và có thực, một sự bình an mà nhân cách và phẩm giá của mọi người đều được tôn trọng. Thực sự mà nói, chúng tôi, những người tham gia đấu tranh bất bạo động không phải là những người tạo ra căng thẳng. Chúng tôi chỉ phơi bầy ra cho mọi người thấy một sự căng thẳng đang bị che dấu. Chúng tôi phơi bày sự căng thẳng này ra ánh sáng để mọi người cùng thấy và phải cùng giải quyết. Giống như một mụt nhọt sẽ không bao giờ được chữa lành nếu ta cứ giấu giếm nó mà phải được phơi bày ra với đầy đủ những ung thối của nó để được liều thuốc thiên nhiên là ánh sáng và không khí chữa lành, sự bất công cũng phải được phơi bày ra trước ánh sáng của lương tâm con người và không khí của công luận, dù sự phơi bày này có tạo ra rất nhiều căng thẳng, trước khi căn bệnh này được chữa lành. Trong lời tuyên bố, quý anh đã xác quyết rằng hành động của chúng tôi, dù mang tính chất hòa bình, cũng phải bị lên án vì những hành động đó sẽ dẫn đến bạo động. Nhưng sự xác quyết này có hợp lý không? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án người bị cướp vì tiền bạc của anh ta dẫn đến hành vi xấu xa của kẻ cướp? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án Socrates vì sự kiên định trên đường tìm chân lý và những thắc mắc triết học của ông dẫn đến hành động mù quáng của đám đông khi bắt ông phải uống thuốc độc? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án Jesus vì thiên tính của Người và sự hiến thân không ngừng nghỉ để phụng sự ý chỉ Thiên Chúa của Người lại dẫn đến kết quả bị đóng đinh trên thập giá? Chúng ta phải thấy rằng, như toà án liên bang đã liên tục khẳng định, đó là một điều sai trái khi ép buộc một người ngừng nỗ lực đòi hỏi những quyền hiến định căn bản của mình chỉ vì sự đòi hỏi này sẽ dẫn đến bạo động. Xã hội phải bảo vệ nạn nhân và trừng trị kẻ cướp. Tôi đã hy vọng rằng những người da trắng ôn hòa sẽ từ khước thẳng thừng cái huyền thoại cho rằng sự đấu tranh cho tự do phải đợi đúng thời điểm. Tôi nhận được một lá thư từ một người anh em da trắng ở Texas. Lá thư viết như thế này: "Tất cả Ky-tô hữu biết rằng những người da màu rồi ra sẽ nhận được quyền bình đẳng, nhưng có lẽ anh đã quá hấp tấp trong đức tin. Thiên Chúa giáo đã phải mất gần hai ngàn năm mới đạt đến trình độ ngày hôm nay. Những điều đức Jesus dạy không đến với trần gian này trong một sớm một chiều." Thái độ của người anh em này phát xuất từ một sự ngộ nhận về thời gian, từ một ý niệm phi lý một cách lạ lùng là trong dòng chảy của thời gian, rốt cuộc sẽ có một điều gì đó chữa lành mọi tật bệnh. Thực ra, thời gian tự nó không thiên về đâu hết; nó có thể được dùng để xây dựng hay phá hoại. Càng ngày tôi càng cảm thấy rằng những người có ác ý sử dụng ý niệm thời gian một cách hữu hiệu hơn những người có thiện tâm. Ta phải thay đổi thế hệ này không phải chỉ vì những lời lẽ hận thù hay vì hành động của những người xấu, nhưng vì sự im lặng đáng kinh ngạc của những người tốt. Sự tiến bộ của con người chưa bao giờ lăn trên bánh xe tất yếu của lịch sử mà trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người sẵn lòng trở thành những người thợ đồng lao với Thiên Chúa, và nếu không có những nỗ lực này, thì thời gian, chính nó sẽ trở thành đồng minh của những lực cản xã hội. Ta phải sử dụng thời giờ một cách sáng tạo, với ý thức rằng làm việc phải thì luôn luôn đúng lúc. Bây giờ là lúc để thể hiện lời hứa của dân chủ và chuyển hóa khúc bi ca của quốc gia chúng ta thành khúc thi thiên của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc phải vực dậy cái chính sách của quốc gia chúng ta ra khỏi vũng lầy của bất công chủng tộc và đặt nó lên trên hòn đá tảng của phẩm giá của con người. Quý anh em cho rằng hoạt động của chúng tôi ở Birmingham là cực đoan. Trước hết phải nói là tôi khá thất vọng khi thấy có những anh em tu sĩ cho là những nỗ lực bất bạo động của tôi là những hoạt động của một kẻ cực đoan. [Điều này khiến tôi] phải suy nghĩ về một sự kiện là tôi đang đứng ở giữa hai lực đối nghịch trong cộng đồng người da đen. Một bên là sự tự mãn, một phần tạo nên bởi những người da đen mà sau những năm dài bị đàn áp đã bị "xuất huyết" hết lòng tự trọng và ý thức nhân vị của mình và đã tự điều chỉnh để sống với sự phân cách chủng tộc; một phần khác tạo nên bởi những người da đen trung lưu, những người nhờ vào học vị và có sự bảo đảm về kinh tế, và một cách nào đó thủ lợi nhờ sự phân chủng, đã trở nên dửng dưng trước những vấn nạn của đa số người da đen. Bên kia là lực của lòng thù hận và cay đắng đã dâng lên gần đến mức nguy hiểm của bạo động. Nguồn lực này được thể hiện qua những nhóm quốc gia da đen đang mọc lên trên khắp nước. Nhóm lớn nhất và nhiều người biết đến nhất là Phong trào Hồi giáo Elijah Muhamad. Tôi đã cố gắng đứng giữa hai thế lực đối nghịch đó, và nói với hai phe rằng chúng ta không cần bắt chước thái độ "vô cảm" của những kẻ tự mãn hay sự thù hận và tuyệt vọng của thành phần quốc gia da đen quá khích. Bởi vì có một phương cách tuyệt hảo hơn, phương cách của lòng yêu thương và phản đối bất bạo động. Tôi cảm tạ ơn Chúa, vì nhờ ảnh hưởng của Giáo hội Da đen mà con đường bất bạo động đã trở thành bộ phận chính yếu trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Nếu triết lý này không nổi bật lên thành tư tưởng chủ đạo, thì cho đến giờ này, tôi tin rằng máu đã đổ ra trên rất nhiều những con đường ở miền Nam. Và tôi cũng tin rằng, nếu những người anh em da trắng tiếp tục xem chúng tôi, những người áp dụng những hành động trực tiếp bất bạo động, là những kẻ "gây rối" và từ khước yểm trợ những nỗ lực bất bạo động của chúng tôi, thì hàng triệu người da đen sẽ, vì tuyệt vọng hoặc bực tức, tìm kiếm sự yên ủi và an ninh từ những tư tưởng quốc gia da đen quá khích. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một cơn ác mộng chủng tộc thật là khủng khiếp. Những người bị đàn áp không thể mãi mãi chịu đàn áp. Sự khao khát tự do cuối cùng rồi cũng sẽ tự thể hiện, và đó là những gì đang xảy ra cho người Mỹ Da đen. Đã có một điều gì đó trong thâm tâm nhắc cho họ nhớ về quyền được hưởng tự do từ thuở lọt lòng, và một điều gì đó ngoài xã hội nhắc cho họ nhớ rằng đó là quyền mà họ có thể thủ đắc được. Dù do ý thức hay vô thức, người Mỹ Da đen đã chịu ảnh hưởng của trào lưu tự do hiện đại, và cùng với những người anh em da đen từ Phi châu, anh em da vàng, da nâu từ Á châu, Nam Mỹ châu, và vùng biển Caribbê, đang mạnh mẽ tiến bước về vùng đất hứa của công bằng chủng tộc. Nếu ta nhận ra được sự thôi thúc đòi hỏi tự do mang tính chất sinh tử này, một sự thôi thúc đang bao trùm lấy cộng đồng Da đen, thì ta sẽ hiểu được tại sao lại có những cuộc biểu tình đang diễn ra trên đường phố. Người Da đen đã có những sự bất mãn bị dồn nén cùng với những nỗi thất vọng tiềm tàng từ lâu đời, và họ phải tìm cách giải tỏa những uất ức này. Cho nên, xin hãy để cho người da đen tuần hành; hãy để cho người da đen đi hành hương đến tòa thị chính; hãy để cho người da đen tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến tự do, và xin hãy hiểu cho tại sao họ phải làm như vậy. Nếu những thôi thúc tình cảm bị dồn nén đó không được giải tỏa qua những phương cách bất bạo động, họ sẽ tìm cách giải tỏa bằng bạo động. Đây không phải là điều đe dọa mà là một sự thật của lịch sử. Vì thế, tôi đã không bảo những người anh em của tôi là "hãy dẹp bỏ những điều anh em bất mãn." Thay vào đó, tôi đã cố gắng thuyết phục rằng sự bất mãn bình thường và lành mạnh này có thể được chuyển dòng qua những lối thoát đầy sáng tạo của những hành động trực tiếp bất bạo động. Và bây giờ phương cách này lại bị "chụp mũ" là quá khích. Nhưng mặc dù lúc đầu tôi có thất vọng vì bị coi là kẻ quá khích, nhưng khi tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này, dần dà tôi cũng có đôi phần thỏa mãn vì bị chụp mũ quá khích. Chẳng phải đức Jesus là đấng có lòng yêu thương quá khích hay sao: "Hãy yêu kẻ thù của các con, chúc phước cho những kẻ chửi bới các con, làm những điều lành cho kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ xấu xa đã lợi dụng và bách hại các con." Chẳng phải Amos[5] là người có lòng công chính quá khích hay sao: "Hãy để cho sự công bình như nước chảy xuôi và sự chính trực như suối nguồn trôi chảy mãi." Chẳng phải tông đồ Paul là kẻ giao truyền phúc âm quá khích hay sao: "Tôi mang trên thể thân thể tôi dấu ấn của Chúa Jesus." Chẳng phải Martin Luther là kẻ quá khích: "Tôi đứng ở nơi đây. Tôi không thể làm khác được. Xin Chúa hãy giúp đỡ tôi." Và John Bunyan: "Tôi sẽ ở tù cho đến ngày tôi chết trước khi tôi tôi phải bán đứng lương tâm." Và Abraham Lincoln: "Đất nước này không thể tồn tại với một nửa dân chúng tự do và một nửa nô lệ." Và Thomas Jefferson: "Chúng tôi công nhận đây là những sự thật hiển nhiên, rằng người ta sinh ra được bình đẳng..." Do đó, câu hỏi được đặt lại là liệu chúng tôi có trở thành những kẻ cực đoan hay không mà là sẽ trở thành những kẻ cực đoan loại nào. Liệu chúng tôi sẽ trở thành những kẻ cực đoan vì thù hận hay vì tình yêu thương? Cực đoan để duy trì sự bất công hay để mở rộng công lý? Trong quang cảnh bi thảm trên đồi Calvary có ba người bị đóng đinh trên thập giá. Chúng ta không được quên rằng cả ba bị đóng đinh vì phạm cùng một tội--tội quá khích. Hai tên cướp là những kẻ quá khích vì phi đạo đức, do đó, bị rơi xuống vũng bùn tội lỗi. Còn đấng Jesus, kẻ quá khích vì tình yêu thương, chân lý, và điều thiện, nên đã vượt lên khỏi thân phận của mình. Có lẽ miền Nam của chúng ta, quốc gia của chúng ta, và cả thế giới đang cần có những kẻ quá khích đầy sáng tạo. Tôi đã hy vọng rằng những người da trắng ôn hòa nhận thức được nhu cầu này. Có lẽ tôi hơi quá lạc quan; có lẽ tôi mong mỏi quá nhiều. Lẽ ra, tôi phải nhận thức được là trong sắc dân cai trị chỉ có một vài người có thể hiểu được tiếng rên xiết sâu thẳm và lòng khao khát tự do nhiệt thành của sắc dân bị trị, và có lẽ còn ít người hơn nữa có được viễn kiến để thấy rằng chỉ có hành động quả quyết, kiên trì và mạnh mẽ mới nhổ bật được sự bất công đã bám rễ sâu xa. Tuy nhiên, tôi xin cám ơn là đã có những anh em da trắng ở miền Nam hiểu được ý nghĩa và dấn thân vào cuộc cách mạng xã hội này. Tuy số lượng những anh em này còn ít ỏi, nhưng họ là những người ưu tú. Một số, thí dụ như Ralph McGill, Lillian Smith, Harry Golden, James McBride Dabbs, Ann Braden và Sarah Patton Boyle đã diễn tả cuộc đấu tranh của chúng tôi bằng những lời lẽ hùng hồn và thuyết phục. Những người khác đã cùng bước với chúng tôi trên những con đường không tên của miền Nam. Họ cũng đã bị giam cầm trong những nhà tù bẩn thỉu, đầy chuột bọ, chịu đựng sự hành hạ về thể xác cũng như tinh thần của những viên cảnh sát xem họ là bọn dơ bẩn đi "thương những người da đen." Không giống những anh chị em ôn hòa khác, những người này nhận thức được tính chất khẩn cấp của phong trào và cảm nhận được nhu cầu phải có một "hành động" mạnh mẽ mới có thể giải độc được căn bệnh phân chủng. Tôi cũng muốn nói về một sự thất vọng lớn lao khác. Tôi cực kỳ thất vọng về giáo hội da trắng và thành phần lãnh đạo của giáo hội. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ đáng ghi nhận. Tôi không thể không ghi nhận sự kiện là mỗi anh em đã có một lập trường rõ ràng về vấn đề này. Tôi xin tuyên dương Mục sư Stalling về lập trường Cơ-đốc-nhân của ngài trong ngày Lễ Chủ nhật vừa qua đã mở rộng cửa nhà thờ đón nhận người da đen vào dự lễ mà hoàn toàn không có sự phân biệt chủng tộc. Tôi xin tuyên dương những linh mục lãnh đạo Công giáo tại tiểu bang này đã hủy bỏ chính sách phân chủng tại Đại học Spring Hill trong những năm trước đây. Nhưng, dù đã có những ngoại lệ đáng ca ngợi như vậy, tôi phải thành thực nhắc lại rằng tôi đã từng thất vọng vì thái độ của giáo hội da trắng. Tôi không nói điều này như những lời chỉ trích tiêu cực mà người ta vẫn thường dùng để tấn công giáo hội. Tôi nói điều này trong cương vị một mục sư của phúc âm, của một người yêu quý giáo hội, một người đã được giáo hội cưu mang, một người đã giữ vững được tinh thần nhờ vào ân phước được ban và sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin chừng nào mà cuống nhau còn được kéo dài. Khi tôi bất ngờ bị đưa đẩy vào vai trò lãnh đạo cuộc biểu tình tẩy chay xe buýt tại Montgomery, Alabama, vài năm trước đây, tôi cảm thấy rằng chúng tôi sẽ được giáo hội da trắng ủng hộ. Tôi cảm thấy rằng những mục sư Tin lành hay Do thái giáo da trắng của miền Nam sẽ là những đồng minh mạnh mẽ nhất của chúng tôi. Nhưng thay vì vậy, một số đã trở thành những người phản đối kịch liệt, không chịu thông cảm với phong trào tự do và đã xuyên tạc thành phần lãnh đạo của phong trào. Còn rất nhiều những vị khác đã chọn thái độ cẩn trọng hơn là dũng cảm và họ đã im lặng hầu giữ cho cái lương tâm đã tê cứng của họ được yên ổn đằng sau những tấm cửa kính màu của nhà thờ. Dù những giấc mơ của tôi đã bị tan vỡ, tôi đã đến Birmingham với hy vọng rằng hàng giáo phẩm da trắng tại địa phương này thấy được chính nghĩa của chúng tôi và, với một mối quan tâm đạo đức sâu xa, sẽ là một ống dẫn để chuyển những ta thán chính đáng của chúng tôi tới trung tâm quyền lực. Tôi đã hy vọng rằng mỗi một anh em sẽ thông cảm cho chúng tôi. Nhưng một lần nữa tôi lại bị thất vọng. Tôi đã nghe nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo miền Nam buộc những tín đồ của họ phải tuân theo quyết định chấm dứt phân chủng bởi vì đó là luật, nhưng tôi rất muốn nghe những mục sư da trắng tuyên bố rằng: "Hãy tuân theo quyết định này vì hợp nhất chủng tộc là một điều đúng đắn về đạo lý và bởi vì người da đen là những người anh em của chúng ta." Giữa những bất công trắng trợn mà người da đen phải chịu đựng, tôi đã thấy những tín đồ da trắng đứng bên lề và tuôn ra những lời đạo đức suông và vô giá trị. Giữa cuộc đấu tranh mãnh liệt để tẩy rửa sự bất công về chủng tộc và kinh tế của quốc gia chúng ta, mà đã có những mục sư nói rằng: "Đó là những vấn đề xã hội, không có liên quan gì đến phúc âm." Và tôi cũng đã thấy có nhiều giáo phái đi theo một thứ tôn giáo nào đó phân biệt một cách lạ kỳ giữa thể xác với linh hồn, giữa thế tục và linh thiêng. Tôi đã đi khắp cùng tiểu bang Alabama, Mississippi và tất cả những tiểu bang miền Nam. Trong những ngày hè cháy bỏng và những sáng mùa thu lạnh giá, tôi đã thấy những nhà thờ đẹp đẽ với những tháp nhọn chĩa thẳng lên trời. Tôi đã chiêm ngưỡng vẻ nguy nga của những tòa chủng viện hùng vĩ. Và tôi luôn luôn tự hỏi rằng: "Những người đi thờ phượng nơi đây là ai? Ai là Thượng đế của họ? Tiếng nói của họ ở đâu khi Thống đốc Barnett[6] đưa ra những lời phản đối và tuyên bố luật liên bang vô hiệu lực? Họ ở đâu khi Thống đốc Wallace[7] công khai kêu gọi bất tuân luật liên bang và cổ võ thù hận? Tiếng nói ủng hộ của họ ở đâu khi những người Da đen bị bầm dập và mỏi mệt đã quyết định đứng lên từ những ngục thất tối tăm của tự mãn để tiến tới những ngọn đồi sáng chói của sự phản kháng đầy sáng tạo?" Vâng, những câu hỏi này vẫn còn đầy ắp trong tâm trí tôi. Trong nỗi thất vọng sâu xa tôi đã khóc vì tình trạng lơ là của giáo hội. Nhưng quý anh em phải tin rằng những giọt nước mắt của tôi là nước mắt của tình yêu. Không thể có niềm thất vọng sâu xa nếu không có được tình yêu sâu thẳm. Vâng, tôi yêu thương giáo hội. Vì làm sao mà tôi có thể làm khác đi được? Tôi ở trong một tình trạng khá là độc đáo, là con, cháu, chắt của những vị mục sư. Vâng, tôi xem giáo hội như chính là Thân thể Chúa Jesus. Nhưng, than ôi! Vì sao nhãng những bổn phận xã hội và e sợ bị mang tiếng là không tuân theo giáo luật, chúng ta đã làm cho mình thánh Chúa bị ô uế và mang đầy thương tích. Đã có một thời giáo hội rất là mạnh mẽ--thời của những Cơ đốc nhân đầu tiên hoan hỉ khi được công nhận là xứng đáng để chịu đựng những đau đớn vì đức tin của họ. Trong những ngày đó, giáo hội không phải chỉ là cái nhiệt kế để đo xem tư tưởng hay nguyên lý nào được quần chúng ủng hộ mà là cái điều-nhiệt-kế làm thay đổi cả luân lý của xã hội. Khi những Cơ đốc nhân đầu tiên đến một thành phố nào, thì những kẻ cầm quyền cảm thấy bị quấy rầy và lập tức tìm cách kết tội họ là những kẻ "phá rối trật tự" và là những "kẻ xui giục đến từ bên ngoài." Nhưng những Cơ đốc nhân này vẫn tiến bước, với một niềm tin họ là "con dân của thiên đàng," chỉ nghe theo mệnh lệnh của Chúa chứ không phải của con người. Số người thì ít ỏi, nhưng quyết tâm của họ thì vĩ đại. Họ đã quá say Chúa đến nỗi chỉ có những sự đe dọa long trời lở đất mới làm cho họ chùn bước. Qua những nỗ lực và những hành động cho người khác noi theo, họ đã chấm dứt được những điều ác của thời cổ như giết trẻ con và sát nhân trong những giác đấu trường. Tinh thần đó nay đã đổi thay. Giáo hội thời hiện đại quá yếu đuối chỉ cất lên được những tiếng nói yếu ớt và run rẩy. Và đã quá nhiều lần giáo hội đã trở thành tác nhân triệt để bảo vệ cho tình trạng xã hội hiện nay. Thay vì khó chịu vì thái độ hiện tại của giáo hội, cơ chế quyền lực trong những cộng đồng lại được sự im lặng của giáo hội biểu đồng tình, và khi lên tiếng, thì lại để công nhận giữ nguyên tình trạng xã hội. Nhưng Chúa sẽ phán xét giáo hội một cách nghiêm khắc mà chúng ta chưa từng thấy. Nếu giáo hội ngày nay mà không tìm lại được tinh thần hy sinh của những hội thánh tiên khởi, thì giáo hội sẽ đánh mất đi bản chất thật của mình, sẽ làm mất đi sự trung tín của hàng triệu tín đồ, và sẽ bị đào thải như một hội đoàn và chẳng còn ý nghĩa gì trong thế kỷ 20 nữa. Ngày nào tôi cũng gặp những thanh niên mà sự thất vọng với giáo hội đã biến thành sự ghê tởm. Có lẽ tôi lại trở nên quá lạc quan thêm một lần nữa. Có phải những tôn giáo có hệ thống tổ chức đã quá bị ràng buộc với nguyên trạng xã hội để có thể cứu rỗi đất nước chúng ta và thế giới không? Có lẽ tôi phải quay đức tin của mình về giáo hội linh thiêng trong nội tâm, một giáo hội ở trong giáo hội, để tìm một nhà thờ và hy vọng đích thực cho thế giới. Nhưng một lần nữa tôi lại cảm tạ Chúa vì đã có những tâm hồn cao nhã từ bỏ hàng ngũ của tôn giáo có tổ chức, phá bỏ xích xiềng của sự quy phục đã làm người ta tê liệt để gia nhập hàng ngũ với chúng tôi và trở thành những thành viên tích cực tranh đấu cho tự do. Họ đã từ bỏ sự an toàn của hội thánh của họ và cùng bước trên đường phố tại Albany, Georgia, với chúng tôi. Họ đã đi trên những xa lộ miền Nam trên những chuyến xe gập ghềnh để tranh đấu cho tự do. Vâng, họ đã cùng vào tù với chúng tôi. Một số mục sư đã bị khai trừ khỏi hội thánh của họ, mất sự ủng hộ của những giám mục và mục sư đồng nhiệm. Nhưng họ đã hành động trong đức tin rằng làm điều phải mà thất bại thì vẫn còn mạnh mẽ hơn sự chiến thắng của cái ác. Sự làm chứng của họ đã là những hạt muối tâm linh để duy trì ý nghĩa đích thực của phúc âm trong thời đại gian truân này. Họ đã đào một con đường hầm hy vọng xuyên qua ngọn núi tối tăm của tuyệt vọng. Tôi hy vọng toàn thể giáo hội sẽ cùng nhau đương đầu với sự thử thách trong giờ phút quyết định. Nhưng nếu giáo hội không đến góp tay vào giúp đỡ cho công lý, tôi vẫn không tuyệt vọng về tương lai. Tôi không e ngại gì hết về kết quả của cuộc tranh đấu của chúng tôi tại Birmingham, dù cho ngay bây giờ chính nghĩa của chúng tôi đang bị hiểu lầm. Chúng tôi sẽ đạt được mục đích tự do tại Birmingham và trên toàn quốc, bởi vì mục đích của nước Mỹ là tự do. Dù cho bây giờ chúng tôi đang bị bạc đãi và khinh bỉ, định mệnh của chúng tôi gắn liền với định mệnh của Hoa Kỳ. Trước khi những người di dân đặt chân lên Plymouth, chúng tôi đã có mặt ở đây. Trước khi ngòi bút của Jefferson viết lên những dòng chữ oai nghiêm trong Tuyên Ngôn Độc Lập, những dòng chữ đã in hằn trên những trang lịch sử, chúng tôi đã ở đây. Hơn hai thế kỷ, ông cha chúng tôi đã làm lụng vất vả không lương trên đất nước này; họ đã tạo nên những ông vua bông vải; họ đã xây nhà cho chủ nhân của họ trong khi chịu đựng sự bất công và lăng mạ khủng khiếp. Nhưng dưới đáy thẳm của sự sống họ tiếp tục phấn đấu và phát triển. Nếu sự tàn bạo không bút mực nào tả xiết được của sự nô lệ đã không thể làm chúng tôi dừng bước, thì những chống đối chúng tôi đang phải đối diện ngày hôm nay cũng sẽ thất bại. Chúng tôi sẽ giành được tự do bởi vì di sản thiêng liêng của quốc gia chúng ta và ý chỉ trường tồn của Thượng đế đã được thể hiện trong những tiếng đòi hỏi đang vang vọng của chúng tôi. Trước khi kết thúc, tôi buộc phải nhắc tới một điều trong bản thông báo của quý anh, một điều khiến cho tôi phải bứt rứt không nguôi. Quý anh nồng nhiệt ca ngợi cảnh sát ở Birmingham về những hành vi "giữ gìn trật tự" và "ngăn cản bạo động" xảy ra. Tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không còn nồng nhiệt ca ngợi nữa nếu quý anh thấy tận mắt họ để cho chó ngoạm hàm răng sắc lẻm vào da thịt những người tay không, bất bạo động Da đen. Tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh mục kích cách đối xử vô nhân đạo và tàn tệ đối với người Da đen ngay tại trong nhà ngục này; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát, nếu quý anh thấy họ xô đẩy và chửi rủa những phụ nữ và bé gái Da đen; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh thấy họ đánh đập những thanh thiếu niên Da đen; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh thấy họ không cho chúng tôi thức ăn chỉ vì chúng tôi cùng nhau cầu nguyện tạ ơn. Tôi không thể cùng với quý anh ca ngợi lực lượng cảnh sát tại Birmingham được. Tôi cũng phải công nhận là lực lượng cảnh sát đã tỏ ra là có kỷ luật khi đối phó với những người biểu tình. Nghĩa là họ đã tỏ ra cho công chúng thấy những hành vi của họ có thể được coi là "phi bạo lực." Nhưng làm như vậy để làm gì? Để duy trì một hệ thống phân chủng ác độc. Trong những năm vừa qua tôi đã kiên trì rao giảng rằng những phương thức đấu tranh bất bạo động cũng phải trong sạch như những mục đích mà ta đòi hỏi. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sử dụng những phương tiện vô luân cho những cứu cánh đạo đức là sai lầm. Nhưng bây giờ tôi cần phải nhấn mạnh một điều nữa là sử dụng những phương tiện đạo đức để duy trì những mục đích vô luân lại còn là những điều sai lầm hơn nữa. Có lẽ ông Connor và những cảnh sát viên của ông ta đã không dùng tới phương tiện 'bạo lực" nơi công cộng, cũng giống như Cảnh sát trưởng Pritchett ở Albany, Georgia, nhưng họ đã sử dụng những phương tiện đạo đức phi-bạo lực chỉ để nhằm duy trì cái cứu cánh phi luân của bất công sắc tộc. Như thi sĩ T. S. Eliot đã từng nói: "Điều cám dỗ cuối cùng là sự phản bội ghê gớm nhất: làm một việc đúng vì một lý lẽ sai." Tôi ước gì quý anh em đã ca ngợi sự can đảm đáng kính của những người Da đen biểu tình và ngồi lì tại Birmingham, sự sẵn lòng chịu đau khổ và tinh thần kỷ luật chưa từng thấy khi bị bao vây và khiêu khích. Một ngày kia, miền Nam sẽ công nhận ai là những anh hùng thực sự của họ. Đó sẽ là những anh em gia đình James Meredith, những người mà ý thức cao nhã về mục đích của họ đã giúp họ đối diện với những lời chế nhạo của một đám đông thù nghịch, và chấp nhận nỗi cô đơn thống khổ của những người đi tiên phong. Đó sẽ là những người đàn bà Da đen già yếu, bị đàn áp tả tơi, điển hình là một người đàn bà bảy mươi hai tuổi ở Montgomery, Alabama, người đã đứng lên vì nhân phẩm và đã cùng với đồng bào của bà tẩy chay những chuyến xe buýt phân chủng, và cũng là người đã trả lời câu hỏi về sự mệt nhọc của bà một cách thâm thúy như sau: "Đôi chân tôi mệt mỏi, nhưng tâm hồn tôi được yên nghỉ." Đó sẽ là những học sinh và sinh viên đại học, những mục sư trẻ và cha anh của họ, những người đã can đảm và ngồi yên bất động tại những quầy ăn trưa và sẵn lòng đi tù vì tiếng nói của lương tâm. Một ngày kia miền nam sẽ biết rằng khi những người con bị tước quyền thừa kế của Chúa ngồi xuống quầy ăn trưa, thực ra là họ đang đứng lên đòi hỏi phần tốt đẹp nhất của ước mơ Hoa Kỳ và những giá trị thiêng liêng nhất của di sản Cơ đốc, và qua hành động đó đưa cả dân tộc tộc trở về với giếng nước dân chủ vĩ đại đã được những nhà quốc phụ khơi nguồn qua bản Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc lập. Tôi chưa bao giờ viết một lá thư dài như thế này. Tôi sợ nó dài quá làm mất thì giờ quý báu của quý anh em. Tôi có thể đoan chắc với quý anh em là lá thư này sẽ ngắn hơn nhiều nếu tôi được ngồi viết thoải mái trên bàn, nhưng tôi có thể làm được gì hơn, khi phải ở một mình trong phòng giam chật hẹp, là viết những lá thư dài, nghĩ những điều cao xa và gửi lên chúa những lời cầu nguyện. Nếu trong lá thư này tôi đã nói những điều quá sự thực và tỏ ra thiếu kiên nhẫn một cách không hợp lý, tôi xin quý anh em tha thứ cho tôi. Nếu tôi đã nói bớt đi về sự thực và nói những điều tỏ ra là tôi không chấp nhận giải quyết vấn đề trong tình huynh đệ, tôi xin Chúa tha tội cho tôi. Tôi hy vọng lá thư này đến với quý anh em trong đức tin. Tôi cũng hy vọng là hoàn cảnh sẽ thay đổi để cho tôi có thể gặp mặt quý anh em, không phải trong cương vị một người đấu tranh cho sự hợp chủng hay một nhà lãnh đạo dân quyền, mà là trong cương vị một mục sư đồng nghiệp và là một người anh em trong Chúa. Xin chúng ta hãy cùng hy vọng là những đám mây đen của kỳ thị chủng tộc sẽ chóng bay đi và lớp sương mù dày đặc của sự hiểu lầm sẽ không còn che khuất những cộng đồng đang chìm trong sợ hãi của chúng ta, và trong một tương lai không xa, những ngôi sao rực rỡ của tình yêu thương và huynh đệ sẽ chiếu sáng trên quê hương vĩ đại của chúng ta với muôn ngàn vẻ đẹp lung linh. Trong Tình Huynh đệ và chính nghĩa Hòa bình, nay kính, Martin Luther King, Jr. ---- © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://www.africa.upenn.edu/Articles_Gen/Letter_Birmingham.html [1] Phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1954 trong vụ án do Oliver Brown kiện Học khu Topeka, bang Kansas về sự phân chủng trong học đường tại Topeka là vi hiến (Brown v. Board of Education, 1954). [2] Nhà thần học người Mỹ gốc Đức (1886-1965) có ảnh hưởng sâu xa đến hệ thống thần học của đạo Tin Lành. [3] Trong Kinh thánh của Do Thái, sách Daniel chép rằng Vua Nebuchadnezzar ra lệnh mọi người phải quỳ lạy bức tượng của vua khi có nhạc tấu lên. Hình phạt cho tội bất tuân là bị nướng cho đến chết. Ba anh em Shadrach, Meshach và Abednego không tuân theo lệnh này vì quỳ lạy thần tượng là phạm vào điều răn của Thiên Chúa. [4] Tea Party [5] Amos là một trong số tiên tri trong Kinh thánh Cựu Ước. [6] Ross Barnett là thống đốc tiểu bang Mississippi (1960-1964). [7] George Wallace là thống đốc của Alabama (1963-1967).

Tận hưởng Cuộc đời: Khái niệm về Phí tổn Cơ hội Rusell Roberts

Một trong những khó khăn của một nhà kinh tế học là giải thích cho người khác hiểu mình làm cái gì để sinh sống. Người ta hiểu rằng một trong những điều một giáo sư kinh tế học làm là dạy kinh tế học. Nhưng dạy kinh tế học thực sự là dạy cái gì? Phần lớn người ta cho rằng môn kinh tế học có liên quan đến đầu tư và quản trị tài chánh. Có một lần tôi nói với người khách cùng đi trên máy bay là tôi là nhà kinh tế học, bà ta nói, "vậy hả," chồng của bả cũng mê thị trường chứng khoán. Hmm. Tôi không nói cho bả biết là ngoài sự hiểu biết về những lợi điểm của việc đầu tư vào những quỹ đầu tư hỗ tương đã được liệt kê theo chỉ số, tôi chẳng biết tí gì về thị trường chứng khoán cả. Bà khách ngồi kế bên tôi, nếu đã đọc Alfred Marshall, thì kiến thức về kinh tế của bả có lẽ sẽ dồi dào hơn. Marshall cho rằng kinh tế học là "môn học về loài người trong những hoạt động bình thường của đời sống." Môn học này chính là công việc của Marshall, Adam Smith, Friedrich Hayek, và Milton Friedman: Họ tìm hiểu xem con người làm những cái gì và ảnh hưởng của những hành vi này đối với xã hội loài người ra sao.[1] Nhưng cái định nghĩa về kinh tế mà tôi khoái nhất là một biến thể của định nghĩa của Marshall. Định nghĩa này do một sinh viên của tôi nói lại khi nghe một giáo sư của em giảng: kinh tế học là môn học để làm sao lấy/thu được nhiều nhất từ cuộc đời. Tôi khoái định nghĩa này vì nó đánh trúng ngay tâm điểm của kinh tế học--những lựa chọn mà ta phải quyết định, bởi vì ta không thể có hết những điều ta muốn. Kinh tế học là môn học về những nhu cầu vô hạn và những phương tiện hữu hạn, là môn học về những chọn lựa bị giới hạn. Điều này đúng cho cá nhân và chính quyền, gia đình và quốc gia nữa. Thomas Sowell nói rõ ràng nhất: Không có giải pháp, chỉ có những sự trao đổi. Để có thể thu được nhiều nhất từ cuộc đời, để suy nghĩ như một nhà kinh tế học, bạn phải biết lựa chọn, bỏ vật này để lấy vật khác. Và đó chính là toàn bộ khái niệm về phí tổn của cơ hội. Chẳng thể nào có một định nghĩa đơn giản hơn. Nếu bạn muốn có một điều gì đó, thì bạn phải từ bỏ một điều khác. Thực ra ý tưởng này tinh tế hơn mới thoạt nhìn. Hãy tìm hiểu thêm chút nữa. Milton Friedman vẫn thường nói kinh tế học rất đơn giản. Ta chỉ cần nhớ có hai điều rằng nhu cầu có độ dốc đi xuống và không có cái gì là miễn phí cả. Vấn đề khó là áp dụng cả hai ý tưởng đơn giản này. Khi Friedman nói rằng không có cái gì miễn phí, nghĩa là mọi thứ đều có chi phí của nó. Hãy xem một thí dụ về một bữa ăn trưa miễn phí mà Friedman vẫn thường hứng thú chứng minh là không hề có thực. Giả sử tôi mời bạn đi ăn trưa và tôi sẽ đãi bạn bữa ăn đó. Và tôi giữ đúng lời hứa, trả tiền cho bạn đàng hoàng. Như vậy là bạn ăn một bữa ăn miễn phí chứ gì? Nhà kinh tế học bảo: Không phải vậy đâu. Nhà kinh tế học: Đúng là bạn không phải trả tiền cho bữa ăn hôm nay. Nhưng tôi cũng nghĩ là bạn sẽ đãi lại tôi trong tương lai. Bạn (người tin là có bữa ăn miễn phí): Nhưng chắc bạn cũng biết tôi không phải là người biết điều. Tôi không có ý định "bánh ít đi, bánh quy lại" đâu, và tôi cương quyết giữ ý định này. Bữa ăn hôm nay là miễn phí. Nhà kinh tế học: Không đâu, dù cho bạn không có ý định "trả nợ," thì cái hành vi "ăn không" của người khác cũng làm bạn xấu hổ chứ. Đó là cái giá bạn trả cho bữa ăn miễn phí. Bạn: Ồ, bạn không biết tôi là người không biết điều ư. Tôi không có lương tâm gì xất. Cho nên, tôi được một bữa ăn miễn phí. Nhà kinh tế học: Đâu có miễn phí đâu bạn. Chẳng phải bạn đã phải ngồi nghe tôi nói khi chúng ta đang ăn đấy sao? Bạn: Nhưng tôi đâu có nghe. Tôi đang mơ mộng về chuyến đi chơi sắp tới. Tôi chỉ làm bộ như đang nghe bạn thôi. Nhà kinh tế học: Vẫn không miễn phí đâu bạn. Cái phí tổn của bạn khi đi ăn trưa với tôi, dù là do tôi đãi, dù là bạn không có ý định "trả nợ" trong tương lai, ngay cả dù cho bạn làm lơ khi nghe tôi nói chuyện, là một niềm vui nào đó mà bạn sẽ có thay vì đi ăn với tôi. Cái phí tổn đó không nhất thiết phải là tiền bạc hay thì giờ, mà là giá trị hay niềm vui mà bạn sẽ có nếu bạn đi làm việc khác. Cho nên một trong những nguyên tắc để suy nghĩ như một nhà kinh tế học là luôn luôn nhớ rằng mọi thứ đều có phí tổn. Điều này có lẽ cũng là một lý do mà những nhà kinh tế học có ít bạn hơn người thường. Đôi khi người ta rất vui vẻ với ý tưởng ngây thơ là có cái gì đó miễn phí. Ta thích cái ý tưởng là mua được giá hời. Ta không muốn nghe đến những phí tổn ngầm. Cứ nghĩ đến những cơ hội đã qua, những sự lựa chọn đã để vuột, chỉ khiến cho ta thêm tiếc nuối. Chọn trường đại học này nghĩa là không thể theo học trường kia. Lấy người này nghĩa là không thể lấy người nọ. Chọn món tráng miệng này (thông thường) nghĩa là không thể ăn món khác. Đôi khi người ta chỉ muốn có một miếng bánh ngọt và được ăn trọn miếng bánh đó mà không cần bị nhắc là ăn miếng này thì không được thưởng thức miếng khác còn ngon hơn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ vì những nhà kinh tế học suốt ngày cứ lải nhải về tổn phí cơ hội, lựa chọn, và đổi chác, cho nên môn kinh tế học bị coi là một môn khoa học ảm đạm. Những bạn đọc thường xuyên của Thư viện Kinh tế và Tự do biết rằng kinh tế học thực tế không phải như vậy. Xem thêm bài "Lịch sử Bí mật của Khoa học Ảm đạm" của David M. Levy và Sandra J. Peart. Nhưng nếu bạn muốn thu được nhiều nhất từ cuộc đời, bạn phải tính luôn cả tổn phí cơ hội và những chọn lựa khác bạn đã để trôi qua. Thà là lựa chọn cho kỹ rồi chấp nhận kết quả của quyết định của mình còn hơn là nhắm mắt lựa đại để đi đến kết quả tai hại. Sau đây là một vài ứng dụng khái niệm tổn phí cơ hội mà sẽ giúp cho bạn thu đạt được nhiều nhất từ cuộc đời. Tổn phí thực sự của đại học Tổn phí thực sự của đại học là gì? Phần hiển nhiên nhất là học phí. Tiền ăn, tiền ở không tính vì ai mà lại không ăn và không cần chỗ ở. Nhưng tổn phí cơ hội gồm có tiền lương bị mất vì phải nghỉ việc để đi học. Đó là một trong những lý do ta đi học đại học khi còn trẻ và chưa có kinh nghiệm đi làm; nếu có, thì tiền lương cũng tương đối thấp nên tổn phí cơ hội cho đại học cũng thấp hơn. Lợi tức từ đầu tư Những nhà kinh tế học thực sự hiểu biết về thị trường chứng khoán. Nếu bạn bảo tôi là bạn có một quá trình đầu tư rất ngon lành, tôi sẽ hỏi bạn là ngon lành so với cái gì? Một người quản lý quỹ đầu tư hỗ tương mang lại lợi nhuận 12% cho thân chủ của mình được xem là ngon lành. Nhưng quỹ hỗ tương theo chỉ số của S&P 500 lại được lời hơn 15%. Nếu rủi ro của cả hai bên giống nhau, thì người quản lý quỹ đầu tư của bạn đã bị lợi tức âm là 3% rồi. Tương tự như thế, giữ tiền mặt trong nhà có nghĩa là mất đi cơ hội để đầu tư. Tổn phí cơ hội của giữ tiền mặt là lợi tức có thể thu được qua ngả đầu tư. Mua nhà và sửa nhà Những chuyên viên buôn bán nhà (địa ốc) thích nói với bạn mua nhà là một sự đầu tư tốt lắm, vì giá nhà thì tăng lên và bạn lại được ở trong căn nhà của mình nữa. Đôi khi cả hai câu nói đó đều đúng hết. Nhưng sự lên giá của căn nhà vẫn chưa đủ để cho việc mua nhà trở thành một sự đầu tư tốt (cũng giống như lý do mua một căn nhà thiệt bự để nếu khi giá nhà tăng lên thì lại càng tốt hơn vì căn nhà to hơn). Chủ nhân những căn nhà vẫn thường khoái chí khi bán được căn nhà cao giá hơn khi họ mua. Khi đo đếm lợi tức thu hoạch được, ít khi nào họ trừ ra những chi phí trực tiếp bằng tiền, nào là tiền sửa chữa, đóng thuế, lệ phí của luật sư, của chuyên viên địa ốc và của những cơ quan chính quyền nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp được một người chủ nhà ở Boston hay Washington hay Los Angeles tính đến những cơ hội đầu tư đã trôi qua chỉ vì tiền đã được dùng để đặt cọc mua nhà và trả tiền nhà hàng tháng cho đến khi trả dứt nợ. Tương tự như vậy, những chuyên viên địa ốc (và nhà thầu) thích nói với bạn là sửa lại căn bếp là một ý tưởng hay vì bạn sẽ thu lại được số tiền ấy khi bạn bán được căn nhà giá cao hơn là khi chưa sửa bếp. Cho nên, coi như bạn sửa bếp miễn phí! Còn trong khi chờ bán nhà bạn được xài một căn bếp rộng rãi thoải mái. Lập luận này cũng đúng thôi chừng nào mà bạn thấy rằng sử dụng một nhà bếp rộng rãi cũng sướng bằng số tiền bạn đã bỏ ra để sắm nào là mặt bàn đá hoa cương, tủ chén bát, trong khi bạn có thể dùng số tiền đó vào việc khác. Một khía cạnh khác của việc mua nhà và tổn phí cơ hội cũng khá rắc rối. Giả sử là căn nhà của bạn lên giá. Bạn có thể bán căn nhà này và dọn sang một căn nhà nhỏ hơn ở một khu phố khác. Nhưng bạn lại quyết định ở căn nhà này. Khi giá nhà của bạn tăng lên nghĩa là bạn sẽ bị tốn kém nhiều hơn nếu cứ tiếp tục ở trong căn nhà đó. Thực ra, đó là một chỉ dấu cho thấy tình trạng tài chính của bạn khá hơn--tài sản bạn làm chủ tăng lên nếu giá nhà giữ ở mức tăng trưởng như vậy. Tổn phí cơ hội khác với điều ta thường nghĩ là tổn phí, dưới dạng tiền bạc. Tổn phí cơ hội giúp ta quyết định theo lý trí. Nhưng một sự gia tăng tổn phí cơ hội không nhất thiết có nghĩa là tình trạng tài chánh của bạn bị xấu đi. Những phí tổn chìm và những phí tổn quá khứ Tổn phí cơ hội là một khái niệm thuộc về tương lai. Nếu chiếc xe của tôi bị hư và tôi đem đi sửa, và nó lại bị hư nữa, thì cái quyết định có sửa lần thứ hai hay không hoàn toàn không ăn nhập gì với phí tổn sửa xe lần thứ nhất (phí tổn đã mất và chìm rồi). Suy nghĩ rằng tôi phải sửa xe lần thứ hai bởi vì tôi đã bỏ nhiều tiền thêm vào chiếc xe rồi là một suy nghĩ không hợp lý. Tôi đã tốn tiền sửa xe lần thứ nhất rồi. Bây giờ tôi chỉ nên suy nghĩ xem là lần sửa thứ hai này có đáng giá hay không mà thôi. Khái niệm "phí tổn chìm" không dính dáng gì với phí tổn đã chi trong quá khứ. Cái giá mà người mua nhà trả cho căn nhà của mình 20 năm về trước không có ảnh hưởng gì đến giá cả ngoài thị trường ngày hôm nay. Than phiền rằng người bán nhà đã tính giá quá mắc so với giá họ mua ngày xưa không ăn thua gì hết, vì bạn sẽ khó kiếm được người bán nhà mà bạn nghĩ là có một cái giá phải chăng đối với bạn. Ngược lại, nếu bạn giải thích cho người mua là, dù giá cả của thị trường nhà đất hiện đang bị rớt, mà bạn vẫn đòi giá cao vì ngày xưa bạn mua với giá cao, thì rõ ràng là bạn sẽ khó lòng mà bán được căn nhà của bạn. Giá cả thị trường không ăn thua gì đến quá khứ. Trong khi đó, phí tổn thay thế có liên hệ đến phí tổn quá khứ. Giả sử có người cho bạn một bức tranh của Van Gogh làm quà cưới. Vài năm sau, trong một bữa tiệc tại nhà bạn, một người khách hơi say sưa, chệnh choạng thế nào mà lại làm rách bức tranh của bạn. Người khách này không thể bảo với bạn là "bỏ đi tám" và không đền, vì bức tranh là một món quà, bạn đâu có bỏ tiền ra mua đâu. Tự túc hay nhờ vả? Có lẽ ứng dụng quan trọng nhất của tổn phí cơ hội là quyết định có nên tự mình làm lấy hay mướn người làm cho mình. Tự mình làm lấy thường rẻ hơn và lại vui nữa. Nhưng phí tổn của việc tự làm lấy là giá trị của những việc khác bạn có thể làm trong khoảng thời gian đó. Những việc khác có thể là đi làm thêm một việc bán-thời gian hay làm công việc tư vấn kiếm thêm tiền; nghĩa là bạn đã bỏ qua một số tiền. Cho nên, tự làm lấy có thể sẽ tốn phí hơn về phương diện tiền bạc. Nhưng những phí tổn không-phải-là-tiền có thể còn cao hơn là phí tổn tài chánh. Thí dụ thời giờ bạn dùng để tự sơn lại căn nhà bạn có thể dùng để chơi với vợ con hay đi làm việc thiện nguyện. Nói cho cùng, bất cứ những gì mà đưa tới tình trạng tự túc là con đường dẫn đến nghèo đói. Một người thích tự-túc có thể tự thay nhớt xe của mình, tự làm bánh, tự làm kệ sách. Nhưng người đó không thể tự làm ra những vật dụng bằng sắt thép hay vẽ kiểu xe hơi của mình. Người đó không thể tự trồng lấy lúa, hay tự mình gặt hái. Người đó không thể tự mình đốn cây, xẻ gỗ làm ván để đóng tủ sách. Và ngay cả khi có thể làm như vậy, thì người ấy vẫn phải mua cái cưa. Qua sự chuyên môn hóa những kỹ năng rất nhỏ rồi bán những kỹ năng này ngoài thị trường và nhờ vào kỹ năng đã được chuyên môn hóa từ những cá nhân khác, ta đã tạo nên cái gọi là "sự chuyên môn." Chúng ta nhờ vào sự chuyên môn vì cái giá của tự túc quá cao. Trong tất cả những giới hạn mà chúng ta gặp phải, sự giới hạn của 24 giờ một ngày và một đời sống hữu hạn là những giới hạn ta không thể thoát được. Tận hưởng cuộc đời nghĩa là biết sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan. Sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan nghĩa là ta phải hiểu và áp dụng được tổn phí cơ hội. © Học Viện Công Dân 2011 * Russell Roberts là giáo sư Kinh tế học tại Đại học George Mason và là Viện sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông cũng là Chủ bút của Tạp chí Thư viện Kinh tế và Tự do và EconTalk. Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2007/Robertsopportunitycost.html [1] Adam Smith (1723-1790), người Scotland; Alfred Marshall (1842-1924), người Anh; Friedrich Hayek (1899-1992), người Áo; Milton Friedman (1912-2006), người Mỹ. Đây là những nhà kinh tế học hàng đầu của thế giới.

Sức mạnh của Bất Bạo Động Martin Luther King, Jr. June 04, 1957

Ngay từ lúc khởi sự đã có một triết lý ủng hộ việc tẩy chay vùng Montgomery, đó là triết lý phản kháng bất bạo động. Truyền đạt phương thức này đến người khác luôn luôn là một vấn nạn, bởi vì ngay từ đầu phương pháp này đối với số đông quần chúng nó chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi đã phải mở các cuộc họp đại chúng để giải thích về bất bạo động cho cộng đồng của những người chưa bao giờ nghe nói về triết lý này và trong nhiều trường hợp họ không tán thành phương pháp đó. Chúng tôi đã họp một tuần hai lần vào các ngày thứ Hai và thứ Năm, đã lập một viện nghiên cứu về bất bạo động và sự thay đổi xã hội. Chúng tôi đã phải giải thích rõ ràng rằng sự phản kháng bất bạo động không phải là một phương pháp đấu tranh hèn nhát. Nó là phương pháp kháng cự. Nó không phải là một phương pháp thụ động mụ mẫm và tự mãn trong suy tàn. Người phản kháng bất bạo động hành động chính đáng khi phản đối những điều ác mà người đó đang chống lại cũng như một người phản đối dùng bạo lực, nhưng không dùng bạo lực. Phương pháp này là phương pháp ôn hòa về thể chất, nhưng mạnh mẽ tích cực về tinh thần. Không làm nhục nhưng để Thuyết phục Một điều nữa mà thật sự chúng tôi phải truyền đạt, đó là người phản kháng bất bạo động không tìm cách để làm bẽ mặt hoặc đánh bại các đối thủ, nhưng để chiếm được tình thân hữu và sự thông cảm. Điều này luôn luôn là một lời kêu gọi mà chúng tôi phải trình bày trước dân chúng rằng mục tiêu của chúng tôi không nhằm đánh bại cộng đồng da trắng, không làm nhục cộng đồng da trắng, nhưng để chiếm hữu tình bạn của tất cả những người đã phạm phải tội ác trong chế độ này trước đây. Mục đích của bạo lực hoặc hậu quả của bạo lực là sự cay đắng. Kết quả của bất bạo động là hòa hợp và tạo ra một cộng đồng yêu thương nhau. Một cuộc tẩy chay, tự thân nó không bao giờ là một điểm kết thúc. Nó đơn thuần chỉ là một phương tiện đánh thức cảm giác xấu hổ trong những kẻ đàn áp, nhưng cuối cùng là hòa giải, đích đến là sự cứu rỗi. Rồi thì, chúng tôi cũng phải nói rõ rằng người phản kháng bất bạo động chỉ nhằm tấn công hệ thống xấu xa hơn là tấn công những cá nhân, những người vì hoàn cảnh bị kẹt trong chế độ đó. Và đây là lý do tại sao tôi nói từ lần này đến lần khác rằng cuộc đấu tranh ở miền Nam không phải là sự căng thẳng giữa người da trắng và người da đen. Cuộc đấu tranh này đúng hơn là giữa công lý và bất công, giữa sức mạnh của ánh sáng và quyền lực của bóng tối. Và nếu như có chiến thắng, nó sẽ không phải là một chiến thắng đơn thuần cho năm mươi ngàn người da đen. Trái lại nó sẽ là một thắng lợi cho công lý, một chiến thắng cho thiện ý, một chiến thắng cho nền dân chủ. Một điều cơ bản nữa chúng tôi đã bắt buộc phải vượt qua, đó là phản kháng bất bạo động cũng là một vấn đề nội tâm. Nó không chỉ tránh bạo lực bên ngoài hoặc bạo lực nhắm vào thân thể mà còn tránh được bạo lực tinh thần bên trong con người nữa. Và vì thế, triết lý cốt lõi của phong trào, là triết lý về tình yêu thương. Quan điểm này cho rằng con đường duy nhất để thay đổi nhân loại một cách cơ bản và kiến tạo một xã hội chúng ta mong muốn là giữ được sự yêu thương ở tâm điểm trong đời sống của chúng ta. Hiện nay những người từng hỏi tôi từ đầu ý tôi muốn nói gì theo cái nghĩa tình yêu đó và bằng cách nào mà tôi có thể thuyết phục họ yêu thương những người tìm cách triệt hạ và chống lại họ; làm thế nào ông có thể yêu những người như thế? Và tôi đã phải giải thích rõ rằng tình yêu trong ý thức cao nhất không phải là một thứ tình cảm uỷ mị, thậm chí không phải là một thứ tình cảm thân mật. Tình Yêu Agape - Tình Yêu Hy Sinh Ngôn ngữ Hy Lạp sử dụng ba từ nói về tình yêu. Từ [thứ nhất] nói về ái tình. Ái Tình là một loại tình yêu có tính chất thẩm mỹ. Tình yêu đó đến với chúng ta là một thứ tình yêu lãng mạn và nó đại diện cho tất cả vẻ đẹp của tình yêu. Nhưng khi chúng ta nói đến yêu thương những người chống lại chúng ta, chúng ta không nói đến ái tình . Ngôn ngữ Hy Lạp còn nói về Philia (tình bằng hữu) và đây là một loại tình yêu tương hỗ giữa bằng hữu với nhau. Đây là một thứ tình yêu có giá trị, và quan trọng. Tuy nhiên khi chúng tôi nói đến yêu thương những người chống đối bạn và những người tìm cách để triệt hạ bạn, chúng tôi không nói về ái tình hoặc Philia. Ngôn ngữ Hy Lạp cho ra một từ khác và đó là agape. Agape[1] là sự thông cảm, sáng tạo, có thiện ý cứu rỗi tất cả mọi người. Các nhà Thần học Kinh Thánh sẽ nói đó là tình yêu của Thượng Đế hoạt động trong tâm trí của loài người. Đó là một thứ tình yêu tràn đầy không mong đền đáp. Và khi bạn bước vào tình yêu ở mức độ này, bạn bắt đầu yêu thương người khác không phải vì họ dễ thương, không phải vì họ làm những điều quyến rũ chúng ta, nhưng bởi vì Thượng Đế yêu thương họ và ở đây chúng ta yêu những con người làm hành động xấu xa trong khi đó chúng ta ghét những hành động xấu xa người đó làm. Đó là loại tình yêu làm tâm điểm của phong trào mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện trong vùng đất phía Nam - tình yêu agape. Sức mạnh Bí ẩn Trong Vũ Trụ Vận hành cho Công lý Tôi hoàn toàn ý thức về một thực tế như thế này là có những người tin tưởng vững chắc vào bất bạo động, nhưng lại không tin là có một Thượng Đế, nhưng tôi nghĩ rằng đối với những người tin vào phản kháng bất bạo động thì họ cũng tin rằng, bằng cách nào đó, vũ trụ dưới một hình thể nào đó, đứng về phía công lý. Họ tin rằng có điều gì đó đang thể hiện trong vũ trụ, dù ta có gọi nó là một quá trình vô thức, hay như một động lực nguyên thuỷ,[2] hay chính là Thượng Đế trực tiếp. Có điều gì đó trong vũ trụ đang thể hiện vì công lý, vì vậy tại Montgomery chúng tôi linh cảm rằng khi đấu tranh, chúng tôi đã đồng hành cùng vũ trụ. Và đây là một trong những điều liên kết con người lại với nhau, với niềm tin rằng vũ trụ đang đứng về phía công lý. Thượng Đế đã ban ơn để khi những người nam và nữ trên khắp thế giới đấu tranh chống lại các chế độ xấu xa độc ác, họ sẽ đấu tranh bằng tình yêu trong trái tim họ với ý muốn tốt lành khoan thứ. Tình yêu Agape nói rằng bạn phải tiếp tục đấu tranh bằng sự tự chế khôn ngoan và hợp lý, bình tĩnh, nhưng bạn phải tiếp tục hoạt động. Chúng ta có một cơ hội lớn ở Hoa Kỳ để xây dựng nơi đây một quốc gia vĩ đại, một quốc gia nơi mà tất cả mọi người sống với nhau như anh em và phẩm cách và giá trị của mọi nhân cách được tôn trọng. Chúng ta phải tiếp tục tiến đến mục tiêu đó. Tôi biết rằng một số người nói rằng chúng tôi phải đi chậm lại. Họ đang viết thư cho những anh em ở phía Bắc, lôi kéo những người da trắng có thiện chí và kêu gọi người da đen tiến chậm lại, rằng các bạn đang đẩy quá nhanh. Họ đang nói chúng tôi phải chấp nhận một chính sách ôn hòa. Nếu ôn hòa mang ý nghĩa hoạt động với sự kiềm chế khôn ngoan và mức độ vừa phải thật bình tĩnh, vậy thì ôn hòa là một đức tính tuyệt vời mà tất cả những người thiện chí phải tìm cách đạt được trong giai đoạn căng thẳng trong quá trình chuyển đổi này. Nhưng nếu ôn hòa có nghĩa là chậm lại trong hoạt động cho công lý và quy phục trước sự bốc đồng và tùy hứng của những người đang bảo vệ cái hiện trạng suy tàn này, thế thì ôn hòa là một thói xấu thảm thương mà tất cả những người có thiện chí phải lên án. Chúng ta phải tiếp tục tiến lên. Lòng tự trọng của chúng ta đang bị đe dọa; uy tín của đất nước chúng ta đang bị đe dọa. Quyền công dân là một vấn đề đạo đức bất diệt, nó có thể quyết định số phận nền văn minh của chúng ta trong cuộc đấu tranh ý thức hệ với chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta phải tiếp tục hoạt động với sự kiềm chế khôn ngoan, với tình yêu thương, và với nhân phẩm và kỷ luật thích đáng. Nhu cầu trở thành "Bất Thích Ứng" Tâm lý học hiện đại có một từ có lẽ được sử dụng nhiều hơn so với bất kỳ từ nào khác. Đó là từ "bất thích ứng". Vậy thì tất cả chúng ta nên tìm cách sống một cuộc sống thích ứng [với hoàn cảnh] để tránh bị loạn thần kinh và tâm thần phân liệt. Nhưng có một số điều trong vòng trật tự xã hội của chúng ta mà tôi tự hào là người bất thích ứng, với điều đó tôi kêu gọi các bạn hãy cùng bất thích ứng. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để thích ứng với chia rẽ [chủng tộc] và phân biệt đối xử. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để thích ứng với tình trạng bạo loạn của đám côn đồ. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để chịu được những kết quả thảm khốc của các phương pháp bạo hành và chủ nghĩa quân phiệt. Tôi kêu gọi các bạn bất tuân với những điều như thế. Tôi kêu gọi các bạn bất tuân như Amos,[3] người ở giữa những bất công trong ngày ông hô vang lệnh truyền mà nó vẫn vang vọng qua các thế hệ, " Hãy để cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như dòng nước lớn cuồn cuộn.." Hãy bất tuân như Abraham Lincoln, người đã có viễn kiến rằng quốc gia này không thể tồn tại một nửa nô lệ và một nửa tự do. Hãy bất tuân như Jefferson, một người ở giữa thời kỳ mà cả nước đang chấp nhận chế độ nô lệ đã có thể thốt lên, "Tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng và được Tạo hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Hãy bất tuân như Chúa Giêsu thành Nazareth, người đã ấp ủ một giấc mơ thực hiện tình yêu của Thiên Phụ và tình huynh đệ cho nhân loại.Thượng Đế ban ơn cho chúng ta có thể trở nên bất thích ứng để cho chúng ta có thể vượt ra ngoài, thay đổi thế giới và nền văn minh của chúng ta. Và khi ấy chúng ta sẽ có thể bước đi từ giữa đêm hoang vu lạnh lẽo trong sự vô nhân tính của con người với nhau đến nơi đầy ánh sáng, nơi ấy ánh bình minh chiếu tỏa rực rỡ tự do và công lý. Michelle Phạm chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, Aug 2015 Nguồn: http://teachingamericanhistory.org/library/document/the-power-of-non-violence/ [1] Agape theo tiếng Hy-lạp là tình yêu tối thượng, cũng là tình yêu được nhắc đến trong Kinh Thánh; nó không phải là tình bằng hữu, hay tình ái, ngay cả tình chồng vợ, mà là tình yêu có tính chất hy sinh, như Chúa Jesus đã hy sinh trên thập giá để cứu rỗi nhân loại (HVCD). [2] Martin Luther King dùng cụm từ "unmoved mover" một khái niệm của Aristotle để chỉ động lực nguyên thuỷ làm chuyển động vật chất, nhưng chính nó không chuyển động (HVCD). [3] Amos là vị Tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước sống vào khoảng năm 750 BC dưới thời trị vì của Jeroboam II (786-746 BCE). Chủ đề chính của ông thường nói về công bằng xã hội, sự toàn năng của Thượng Đế, và sự phán xét của Thượng Đế trở thành yếu tố chính của lời Tiên Tri (chú thích của người dịch).

Thương Gia - Người Tạo ra Thị trường hay Kẻ Ăn bám Xã hội? Michael Munger*

Người "trung gian" mua rẻ, bán mắc, và trong khoảng thời gian này y chẳng làm gì cả để cải thiện sản phẩm. Những người trung gian ở khắp mọi nơi và có lẽ đã có mặt từ cái thuở đầu tiên con người sơ khai trao đổi hàng hóa với nhau để cải thiện đời sống. Marco Polo[1] và gia đình của ông là những người trung gian. eBay cũng vậy.[2] Kể từ thời của Marco Polo tới eBay là một khoảng thời gian dài đầy dẫy những rắc rối và phức tạp của xã hội, trong khoảng thời gian này đã có hàng triệu triệu những hoạt động kinh tế và giao dịch vừa có tính chuyên môn vừa mang lại lợi nhuận cao độ. Nhưng những người "trung gian" này có giúp ích cho hệ thống thị trường hay không, hay họ chỉ là những kẻ ăn bám xã hội? Tìm ở đâu xa Chẳng cần tìm đâu xa, thương nhân chính là cái họ của tôi. "Munger" xuất phát từ chữ "monger," có nghĩa là lái buôn, thường ám chỉ những người buôn đồ lậu. Cái tên này có nguồn gốc rất xưa từ mãi thế kỷ thứ 11: trong những văn tự dùng tiếng Saxon,[3] từ ngữ này được viết là "mancgere." Theo Bộ Từ điển Từ nguyên, danh từ Latinh của từ này là "Mangonis," có nghĩa là người hành nghề trao đổi hàng hóa hay thương nhân (thường được dùng, buồn thay, trong việc buôn bán nô lệ). Và từ "mangonis," lại có gốc từ tiếng Hy lạp là "manganon," nghĩa là bộ máy chiến tranh hay mưu mẹo dùng để lừa kẻ thù. Con ngựa thành Troia là một "manganon." Với những cái nghĩa có gốc tích như vậy, chẳng trách gì người thương nhân vẫn bị xem là những kẻ lừa đảo, trộm cắp, hay ăn bám xã hội. Thành ra, xét về ngữ nghĩa thì, cái từ thương nhân này chẳng có tí ý nghĩa tích cực nào cả mãi cho đến có lẽ năm 1100 sau Công nguyên. Đến khoảng năm 1100, con sông từ ngữ đã bắt đầu chia nhánh: Đã có những máy móc dùng trong chiến tranh (như máy bắn đá, còn gọi là "mangonel"), và những thương nhân trong thị trường (còn được gọi là "mancgere"). Trong kiệt tác Lịch sử Dân Anglo-Saxons (1836), một bộ sử dày ba cuốn, tác giả Sharon Turner đã trích một chứng cớ có từ thế kỷ 11 như sau: Trong cách nói chuyện của người Saxon, thương nhân được giới thiệu như sau: "Tôi nói rằng tôi là người giúp ích cho nhà vua, nhà quý tộc, và những người giàu có, và cho tất cả mọi người. Tôi chất hàng hóa lên đầy chiếc tàu của tôi, rồi giong buồm đi khắp bốn bể năm châu để bán những sản vật của tôi, rồi mua những thứ quý giá mà ở đây không có, rồi đem chúng về đây vừa trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm trên biển cả, có khi tàu bị đắm mất sạch hết tài sản, còn xuýt nữa mất mạng." "Thế anh mang được những gì về cho chúng tôi đây?" "Da thú, lụa là, châu báu, vàng bạc, vải vóc đủ loại, bột màu, rượu, dầu, ngà voi, đồng, thau, kẽm, bạc, pha lê, và những thứ như thế." "Thế anh có bán những thứ này ở đây bằng giá anh mua về không?" "Chắc chắn là không rồi. Vì như thế ai trả công cho tôi đây? Tôi phải bán với giá mắc hơn khi tôi mua, để còn có chút lời nuôi vợ nuôi con chứ." (trang. 115-6) Thiệt là ngoạn mục đầy kịch tính: mạo hiểm, rủi ro, lòng tham, lợi lộc. Nhưng người thương nhân của năm 1050 không phải là kẻ ăn bám, ít ra thì anh ta cũng không nghĩ về chính mình như vậy. Thực ra, anh ta còn cho là mình "có ích" cho người khác nữa mà. Hãy xem anh ta lập luận có đúng không. Người thương nhân công nhận là anh ta chẳng làm gi hết để thay đổi hay cải tiến cái sản vật mà anh ta bán. Anh ta chỉ làm có mỗi việc là chuyên chở những sản vật này và bán lại những sản vật này với cái giá cao nhất mà anh có thể đòi được. Nếu thế thì chẳng phải là dẹp quách anh ta đi còn tốt hơn không? Chẳng phải thương nhân chỉ là kẻ rình xem người khác cần những gì rồi bán cho họ những món hàng đó, còn chính anh ta thì chẳng đem lại được chút giá trị thực tế nào cả hay sao? Không. Không hoàn toàn như vậy. Không có những người trung gian, ta sẽ không có được thị trường tối tân như ngày hôm nay. Và lý do tại sao đây là một điều quan trọng bậc nhất mà cũng bị hiểu lầm bậc nhất, trong môn kinh tế học? Tôi sẽ dùng hai thí dụ cổ điển về người trung gian, một của R.A. Radford, và một của F. Bastiat, để minh họa sự vận hành của thị trường qua những thương nhân. Màn I: Hoạt động của Thương nhân trong trại tù binh Đệ nhị Thế chiến (xem phụ lục A ở cuối bài) Trong Đệ nhị Thế chiến, nhà kinh tế người Anh tên là R.A. Radford bị bắt làm tù binh trong trại giam của quân Đức. Radford ghi nhận một điều rất phổ biến trong những trại tù ông bị giam giữ là sự trao đổi hàng hóa giữa những tù nhân với nhau. Là một kinh tế gia, Radford biết rằng sự trao đổi, khi cả hai bên có đầy đủ thông tin về mặt hàng và không bị cưỡng ép hay lừa đảo, luôn luôn giúp cho hai bên cùng trở nên khấm khá hơn. Điều thú vị ở trong bối cảnh của trại tù là mỗi một tù nhân đều có cùng một số lượng "tài sản" như nhau. Mỗi tù nhân nhận được (a) khẩu phần hàng ngày; cái mà Radford đã tế nhị gọi là "sinh tử phù;" và (b) thỉnh thoảng nhận được gói quà từ Hồng Thập tự, gồm có: sữa hộp, hộp mứt trái cây, bơ, bánh quy, thịt bò đóng hộp, cà-rốt đóng hộp, kẹo xô-cô-la, đường, mật, và thuốc lá. Câu nói "Cả hai bên đều khấm khá hơn" có nghĩa là: Nếu tôi thích hai củ cà-rốt hơn một hộp sữa, thí dụ như vậy, và bạn thích một hộp sữa hơn hai củ cà-rốt, thì chúng ta có thể trao đổi với nhau. Đây là điểm đặc biệt quan trọng: Không có sự gia tăng số lượng thực phẩm nào hết, nhưng phúc lợi của cả nhóm được cải thiện. Điều này giống như một phép thần thông, bởi vì nó tạo ra một ảnh hưởng lớn, nhưng hình như ta chẳng bao giờ để ý đến. Khi ta có những ý thích khác nhau, nhưng lại chỉ có cùng một nguồn tài nguyên, thì sự tình nguyện trao đổi có thể giúp cho tình trạng kinh tế của mọi người khá hơn. Trong trường hợp này, vì những gói quà của Hồng Thập tự là nguồn hàng trao đổi chính yếu, nên những món hàng hoàn toàn giống nhau. Cho nên, đổi chác hàng hóa làm cho mọi người đều vui vẻ và sung sướng hơn. Người ta cũng chẳng cần nhờ đến ai chỉ cho điều này. Họ biết ngay lập tức. Như Radford nói: "Ngay sau khi bị bắt, người ta đã nhận ngay ra rằng với điều kiện vật chất hạn hẹp, ai cũng như ai, thì việc biếu quà cho nhau hay cho không là chuyện không ai muốn làm mà cũng chẳng cần thiết nữa...'Lòng từ thiện' tự nhiên biến thành sự trao đổi hàng hóa vì đó là phương cách vô tư và công bằng hơn nhằm gia tăng tối đa sự thỏa mãn của mỗi cá nhân." Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói: Mậu dịch thì luôn luôn công bằng hơn là chỉ dựa vào lòng từ thiện hay quà cáp người khác cho mình, vì sự trao đổi tự nguyện luôn luôn giúp cho cả hai bên cải thiện đời sống tốt hơn. Cho nên, hãy chấp nhận rằng mậu dịch và trao đổi hàng hóa là điều tốt. Nhưng thế còn người trung gian thì sao? Chẳng phải chính họ là vấn nạn đấy ư? Những tù nhân nghĩ như vậy. Radford nhắc đến một ông Cha có một đôi mắt tinh đời trong sự trao đổi sản vật (có lẽ đây là chuyện Radford hư cấu). "Người ta đồn rằng có một linh mục đi một vòng quanh trại, lúc đi chỉ có một hộp phó-mát và năm điếu thuốc lá, nhưng khi về lại lán của ổng thì đã có được cả một gói quà của Hồng Thập tự cộng thêm những vật ông có từ ban đầu." Còn có điểm thứ hai, còn quan trọng hơn, và thực sự được xem như một nghịch lý cơ bản: người trung gian (thương nhân) kiếm được lời vì làm cho người khác khá giả hơn. Vị linh mục chưa bao giờ nói sai hay trình bày sai về những món hàng mà ông đem trao đổi. Mọi món hàng đều được tiêu chuẩn hóa và giống hệt như nhau (một hộp phó-mát thì cũng giống y như những hộp phó-mát khác; thuốc lá do máy sản xuất và điếu nào cũng giống như điếu nấy; một hộp mứt trái cây cũng vậy). Tại mỗi một nơi, sự trao đổi với ông cha đều giúp cho đối tác khấm khá hơn. Thế nhưng, ông cha lại "có lời" bằng cả một gói quà của Hồng Thập tự, lớn bằng cả một gia tài trong trại tù binh. Dường như cái ông cha đi lang thang này chỉ biết thu lấy giá trị, mua rẻ, bán đắt, và trong quá trình đó chẳng làm thay đổi hay cải thiện giá trị của những món hàng ông đem trao đổi. Nhưng cũng giống như những thương nhân "mancgere" người Saxon trong năm 1050, vị linh mục sáng tạo ra giá trị trong mỗi bước của tiến trình trao đổi. Ông làm được việc này bằng cách tìm một anh A, người sẵn sàng đổi sáu điếu thuốc lá (hay ít hơn) để lấy một hộp thịt bò, và tìm một anh B, người sẵn sàng bán hộp thịt bò với giá là ba hay bốn điếu thuốc lá. Dĩ nhiên, nếu hai anh A và B gặp nhau, thì họ sẽ trao đổi trực tiếp với nhau. Nhưng tìm được đúng người vào đúng lúc để giao dịch với nhau thì mất rất nhiều thì giờ và còn đòi hỏi có chút may mắn nữa. Vị linh mục/thương nhân, nhờ đã mất thì giờ tìm kiếm khắp "thương trường," đã giải quyết được sự khác biệt. Ông bán hộp thịt bò cho A với giá năm điếu thuốc sau khi đã mua hộp thịt này của B với giá là 4 điếu. Thành thử cả A và B đều khấm khá hơn vì dư được một điếu thuốc và ông cha thì "kiếm lời" được một điếu thuốc nhờ vào tìm được cơ hội mậu dịch cho A và B. Dù tôi không muốn cường điệu hóa tầm quan trọng của một thí dụ, vai trò tích cực của thương nhân là điều ai cũng chấp nhận. Câu chuyện ngụ ngôn về vị linh mục lang thang là một minh chứng rõ rệt nhất, từ trước cho đến giờ, cho lập luận này. Xin nhớ rằng, vấn đề nằm ở chỗ này: Nếu mọi giao dịch đều khiến cho những đối tác khá hơn, thì làm thế nào mà ông cha lại có lời được?Chẳng phải lợi nhuận luôn luôn là dấu hiệu của sự bóc lột, nhất là trong tình huống không có một điều gì mới được sản xuất ra hết, như ở trong tù? Màn II: Thương nhân, Bastiat và cái bụng đói (xem phụ lục B ở cuối bài) Để giải quyết sự nghịch lý này, hãy xem một thí dụ nữa trong tác phẩm của Frederic Bastiat, được xuất bản lần đầu năm 1850. Bài luận văn mang tựa đề "Những điều trông thấy và Những điều không trông thấy" có rất nhiều điều sâu sắc, nhưng tôi chỉ muốn tập trung vào Phần 6, nói về Thương nhân. Dù đoạn trích dẫn này khá dài dòng, ta cũng nắm bắt được ý chính trong lập luận của Bastiat khá dễ dàng: Có ba cách đưa lương thực từ nông thôn tới thị trường. Cách thứ nhất là mỗi người tiêu thụ tự mình đẩy xe đi xuống nông thôn mua lương thực. Cách này thực là quá thiếu hiệu quả mà lại chậm nữa không đối phó được với cơn đói (như David R. Henderson trình bày trong phần thảo luận về kiểm soát giá cả sau Đệ nhị Thế chiến trong tác phẩm Kỳ tích Kinh tế của Đức quốc). Cách thứ hai là thương nhân có thể đi mua, vận chuyển, và bán lại sản phẩm. Cách thứ ba là nhà nước mua, vận chuyển và bán lại sản phẩm, hoặc đem cho không người dân. Bastiat cũng ghi nhận là có nhiều người cho rằng nhà nước luôn luôn làm nhiệm vụ cùa thương nhân một cách hữu hiệu hơn vì viên chức nhà nước được tinh thần phục vụ công ích thúc đẩy làm việc, chứ không vì lợi nhuận. Nhưng điều này sai lầm một cách khủng khiếp. Bởi vì trước hết, những nhân viên nhà nước, trong thực tế, không được khích lệ làm việc vì quyền lợi chung. Họ cũng chẳng khác gì chúng ta và hoạt động để kiếm lợi cho chính họ. Thứ hai, không có những dấu hiệu của giá cả và lợi nhuận do thương nhân cung cấp, thì không có ai biết được là món hàng nào nên được chở đi bán ở đâu và vào lúc nào. Nói tóm lại, không có thương nhân, nhà nước sẽ phải làm việc chậm hơn, kém chính xác hơn, và trật lất về thời gian [Chế độ kinh tế bao cấp và trung ương hoạch định là một thí dụ điển hình]. Một lần nữa, điểm này có vẻ mâu thuẫn. Chính nhờ vào lợi nhuận mà thương nhân tạo ra giá trị. Và chuyện kiếm lời của thương nhân, mua rẻ bán mắc, bảo đảm rằng, như Bastiat đã nói, "lúa gạo đến được bao tử người tiêu thụ" nhanh hơn, rẻ hơn, và chắc ăn hơn bất cứ dịch vụ nào do nhà nước cung cấp. Hệ thống thương nhân đã thực hiện được điều mà Bastiat và cả tôi nữa, cho là kỳ tích: "Được chỉ đạo bằng sự so sánh giá cả, hệ thống này đã phân phối thực phẩm đi khắp nước, khởi đầu luôn luôn là giá cao nhất, nghĩa là nơi nào có nhu cầu cao nhất. Thật khó lòng để có thể nghĩ ra được một tổ chức nào mà lại có thể tính toán đầy đủ chi li hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của những người đang cần..." Vài Suy nghĩ cuối Thương nhân, người trung gian. Nhiều người có khuynh hướng nghĩ về họ như là một điều xấu xa nhưng cần thiết, tăng giá lên và lợi dụng hầu như tất cả mọi người. Nhưng điều này thật hết sức sai lầm, và lại là điều sai lầm cơ bản khiến cho ta phải tự hỏi tại sao đa số người ta dường như chẳng có tí khái niệm gì về sự vận hành thực tế của nền kinh tế hết cả. Sự thật là những thương nhân là phương tiện giúp cho thị trường trở nên "hoàn hảo," hay ít ra là cũng tiến gần đến chỗ hoàn hảo; sự hoàn hảo ở đây có nghĩa là chỉ có một giá cho một món hàng và chất lượng của món hàng được bảo đảm. Sự thương lượng giá cả của thương nhân làm giảm đi sự khác biệt về giá cả, cung cấp những tín hiệu chính xác về sự kham hiếm của hàng hóa và tạo ra những dòng chuyển tài nguyên và nhân lực đến những nơi mà giá trị của chúng được sử dụng cao nhất. Bây giờ, khi nghĩ lại về những vấn đề này, tôi phải nói là tôi hãnh diện về cái họ của tôi. Tôi hãnh diện là một Thương Nhân! Tài liệu tham khảo Bastiat, Frédéric. 1850, Paris: France. "What Is Seen and What Is Not Seen." Available online at Selected Essays on Political Economy, Library of Economics and Liberty. Dictionary.com, "monger," in Online Etymology Dictionary. Douglas Harper, 2001. Accessed: January 19, 2009. Henderson, David. "German Economic Miracle."Concise Encyclopedia of Economics, Library of Economics and Liberty, Liberty Fund, Inc. MS. Tib. A 3, or Manuscript Cotton Tiberius A, part 3 is a reference to a fragment of an 11th century psalter, probably produced at Christchurch, Canterbury. Radford, R.A. 1945. "The Economic Organisation of a P.O.W. Camp." Economica. V. 12. Turner, Sharon. 1836 (Sixth Edition). The History of the Anglo-Saxons. London, England: Longman, Rees, Orme, Brown, Green, and Longman. * Michael Munger là Giáo sư Trưởng Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Duke. © Học Viện Công Dân 2010 Nguồn: Thư viện Kinh tế Tự do (2 Feb 2009): http://www.econlib.org/library/Columns/y2009/Mungermiddlemen.html Phụ lục A Trích từ "Tổ chức Kinh tế của một Trại Tù Binh" của R.A. Radford. Một người làm công việc trao đổi thực phẩm và thuốc lá, trong tình trạng khan hiếm của trại giam, được nhiều bạn tù biết đến tiếng tăm. Vốn liếng của anh ta, sau khi đã dè sẻn dành dụm, có được 50 điếu thuốc. Anh ta dùng số vốn này để mua những khẩu phần trong ngày phân phối thực phẩm và giữ lại đó cho đến khi giá tăng lên trước ngày phát khẩu phần lần sau. Anh ta cũng kiếm thêm một số lợi qua giao dịch; mỗi ngày anh ta đi xem những bản thông báo "Mậu Dịch" do những tù nhân tự niêm yết trong trại và thủ lợi qua sự khác biệt giá cả giữa những người có nhu cầu. Kiến thức của anh ta về giá cả, thị trường và tên của những người nhận được những gói thuốc lá thì thật là đáng nể. Nhờ đó mà anh ta có thuốc lá hút đều đều--tiền lời của anh ta--trong khi vẫn giữ được nguyên vẹn số vốn. Đường được phân phối vào ngày thứ Bảy. Khoảng thứ Ba hai đứa chúng tôi đến gặp Sam và thương lượng; vì là khách quen cũ, anh ta ứng trước cho chúng tôi với cái giá phải chăng nhất của anh, và ghi sự giao dịch này vào sổ. Sáng ngày thứ Bảy, anh ta để hộp ca-cao trên giường chúng tôi để đổi lấy khẩu phần đường mà đến chiều anh sẽ ghé lại lấy. Chúng tôi hy vọng là sẽ có một cuốn lịch vào dịp Giáng Sinh, nhưng Sam không làm được việc này. Khi giá bị sụt, Sam bị ôm một số đường mật khá lớn, và trong tình trạng "kinh tế" bị suy yếu như vậy thì tù nhân lại được nhận thêm nhiều phần quà khiến cho giá cả thay đổi thất thường. Sam đã phải mua hàng trả tiền ngay bằng chính từ trong số vốn của mình. Ngày thứ Ba tuần sau khi tôi đến thăm anh như thường lệ, thì anh đã bị phá sản. Tín dụng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp, nếu không muốn nói là hầu hết các trường hợp. Sam trả tiền trước cho những khầu phần đường sẽ được giao trong tương lai, nhưng có nhiều người muốn mua chịu, dù đó là món đồ mua ngay bây giờ hay sẽ lấy trong tương lai. Dĩ nhiên, giá sẽ thay đổi theo điều kiện của từng giao dịch. Một khẩu phần đường mật được rao giá là 4 điếu thuốc lá bây giờ hay là 5 điếu vào tuần sau. Trong thị trường tương lai, thì món hàng "bánh mì bây giờ" là điều hoàn toàn khác với "bánh mì ngày thứ Năm." Bánh mì được phát vào ngày thứ Năm và thứ Hai, theo chu kỳ 4 và 3 ngày, và cho đến ngày thứ Tư và tối Chủ Nhật thì cái giá bánh mì đã tăng lên tối thiểu một điếu thuốc một khẩu phần, cho đến khi ăn tối thì giá này đã tăng lên từ bảy tới tám điếu. Có một người luôn luôn để dành khầu phần của mình để bán khi giá lên cao nhất: món hàng "bánh mì bây giờ" của anh ta nổi bật trên bảng rao hàng so sánh với với một số món hàng "bánh mì ngày thứ Hai" có giá rẻ hơn một hay hai điếu, hoặc là chẳng có ai thèm mua nếu phải đợi đến thứ Hai--và anh ta luôn luôn hút thuốc vào tối Chủ Nhật. Phụ lục B Trích từ Những Điều Trông Thấy và Không Trông Thấy, phần 6: Thương Nhân của Bastiat. Mặc dù sự phát triển của những dịch vụ công (do nhà nước quản lý) cộng với những phí phạm về năng lực do những dịch vụ này gây ra có khuynh hướng tạo nên những con ký sinh trùng tai hại cho xã hội, lạ lùng thay có nhiều trường phái kinh tế hiện đại lại gán những sự ký sinh này cho những dịch vụ tự nguyện của tư nhân, và tìm cách thay đổi những chức năng của những ngành nghề khác nhau. Những trường phái này hung hãn tấn công cái mà họ gọi là những người trung gian. Họ sẵn sàng triệt tiêu những nhà tư bản, nhà băng, kẻ đầu cơ, doanh gia, thương gia, và những nhà buôn lẻ, đồng thời cáo buộc thành phần này là tự xen vào giữa người sản xuất và người tiêu thụ để thủ lợi từ cả hai bên mà không đem lại cho ai giá trị gì hết. Hơn thế nữa, những nhà cải cách còn muốn chuyển hết cho nhà nước những việc mà người trung gian làm, vì những việc này thật ra không thể loại bỏ được. [Nói về nạn đói năm 1847,] những người này than: "Tại sao lại để cho thương gia làm cái việc mua thực phẩm từ Mỹ và Crimea mà không để cho nhà nước, những bộ, ngành, và ban thành lập những dịch vụ tạm thời và xây dựng những nhà kho để chứa thực phẩm? Sau đó nhà nước bán lại cho dân bằng đúng giá mua, và nhân dân, người nghèo khổ sẽ không phải "cống" thêm lợi nhuận cho bọn thương gia ích kỷ chỉ biết đến cá nhân họ mà thôi. ...Khi cái bụng đang đói ở Paris còn lúa gạo thì ở mãi tận Odessa, thì cơn đói không thể nào nguôi ngoai được cho đến khi có cơm trong bụng. Có ba cách đem gạo đến với bao tử: những người đang đói tự mình đi kiếm gạo, hay là nhờ những người làm nghề đi buôn mua cho họ, hay là để nhà nước làm giùm cho việc này. [1] Marco Polo (1254-1324), thương nhân người Ý, người mở Con đường Tơ lụa (Silk Road) từ Âu sang Á châu, cuộc hành trình vừa đi vừa về mất 24 năm. [2] eBay, một công ty trung gian bán hàng qua mạng Internet. Đặc điểm là eBay không bán hàng hóa gì hết mà chỉ làm trung gian giữa kẻ mua, người bán (trên toàn thế giới) mà thôi. [3] Saxon là một liên hiệp những bộ tộc thuộc gốc Đức. Ngày nay một phần dân Anh, Mỹ có gốc pha trộn giữa dòng Anglo và Saxon.

Sự Khiêm Nhượng - Từ ngữ Đẹp nhất trong Anh ngữ Bruna Martinuzzi

Nhiều năm trước đây , một vị thầy dạy tôi trên đại học nói rằng "thềm cửa sổ" được cho là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ. Là một nhà ngôn ngữ học tài tử, sự kiện nhỏ nhặt này tất nhiên nằm trong trí nhớ của tôi. Từ ngữ có uy lực to tát. Chúng có thể làm ta cười phá lên hoặc làm nước mắt dâng tràn bờ mi. Từ ngữ có thể gây ảnh hưởng, tạo cảm hứng, khiến ta hoạt động và làm ta chấn động. Từ ngữ có thể xây dựng và có thể phá hủy. Có những từ mang đến những ảnh hưởng khác nhau cho từng người. Một trong những từ ngữ có ảnh hưởng lớn lao như vậy là danh từ "sự khiêm nhượng." Đây là một trong các từ hiếm khi đem cảm giác quân bình đến cho người nghe. Một số người, có tôi trong đó, yêu danh từ này và mọi biểu tượng của nó. Các người khác gần như sợ nó và xem nó đồng nghĩa với sự thiếu tự tin hoặc tính nhút nhát. Từ điển định nghĩa "sự khiêm nhượng" là sự khiêm tốn, không tự phụ khoe khoang, không tỏ ra rằng mình tài giỏi hơn người khác. Kèm thêm định nghĩa phụ là "Tự đánh giá thấp, hiền lành dễ bảo." Khi đọc quyển sách "Từ Giỏi Đến Tuyệt: Tại Sao Vài Công Ty Có Tiến Bộ Nhảy Vọt ... mà Các Công Ty Khác Không Thể" của Jim Collins, là lần đầu tiên tôi nghĩ đến danh từ "sự khiêm nhượng" trong phạm vi khả năng lãnh đạo. Trong quyển sách này, Collins nghiên cứu các công ty đã nhẩy vọt từ giỏi đến tuyệt qua sự duy trì được trong suốt 15 năm số lời [tính trên chỉ số chứng khoán] bằng với giá của thị trường, và sau giai đoạn chuyển tiếp đã mang lại lợi tức cao gấp ba lần giá thị trường chứng khoán trong vòng 15 năm kế tiếp.[1] Những công ty này có đặc điểm khác biệt với các công ty khác ở chỗ họ có người lãnh đạo ở bậc thứ 5.[2] Các vị lãnh đạo này hướng cái tôi trong họ về mục đích dẫn dắt công ty phát triển ở tầm vóc vĩ đại, là những người có bản chất phức tạp mâu thuẫn, trộn lẫn giữa ý chí chuyên nghiệp mãnh liệt và sự nhún nhường tột độ. Họ tạo nên kết quả tuyệt vời nhưng lại tránh xa sự nịnh bợ tâng bốc, và không bao giờ thích khoe khoang. Người ta miêu tả họ là người khiêm tốn. David Packard, người đồng sáng lập công ty Hewlett-Packard, là điển hình cho cấp bậc lãnh đạo này; theo lời Jim Collins, Packard tự coi mình trước tiên là nhân viên hãng HP, rồi thứ nhì mới là Chủ Tịch. Ông là người của quần chúng, quản lý công ty bằng cách đi quanh quan sát. Xa lánh tất cả mọi hình thức nhận tán thưởng trước công chúng, ông Packard từng nói: "Không nên hả hê về những gì bạn đã làm được, hãy tiếp tục và kiếm chuyện khác tốt hơn mà làm." Một vị lãnh đạo tuyệt vời khác là Patrick Daniel, Chủ Tịch Công ty Enbridge, một công ty về năng lượng và vận chuyển dầu hỏa tại Bắc Mỹ. Ông hội tụ hai cá tính lãnh đạo: sự quyết tâm tạo nên thành tích và sự khiêm nhượng, ông luôn tuyên dương sự đóng góp của người khác và không khi nào đặt mình làm trọng điểm. Ông từng nói, "Tôi học hỏi từ lối sống của các bậc lãnh đạo cao cả. Sự vĩ đại xuất phát từ tính khiêm nhượng và hành vi khiêm tốn." Đối với những vị lãnh đạo này, cũng như với nhiều người khác tương tự như họ, khiêm nhượng rõ ràng không có nghĩa là hiền lành dễ sai khiến. Ngược lại, đó chính là sức mạnh của họ. Thế nhưng, trong nền văn hóa ganh đua của chúng ta, ta phải tranh đấu vất vả với ý niệm làm người khiêm tốn, vì hễ có dịp là ắt phải khua kèn đánh trống ca tụng chính mình, và ta không dám đi ra khỏi nhà nếu chưa chuẩn bị cho ngon lành bản quảng cáo về mình trong vòng một, hai phút.[3] Chúng ta thường lầm lẫn giữa tính khiêm nhượng và tính rụt rè nhút nhát. Khiêm nhượng không có nghĩa là tự hạ mình hay tự chê bai. Khiêm nhượng có nghĩa là duy trì niềm tự hào về bản thân, về thành tích, về giá trị của mình - nhưng không hề kiêu căng - khiêm nhượng là đối nghịch của ngạo mạn; kiêu hãnh quá lố thường làm cho nhiều người lãnh đạo đi chệch đường rày, giống như tình trạng của những vị anh hùng bi tráng trong những tuồng cổ Hy lạp thường phạm phải. Khiêm nhượng tức là tự tin trong im lặng, không cần phải phô bày cái hào nhoáng bên ngoài. Đó là sẵn sàng để người khác khám phá những lớp lớp tài năng của mình mà chẳng cần mình khoe khoang về chúng. Đó là không kiêu ngạo, chứ không phải thiếu quả quyết khi theo đuổi mục đích. Có một sự đối lập thú vị như sau: thường thường, một người càng thăng tiến, càng nhiều thành tựu, thì người ấy càng có chỉ số khiêm nhượng cao. Người đạt nhiều thành tích nhất là người ít khoe khoang nhất, và lòng tự tin của họ càng cao, thì họ càng khiêm tốn. "Giá trị thật sự, giống như một dòng sông, càng sâu, thì càng chảy êm đềm" (Edward Frederick Halifax). Tất cả chúng ta đều đã gặp và ngưỡng mộ những người như vậy,. Tại sở làm, chúng ta cũng có những đồng nghiệp có khả năng, làm việc tích cực và khiêm tốn, họ không mời mọc sự chú ý của người khác. Hãy xem người nhân viên ở lại sở trễ để làm xong việc, hoàn toàn vì anh có tinh thần trách nhiệm cao, người thư ký ngồi lại một mình trong phòng làm việc, sau 5g30 chiều thứ Sáu, để chờ người giao hàng, hoặc người quản lý gác lại cuộc hẹn riêng tư để đáp chuyến bay đi công tác. Các hành động trên cũng tương tự như việc làm của một nhà từ thiện ẩn danh. Lòng Khiêm nhượng cũng là một đại đức tính. Đức tính này liên hệ với nhiều nguyên tắc đạo đức. Thí dụ, ta có thể yên tâm tuyên bố rằng không thể có sự chân thật nếu không có tính khiêm nhượng. Tại sao? Bởi vì, chắc chắn sẽ có lúc chính người lãnh đạo cũng không thể giải quyết được một vấn đề nào đó. Phải có đức tính khiêm nhượng mới có thể thú nhận điều mình không biết và hỏi ý kiến người khác. Phong cách cư xử là một đặc điểm khác của người lãnh đạo khiêm nhượng. Những người lãnh đạo này đối xử với mọi người một cách kính trọng, bất kể địa vị và chức vụ của đối tượng. Nhiều năm trước, tôi đọc được thành ngữ này: Đức độ của người quân tử được thể hiện ở cách họ đối xử với những người chẳng mang lại lợi ích gì cho họ. Nhiều chuyện lý thú xảy ra khi ta đặt mình vào cuộc với cái nhìn khiêm nhượng: nhiều cơ hội mới chào đón khi ta chọn cái nhìn phóng khoáng và hiếu kỳ thay vì cố chấp bảo thủ với ý kiến của mình. Ta dừng lại lâu hơn trong khoảng không gian kỳ diệu của kẻ mới vào nghề, với cái tâm rộng mở để tiếp nhận những gì người khác cho ta. Ta chuyển từ đẩy ra sang thu vào, từ bấp bênh sang vững chắc, từ mưu cầu sự chuẩn nhận sang tìm kiếm sự giác ngộ. Ta quên đi việc cố gắng trở thành hoàn hảo và hân hoan sống trong hiện tại. Đây là vài cách luyện tập tính khiêm nhượng: 1. Nhiều lúc, trong cuộc tranh luận phân chia thắng bại, dằn tự ái của mình xuống quả là điều rất khó, và mọi ý niệm khiêm nhượng tan biến. Khi đối mặt với trường hợp không có lợi cho bản thân như vậy, bạn hãy tìm cách nào nhằm tránh xảy ra hành động làm bạn mất đi phong cách của mình. Hãy thử ngưng nói và để mọi sự chú ý dồn về phía đối phương. Đây là một cách làm tâm trí ta thoải mái lại. 2. Ba chữ nhiệm màu sau đây sẽ mang lại nhiều yên tĩnh cho đầu óc hơn cả là đi tĩnh tâm một tuần tại khu nghỉ mát đắt tiền: "Bạn nói đúng." 3. Để ý xem bạn có vô tình lên giọng giảng dạy hoặc cho ý kiến trong khi người đối diện chưa cho phép - bạn đã thiếu tế nhị và ép người ta theo lối suy nghĩ của bạn chăng? Phải chăng bạn sửa sai người khác vì chính bạn cần tự xét lại mình? 4. Luôn hỏi ý kiến người khác về sự tiến triển của bạn trong lãnh vực lãnh đạo. Hãy hỏi "anh hay chị thấy tôi làm việc thế nào?" Cần có tính khiêm nhượng để đặt câu hỏi này. Và càng cần khiêm nhượng để lắng nghe câu trả lời. 5. Hãy khuyến khích mọi người trong sở làm luyện tập hành động khiêm nhượng bằng cách làm gương cho họ: mỗi lần bạn chia sẻ với người khác lời khen khi thành công vẻ vang, bạn củng cố thêm cái văn hóa tổ chức của công ty của bạn. Hãy nghĩ đến việc đào tạo khả năng lãnh đạo này cho các tài năng mới. Việc luyện tập đức tính khiêm nhượng, lòng tự tại chân thật, mang lại nhiều bổ ích: giúp việc kết tình thân giữa mọi người, không kể thứ bậc, giảm đi sự hoang mang, khuyến khích mọi người cởi mở và điều này, lạ thay lại nâng cao lòng tự tin. Khiêm nhượng giúp ta mở cánh cửa sổ hướng tới tâm hồn cao thượng hơn. Đối với tôi, danh từ "sự khiêm nhượng" là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ, thế chỗ cho danh từ "thềm cửa sổ". © Học Viện Công Dân 2010 Bài này được trích từ cuốn sách "The Leader as a Mensch: Become the Kind of Person Others want to Follow" của Bruna Martinuzzi. Bruna là một nhà giáo dục, tác giả, diễn giả và người sáng lập Công ty Clarion Enterprise Ltd, một công ty tư vấn và huấn luyện về sự thông minh cảm xúc, lãnh đạo, Myers-Briggs, và huấn luyện những kỹ năng về thuyết trình. Nguồn: http://www.mindtools.com/pages/article/newLDR_69.htm [1] Lợi nhuận tính bằng số thu hoạch từ chứng khoán (stock return) = tổng số tiền lời của toàn thể cổ đông. Một công ty có thể có lời (tính bằng tiền), nhưng trị giá chứng khoán của công ty đó có thể bị suy giảm [2] Jim Collins xếp hạng khả năng lãnh đạo theo năm bậc từ 1 tới 5. Bậc 1 là những cá nhân có khả năng cao; bậc 2 là những cá nhân có khả năng cao cộng với khả năng hợp tác với những thành viên khác để đạt mục tiêu chung; bậc 3 là những nhà quản lý giỏi, có khả năng tổ chức, điều hành nhân lực, tài lực và đạt được mục tiêu một cách hữu hiệu; bậc 4 là những nhà lãnh đạo hữu hiệu có khả năng tiên kiến, vận động và khích lệ nhân viên làm việc đat tới tiêu chuẩn cao. Bậc 5 là những nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức tiến đến chỗ tuyệt hảo. Những nhà lãnh đạo này thể hiện được hai đức tính trái ngược nhau là khiêm nhượng và ý chí chuyên môn cao. [3] "Elevator speech" hay "elevator pitch" là thuật ngữ dùng để chỉ phần giới thiệu về công ty, sản phẩm, hay hội đoàn của mình trong những buổi tiếp tân hay hội họp với những đối tượng có tiềm năng trở thành thân chủ hay người yểm trợ. Trong khung cảnh này, đối tượng thường không có thì giờ để nghe ta trình bày tỉ mỉ, cho nên ta phải đưa ra những ưu điểm của mình trong khoảng thời gian ngắn nhất chừng 1 hay 2 phút.

Tuyên ngôn Độc lập: Theo tôi, đến từ Hi lạp Những ý tưởng cấp tiến đằng sau Tuyên ngôn Độc lập không phải là điều mới JAMES PERON

Những ngôn từ xúc động trong Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson nói rằng tất cả mọi người được ban cho các quyền không thể chuyển nhượng. Đối với Jefferson, các quyền đó đã có trước khi chính quyền được thiết lập và chức năng của chính quyền là "bảo vệ các quyền đó". Nhưng chính ông đã nói rằng những ngôn từ vang dội của ông không thể hiện một ý tưởng mới: "Mục đích của Tuyên ngôn Độc lập không phải là tìm ra những nguyên lý mới, những luận cứ mới chưa bao giờ được nghĩ đến, hay không đơn thuần là nói những điều trước đây chưa bao giờ được nói; mà đặt lẽ thường của vấn đề này trước nhân loại, bằng những ngôn từ đơn giản và rõ ràng để có được sự tán thành của họ, và để chứng minh chúng ta đúng trong lập trường độc lập mà chúng ta buộc phải lựa chọn. Bản tuyên ngôn này cũng không nhằm vào sự độc đáo của nguyên lý hay [khích động] tình cảm, nó cũng không được sao chép từ bất cứ văn bản nào trước đây, nó được tạo ra nhằm thể hiện tinh thần của người Mỹ." [1] Jefferson đã nói đúng. Các Nghị quyết của Thành phố Boston (1772) nói rằng tất cả mọi người có các quyền tự nhiên và "Trong các quyền tự nhiên của các thuộc địa có các quyền đó. Thứ nhất là quyền được sống; Thứ hai là quyền tự do; Thứ ba là quyền sở hữu; cùng với quyền ủng hộ và bảo vệ chúng theo cách tốt nhất mà họ có thể." Tuyên ngôn về các quyền của bang Virginia (1776) tuyên bố rằng "tất cả mọi người... có các quyền hiển nhiên nhất định... ấy là quyền được sống và quyền tự do, với phương tiện để thủ đắc và sở hữu tài sản." Những nhà cách mạng Mỹ đã nói về các quyền tự nhiên và các luật tự nhiên. John Dickinson vào năm 1766 đã lập luận rằng các quyền đó, "không được thêm vào cho chúng ta trên tấm da thuộc[1] và được đóng dấu để ấn chứng." Thay vào đó, "Chúng được sinh ra cùng chúng ta, tồn tại cùng chúng ta, không thể bị tước đoạt khỏi chúng ta bởi bất cứ quyền lực nào của con người mà không lấy đi cuộc sống của chúng ta. Nói ngắn gọn, chúng được đặt cơ sở trên những nguyên tắc bất biến của của lý trí và công lý. [2] Ethan Allen đã nói rằng "tri thức về tự nhiên là sự hiển lộ của Thượng Đế... [mà con người] có được thông qua lý trí." [3] Một số nhà khai quốc lỗi lạc nhất là những người theo phái Thần luận[2] tin rằng có một Đấng Sáng Thế linh thiêng, nhưng Ngài đã rút khỏi công việc của con người sau hành động sáng tạo của mình. Tuy vậy, Đấng Sáng Thế đã sắp đặt một vũ trụ có trật tự với các luật tự nhiên mà con người có thể hiểu được. Thông qua lý trí, các luật tự nhiên có thể được nhận thức, và một khi các luật tự nhiên được con người hiểu, các quyền tự nhiên tự động sinh ra. Nhà sử học Paul Conkin của Đại học Wisconsin, trong cuốn sách "Những Chân lý Hiển nhiên" ("Self-Evident Truths"), đã mô tả những niềm tin thần luận của những người như Adams, Jefferson, và Madison: Thượng Đế đã công bố tất cả các luật cần thiết cho trật tự chính trị trong tự nhiên, và làm cho chúng khả tri đối với người thường, và đặt ra những chế tài cần thiết với những hệ quả thảm khốc nếu tránh né hay bất tuân các luật này. Lời kêu gọi của các quyền tự nhiên hướng đến quyền lực thiêng liêng, cách thức mà Thượng Đế định ra vạn vật. Nhưng lời gọi này không mù quáng; mà trái lại. Hầu hết mọi nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng từ Locke[3] trở đi đã thừa nhận lòng nhân từ thần thánh, hay nói theo Franklin,[4] là Thượng Đế muốn con người hạnh phúc và do đó trao cho họ phương tiện để tìm hạnh phúc. [4] Quan điểm này được nhiều người theo chủ nghĩa tự do cổ điển của thời kỳ Khai sáng chia sẻ. J. Salwyn Schapiro đã nói rằng những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển "thấy thế giới được cai trị một cách nhân từ bởi các luật tự nhiên khách quan." [5] Ông đã nói luật tự nhiên là "một ý tưởng cũ", nhưng nó được dùng làm một phép thử vàng cho tính chính đáng của trật tự hiện hữu của chính quyền và xã hội." Trong "các vấn đề con người, cũng như trong các vấn đề của tự nhiên, đã có sẵn luật tự nhiên có thể được khám phá bởi phương pháp nghiên cứu khoa học." [6] Nguồn gốc Hi Lạp Trong xã hội phương Tây, Conkin đã ghi nhận, "Các lý thuyết về luật tự nhiên xuất phát từ triết học Hi Lạp. Plato và Aristotle đã khắng định không những có một trật tự logic chính thống trên thế giới mà còn có cả một mục đích vốn đã tồn tại trong vạn vật. Tự nhiên có nghĩa là cả trật tự và mục đích. Vũ trụ của Aristotle là một khối bao la của những khát vọng, của những thực thể có ý thức đang chuyển dịch tới sự hoàn hảo của chính chúng và, theo một ý nghĩa nào đó, cố gắng mô phỏng những thực thể ở tầng cao hơn trong một chuỗi những hoạt động nhằm vươn tới một tâm trí toàn hảo, tức là nguồn hấp dẫn vạn vật về hướng đó. Con người, bằng trí tuệ của mình, có thể nắm bắt chân lý bản thể trong các mục đích, có thể hiểu cấu trúc của vũ trụ. Quan trọng hơn, con người có thể hiểu chính mình, nắm bắt bản chất của chính mình, nhận thức cái tốt cao cả nhất của chính mình." [7] Luật tự nhiên của người Hi Lạp và của những nhà khai quốc là luật được nắm bắt và được hiểu bằng lý trí. Khái niệm về luật tự nhiên của Hi Lạp về sau được Thomas Aquinas lồng vào tư tưởng Cơ đốc giáo phương Tây, nhưng nó xuất phát bên ngoài thần học. Conkin nói, "Đối với Aristotle, luật tính và mục đích [cả hai] vốn có trong thực tại, tự nó, là vĩnh hằng và không phải là sản phẩm của trí tuệ sáng tạo." Triết gia Dòng Tên Thomas E. Davitt đã ghi nhận rằng "Nếu từ 'tự nhiên' có nghĩa bất cứ gì, nó nói tới bản chất của một người, và khi được sử dụng với từ 'luật', từ 'tự nhiên' phải nói tới sự sắp xếp được biểu lộ trong xu hướng của bản chất của người đó, mà không nói tới gì khác. Do đó, theo ngữ nghĩa của cụm từ này, không có gì mang tính tôn giáo và thần học trong 'Luật Tự nhiên' của Aquinas." [8] Luật gia theo phái Tin lành, Hugo Grotius, đã bảo vệ ý niệm về luật tự nhiên trong tác phẩm "Bàn về Luật Chiến tranh và Hòa Bình" ("De Jurre Belliac Paciss" [tiếng Anh: "On the Law of War and Peace"]) của ông, trong đó, ông đã nói các lý thuyết về luật tự nhiên như thế "sẽ có một mức độ hợp lý ngay cả khi chúng ta chấp nhận điều không thể được chấp nhận mà không sợ mang tiếng xấu, rằng, Thượng Đế không hiện hữu." [9] Đối với nhiều người, ý tưởng về luật "tự nhiên" được sử dụng để phân biệt với luật "siêu tự nhiên". Thuật ngữ đầu là sản phẩm của lý trí, thuật ngữ sau là sản phẩm của niềm tin. Lý trí đòi hỏi sự nghi vấn trong khi niềm tin đòi hỏi sự tuân phục. Nghi vấn đòi hỏi sự tự do trong khi sự tuân phục đòi hỏi uy quyền mà thôi. Cuộc Phản Cải cách của Công giáo đã nhấn mạnh lại sự tái khám phá luật tự nhiên của trường phái thần luận của Thomas Aquinas. Tu sĩ Dòng Tên Francisco Suárez là chuyên gia hàng đầu về công pháp quốc tế của cuộc Phản Cách mạng và một trong những luận cứ của ông chống lại Luther, theo J.G. Merquinor, là Luther đã "gạt bỏ luật tự nhiên." Suárez nhận thấy rằng "quan điểm đen tối về tội lỗi con người" của Luther không tương hợp với ý tưởng cho rằng một xã hội công bằng có thể được tạo dựng trên trái đất. Suárez cũng nhận thấy rằng một luận cứ về luật tự nhiên là hữu ích đối với những người Công giáo sống trong các vùng mà đạo Tin lành chi phối và biện luận cho một "sự trở lại toàn vẹn của viễn cảnh luật tự nhiên." [10] Tuy nhiên, Suárez không thấy các quyền đó mang tính chủ nghĩa cá nhân cho lắm mà thấy chúng mang tính toàn diện và bị giới hạn bởi khuôn khổ luân lý của xã hội. Giống như Grotiuss, ông chấp nhận rằng "luật tự nhiên không xuất phát từ Thượng Đế với tư cách chủ thể làm luật, bởi nó không phụ thuộc vào ý chí của Ngài" [11]. Theo Mequinor, Grotiuss là người đầu tiên sử dụng các quan điểm về luật tự nhiên "để xây dựng một lý giải mang tính chủ nghĩa cá nhân về xã hội, và ông đã "tái định nghĩa luật tự nhiên tách rời khỏi thần học." [12] Aquinas và những giáo sĩ đồng tu của cuộc Phản Cách mạng đã trở lại với những lý tưởng triết học Hi Lạp xưa cũ hơn. Karl Popper, trong "Xã hội Mở và Những Kẻ thù của Nó" ("The Open Society and Its Enemies") nói rằng "Nền văn minh phương Tây của chúng ta đến từ Hi Lạp." Điều này có nghĩa là Hi Lạp "đã bắt đầu cuộc cách mạng vĩ đại nhất ấy... sự chuyển đổi từ xã hội đóng sang xã hội mở. [13] Cuộc cách mạng của người Hi Lạp là cuộc cách mạng của những tư tưởng. Barbara Ward, trong cuốn sách "Đức tin và Sự tự do" ("Faith and Freedom"), viết rằng "Các triết gia Hi Lạp là những người đầu tiên suy nghĩ một cách có hệ thống về những vấn đề của tri thức - của người biết và điều được biết - và nó đã dẫn họ tới niềm tin vào ưu thế của lý trí." [14] Đối với người Hi Lạp, "trật tự trong tri thức của con người đòi hỏi có một trật tự tương ứng trong thực tại bên ngoài. Một trí tuệ lý tính khó có thể hiểu được một vũ trụ phi lý tính." Điều này có nghĩa là thế giới bên ngoài là một thế giới chứa các luật duy lý có thể được khám phá bằng lý trí. Điều này không chỉ thay đổi cách con người nhận biết về "các sự thật của tự nhiên" hay khoa học; nó cũng thay đổi cách con người liên hệ với nhau. [15] Ward nói "ý nghĩa này của lý tính và luật đã thấm vào toàn bộ tư tưởng Hi Lạp" và "nằm ở cơ sở của tư tưởng chính trị Hi Lạp." Trước người Hi Lạp, "Chính quyền có tính cách độc đoán. Những xã hội cổ xưa đã phát triển từ tôn giáo và phép thuật sơ khai"; "chính quyền đã chuyên chế một cách toàn diện, sự cai trị như thể việc riêng của vua hay tu sĩ, tùy nghi và không thể dự đoán." [16] Nhưng "chế độ chuyên quyền đối với người Hi Lạp là điều đáng bị nguyền rủa và khiển trách" bởi nó "khước từ luật khách quan và khả tri. Một ý tưởng chợt manh nha của một kẻ chuyên quyền thuộc bất cứ thể loại gì đặt con người vào những rủi ro phi lý và không thể dự đoán." "Chỉ khi chính quyền tuân theo luật..., ta mới có thể nói công dân được tự do." [17] Những nhà khai quốc thông thái Ward nói rằng những khai quốc của nước Mỹ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quan điểm này của Hi Lạp: "Những nhân sĩ ở những nông trại của bang Virginia thông thuộc truyền thống cổ điển và rút ra được từ đó cảm thức về luật. Một số bộ óc hàng đầu trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập là những học trò xuất sắc về tư tưởng về luật tự nhiên, mà một phần của tư tưởng này là sự lắng nghe lại truyền thống cổ xưa của người Hi Lạp, với ý tưởng về công lý[5] - luật vĩnh hằng - nằm ở sự sáng tạo của vũ trụ." [18] F. A. Hayek, trong "Hiến pháp về Tự do" ("The Constitution of Liberty"), cũng đã tìm thấy xuất xứ của ý niệm về pháp trị từ người Hi Lạp. Nhưng điều đó hẳn phải được đoán biết. Nếu người Hi Lạp chủ trương luật tự nhiên, họ cũng sẽ chủ trương nguyên tắc của luật ấy. Đây là điều mà Aristotle ngụ ý khi ông nói "[để] luật cai trị thì đúng đắn hơn bất kỳ công dân nào cai trị." Hayek nói rằng "Aristotle "lên án loại chính quyền trong đó 'con người, mà không phải luật, cai trị' và trong đó 'mọi thứ được quyết định bởi lá phiếu của số đông mà không phải bởi luật'" [19]. Hayek đã cố gắng hết sức, đặc biệt trong bộ sách ba tập "Luật, Pháp luật, và Tự do" ("Law, Legislation, and Liberty"), để phân biệt giữa luật [law] và pháp luật [legislation]. Luật, theo nghĩa Hi Lạp, mang tính tự nhiên và được khám phá ra như các sự kiện khác của tự nhiên, trong khi pháp luật đơn giản là [các quy định] được áp đặt [bởi con người]. Hayek nói rằng tất cả các trường phái về luật tự nhiên tán thành "sự tồn tại của các nguyên tắc mà không phải do bất cứ nhà lập pháp nào lập ra một cách có chủ tâm." [20] Đó là ý niệm mà những nhà khai quốc kêu gọi trong Tuyên ngôn Độc lập. Họ cảm thấy rằng chính quyền Anh đã xâm phạm các luật tự nhiên như thế và do đó, các luật tự nhiên đã cho thấy cuộc cách mạng của họ là đúng đắn. Jefferson đã nói đúng. Những ý tưởng cấp tiến của Tuyên ngôn Độc lập không phải là điều mới. Chúng được thấu hiểu bởi những trí thức giỏi nhất của thời kỳ Khai sáng, và trước đó, bởi những người như Thomas Aquinas. Thực vậy, cuộc cách mạng Mỹ, dựa trên các quyền tự nhiên và các luật tự nhiên, là một cuộc cách mạng đã bắt đầu hàng ngàn năm trước bởi những nhà tư tưởng Hi Lạp trong thành phố nhỏ bé Athens. Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, May 2015 James Peron là chủ tịch của Viện Moorfield Storey, một học viện độc lập chuyên nghiên cứu về sự bình đẳng của các quyền trước phát luật, sự dung thứ xã hội và tự do dân sự. Peron viết cho rất nhiều tạp chí uy tín như Tạp chí Wall Street (ấn bản Âu châu), Reason, và Johannesburg Star. Peron còn là tác giả cuốn sách "Zimbabwe: Cái chết của một ước mơ," và tiểu thuyết City Limits. Peron là biên tập viên cho hai website "Hôn nhân và Bình đẳng" và Storey Institute blog. Cước chú của tác giả: Letter from Thomas Jefferson to Henry Lee, in Paul Ford, ed., The Letters of Thomas Jefferson, vol. 10. (New York: Putnam's, 1892-1899), p.268. Bernard Bailyn, The Ideological Origins of the American Revolution (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1967), p. 77. Ethan Allen, Reason the Only Oracle of Man (Bennington, Vt.: Hasswell & Russell, 1784), p. 30. Paul Conkin, Self-Evident Truths (Bloomington, Ind.: Indiana University Press, 1974), p. 121. J. Salwyn Schapiro, Liberalism: Its Meaning and History (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand Company, 1958), p. 17. Ibid. Conkin, p. 77. Thomas E. Davitt, "St. Thomas Aquinas and Natural Law," in Arthur L. Harding, ed., Origins of the Natural Law Tradition (Dallas: Southern Methodist University Press, 1954), p. 39. Quoted in Murray Rothbard, The Ethics of Liberty, (Atlantic Highlands, N.J.: Humanities Press, 1982), p. 4. J.G. Merquior, Liberalism: Old and New (Boston: Twayne Publishers, 1991), p. 20. Quoted in A.P. d'Entreves, Natural Law (London: Hutchinson University Library, 1951), p. 71. Merquior. Karl Popper, The Open Society and Its Enemies, vol. 1 (London: George Routledge & Sons, Ltd., 1945), pp. 151, 153. 14. Barbara Ward, Faith and Freedom: A Study of Western Society (London: Hamish Hamilton, 1954), p. 38. Ibid., p. 39. Ibid., p. 40. Ibid., p. 41. Ibid., p. 139. F. A. Hayek, The Constitution of Liberty (London: Routledge & Kegan Paul, 1960), p. 165. Ibid., p. 237. Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/the-declaration-of-independence-its-greek-to-me [1] Khi chưa chế tạo ra giấy, người ta dùng da thuộc (thường là da dê, da cừu, hay da bò con) để viết. [HVCD]. [2] Phái Thần luận (Deism) chủ trương rằng con người có thể biết được Thượng Đế qua lý trí của mình và qua sự quan sát thiên nhiên, chứ không qua những hiện tượng siêu nhiên hay "phép lạ." [HVCD]. [3] John Locke, một triết gia chính trị nổi tiếng của thời kỳ Khai sang. Tư tưởng chính trị của Locke đặt nền tảng cho chế độ dân chủ và ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nhà khai quốc Mỹ [HVCD]. [4] Benjamin Franklin, chính trị gia lỗi lạc, nhà phát minh (nổi tiếng với ống thu lôi), nhà ngoại giao lão luyện, và là một trong những "quốc phụ" của Mỹ, một trong sáu người ký cả hai văn bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp [HVCD]. [5] Ý tưởng về công lý (the idea of dike): Dike còn được viết là Dicé (đọc theo tiếng Anh là DEE-kay) là tên của nữ thần công lý theo thần thoại Hi Lạp [HVCD].

Món Trứng chiên Omelette ở chỗ nào? LAWRENCE W. REED

On ne saurait faire une omelette sans casser des oeufs. Dịch nghĩa: "Ta không thể muốn làm món trứng chiên omellete mà không đập bể trứng." Khi thốt lên những lời đó năm 1790, Maximilian Robespierre đã hoan nghênh cuộc Cách Mạng Pháp kinh hoàng xảy ra một năm trước đó. Là một người theo chủ nghĩa trung ương tập quyền lão luyện và đã hoạt động không mệt mỏi để hoạch định đời sống của những người khác, Robespierre đã trở thành kiến trúc sư của giai đoạn đẫm máu nhất của cuộc Cách mạng Pháp-giai đoạn được mệnh danh là Thời kỳ Khủng bố 1793-1794. Robespierre và chiếc máy chém của ông ta đã đập vỡ hàng ngàn trái trứng trong một nỗ lực vô vọng nhằm áp đặt một xã hội tuyệt vời nhưng không tưởng lên trên toàn dân Pháp, một lý tưởng dựa trên những khẩu hiệu đầy quyến rũ "tự do, bình đẳng, huynh đệ." Nhưng, than ôi, Robesierre đã không làm được ngay cả một món trứng chiên, cũng như những tên côn đồ lên nắm quyền trong thập niên sau năm 1789. Chúng đã để lại một nước Pháp tan hoang, phá sản về kinh tế, chính trị, và đạo đức và tạo cơ hội cho sự độc tài của Napoleon Bonaparte. Cũng giống như Robespierre, chẳng có món trứng chiên nào được thành hình từ những nỗ lực đập bể trứng của Lenin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Hitler, và Mussolini. Kinh nghiệm của nước Pháp là một thí dụ của một mô hình gây phản cảm mà ta đã quá quen. Những người theo mô hình này, bạn có thể gọi họ bằng tên gì cũng được-những kẻ tả khuynh, những kẻ theo xã hội chủ nghĩa không tưởng, những kẻ quá khích chủ trương chính quyền kiểm soát toàn diện, những kẻ theo chủ nghĩa tập thể, hay trung ương tập quyền- đã xả rác trong lịch sử bằng những kế hoạch cao ngạo nhằm tái phối trí xã hội cho phù hợp với cái viễn tượng xây dựng "cái tốt chung" của họ cho nhân loại; những kế hoạch luôn luôn thất bại khi họ giết hay bần cùng hóa con người trong tiến trình của họ. Nếu chủ nghĩa xã hội có được một dòng mộ chí cuối cùng, thì đó sẽ là: "Đây là nơi an nghỉ của một quỷ kế được tạo nên bởi những kẻ cái gì-cũng-biết và rất hăng say trong việc mặc sức đập bể trứng, nhưng chưa hề bao giờ làm được món trứng chiên nào hết." Mọi thí nghiệm mang tính chất tập thể tả khuynh trong thế kỷ hai mươi đều được những nhà tư tưởng theo khuynh hướng tập quyền báo trước là sẽ mang lại Đất Hứa. "Tôi đã nhìn thấy tương lai và những thành quả của nó," nhà trí thức Lincoln Steffen đã nói như vậy sau chuyến đi thăm nước Liên Xô của Stalin. Trên tờ New Yorker ấn hành năm 1984, John Kenneth Galbraith lý luận là Liên Xô đang có những bước tiến vĩ đại về kinh tế, một phần vì hệ thống xã hội chủ nghĩa đã "tận dụng" được nguồn nhân lực của quốc gia, tương phản với hệ thống tư bản kém hiệu năng của phương Tây. Nhưng theo Hắc Thư về Chủ nghĩa Cộng sản, một nghiên cứu có uy tín, dầy tới 846 trang, ấn hành năm 1997, ước lượng thì chủ nghĩa cộng sản đã giết 20 triệu người trong cái "thiên đường của công nhân."[1] Thêm vào đó, Hắc Thư đã dẫn chứng bằng tài liệu con số tử vong trong những nước cộng sản khác: từ 45 tới 72 triệu người chết ở Trung Cộng, trong khoảng 1 triệu 3 đến 2 triệu 3 người chết tại Cambodia, 2 triệu người chết tại Bắc Hàn, 1 triệu 7 người chết tại Phi châu, 1 triệu rưỡi người chết ở Afghanistan, 1 triệu người chết ở Việt Nam, 1 triệu người chết ở Đông Âu, và 150 ngàn người chết ở Châu Mỹ Latin. Bộ máy hành chính bất tài và cồng kềnh Chưa hết, tất cả những chế độ sát nhân đó đều có nền kinh tế hết thuốc chữa; họ phung phí tài nguyên để chi cho công an và quân đội, xây dựng bộ máy hành chánh cồng kềnh và bất tài, và chẳng sản xuất được cái gì để có thể xuất cảng ra thị trường ngoài lãnh thổ của họ. Họ đã không "tận dụng" được cái gì hết ngoại trừ sức mạnh của công an. Trong mỗi một nước cộng sản trên toàn thế giới, câu chuyện đều giống nhau: rất nhiều trứng bị đập vỡ, nhưng không có trứng chiên. Đây là một sự thực, không có ngoại lệ. F. A. Hayek[2] đã giải thích kết quả tất yếu này trong tác phẩm Đường dẫn tới chế độ nông nô, một tác phẩm kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng xuất bản năm 1944. Hayek cảnh cáo: tất cả mọi cố gắng nhằm thay đổi những kế hoạch cá nhân bằng kế hoạch trung ương sẽ đưa tới thảm họa và sự độc tài. Không thể có một viễn cảnh cao thượng nào có thể biện minh cho sự sử dụng bạo lực để đạt được viễn cảnh đó. Hayek viết, "Cái nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện dùng trong đạo đức cá nhân được người ta dùng để phủ nhận mọi giá trị đạo đức. Trong đạo đức tập thể, nguyên tắc này tất yếu trở thành sự cai trị tối cao của nhà nước." Những tội ác tệ hại nhất của những người chủ trương nhà nước tập quyền tồi tệ nhất thường được giảm thiểu hóa hay bỏ qua bởi những người cùng phe nhưng ít cực đoan hơn, cho đó là sự "quá độ" của những người quá hăng say nhưng có ý định tốt. Những người biện hộ này phủ nhận bàn tay sắt và cho rằng nhà nước có thể đạt được sự bình đẳng và những mục đích tập thể bằng bao tay bọc nhung. Nhưng cho dù đó là con đường "trung dung" kiểu Thụy Điển, "chủ nghĩa xã hội công nhân" kiểu Nam Tư, hay chủ nghĩa Fabian[3] kiểu Anh quốc, kết quả vẫn như nhau: trứng vỡ nát, nhưng không có trứng chiên. Bạn có bao giờ để ý rằng những người chủ trương nhà nước tập quyền vẫn liên tục "cải cách" những công trình của họ không? Nào là cải cách giáo dục, cải cách y tế, cái cách phúc lợi xã hội, cải cách thuế vụ. Chính cái sự kiện họ cứ loay hoay "cải cách" hoài đã ngầm cho ta thấy là ngay từ 50 lần đầu tiên họ đã làm sai trật hết. Cái danh sách này thì dài vô tận: chính sách y tế của Canada, chủ nghĩa phúc lợi của Âu châu, Chủ nghĩa Peron[4] của Argentina, chủ nghĩa xã hội hậu thuộc đại của Phi châu, cộng sản kiểu Cuba, và cứ thế kéo dài. Chưa có nơi nào trên thế giới mà những nhà nước tập quyền sản xuất được món trứng chiên. Ở mọi nơi-kết quả như nhau: trứng bị đập vỡ và bị bác chẳng còn ra hình thù gì nữa. Người dân ở những xứ này đời sống mỗi ngày một tệ hơn, bị bần cùng hóa và nháo nhác tìm câu trả lời ở chốn khác hay cơ hội để trốn đi. Những nền kinh tế bị hủy hoại. Lửa tự do bị dập tắt. Ta có thể dùng điều này làm kết luận rằng nhà nước tập quyền không có được một mô hình thành công nào để trưng bày, không có món trứng chiên nào họ có thể dùng để khoe với mọi người là món chính trong cách nấu thực phẩm của họ, nhất là đối với những người yêu tự do như chúng ta. Thật ra, các kinh tế gia James Gwartney, Robert Lawson, và Walter Block trong khảo sát của họ mang tựa đề Tự do Kinh tế của Thế giới: 1975-1995, đã kết luận rằng "Không có một nước nào mà được đánh giá là có sự tự do kinh tế cao và bền vững trong hai thập niên qua mà lại không đạt được mức độ thu nhập cao. Ngược lại, không có nước nào mà có mức độ đánh gía kinh tế thấp đạt được mức thu nhập trung bình...Những nước có sự gia tăng cao nhất về tự do kinh tế trong thời kỳ này đã đạt được những mức tăng trưởng đáng khâm phục." Có lẽ không có ai giải thích bài học này hay hơn nhà kinh tế và chính trị gia lão luyện Frederic Bastiat 150 năm trước đây: "Và giờ đây khi các nhà lập pháp và những kẻ nghĩ mình-là-người làm-việc-tốt thấy họ đã gây ra bao thiệt hại khi áp đặt quá nhiều hệ thống lên xã hội, họ nên chấm dứt ở chỗ họ bắt đầu: Vất hết tất cả mọi hệ thống, và hãy thử tự do; vì tự do là sự công nhận niềm tin vào Thượng Đế và những công trình của Ngài." Bài này dược đăng lần đầu trên Tạp Chí Freeman năm 1999. Về tác giả: Lawrence (Larry) Reed là Chủ tịch của Tổ chức FEE (Foundation for Economic Education) từ năm 2008, sau khia đã làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong thập niên 1990 và đã cộng tác bài vở với FEE từ thập niên 1970. Larry là giáo sư môn kinh tế học tại Đại học Northwood, bang Michigan từ năm 1977-1984 và là trưởng phân khoa Kinh tế tại đây từ 1982-1984. © Học Viện Công Dân, March 2015 Nông Duy Trường chuyển ngữ Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/where-are-the-omelets [1] Liên Xô [2] Frederick August von Hayek là một nhà kinh tế học người Anh gốc Austria, cũng đồng thời là một triết gia về chính trị, cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tư bản theo thị trường tự do nhằm đối kháng lại với những chủ trương xã hội chủ nghĩa hay nhà nước tập thể vào giữa thế kỷ 20. Hayek được xem là một trong những nhà tư tưởng về chính trị và kinh tế quan trọng nhất trong thế kỷ 20. Năm 1950, Hayek sang Mỹ giảng dạy tại Đại học Chicago. Hayke được giải Nobel Kinh tế năm 1974 cùng với kinh tế gia Gunnar Myrdal, và nhận được Huy Chương Tự Do của Tổng thống năm 1991. Hayek mất năm 1992, thọ 92 tuổi. [3] Chủ nghĩa Fabian là chủ nghĩa của tổ chức Fabian (Fabian Society: Fabian Xã) xuất phát từ Anh quốc, được thành lập từ năm 1884, và chủ trương tiến hành chủ nghĩa xã hội qua các phương tiện tiệm tiến và cải cách. Đảng Lao Động Anh sử dụng một số nguyên tắc của chủ nghĩa Fabian. Ngày nay Fabian Xã hoạt động chuyên về nghiên cứu (think tank). [4] Chủ nghĩa Peron (Peronism), được đặt tên theo tổng thống Juan Peron, là chủ nghĩa ở giữa hai cực tư bản và cộng sản và theo khuynh hướng nghiệp đoàn và có tính cách chuyên chế.

Các Lý tưởng của Chính thể Chuyên chế James Peron

Thành tựu về Bình đẳng Đòi hỏi Xóa bỏ Tự do Chủ nghĩa xã hội, cùng với các phong trào khác dựa trên chủ nghĩa bình đẳng, thường được nâng lên như một lý tưởng đạo đức. Nhiều người cho rằng xu hướng tiến đến "sự bình đẳng" là điều rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, người ta thường thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội, mặc dù dựa trên một nguyên tắc đạo đức, đã thất bại vì nó đã sử dụng phương tiện phi đạo đức để đạt được cứu cánh. Nhưng vấn đề là các phương pháp thực hiện những lý tưởng xã hội chủ nghĩa vốn có trong những lý tưởng đó. Bình đẳng, chính cái nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội mà rất nhiều người đưa ra như là đức hạnh cao nhất của nó, chắc chắn sẽ dẫn đến chế độ độc tài. Cựu lí luận gia Marxist David Horowitz nói rằng "các quyền vẫn thường được tuyên bố trước đây trong các luận thuyết của cánh Tả là [những điều] tự mâu thuẫn và tự chuốc lấy thất bại." Các thành tựu của sự bình đẳng đòi hỏi phải xóa bỏ tự do. Horowitz viết: "Chế độ công bằng xã hội mà cánh Tả mơ ước là một chế độ, do chính bản chất của nó, phải bóp nát tự do cá nhân. Nó không phải là vấn đề về sự lựa chọn phương tiện chính trị đúng (mà vẫn tránh phương tiện chính trị sai) để đạt được cứu cánh mong muốn. [Bởi vì] các phương tiện được bao hàm trong cứu cánh. [Hay trong cứu cánh vốn có các phương tiện rồi.] Các cuộc cách mạng của cánh tả phải bóp nát tự do để đạt được "công bằng xã hội" mà nó mưu cầu. Do đó, đạt được ngay cả cứu cánh ấy là điều bất khả thi. Đây là vòng tròn độc tài toàn trị mà chẳng thể điều chỉnh thành hình vuông được. Chủ nghĩa xã hội không phải là bánh mì mà không có tự do; nó chẳng phải tự do cũng chẳng phải bánh mì." Các tính chất hủy diệt của chủ nghĩa xã hội là kết quả của sự mong muốn của nó về sự bình đẳng. Không khó để hiểu được những lý do của điều đó. Trong 'Hiến pháp về Tự do', F. A. Hayek[1] đã viết, "Có một điều không đúng sự thật rằng con người được sinh ra bình đẳng; . . . nếu chúng ta đối xử với họ như nhau, kết quả phải là bất bình đẳng ở các địa vị thực tế của họ; . . . [do đó] cách duy nhất để đặt họ ở địa vị bình đẳng sẽ là đối xử với họ một cách khác nhau. Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về vật chất, do đó, không chỉ khác nhau, mà còn mâu thuẫn với nhau nữa." Trong thiên hạ có những người với những mức độ thông minh khác nhau, bên cạnh những mức độ khác nhau về học vấn và khả năng. Không phải ai cũng có thể là một nhà vật lý hạt nhân hoặc một bác sĩ y khoa. Và dù sự học có nhiều bao nhiêu cũng không thay đổi được điều đó. Vậy thì làm thế nào để chúng ta đạt được sự bình đẳng về kết quả nếu đó là mục tiêu của chúng ta? Phương pháp duy nhất còn lại là kéo những người tài giỏi nhất xuống. Những người thông minh, do đó, trở thành nạn nhân của bạo lực đám đông kém thông minh nhất trong xã hội. Đây là lý do tại sao Mao có Cách mạng Văn hóa của ông ta. Đây là lý do tại sao Pol Pot đã tấn công những người có học vấn. Đây là lý do tại sao Robert Mugabe ở Zimbabwe đã nhằm vào các chuyên gia da đen và nông dân thương mại da trắng. Nhà xã hội học Robert Nisbet lý giải rằng chủ nghĩa bình đẳng là học thuyết căn bản của phong trào chính trị cách mạng. Hơn bất kỳ giá trị nào khác, sự bình đẳng là động cơ chính yếu của chủ nghĩa cực đoan. Không có giá trị nào khác phục vụ một cách hiệu quả như vậy trong việc phân biệt giữa các ý thức hệ khác nhau của hiện tại lẫn của hai thế kỷ đã qua. Thái độ của một người đối với sự bình đẳng trong mớ phức tạp bao gồm những hàng hóa xã hội, văn hóa và kinh tế cho chúng ta thấy [một cách chính xác] gần như hoàn hảo rằng người đó theo phái cấp tiến, tự do (cổ điển), hay bảo thủ. Mối bận tâm với sự bình đẳng đã thực sự là một biểu hiện thường xuyên của những người cấp tiến ở phương Tây trong một thời gian dài. Niềm say mê sự bình đẳng mà thoạt đầu rất mạnh mẽ vào thời điểm của Cách mạng Thanh giáo là một biểu hiện quan trọng của mỗi cuộc cách mạng lớn ở phương Tây (trường hợp cuộc cách mạng của Mỹ có thể được coi là một ngoại lệ với nhiều điều pha trộn), và sự say mê này đã mang theo nó một sự thôi thúc đã kéo dài hàng thiên niên kỷ trong lòng những người sùng tín niềm say mê ấy hơn [những người say mê khác] dẫn họ tới hành động phá hoại, lật đổ, và hủy diệt bất cứ xã hội nào mà họ thấy có sự bất bình đẳng. Một xã hội tự do sẽ không thể là một xã hội bình đẳng. Một khi con người được tự do, những lựa chọn mà họ chắc chắn thực hiện sẽ làm thay đổi mức độ giàu có của họ. Thậm chí nếu chúng ta có thể tái phân phối tất cả sự giàu có một cách bình đẳng, một khi bàn tay sắt của sự điều khiển tập trung đã được gỡ bỏ, sự bất bình đẳng sẽ ngay lập tức sinh ra. Hãy tưởng tượng một xã hội hoàn toàn bình đẳng về sự giàu có nhưng đó là nơi mà tất cả mọi người được tự do đưa ra quyết định liên quan đến cuộc sống riêng của họ. Nếu sự giàu có [của mọi người] là như nhau vào lúc 8 giờ sáng, thì nó sẽ trở nên không như nhau vào lúc 8 giờ 1 phút sáng. Một số cá nhân sẽ tiêu tiền của họ, trong khi những người khác sẽ đầu tư nó. Một số sẽ đánh bạc với nó hay mua bánh ngọt. Những người khác sẽ mua lại các dụng cụ để làm việc hoặc trả tiền cho giáo dục, đào tạo. Mỗi sự lựa chọn có nghĩa là phân phối của cải sẽ trở nên dần dần bất bình đẳng hơn. Cách duy nhất để ngăn điều này xảy ra là tước quyền của cá nhân trong việc ra quyết định cho chính mình. Sự hủy diệt tự do là phương pháp duy nhất để thực hiện sự bình đẳng về kết quả. Vì vậy, mỗi xã hội bình đẳng cuối cùng phải dựa vào cưỡng chế và độc tài để đạt được các mục tiêu của nó. Một số xã hội độc tài ôn hòa hơn những xã hội khác, nhưng phương pháp luôn luôn giữ nguyên. Ngay cả những nhà nước phúc lợi ôn hòa nhất cũng cần đến những chính sách tái phân phối [một cách] cưỡng chế mang tính hệ thống và liên tục. Chủ nghĩa xã hội dân chủ Chủ nghĩa xã hội dân chủ không là ngoại lệ. Trong một bài báo cho tạp chí Free Inquiry, số mùa thu 1989, Giáo sư Kai Nielsen đã đưa ra luận điểm rằng trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, "quyền lực và sức mạnh được chia sẻ." Mọi người đều có cơ hội bình đẳng, ít nhất là theo nghĩa "một người, một phiếu bầu." Kết quả là, ông nói, "tạo ra sự bình đẳng lớn hơn về điều kiện." Nhưng điều này là không đúng. Thiểu số hầu như không được hưởng lợi từ một biểu quyết của đa số. Điều này đúng cho người da đen ở miền Nam Hoa Kỳ thời luật Jim Crow còn được áp dụng[2] và cũng đúng như vậy vào ngày hôm nay cho người da trắng ở Zimbabwe. Ít nhất dưới chủ nghĩa tư bản, một số doanh nhân "tham lam" sẵn sàng bán cho tôi những hàng hoá tôi cần. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội dân chủ, tôi phải thuyết phục đa số đồng bào mình về tính hữu ích của việc đáp ứng nhu cầu hoặc mong muốn của tôi. Khơi gợi những mong muốn ích kỷ của một doanh nhân "tham lam" dễ dàng hơn nhiều so với khơi gợi các xung động vị tha của phần đông dân chúng. Nielsen cho rằng "một xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ bình đẳng hơn so với một xã hội tư bản chủ nghĩa," và tôi nghi ngờ rằng ông đúng. Nhưng có hai cách để tạo ra một xã hội bình đẳng. Một là nâng tất cả mọi người lên đến mức cao nhất; hai là hạ tất cả mọi người xuống đến mức thấp nhất. Cách thứ nhất đã chứng minh là khá khó nắm bắt, trong khi cách thứ hai có vẻ dễ đạt được hơn nhiều. Các chương trình Chia Sẻ-sự-Giàu Có (Share-the-Wealth) chắc chắn cuối cùng ở thành kế hoạch Chia Sẻ-sự-Nghèo Khó (Share-the-Poverty). Những người chống chủ nghĩa tư bản nói rằng thực tế thị trường tự do sản xuất ra những phần thưởng bất bình đẳng chứng tỏ nó kém cỏi-nếu không muốn nói là xấu xa. Nhưng trong một xã hội mà sự tự do tư tưởng được cho phép, một số người sẽ tư duy hiệu quả hơn và hợp lý hơn một số người khác. Liệu khả năng tư duy không đồng đều có là điều sai lầm hơn so với khả năng kinh tế không đồng đều hay không? Là một vấn đề của thực tế, phần lớn các bất bình đẳng về sự giàu có là do sự bất bình đẳng về khả năng tư duy. Mỗi người đều có quyền bình đẳng để suy nghĩ, và quyền bình đẳng để lao động, nhưng chúng ta không thể đảm bảo một kết quả như nhau mà không hạ khả năng của những người tài giỏi nhất xuống các tiêu chuẩn của những người kém cỏi nhất. Những người xã hội chủ nghĩa quá giảo hoạt khi biện giải qua loa những cách thức mà chủ nghĩa xã hội hạn chế tự do cá nhân. Nielsen viết: "Chủ nghĩa xã hội cấm những hành vi tư bản chủ nghĩa-hay ít nhất là hầu hết những hành vi tư bản chủ nghĩa-giữa những người trưởng thành có sự đồng thuận. Mà điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là nó hạn chế mua và bán. Nó chẳng nói gì cả về các quyền tự do thực sự thiết yếu, ấy là, các quyền tự do dân sự, như tự do ngôn luận, tư do bầu cử, tự do hành động, hay tự do lương tâm, và các quyền tự do tương tự." Việc sử dụng từ "đơn giản" trong đoạn trên là xúc phạm. Bạn được nói rằng bạn có tự do ngôn luận nhưng không phải là tự do mua và bán. Các phương tiện sản xuất chủ yếu sẽ nằm trong tay nhà nước. Bạn có thể nói những gì bạn muốn, nhưng bạn phải đến cơ quan nhà nước để mua giấy, mực in, và báo in mà bạn cần để phổ biến những suy nghĩ của bạn cho người khác. Bạn có quyền tự do đi lại nhưng có lẽ qua một hãng hàng không, đường sắt, hoặc dịch vụ xe buýt của nhà nước và rồi chỉ khi nó không xung đột với một số kế hoạch tập trung được quyết định một cách dân chủ. Bạn sẽ được tự do thực hiện các quyền tự do dân sự của bạn miễn là bạn không sử dụng các nguồn lực để làm như vậy. Nếu bạn sử dụng các nguồn lực thì bạn phải đến cơ quan nhà nước để xin phép. Thậm chí trong một xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ, sự thực hiện các quyền về phương diện vật chất là cần thiết, nhưng nguồn lực vật chất nằm trong tay nhà nước. Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ dường như tin rằng con người là những linh hồn tách rời thể xác, những người có thể đạt được "những giá trị cao hơn" của họ trong một thế giới phi vật thể. Trong mọi xã hội tư bản chủ nghĩa, báo chí, tờ rơi, và sách vở xã hội chủ nghĩa có rất nhiều. Dưới chủ nghĩa tư bản, một người xã hội chủ nghĩa không buộc phải có được sự đồng ý của đa số để xuất bản chương trình nghị sự của mình. Điều này không đúng đối với những người tư bản chủ nghĩa, và những người bất đồng chính kiến ​​khác, trong thiên đường xã hội chủ nghĩa. "Những sự tự do thiết yếu" Giáo sư Nielsen cũng lộ ra sự bất bình đẳng vốn có của chủ nghĩa xã hội khi ông nói rằng mọi người vẫn có thể thực hiện "các quyền tự do thực sự thiết yếu." Ông không nói câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng nhưng không được hỏi, đó là: thiết yếu cho ai? Giống như những người xã hội chủ nghĩa ở khắp mọi nơi, Nielsen cho chúng ta biết rằng một số quyền tự do quan trọng hơn các quyền tự do khác, và ông cùng những người xã hội chủ nghĩa cùng hội cùng thuyền sẽ quyết định cho chúng ta các quyền tự do nào là thực sự quan trọng. Nhưng nếu bạn không đồng ý với Nielsen? Chẳng hạn như nếu bạn nghĩ rằng quyền bán sức lao động của bạn quan trọng hơn quyền tự do ngôn luận? Nielsen đã trả lời câu hỏi đó: "Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ai có thể mua và bán sức lao động." Bởi vì ông giáo sư không coi trọng quyền bán sức lao động, bạn sẽ bị cấm bán sức lao động của mình bất chấp là bạn muốn bán. Nielsen có được quyền bất bình đẳng để áp đặt hệ thống giá trị của mình lên bạn. Xã hội của ông sẽ là xã hội mà bạn phải coi trọng các quyền tự do "cạnh tranh" theo như mong muốn của ông. Chủ nghĩa bình đẳng xã hội chủ nghĩa sớm trôi vào cơn ác mộng Orwell nơi "một số con vật được bình đẳng hơn những con vật khác." Sự bất bình đẳng vốn có của chủ nghĩa xã hội cũng được bộc lộ khi Nielsen nói với chúng ta: "Với hoạch định hợp lý [trong chủ nghĩa xã hội] hơn là hoạch định có thể có trong chủ nghĩa tư bản và với một nền kinh tế được cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của con người, chủ nghĩa xã hội có thể nâng cao phúc lợi của con người hơn chủ nghĩa tư bản." Nhưng để có "hoạch định hợp lý" và một nền kinh tế "được cơ cấu," phải có ai đó hoạch định và cấu trúc. Ai sẽ có quyền đó? Và sẽ thế nào nếu bạn không muốn "được hoạch định" và "được cơ cấu" theo ý tưởng tuỳ tiện của một ai đó? Những người xã hội chủ nghĩa cho chúng ta biết rằng dưới chủ nghĩa tư bản, có hai giai cấp: những nhà tư bản và những người lao động. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội cũng có hai giai cấp: các nhà hoạch định và những người được hoạch định. Dưới chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản cạnh tranh cố gắng mua sức lao động của bạn, và bạn có quyền lựa chọn một trong số họ để làm việc cho. Và nếu bạn không thích bất cứ ai trong số họ, bạn có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Dưới chủ nghĩa xã hội, có một người chủ, và bạn không có sự lựa chọn. "Sự lựa chọn" duy nhất mà bạn có dưới chủ nghĩa xã hội là sống theo các giá trị của những người xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế, chúng ta thậm chí không thể dùng từ "sự lựa chọn" trong bối cảnh này vì một sự lựa chọn đòi hỏi phải có nhiều con đường, và phải có sự tự do để lựa chọn trong số chúng. Trong một xã hội tự do, không ai hành động để ngăn cản những người xã hội chủ nghĩa thiết lập xã hội "lý tưởng" của mình. Nhưng trong thế giới của Nielsen, những người xã hội chủ nghĩa sẽ ngăn cản những người tự do chủ nghĩa thiết lập xã hội của họ. Nói cách khác, không có sự bình đẳng về quyền dưới chủ nghĩa xã hội. Những người xã hội chủ nghĩa, giống như tất cả những kẻ độc tài, cuối cùng kết thúc với việc ban phát một quyền: quyền sống theo các giá trị, các mong muốn, và các kế hoạch của họ. Kế hoạch tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội sẽ "được đạt đến một cách dân chủ", Nielsen nói. Nhưng cách thức làm sao mà điều này có thể được thực hiện lại bị lờ đi một cách hân hoan. Cũng bị lờ đi là câu hỏi cơ bản về lý do tại sao đa số có quyền hoạch định một cách dân chủ cuộc sống của bạn. Nếu đa số trong một xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ có quyền áp đặt ý chí của mình lên thiểu số chỉ đơn giản vì nó là đa số, thì trong tình huống cụ thể đó, đa số có các quyền mà thiểu số không có. Một lần nữa chúng ta phải đối mặt với sự bất bình đẳng về quyền, vậy mà những người xã hội chủ nghĩa nói với chúng ta rằng có chủ nghĩa bình đẳng dưới chủ nghĩa xã hội. Giáo sư Nielsen kết thúc luận điểm với một lời kêu gọi cho quyền áp đặt các giá trị của ông. "Một cam kết tự chủ là một cam kết tự định hướng; những hạn chế lớn nhất sẽ là những hạn chế về tự do dân sự, nhưng chủ nghĩa xã hội không đề cập tới chúng. Chủ nghĩa xã hội đề cập tới sự tự do mua và bán, bao gồm cả mua và bán sức lao động. Điều này hầu như không ảnh hưởng đến những người sống cuộc sống tự định hướng, nhưng ngay cả khi nó ảnh hưởng, nó sẽ có nghĩa là đánh đổi sự tự do nhỏ hơn để lấy sự tự do lớn hơn." Tôi không đồng ý. Tôi không phân chia các quyền tự do của tôi thành "nhỏ hơn" hay "lớn hơn". Tôi thấy tự do là bất khả phân. Giống như hầu hết những người xã hội chủ nghĩa, Nielsen không coi trọng tự do kinh tế. Vì vậy, nó là một sự tự do "nhỏ hơn". Chủ nghĩa bình đẳng của ông có nghĩa là ông có thể đánh đổi các quyền tự do mà bạn và tôi coi trọng bởi vì ông không coi trọng các quyền tự do đó. Chúng ta sử dụng những tiêu chuẩn của ai để phân loại các quyền tự do của chúng ta? Chúng ta có quyết định điều này một cách dân chủ? Tự do dân sự có nên được quyết định bởi một cuộc bỏ phiếu của đám đông? Hay chúng ta lại quay về với Nielsen và các đồng nghiệp của ông và để họ quyết định cho chúng ta? Khả năng sản xuất-đó là để lao động, vì có thể không có sản xuất mà không có lao động-phải được hoạch định cho một xã hội xã hội chủ nghĩa để còn là xã hội chủ nghĩa. Nếu các nhà hoạch định lập kế hoạch kinh tế hợp lý, họ phải có khả năng chỉ đạo lao động-điều này mâu thuẫn với sự tự do hành động mà Nielsen ca ngợi. Làm thế nào họ có thể hoạch định nền kinh tế nếu mọi người được tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình? Nếu các nhà hoạch định cần các kỹ sư, nhưng thay vào đó, mọi người muốn theo đuổi triết học, các nhà hoạch định sẽ cần sức mạnh để đóng cửa các lớp triết học và chuyển các giáo sư tương lai vào các khóa học kỹ thuật. Nếu họ không có sức mạnh đó, làm thế nào họ có thể hoạch định nền kinh tế? Nếu họ không có quyền lựa chọn các mưu cầu trí tuệ của chúng ta, vậy thì điều gì sẽ xảy ra với sự tự do tư tưởng? Sau hết, nền kinh tế phải được cơ cấu để đáp ứng "các nhu cầu của con người," theo nghĩa tập thể, lại không phải là các nhu cầu của cá nhân. Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội dân chủ bảo vệ các quyền tự do dân sự là một ảo tưởng chỉ có thể đạt được bằng họng súng. Lỗ hổng chết người trong chủ nghĩa xã hội có hai phần: thứ nhất, tính tự phụ vốn có trong mong muốn hoạch định cuộc sống của người khác; thứ hai, sức mạnh cần thiết để áp đặt hoạch định đó lên các đối tượng không chấp nhận sự áp đặt. Đây không phải là một công thức cho sự tự do mà cho chế độ độc tài. Những điều kinh hoàng bạo ngược đã được chứng kiến ​​trong thế kỷ vừa qua dưới chế độ độc tài của các trí thức Mác-xít không trái với mục tiêu lý tưởng của họ. Các phương pháp và các mục tiêu được gắn với nhau một cách mật thiết. Thực tế độc tài là kết quả trực tiếp của những mục tiêu lý tưởng. Dù con người có thể ước muốn điều gì đi nữa, sự thật vẫn là, những người tự do sẽ không bao giờ bình đẳng và những người bình đẳng sẽ không bao giờ tự do. Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ © Học Viện Công Dân, Dec 2015 James Peron là chủ tịch của Viện Moorfield Storey, một học viện độc lập chuyên nghiên cứu về sự bình đẳng của các quyền trước phát luật, sự dung thứ xã hội và tự do dân sự. Peron viết cho rất nhiều tạp chí uy tín như Tạp chí Wall Street (ấn bản Âu châu), Reason, và Johannesburg Star. Peron còn là tác giả cuốn sách "Zimbabwe: Cái chết của một ước mơ," và tiểu thuyết City Limits. Peron là biên tập viên cho hai website "Hôn nhân và Bình đẳng" và Storey Institute blog. Nguồn: http://fee.org/freeman/the-ideals-of-tyranny/ [1] Frederick Hayek là một nhà kinh tế học, cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cổ điển bao gồm các quyền tự do dân sự, tự do chính trị, chính quyền dân chủ pháp trị, và tự do kinh tế. Ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1974. [2] Luật Jim Crow là luật phân biệt chủng tộc của bảy tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ theo chế độ nô lệ (gồm có South Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Tezxas, và Louisiana). Luật này được đưa ra trong thời kỳ tái thiết hậu Nội chiến (1865) và kéo dài mãi tới 1965. Theo luật Jim Crow, người da đen được xem là "bình đẳng, nhưng phân biệt" (separate but equal)., họ không được đi chung xe công cộng, các công thự, và trường học công. (Jim Crow là một diễn viên da trắng giả làm da đen và nhại giọng cùng bộ điệu của người da đen trong những màn biểu diễn để chế giễu người da đen. Không hiểu vì sao từ Jim Crow được dùng để chỉ những đạo luật này).

Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây Phan Chu Trinh (Bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh diễn tại nhà hội Việt Nam ở Sài gòn, đêm 19.11.1925)(*)

Thưa các anh em đồng bào! Anh em đồng bào thấy tôi là người tuổi tác, ở lâu năm bên Pháp về, anh em đồng bào có lòng quá yêu, nhường cho tôi bước đầu lên diễn đàn nhà hội "Việt Nam" ta đây, để tỏ ý kiến là hy vọng của tôi đối với xã hội Việt Nam ta từ ấy đến giờ, thì tôi rất lấy làm cảm tạ vô cùng. Không nói, tưởng anh em đồng bào cũng đã biết tôi vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam mà phải lăn lóc đến mười tám năm nay. Trong khoảng 18 năm đó (hơn 14 năm ở Pháp) thường mong mỏi được gặp mặt anh em đồng bào cố hương, đặng tỏ chút ý kiến về những sự đã được nghe thấy trong khi tôi trôi nổi nơi đất khách quê người. Không ngờ giấc mộng được thành, trở về nơi chôn nhau cắt rốn, giáp mặt anh em đông đủ thế này. Tôi mừng quá. Thưa anh em đồng bào, nay tôi đã được gặp anh em đông đủ ở đây, tôi xin anh em cho phép tôi được giải bày đôi chút ý kiến về "Đạo đức luân lý Đông Tây" mà mong rằng anh em để ý hiểu cho. Đáng lẽ theo thời nay, không thiếu chi vấn đề rất quan trọng làm rung động các dân tộc trên toàn cầu, tôi có thể nói chuyện cùng anh em được, thế mà tôi lại không lựa đến mấy vấn đề mới mẻ ấy, chỉ chọn lấy cái vấn đề "Đạo đức và luân lý" rất tầm thường mà rất cũ kỹ thế này. Tôi chọn lấy vấn đề này, là vì tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ sức mạnh thôi, mà phải nhờ cái đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên trên thì lại cần có một đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình. Câu chuyện đạo đức tôi sẽ giải ra sau này không cao xa gì, mà cũng không như câu chuyện đạo đức các ông thuộc về phái thủ cựu thường đã nói. Đạo đức đây chỉ là: "Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một lịch sử chính đáng, thì phải giữ gìn những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình", nghĩa là giữ lấy những đức hay tính tốt mấy trăm nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nuớc nào dân tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại là một cái tính chất của một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được. *** Thưa các anh em đồng bào! Tôi lâu nay lưu lạc, bây giờ trở về mới liếc mắt trông qua vài hiện trạng của mước nhà ta, tôi rất lấy làm buồn lắm. Than ôi! Cái đạo đức cũ đã mất từ bao giờ không khác gì trái cây khô, mà đạo đức mới cũng chưa hình thành gì cả. Thử xem các ông cựu học thì bo bo nói rằng phải buộc bọn thiếu niên tân tiến theo đạo đức cũ. Nhưng chán thay, các ông chỉ nói thế thôi, xét ra thì những lễ, nghĩa, liêm, sỉ các ông bỏ mất không biết gì đến rồi, mà đạo đức cũ ông cha ngày xưa để lại cũng theo dòng nước chảy xuôi, Đó là nói các ông không biết giữ gìn đó thôi, chớ như đem ngay cái luân lý cũ kỹ mấy nghìn năm trước mà so sánh với luân lý của thế giới ngày nay thì cũng trái ngược lắm rồi. Còn các bạn thiếu niên thấy ông lù khù như thế lại càng làm giàu thêm cái tính kiêu căng, học được chút ít đã vội tưởng mình hơn các cụ già rồi, không giữ gìn tính nết, thành ra cách ăn ở Tây không ra Tây, mà Nam cũng không ra Nam. Điều này không chỉ tôi nói ra đây mà thôi, chính người Pháp ở thuộc địa lâu ngày viết sách chê đến đã nhiều. Anh em ta đây tất cũng thấy người ta thường nhóm năm nhóm bảy với nhau rằng cái tính của người Tây kiêu ngạo hay khinh người, nhưng ta hãy tự hỏi ta điều đó, ta xem cách ta ăn ở có đáng cho người ta kính trọng không? Sự đó không thiếu gì là gương cũ ta có thể kể ra được. Đã mấy mươi năm nay, nhờ cái phong trào của thế giới xô đẩy mà trong nước ta cũng có đảng Thủ cựu, đảng Duy tân, đảng Hòa bình, đảng Kịch liệt làm ồn ào cả lên mà rút cục lại chẳng thành hiệu quả gì. Đến khi đổ vỡ ra thì thấy toàn những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy thế càng khinh dễ thêm, càng vày đạp thêm. Ông Khổng nói rằng: "Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi" nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. Ông Mạnh cũng nói rằng: "Nhân tất tự vũ nhi hậu nhân vũ" nghĩ là mình có tự khinh mình thì người ta mới khinh mình. Vậy không trách mình thì còn trách ai! Bữa nay tôi chọn cái vấn đề này mà nói chuyện cùng anh em đồng bào, chính là vì cái chính ý đó. Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng thôi, ít khi chịu tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm. Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi. Đã là người thì cần có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, kiệm. Nhân là có lòng thương người, nghĩa là làm việc phải, lễ là ăn ở cho có lễ độ, trí để làm việc cho đúng, tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin mình mới làm được việc, cần là làm việc siêng năng, kiệm là ăn ở dành dụm trong lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v.. Người có đạo đức là người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức như thế thi không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được cái đạo đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hắc cộng sản nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được. Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mỗi khác. Thí dụ như nước ta về thời nhà Đinh lập được năm bà Hoàng Hậu mà đến các đời sau như Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, Nguyễn, thì chỉ lập có một hoàng hậu mà thôi; như đời Trần thì người trong họ được lấy nhau mà tục ấy đời sau lại cấm. Đời nhà Trần khi nào trong nước có giặc thì vua triệu những bậc phụ lão trong nước vào điện để bàn bạc, mà đến đời sau thì chỉ một lũ vua tôi làm chuyên chế với nhau mà thôi. Lại thí dụ như xứ này hễ cha mẹ chết thì đem ăn thịt hoặc đốt đi, mới gọi là hiếu, mà xứ kia thì phải làm đám táng có kèn trống linh đình mới phải đạo làm con. Xem những cớ đó thì đủ biết rằng luân lý có phải là thứ thiên niên bất dịch đâu mà kỳ thật có thể tùy thời mà thay đổi vậy. Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức. Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn là luân lý như cái áo tùy người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái áo đi, chí như đạo đức là như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người dẫu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức giả. Tôi giải rõ hai chữ luân lý và đạo đức khác nhau như thế là cốt ý sẽ bàn về sự thay đổi luân lý của nước ta và đề phòng khi anh em đông vào nghe đến "thay đổi luân lý" khỏi lấy làm giật mình. Trước khi tôi chưa giải rõ nghĩa hai chữ luân lý đạo đức, nếu tôi nói: "Ngày nay ta phải bỏ quân chủ lập dân chủ mới họp thời" thì chắc cũng có mấy ông hiểu lầm hai chữ luân lý là đạo đức đều ứng lên mà la rằng: "Bỏ quân chủ thì nền đạo đức cũ của nhà Nam ta cũng đổ nát theo còn gì!" Nhưng bây giờ thì anh em cũng không đến nỗi hiểu lầm như thế nữa. Vậy tôi xin bàn qua hai chữ luân lý Đông Tây: Luân lý của người Âu Tây dạy cho con trẻ phải thờ cha kính mẹ, thương yêu bà con họ hàng, tưởng cũng còn hơn cái luân lý của ta dạy bằng "Tam Tự Kinh" và "Tam Thiên Tự". Luân lý của họ cũng không khác gì mình, duy theo pháp luật thì con trai con gái họ đến 21 tuổi là tuổi trưởng thành, thì có thể lìa cha mẹ mà độc lập được, nghĩa là "đến tuổi có nghĩa vụ mà trách nhiệm đối với luân lý quốc gia tất nhiên phải nhẹ gánh gia đình đi". Người mình thấy luân lý của người ta khác mình và có lẽ lại sơ lược hơn mình thì cho là mọi rợ, chớ biết đâu khi xưa họ cũng như mình. Song từ khi cái tư tưởng quốc gia của họ đã tiến lên thì cái tư tưởng gia đình lần lần nhẹ bớt đi, ấy cũng là lẽ tiến hóa tự nhiên ... Cũng như ngày nay cái phong trào xã hội bên châu Âu mạnh quá, khiến cho lắm nhà triết học đã nghĩ đến cách làm thế nào phá tan cái vòng gia đình chật hẹp kia, cho mọi người trong nước được bình đẳng, nghĩa là kẻ giàu người nghèo đều được giáo dục và sinh hoạt như nhau, không đến nỗi như ngày nay xa nhau một trời một vực, phá cái thành "phân cách" chặn ngang các hạng người như thế, là cốt giữ gìn trật tự trong xã hội và ai ai cũng được bình đẳng như nhau. Nói về quốc gia luân lý châu Âu Quốc gia luân lý châu Âu phát đạt từ hồi trung cổ nghĩa là từ thế kỷ thứ XVI nền quân chủ đang thịnh. Vua của họ hồi ấy cũng như vua của ta, nghĩa là tự thánh tự thần làm chuyên chế quá cho nên mới nảyra nhiều nhà đại triết học thuyết minh vua là gì, nước là gì, nói ra có giới hạn, rất phân minh, khiến cho ai nấy đều hiểu quốc gia có quan hệ mà nhẹ bớt gia đình. Thứ hai là từ thời có dân tộc ở châu Âu đều có tính háo chiến cho nên thường lấy sự thắng trận làm vinh, thua trận mà làm nhục đánh nhau lung tung. Vì tính háo chiến đó, cho nên dân các nước bên châu Âu về thời đó, đều có một nền quốc gia luân lý rất bền chặt vững vàng. Ấy, quốc gia luân lý của họ mà thành là vì hai cớ đó. Đến bây giờ thì thời cuộc thịnh như đã suy, từ khi bốn năm đại chiến như vừa rồi, nước thua dân bị lầm than thì đã đành, mà nước được dân cũng lắm nỗi khốn thành ra trăm việc đều hư nát mà nào có ích cho ai! Vì thế nên mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại giáo dục đều biết rằng cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì được nữa đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy. Tuy nước nào cũng có một đảng thủ cựu phản đối kịch liệt, nhưng cái phong trào xã hội bây giờ cuồn cuộn như nước nguồn đang đổ, thì làm sao ngăn lại được nữa. Cuộc đại thắng của xã hội luân lý sau này cũng là một việc dĩ nhiên. Ấy là bước tiến lên, bỏ quốc gia luân lý mà bước lên xã hội luân lý, cũng như khi bỏ gia đình luân lý mà tiến lên quốc gia luân lý vậy. *** Xã hội không phải là cái luân lý cường quyền của chính phủ đối với dân, cũng không phải là sức mạnh của nước nọ đối với nước kia, mà chính là trong nước thì lấy người này đối với người kia, suy rộng ra thế giới thì lấy loài người đối với loài người. Trong buổi quốc gia luân lý bên Âu châu đang thịnh, có câu nói rằng: Một người đối với một người thì có công lý, còn một dân tộc đối với một dân tộc thì không có công lý, ngày nay lòng người xu hướng về xã hội luân lý thì lại có câu nói trái lại rằng: Một người đối với một người đã có công lý thì mấy trăm nghìn, mấy ức triệc người nhập lại thành một nước, tài nào lại không có công lý. Đó là tôi tỏ ra rằng chủ nghĩa xã hội luân lý hiện nay bên châu Âu đã mở mang như thế. Muốn cho dễ hiểu câu "trong nước người này với người kia" nghĩa là: người có giúp cho người không, người mạnh giúp cho người yếu như là: bên nước họ mấy nhà giàu bỏ tiền lập nhà thương, trường học cho con nhà nghèo; những kẻ đi đường thấy người yếu bị đè nén thì hết sức bênh vực v.v... Nói tóm lại xã hội luân lý là sự suy tự lòng công đức mà công đức là suy ở tư đức mà ra. Vì sinh kế, vì lợi quyền, người bên Âu châu họ cũng tranh giành nhau dữ dội lắm, song giành nhau cũng ở trong vòng pháp luật mà thôi. Chí như công đức là giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng quyền lợi cho nhau thì họ vẫn không bỏ. Tôi nói như thế chắc anh em nghĩ cho tôi bên Tây lâu rồi nên tán tụng như thế chăng. Xin thưa bên Âu châu họ cũng xấu chán, dân đức của họ cũng chưa đến nỗi hoàn toàn, song dân nào cho dù có 30% hoặc 50% biết giữ luân lý thì tưởng cũng đủ gọi là họ có rồi. Phong tục họ có xấu mặc lòng, nhưng trong nước họ còn có đảng Thượng lưu biết lo đời, như mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại văn hào, đại giáo dục, đứng lên hô hào nào làm sách, nào viết kịch, nào làm báo, nào diễn thuyết. Cốt phá bỏ những chứng hư tật xấu của người đời, rồi bọn thiếu niên xã hội, bọn thiếu niên dân chủ cũng tán thành ó ré theo để lo cứu chữa những đồi phong ác tục trong nước. Chẳng những họ lo ở trong nước họ mà thôi, họ còn lo đến cả thế giới nữa. Lấy một việc đó mà so với người mình quanh năm trọn tháng chỉ lo cho cái xác thịt, cái tuổi già mà vẫn không xong thì cũng đủ xấu hổ rồi; huống hồ là nói đến việc xã hội nhân quần, họ hơn ta xa như thế thì làm sao ta không kính trọng họ cho được? Bây giờ tôi xin đem cái luân lý của ta so sánh với luân lý của Tây-Âu. Trên tôi đã nói luân lý của ta có năm mà thuộc về gia dình hết ba, nghĩa là cha con, anh em, vợ chồng. Nếu nói theo trí tưởng luân lý từ xưa để lại mà làm cho đúng thì tưởng cũng không còn chỗ nào chỉ trích được. Như ông Khổng nói: "Cha con có thân, vợ chồng có biệt, anh em có thứ lớp" nếu ta theo thế mà diễn dịch ra, dẫu gia đình luân lý của ta hẹp hòi, không được rộng rãi chăng nữa, thì đáng lẽ phải tốt lắm mới là phải, chớ đâu có tồi bại thế này! Cái nền luân lý ở Á Đông, nhất là ở nước ta ngày nay đổ nát như thế là bởi các nhà vua chuyên chế làm sai hết cả đạo Khổng mà ra. Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lập mưu khép cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nỗi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là: "Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiên địa chi gian", nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ có cái huy hiệu là ông vua thì các ông đội lên thôi! Các ông đã tôn vua lên, tất nhiên các ông phải tôn cha lên mà nói: "Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu" nghĩa là trong trời đất không có cha mẹ nào quấy. Ôi hủ nho! Hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các ngươi mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến thế này. Tôi xin kể ra đây một chuyện rất tầm thường, mắt ta thường thấy, nhưng tưởng ít ai chủ ý đến. Chuyện ấy là chuyện bài ca và mấy bức tranh Nhị Thập Tứ Hiếu lòe loẹt trên nóc nhà người Nam ta ngày nay, những bức tranh gai mắt ấy, những câu ca rười tai ấy tả ra câu chuyện rất vô lý dị đoan bày rõ một cái án tội nhân của đạo đức Khổng Mạnh. Kẻ tốt quá, người xấu quá đã không nhằm vào đâu, mà những việc tả ra đó y như là quỷ thuật, không phải là sự ăn ở thật của loài người. Các anh em nghĩ thử bụi tre mùa đông lá đã rụng khô hết, khóc thế nào mà mọc được măng; nằm trên giá thế nào mà cá nhảy lên được? Những chuyện hoang đàng ấy tự là Quách Thủ Chính đời Minh làm ra chớ không phải đã lâu. Nhiều người mắc mưu của Thủ Chính đem các bức tranh ấy treo vào vách thay mặt cho đạo Nho, thế mà không ai dám chê bai đến. Luân lý gia đình như thế thì làm sao mà càng ngày càng không lụn bại cho được. Ta thử nghĩ xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không muốn cho con lo việc đời, cha mẹ không muốn đi xa nên cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy. Trong luật ta cho cha mẹ và chồng có quyền nhiều. Đạo cha con xem ra thì chỉ còn thấy những kẻ tay lấm chân bùn còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha nuôi mẹ, chí như bọn thượng lưu trung lưu thì ta không còn thấy chữ hiếu nữa. Bọn ấy thường nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào để che miệng thế gian, chớ không có một chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yếu đuối gì đâu, chỉ đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật lòng. Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là "Phu xướng phụ tùy" là "Thiếu phụ dĩ thuận vi chính" hoặc "xuất giá tùng phu" song ta rút cuộc lại nhà nào thuận hòa tức là vợ chồng nhà ấy có đạo đức có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. Xem đó thì cũng đủ biết rằng cái sự gầy dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được. *** Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến "dân và nước" vì dân không được bàn đến việc nước! Vua là gì? Vua là người cầm quyền chính trong nước, là người đầu sỏ trong bộ lạc ấy hoặc là người anh hùng thấy dân đồ thán ra đánh đổ cường quyền, khôi phục lấy đất nước của ông cha để lại rồi tự đặt lên làm chúa tể cả muôn người; hoặc người gian hùng nhân thời ly loạn dùng mưu quỷ chước thần đánh đổ con cháu một dòng vua rồi tự đặt mình lên cái địa vị ấy; hoặc người cùng một nước đánh nhau đặng cầm quyền chuyên chế; hoặc người nước ngoài lấy sức mạnh đến đánh đặng cầm lấy chìa khóa quyền lợi. Nói tóm lại vua là người lấy quyền người làm quyền mình, lấy công quyền làm quyền tư, lấy đất người làm đất mình, lấy đất công làm đất tư vậy. Tôi là gì? Tôi là người tùng phục vua (vua chư hầu) hoặc là ngươi làm nô lệ cho vua, hoặc là người làm công cho vua. Đem mình ra đầu tên mũi đạn đổi lấy một mảnh giấy vàng, một dấu ấn đỏ; dang đầu ra giữa trận mưa dầu nắng lửa để đổi lấy chung rượu lạt, tiếng ban khen. Nói tóm lại, tôi là người tôi mọi, bán rẻ vừa hồn lẫn xác cho vua vậy. Quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ gồm có thế, cho nên dân trong nước không biết quyền dân là gì, nghĩa vụ là gì. Vua của ta ngày xưa là thế, tôi của ta ngày xưa là thế, sử sách của ta gọi nước là thế! Cho nên dân không biết vua và nước có có cái giới hạn gì khác nhau không. Vì thế cho nên dân chỉ biết tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc, gặp vua tử tế làm nhiều công bình thì dân thương, dân liều chết ra đánh giặc giúp vua; gặp vua tàn bạo làm nhiều điều độc ác thì dân ghét, muốn rửa hờn mở cửa thành cho giặc vào. Thí dụ như hồi nước Pháp đánh Bắc Kỳ chỉ có 90 tên lính mà trong 24 giờ thì hạ được bốn thành, mà lính Nam không ai bắn trả lại một phát súng. Hồi ông Nguyễn Huệ kéo quân ở Huế ra Thăng Long, Nguyễn Chính có quân đóng ở đó, song chưa đánh đã thua, khiến vua Chiêu Thống phải chạy, đi đường bị dân bóc lột. Ông Mạnh có nói rằng: "Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi vua như người đi đường", đã coi như người đi đường thì còn luân lý gì. Việc gì mà chẳng bóc lột. Xem như thế thì xưa nay nước ta không có quốc gia luân lý, chỉ có một cái luật vua tôi bắt buộc dân phải theo. Vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp nhau lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy. Trừ ra đời nhà Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những phụ lão đều dự bàn việc nước, và những vua đã truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử rồi thì thường đi khắp nhân gian xem xét phong tục, chính trị để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy phen hiệp sức để giúp vua mới thắng trận một cách vẻ vang như thế. Ngày nay đọc một đoạn vinh dự sử của nhà Trần đều lấy làm vui; ta đọc đến khúc bi thảm sử của nhà Lê, nhà Nguyễn thì đều lấy làm buồn, nhưng có mấy khi ta chịu xét đến cái gốc rễ của lẽ thắng bại đâu. Người nào có học chữ Pháp một chút thì cũng biết rằng trong sách ấu học hoặc sách tiểu học, bắt đầu đều dạy: phải thương nhà, thương người đồng loại; thế mà ngày nay không có ai dám mở miệng ra nói một tiếng "thương nước" thì nghĩ có đáng chán không! Hơn sáu mươi năm nay ở dưới quyền một nước bảo hộ rất văn minh, rất tự do mà cái mầm tự do không nẩy ra được là bởi tự đâu? Không phải cái độc chuyên chế từ xưa đã thâm căn cố đế trong óc người nước ta rồi đấy ư? Tiếng thương nước đã có luật Gia Long cấm (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Những kẻ học trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo việc nước. Thương nước thì phải tù tội (!) cho nên những nhà thế phiệt giữ mình cho đến nỗi uốn nắn con từ trong nhà, lấy sự lo việc đời, sự thương nước làm sợ. Sợ quá! Hình như nói đến sự đó thì phải bị khinh, bị nhục như kẻ cắp kẻ trộm vậy. Rất đỗi bây giờ người Nam đã ở dưới chính trị Pháp là giống người cho sự thương nước làm tính tự nhiên của loài người mà cũng không ai dám nói tới; xem chừng còn lo sợ hơn khi còn ở dưới quyền chuyên chế nữa. Có người cho lời tôi nói là chuyện chiêm bao, cãi lại rằng: ở bên Pháp người ta dạy thương nước như thế, chớ bên này thì người ta không dạy như thế đâu. Hễ ai nói đến thương nước thì trong sổ kín của sở mật thám đã ghi tên vào rồi; họ cho là phản Tây làm loạn, như thế bảo người Nam không sợ sao được? Việc đó tôi cũng đã biết chán, tôi xin thưa rằng cái lỗi ấy bởi ông cha ta để lại. Cái "dây xiềng sắt" ấy chính tay ông cha ta đã làm ra để buộc ta. Người ta nhân lấy đó mà cột mình, nào có phải người ta bày đặt ra hay là mang ở bên Pháp qua mà cột mình đâu! Họ làm như thế vì họ thấy mình không trả lời được. Nay mình trả lời như thế này thì họ cấm sao được: "Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vỡ vạt ra, thành ra một nước lưu truyền từ bốn nghìn năm đến giờ, thì cho phép được hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm không ai cấm đoán được. Loài dân ấy không đến nỗi như dân Do Thái ở châu Âu, không đến nỗi như bọn hắc nô ở Mỹ châu đi tới đâu cũng bị chết chóc, thì cũng không khi nào chịu quên ơn miếng đất mà chúng nó thường gọi là "Tổ Quốc" của chúng nó bao giờ. Một loài như thế mà bảo chúng đừng thương "Tổ Quốc" thì bảo chúng thương ai?". Nếu ta trả lời hẳn hoi như thế thì dầu gặp kẻ tàn bạo thế nào cũng không thể bỏ ta được. Thế thì sao ta không dám nói thương nước? Cái thương nước tôi nói đây không phải là xúi dân "tay không" nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác để phá hoại trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau. Hễ người ta làm việc gì bất công thì mình phải hiệp sức nhau lại mà chống, còn làm việc gì phải chăng thì mình cũng phải nhìn nhận, chớ có thấy chính quyền mình mất rồi mà đem lòng căm tức không kể đến việc hay của người ta. Thế thì lòng thương nước của dân Việt Nam có làm gì hại đến quyền lợi người Pháp không? Tôi xin thưa rằng: không! Dân Việt Nam thấy người nào làm hại cho nước nó thì nó ghét, ấy là lẽ tự nhiên. Theo ý tôi tưởng, chẳng qua dân Việt Nam mình hèn hạ nên người ta mới đè nén, nếu dân Việt Nam biết thương nước Việt Nam nhờ thì người ta tất cũng phải kiếm đường xúi giục cho người mình càng biết thương nước hơn, vì có biết thương nước mới biết chọn nước nào làm lợi, nước nào làm hại cho nó. Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương không phải đường thì đã không giúp gì cho ai mà lại còn làm hại sinh linh nữa. Nay ta nói thương nước, nhưng thương bằng lỗ miệng, nằm ỳ ra đó kêu người đến thì có khác gì đem đầu đi làm đầy tớ với anh khác. Tôi dám tưởng nếu người Pháp họ không cho ta thương nước, để ta nằm ỳ mãi ra đó thì đã không lợi gì mà lại khiến cho ta chán nản, không tội gì trung thành một cách vô ích với họ nữa, thế thì sự thương nước cũng có lợi cho người Pháp. Tôi nói đây thật chưa hết nhưng đã dài lắm rồi, vậy xin anh em cho phép tôi tóm lại đoạn đã nói ở trên. "Từ nay dân Việt Nam ta phải biết thương nước là tính tự nhiên trời đã phú cho, không thù nghịch gì với người Pháp. Phải có quốc gia luân lý in sâu vào óc thì sự ước ao tự do độc lập của dân tộc ta sau này mới thành tựu được. Tôi ở Pháp về mà nói như thế chắc anh em lấy làm lạ, vì nay người bên Âu châu đã đào sâu chôn chặt cái ái quốc chủ nghĩa rồi, nay tôi lại đem về tuyên bố trong dân gian hóa ra trái ngược với phong trào bên ấy lắm ru? Xin thưa rằng không phải. Chúng ta phải biết rằng: "Một loài dân trong một nước cũng như bọn học trò trong trường học, phải có thứ lớp, phải tuần tự mà tiến tới, phải qua lớp dưới mới lên lớp trên, không bao giờ nhảy lớp được, nghĩa là phải do gia đình luân lý tiến lên quốc gia luân lý, rồi do quốc gia mà tiến lên xã hội vậy." Thế thì chúng ta cũng phải bước qua cái nền quốc gia luân lý trong đôi ba mươi năm đã, rồi mới có thể mong tiến lên xã hội luân lý được. *** Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lý được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì. Tuy trong sách Nho có câu: "Sửa nhà trị nước rồi mới yên thiên hạ". Hai chữ "thiên hạ" đó tức là xã hội. Ngày nay những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ đó nhưng chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi. Cái chủ ý bình thiên hạ mất đi đã từ lâu rồi. Cái chủ nghĩa xã hội bên Âu châu rất thịnh hành như thế, thế mà người bên ta điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì. Thương hại thay! Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe. Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực ấy đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học xét kỹ thấy xa như thế, còn nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không liên quan đến mình. "Đã biết sống thì phải bênh vực nhau" ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: "Không ai bẻ đũa cả nắm" và "Nhiều tay làm nên bộp." Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng có góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ như ngày nay. Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là bởi bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bã vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị mình được giữ mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân. Dầu trôi nổi, dầu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưỡng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi, "một người làm quan một nhà có phước", dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan đời xưa đời nay của ta là thế đấy! Luân lý của bọn thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi - ở nước ta là thế đấy! Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được cái bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy. Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi, dầu cố ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cầu được lấy chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một năm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được! Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế (xã hội chủ nghĩa ở đây Phan Chu Trinh dùng theo nghĩa tinh thần và ý thức xã hội, khác với cụm từ XHCN của đảng CSVN-HVCD). Nay muốn một ngày kia nuớc Việt Nam được độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này. Nói về đạo đức Âu châu và đạo đức Á Đông Mới xem ngoài mặt thì ta đều cho dân Âu châu là một dân tộc háo thắng, độc ác, dữ tợn; nhưng không, ta lầm đấy, ta ở lâu mới thấy họ có nền đạo đức cao hơn ta nhiều. Nền đạo đức của họ cao hơn ta là nhờ họ đã thâm những tư tưởng tự do truyền bá từ đời Hy Lạp, La Mã trở xuống. Họ cũng trải qua một hồi chuyên chế nhưng dân khí họ không như dân khí ta. Dân khí của họ rất phấn phát, nguời của họ rất anh hùng. Càng chuyên chế bao nhiêu càng nẩy ra những nhà hiền triết làm ra sách để truyền bá tư tưởng trọng dân bấy nhiêu. Dẫu hành hình khổ sở cũng không làm họ khiếp sợ, cho nên tên tuổi của họ mới sống tượng đồng bia đá đến ngày nay. Anh em đây ai đã đi qua Paris một lần tất cũng đã xem thấy những cái hình đồng mấy nhà triết học chống lại với đạo Gia Tô vậy. Nói đại khái thì về thế kỷ XVII như ông Jean Jacques Rousseau làm ra "Dân ước" (Contrat social), ông La Fontaine làm ra "Ngụ ngôn" (Fables), ông Montesquieu làm ra "Pháp ý" (L'Esprit des lois), ông Pascal, ông Voltaire v.v... đều là những tay kiếm hết cách mở cái chìa khóa chuyên chế để giúp đồng bào ra chỗ tự do. Tôi kể bấy nhiêu ông đó là chỉ tỏ rằng trong đời chuyên chế mà vẫn còn có người ra lo việc đời như thế, chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì người ra lo việc nước, việc đời bên họ biết là bao nhiêu. Đem so với Á Đông đời xưa duy có mấy ông trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc bên nước Tàu như là ông Khổng, ông Mạnh, ông Mặc, ông Lão, ông Trang có thể ngang được với mấy ông kia, còn từ Tần trở về sau thì cả Á Đông cũng không có người như thế nữa, chớ đừng nói đến nước Việt Nam ta. Trong nước ta bây giờ có ông nào gọi là nhà đạo đức không? Nói xa hơn nữa thì trong triều nhà Lê có ông nào gọi là nhà đạo đức như mấy ông tôi đã kể không? Thế mà đời nào cũng có người được triều đình khen, được làm miễu thờ. Rút lại, những tôi tớ nhà vua đã tôn lên thì không ai dám đè xuống, mà những kẻ vua đã đè xuống thì không ai dám tôn lên. Làm như thế thì trách nào những nhà đạo đức nước ta không chóng mất sao được? Người có tư tưởng tự do chẳng những ai cũng cho làm lạ, mà như vua thấy thế cũng sợ hại đến quyền chuyên chế của mình nên lập mưu đập chết đi. Ở trong một dân tộc như thế thì những đứa nịnh hót không càng ngày càng nhiều sao được? Ông Montesquieu có nói: "Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức." Ấy, chúng ta muốn nước ta có nhà chân đạo đức thì nên nhân dịp này phá tan dây xích chuyên chế đã ràng buộc ta hơn nghìn năm nay và thu nhập tư tưởng tự do của Âu châu để làm một phương thuốc cho người nước ta vậy. Được như thế thì nhà đạo đức mới có thể xuất hiện trong đất nước này. Tôi không muốn thí dụ nhiều, tôi chỉ xin kể chuyện ông Trần Quý Cáp trong năm 1908 thì anh em sẽ biết chế động quân chủ ở nước ta có hại cho nhà có luân lý đạo đức là thế nào. Ông Trần là người rất thảo thuận, học hành rộng, tính nết tốt, làm giáo thọ ở Nha Trang, chỉ theo việc bổn phận mình là ông thầy, khuyên dân mở thêm trường học mà bị tên Phạm Ngọc Quát bố chính ở tỉnh ấy, nhân loạn bắt ông, trong 24 giờ thì chặt đầu. Cái thảm trạng ấy há không phải ở quyền chuyên chế mà ra sao? Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không! Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sinh sản được. Tôi thường thấy người mình, kẻ nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút đỉnh thuần chỉ nói dối. Đứa "ăn cắp có giấy" làm minh bạch đã xong mà đứa ăn cắp chưa cấp bằng cũng đều một mực như thế cả. Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, mhắm lại mình chưa khỏi hai chữ "đầy tớ người" mà khi ra đối với người đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo ta là thầy đây! Ta là ông đây! Chớ không có tự nghĩ cho rằng: Thầy đây, ông đây đã làm được điều gì ích lợi cho bọn "dân Việt Nam" tay lấm chân bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức luân lý nước nhà trụy lạc, nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không dám theo các ông cũng phải (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chính thể chuyên chế tạo nên, thành ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không thấy gì làm lạ vậy. Bây giờ ta đem đạo đức luân lý Âu châu về có gì chống với đạo Khổng Mạnh chăng? Từ nãy đến giờ tôi chỉ trích luân lý của ta, khen ngợi luân lý Âu Tây, chắc anh em nghe lạ tai, cho tôi là người bội đạo Khổng Mạnh chăng? Xin thưa rằng từ khi tôi hiểu chút ít đạo đức của Khổng Mạnh thì tôi rất sùng bái lắm. Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sách sử Việt Nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, là vì nước Nam, nước Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi. Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy "quân dân tịnh trọng" (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng suy lòng đó mà yêu dấu dân như con đỏ vậy. Trong sách Đại Học thầy Tăng Sâm dẫn lời đức Khổng rằng: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai sĩ tu thân vi bổn": Từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy. Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã tiến giảm bớt nhưng dân cũng thương vua mà vua vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy. Đến đời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên cái chủ nghĩa dân chủ. Như ông nói rằng: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là dân quý hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng Mạnh đâu. Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân, dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý mà vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất nước; vua công bình thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm thì là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua không còn gì là đạo lý luân thường nữa. Đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ Âu châu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần diệu để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường ngày; như kính trọng cha mẹ; như thương người đồng loại, chớ không phải mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì mà lại còn làm cho rỡ ràng đạo Khổng Mạnh ra. Tôi nhắc lại một lần nữa rằng: "Đem văn minh đây là cái chân văn minh Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á Đông," chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi ở mấy anh Tây học lem nhem mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy ngoài môi của các nhà Hán học dở mùa đâu. Cứ theo lời tôi đã nói thì anh em đồng bào cũng hiểu rằng: vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc như thế cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo tà nho đều yếu hèn và phải mất một cách nhục nhã. Như nước Cao Ly, hễ Mãn Châu tới thì theo Mãn Châu, Mông Cổ tới thì theo Mông Cổ, đến khi Nhật Bản tới thì Nhật Bản lấy. Như nước Tàu thì nhà Tống mất bởi nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh mất bởi nhà Thanh (Mãn Châu). Chao ôi! Nước Tàu bị Mãn Thanh, Mông Cổ lấy nước, Cao Ly bị Nhật Bản lấy không phải là tội nơi những kẻ tà nho hủ bại của nước Tàu, nước Cao Ly đấy ư? Một nước bao nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được ông vua thông minh còn e lo chưa hết bổn phận thay, huống là gắp phải anh vua u mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân có ăn học không được lo việc nước (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh), thì dân khốn khổ biết bao, và còn ai dám ra mà gánh vác. Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai lo chủ trương, thì nhà nước ấy làm sao không tan không mất được. Nước Tàu mà mất ấy, nước Cao Ly mà mất ấy cũng là lẽ tự nhiên, Nói đến nước ta lại càng đau đớn lắm nữa. Vua Lê Thánh Tông đem luật nhà Minh về chưa đầy 50 năm thì bị nhà Mạc đánh đổ. Nhà Trịnh lên khôi phục cũng chỉ có tiếng khôi phục đấy thôi, vua Lê cũng bị giết lên giết xuống, còn quân thần gì đâu, còn luân lý gì đâu! Đến vua Gia Long nhà Nguyễn thỉnh luật Càn Long về lại càng chuyên chế hơn nữa. Chưa đầy 80 năm đã bị mất nước một cách hèn hạ. Mất nước một cách hèn hạ nhục nhã như thế há không phải tại vua tôi nhà Lê nhà Nguyễn đấy ư? Mới đây Cao Ly đã thâu nạp được văn minh Âu Mỹ nên năm 1919 mới có cuộc độc lập vận động. Nước Tàu cũng thế, xướng ra việc bài ngoại vận động làm cho Anh Pháp đều phải nể mặt không dám hung hăng như ngày xưa. Xem như thế thì đủ biết rằng cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong đầu người Tàu, người Cao Ly rồi vậy. Người nước ta thì sao? Người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác. Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa may tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi, trừ hại, tự cường, tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng mơ nước ngoài tràn vào mà thôi. Dân tộc Nhật Bản được giàu mạnh như ngày nay là chỉ theo cái văn minh hình thức của Âu châu hay có sửa đổi gì luân lý không? Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản; thấy họ tiến thì nức nở khen chớ không khi nào chịu xét vì sao mà họ được tiến tới như thế? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh hay là họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay? Ai có đọc đến lịch sử Nhật Bản mới biết họ cũng bồi đắp nền đạo đức của họ lắm. Từ lúc Minh Trị duy tân cho đến 24 năm sau hạ chiếu lập hiến trong nước Nhật biết bao nhiêu người lo khuynh Mạc Phủ lo lập hiến pháp, biết bao nhiêu kẻ đổ máu rát cổ mới gây dựng nên một nước tân tiến rất giàu rất mạnh như bây giờ. Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật Bản về! Không biết họ qua bển làm gì!? Người ta có câu: "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Sao những kẻ sang Nhật sao không đem cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu thêm cái tính nô lệ như thế? Rất đỗi những việc hèn hạ một người dân tầm thường không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý của người chăng? Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng? Lấy lịch sử mà nói thì dân Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm mà vẫn còn mê mê muội muội, bít mắt vinh tay không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người? Có người nói rằng tại Pháp họ đè nén mình không cho mình học làm súng ống, làm máy bay, tàu ngầm, nên dân mình mới ngô nghê như thế! Những người nói câu ấy là những người không học lịch sử Pháp hoặc có tính yêu mình thái quá, nên chỉ biết trách người mà không biết tự trách mình. Sao không nhớ khi Pháp sang, sợ mình theo Tàu, cho người mình sang Pháp học mà mình vẫn khư khư không chịu sang bên đấy ư? Người Pháp cho mình 2.000 khẩu súng, 5 chiến thuyền mà mình không dám thuê lấy một người Pháp trông nom, để lính mình làm xằng bậy mà hư hỏng hết đấy ư? Tôi nói thế không phải là khen người Pháp có lòng tốt, nhưng chỉ lối ngoại giao của người ta khôn khéo là thế, mà mình dở dang là thế, cho anh em đồng bào biết đấy thôi. Phải chi lúc đó ta biết nhân dịp sang nước người học tập lấy vài khéo của người ta, thì bây giờ so sánh tuy không kịp nước Nhật nhưng so với Phi Luật Tân, với Xiêm La cũng không đến nỗi xa lắc như thế này. Ngày xưa nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí không đã đành, đến ngày nay đã hé mắt ra thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát như gửi du học sinh khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ, lập dân chủ, mà cũng an nhiên bất động, nhất thiết chẳng biết gì là gì. Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang Tàu về nói láo, nói linh, chê người nọ, hạch người kia mà tự mình xem ra cũng không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính đủ phục. Có anh bạo gan chê cả Tôn Văn là người đại biểu văn minh cho nước Tàu đời nay, mà không biết rằng anh ta đem cái sự nghiệp của anh ta, cái tài năng của anh ta mà so sánh có bằng mảy may của Tôn Văn không? Những tính chất của người Tàu các anh không hề học đến, mà các anh khéo đem về một cái láu lĩnh và một cái bao tử trống mà thôi. Thế mà biết hồn luân lý đạp đức của người mình bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ thôi. Đạo đức mất trước, nước mất sau thật cũng không phải là lời nói ngoa vậy. Có một vài người anh hùng không chịu đi xem xét, mê tín lịch sử đời xưa, trọng chủ nghĩ trung quân, chủ nghĩa phục thù, tìm mưu kiếm kế phỉnh phờ cho dân dậy lên, nhưng than ôi! Một con dao, một đoạn tre thì có làm gì. Cái nỗi thảm hại, đưa đầu ra cho người bắn, đem thịt ra cho người bằm nghĩ cũng đáng thuơng, nhưng công việc làm nào có ích gì! Chẳng qua làm cho dân đức của ta trụy lạc, khiến những bọn nô lệ kia, bọn vô sỉ kia lấy đó mà dọa nạt, mà hà hiếp dân lành thôi. *** Luân lý của ta mất thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không? Có người hỏi luân lý của ta mất thì ta đem luân lý Âu châu về dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu? Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia a mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cố mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy. Luân lý của Âu châu có tốt trọn không? Ta muốn theo thì phải làm thế nào? Nói rằng luân lý Âu châu tốt hơn thì tốt nhiều. Nói rằng luân lý Âu châu trọn tốt thì không dám nói rằng trọn được. Là vì: Dân tộc nào cũng thế, cắt nghĩa theo luân lý đạo đức thì dễ, nhưng làm theo luân lý đạo đức thì khó, không sao trọn vẹn được. Bên Âu châu họ cũng có nhiều cái dở, như nam nữ tự do thái quá, ly ly, hợp hợp, rất thường, thành ra đường sinh sản kém lần mà dân số không thêm; như giàu nghèo cách biệt thái quá, người ngồi không, kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư bản xung đột nhau mà trong nước không yên. Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái quá yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang họa chiến tranh mãi mãi. Trọng trí dục hơn đức dục, chuộng ngoại giao hơn thành thật, cho nên thường sinh ra xâu xé nhau mà mất sự thái bình. Ấy là kể sơ lược, chớ kể hết tưởng cũng còn nhiều lắm. Bệnh họ tuy nhiều nhưng họ đã có thầy có thuốc chữa ngay, nghĩa là có những nhà triết học, những nhà giáo dục lo ra trừ tệ, canh cải sửa sang cho nền đạo đức luân lý mỗi ngày mỗi cao lớn, tốt đẹp thêm, chớ không phải như mước ta tốt khoe, xấu che làm cho một ngày thêm một xấu (chữ in đậm do HVCD nhấn mạnh). Vậy nay ta qua thâu cái luân lý Âu Tây để đem về truyền bá cho dân Việt Nam, thì ta phải nên chủ ý lắm, lừa lọc lắm mới được, những điều gì đáng đem về thì ta hãy đem. *** Thưa các anh chị em đồng bào! Tôi nói từ nãy đến giờ thật cũng nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta. Anh em ta hãy gắng sức mà làm đi. (Cử tọa đều vỗ tay. Cụ Phan uống hết tách nước, đứng lên nói thêm mấy câu): Thưa anh em, Tôi cũng biết rằng muốn khôi phục lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải nói con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây, như tôi đã nói vậy. Đạo ấy ở trong câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (giết người học trò được, mà làm nhục thì không được), phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu) ... Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem điều hòa lại, rồi khuếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những được nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa. Nguồn online: http://gvietmathnet.wordpress.com/2008/01/05/d%e1%ba%a1o-d%e1%bb%a9c-va-luan-ly-dong-tay-1/ (*) Trích Phan Chu Trinh: Một chí sĩ giàu lòng nhiệt huyết (1872-1926). NXB Văn hóa-Thông tin 1998.

Vài suy nghĩ về giáo dục. JOHN LOCKE

Tiểu Sử John Locke sinh ngày 29 tháng 8, 1632 gần thành phố Bristol, Anh Quốc. Ông theo học tại trường Westminster, nơi mà Dryden học cùng thời với ông, và tại Christ Church, đại học Oxford. Nhà lý luận về giáo dục tương lai không có một ý niệm tốt nào về các môn học thịnh hành vào hồi đó ở cả hai trường như ông ám chỉ trong cuốn sách này; tuy nhiên, sau khi đậu bằng Cao Học vào năm 1658, ông trở thành giáo sư phụ giảng tại Oxford, và giảng viên về tiếng Hy Lạp và thuật hùng biện. Sau một chuyến viếng thăm lục địa Âu Châu vào năm 1665 với tư cách là thư ký cho một toà đại sứ, ông trở về Oxford và theo học ngành y khoa. Vừa là bạn, vừa là bác sĩ riêng, ông trở nên gắn bó với Lord Ashley (ông này sau trở thành Bá Tước Shaftesbury thứ nhất); và sau khi nhà qúy tộc này trở thành quan Chưởng Ấn, Locke được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Liên lạc Tôn giáo. Bá Tước Shaftesbury rời chức vụ trên vào năm 1673 và hai năm sau đó Locke qua định cư tại Pháp vì lý do sức khoẻ; ông sinh sống bằng cách làm nghề gia sư cho con trai của Sir John Banks và làm bác sĩ riêng cho phu nhân của vị Sứ Thần Anh tại Paris. Năm 1679, Shaftesbury trở lại chính quyền và gọi Locke trở về Anh Quốc. Locke miễn cưỡng tuân lệnh người đỡ đầu mình; ông giúp đỡ Shaftesbury trong các vấn đề chính trị và giám thị việc học hành của đứa cháu ông ta (đứa cháu này sau là tác giả của cuốn "Characteristics"). Khi sự nghiệp chính trị của Shaftesbury sụp đổ, cả hai đều trốn qua Hoà Lan tị nạn. Trong hai năm đầu ở Hoà Lan, Locke đi du lịch và giao du với các học giả ở Âu Châu. Nhưng vào năm 1685 chính phủ Anh Quốc xem ông như là một tên phản quốc và yêu cầu chính phủ Hoà Lan dẫn độ. Và ông bị bắt buộc phải lẩn trốn cho đến khi được Vua James II xá tội, dù không có chứng cớ nào cho biết ông đã phạm tội gì ngoài việc là bạn của Shaftesbury. Mãi đến năm Locke 54 tuổi ông mới bắt đầu cho ấn hành các kết quả của cả một đời suy tư và nghiên cứu của ông. Bản tóm tắt tác phẩm vĩ đại của ông "Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người" (Essay Concerning Human Understanding) được bạn ông là Le Clerc ấn hành trong bộ "Bibliothèque Universelle" và toàn bộ tác phẩm ra đời năm 1690. Cũng chính từ Hoà Lan mà ông viết những lá thư để khuyên bảo một người bạn trong cách nuôi con. Các lá thư này sau đã được ấn hành trong cuốn "Các Suy Nghĩ Về Giáo Dục." (Thoughts Concerning Education) Trong thời gian lưu đày Locke có dịp làm thân với William và Mary, hai vị mà sau này trở thành Vua và Hoàng Hậu của Anh Quốc. Sau khi cách mạng thành công, Locke trở về Anh Quốc với Hoàng Hậu Mary năm 1689. Ông đuợc đề nghị làm Sứ Thần Anh Quốc tại Đức; nhưng ông từ chối lấy lý do sức khỏe kém, nhưng chính vì ông cho rằng tửu lượng ông quá kém để làm Sứ Thần tại Triều Đình Brandenburg. Ông ở lại Anh Quốc để ấn hành cuốn "Tiểu Luận." Ông sống cuộc đời còn lại tại nhà các người bạn của ông, các gia đình Cudworths và Mashams tại Oates, vùng Essex. Ông giữ chức vụ Ủy Viên Phòng Chống Án (Commissioner of Appeals) và trong vài năm là thành viên của Hội Đồng Thương Mãi và Đồn Điền (Council of Trades and Plantations), một chức vụ đã giúp ông tiếp xúc với các vấn đề kinh tế. Tại Oates, ông có dịp thực hành các lý thuyết giáo dục của ông trong khi dạy dỗ đứa cháu của chủ nhà; các kết qủa xác nhận rằng các lý thuyết của ông là đúng. Ông từ trần tại Oates ngày 27 tháng 10 năm 1704. Việc đáng lưu ý là khi còn học tại trường Westminster và đại học Oxford, Locke không đồng ý với các phương pháp giáo dục thời đó; và tính cách suy tư độc lập đã trở thành đặc tính nổi bật trong suốt cuộc đời của ông. Trong lãnh vực y khoa, ông tố cáo cách học từ chương còn thịnh hành; Bacon và Hobbes cũng đã đả kích cách học này trong nhiều lãnh vực giáo dục khác. Ông tán thành các phương pháp thực nghiệm đã được bạn ông, bác sĩ nổi tiếng Sydenham, áp dụng. Trong lý thuyết về phương pháp giáo dục của ông, ông đưa ra những ý kiến tiến bộ, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự lập thành thói quen; ông cho rằng mục đích chính của giáo dục là sự huấn luyện về tính khôn ngoan và đức hạnh hơn là sự thu thập kiến thức. Những ý kiến của ông hiện nay vẫn là những mục tiêu được nhắm đến nhưng các nhà cải cách giáo dục vẫn chưa thực hiện được. Ta nên lưu ý rằng các "suy nghĩ" sau đây có mục đích chính là sự giáo dục trẻ em của từng người chứ không phải sự hình thành của một hệ thống giáo dục. Nhưng chính nhờ vào triết học mà Locke được người đời biết đến. Ông là ông tổ của trường phái chủ nghĩa duy nghiệm của Anh Quốc và ông đã ảnh hưởng sâu rộng trên tư tưởng triết lý toàn Âu Châu. Hầu như tất cả các dòng chính về hoạt động tri thức của Anh Quốc vào thế kỷ 18 đều xuất phát từ Locke và chủ nghĩa hoài nghi của Hume là sự phát triển hợp lý của các nguyên tắc đã được nêu ra trong cuốn "Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người" của Locke. Tiểu luận Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục được dịch từ nguyên tác đăng trên trang web Modern History Sourcebook, tại địa chỉ :http://www.fordham.edu/halsall/mod/1692locke-education.html Phần I

Bình Ngô Đại Cáo

Tượng mảng: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có. Vậy nên: Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giật mình. Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch-Đằng bắt sống Ô-Mã. Xét xem cổ tích, đã có minh trưng, Vừa rồi: Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán hận. Quân cường Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khoé, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khóa liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu; nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim trả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên! Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Ðộc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội, Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi, Lẽ nào trời đất tha cho; ai bảo thần nhân nhịn được. Ta đây: Núi Lam-Sơn dấy nghĩa; chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù; thề sống chết cùng quân nghịch tặc. Ðau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang thịnh, Lại ngặt vì: Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần; nơi duy ác hiếm người bàn bạc. Ðôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông; mấy thuở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả. Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mù như kẻ vọng dương; thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch. Phần thì giận hung đồ ngang dọc; phần thì lo quốc bộ khó khăn. Khi Linh sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi huyện quân không một lữ. Có lẽ trời muốn trao ta gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma. Cho nên ta cố gắng gan bền,chấp hết cả nhất sinh thập tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn. Dọn hay: Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy; miền Trà-Lân trúc phá tro bay. Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trần-Trí, Sơn-Thọ, mất vía chạy tan; Phương-Chính, Quý-An tìm đường trốn tránh. Ðánh Tây-kinh phá tan thế giặc; lấy Ðông-đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh-kiều máu chảy thành sông, Bến Tụy-Động xác đầy ngoài nội. Trần-Hiệp đã thiệt mạng; Lý- Lương lại phơi thây. Vương-Thông hết cấp lo lường; Mã-Anh khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, biết lẽ tới lui; ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời, chẳng bõ bày trò dở duốc. Ðến nỗi đứa trẻ con như Tuyên Ðức, nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy. Năm Ðinh-Mùi tháng chín, Liễu-Thăng từ Khâu-Ôn tiến sang. Lại năm nay tháng mười, Mộc-Thạnh từ Vân-Nam kéo đến. Ta đã điều binh thủ hiểm, để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang, để tuyệt đường lương đạo. Mười tám, Liễu- Thăng thua ở Chi-Lăng; hai mươi, Liễu-Thăng chết ở Mã-Yên. Hai mươi lăm, Lương-Minh trận vong; hai mươi tám, Lý-Khánh tự vẫn. Lưỡi đao ta đang sắc, ngọn giáo gặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành; hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn. Ðánh một trận sạch không kình ngạc; đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô; tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi-Tụ phải quỳ mà xin lỗi; Hoàng-Phúc tự trói để ra hàng. Lạng-Giang, Lạng-Sơn, thây chất đầy đồng; Xương-giang, Bình-Than, máu trôi đỏ nước. Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi. Thảm đạm thay! Sáng nhật nguyệt phải mờ. Binh Vân-Nam nghẽn ở Lê-Hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc-Thạnh tan chưng Cần-Trạm, chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh-Câu, nước sông rền rĩ; thành xương Ðan-Xá, cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội. Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã-Kỳ, Phương-Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực; Vương- Thông, Mã-Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, mở lòng thú phục; ta muốn toàn-quân làm cốt, cả nước nghỉ ngơi. Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang san từ đây mở mặt; xã tắc từ đây vững bền. Nhật nguyệt hối mà lại minh; Kiền, Khôn, Bĩ mà lại Thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn; thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng giúp đỡ cho nước ta vậy. Than ôi! Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định. Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh. Bá cáo xa gần, Ngỏ cùng nghe biết. (*) Bình Ngô Ðại Cáo nguyên bản Hán văn và bản dịch của cụ Bùi Kỷ, được trích lại trong Lam Sơn Thực Lục (trang 50, 51 và 64, 70). Nguồn: Dương Quảng Hàm. (1968). Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo dục Trung tâm Học liệu, 1968, trang 273-276.

Thành thực và Lòng tin Cả hai đều tối cần cho sự tương tác có hiệu quả cao của con người và cho sự vận hành kinh tế thuận tiện WALTER E. WILLIAMS

Vài thập niên trước đây, thỉnh thoảng tôi có dịp đi ăn trưa với cố giáo sư G. Warren Nutter, một kinh tế gia nổi tiếng dạy tại Đại học Virginia. Giáo sư Nutter có chuyên môn thâm hậu về các hệ thống kinh tế đối chiếu, đặc biệt là về hệ thống của Liên Xô trước kia. Dù ông có hiểu biết thâm sâu về lý thuyết kinh tế, Giáo sư Nutter luôn luôn nhấn mạnh rằng thị trường không vận hành trong khoảng chân không và ta sẽ có được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách hành xử của con người nếu ta để ý đến vai trò của những định chế và những lực phi-thị trường khác. Tại một bữa trưa, thật là bất ngờ và cũng có lẽ muốn chọc cho tôi tranh luận, Giáo sư Nutter nói rằng nếu chúng ta dừng lại để đếm tiền thối mỗi lần mua một món đồ gì đó, thì hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ. Nói như vậy có vẻ hơi quá, nhưng ông đang đưa ra một luận điểm là những định chế như lòng tin và sự chân thực là những điều thiết yếu cho phúc lợi của con người. Sự chân thực và niềm tin không những chỉ là vấn đề thuộc về tư cách hay đạo lý; đó cũng là những điều tối cần cho sự tương tác có hiệu quả của con người và cho sự vận hành trơn tru của kinh tế. Để hiểu được sự quan trọng của sự chân thực và niềm tin, hãy thử tưởng tượng đời sống hàng ngày của ta sẽ ra sao nếu ta không thể tin được ai hết. Giả sử ta mua một chai thuốc 100 viên fo-lic acid từ một tiệm thuốc tây, có bao nhiêu người trong chúng ta đếm từng chai để bảo đảm là ta thực sự có 100 viên trong lọ thuốc? Ta đi đổ xăng ở cây xăng và đồng hồ ở cây xăng chỉ là ta đã đổ 40 lít. Đã có ai trong chúng ta mất công để xác định xem có thật là ta đã nhận đủ 40 lít hay chỉ 39 lít rưỡi? Ta trả bảy đồng cho nửa ký thịt bò. Có bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách xác định xem là có thật nửa ký hay chỉ có 450 gram? Rồi thì còn cái vụ "Gửi cho tôi 100 cái diskette và gửi cho tôi hóa đơn sau." Hay là bạn gọi cho người bán cổ phần chứng khoán là mua cho bạn 50 cổ phần của hãng điện thoại viễn liên AT&T với giá thị trường hiện nay và bạn sẽ thanh toán chi phí trong bảy ngày. Một người bán hàng nói: "Nếu quý vị không hoàn toàn thỏa mãn với món hàng, cứ mang trở lại tiệm và chúng tôi sẽ hoàn lại tiền." Hay là: "Hãy cắt cỏ cho cái sân của tôi rồi tôi sẽ trả tiền cho anh sau."[1] Trong hàng triệu triệu giao dịch như thế, chúng xảy ra chỉ đơn giản là vì ta tin lẫn nhau. Hãy tưởng tượng đến những phí tổn và sự bất tiện mà ta phải chịu nếu người ta, nói chung không lương thiện, và ta chẳng thể tin được một ai. [Lúc đó,] ta sẽ phải khệ nệ mang theo những dụng cụ đo lường để bảo đảm, thí dụ, ta mua đúng 40 lít xăng hay nửa ký thịt bò. Ta sẽ phải chịu thêm gánh nặng chi phí viết những tờ giao kèo thay vì chỉ tin vào lời của người bán hay người mua, và rồi còn chi phí để theo dõi xem những bên liên quan có làm đúng theo giao kèo ngay cả đối với những giao dịch đơn giản nhất. [Thành thử,] ta có thể nói mà không sợ sai rằng bất cứ điều gì làm xói mòn đi niềm tin giữa người với người, sẽ làm gia tăng chi phí giao dịch và khiến cho ta nghèo khó hơn. Nhưng sự thành thật và lòng tin khi được suy rộng ra còn đi xa hơn thế nữa. Tôi sống ở khu ngoại ô Main Line của thành phố Philadelphia. Các hãng giao bưu kiện như FedEx, UPS[2], và các hãng khác vẫn thường để những thùng hàng đựng những món hàng đắt tiền ngay trước thềm cửa nếu không có ai ở nhà để nhận hàng. Một cái siêu thị ở địa phương để qua đêm những cây kiểng, phân bón và những đồ dùng trong nhà hay làm vườn ở ngoài sân cửa tiệm mà chẳng có ai canh chừng kẻ trộm ăn cắp. Vào trong tiệm, người ta thấy bao nhiêu là hàng hóa để ngay trên lối vào mà chẳng có ai trông chừng hết. Ở những khu phố kém về sự chân thực, để của ở ngoài cửa, ở ngoài sân qua đêm, và ở trong lối vào của siêu thị là tự sát về kinh tế. Những công ty giao hàng phải chịu chi phí để giao hàng lần thứ hai, nếu lần thứ nhất không có người nhận, hay là người mua hàng phải đi lãnh hàng về. Nếu siêu thị để hàng hóa ngoài sân, thì họ phải chịu thêm chi phí thu dọn hàng hóa vào trong nhà khi hết giờ bán hàng-nếu họ không dám liều để hàng ngoài sân, ngay từ đầu. Sự thành thực khi được suy rộng ra ảnh hưởng đến những cửa hàng lớn, như những siêu thị, theo một cách khác nữa mà ta thường không để ý. Một trong những mục đích của người quản lý siêu thị là tối đa hóa tỷ lệ bầy hàng hóa theo từng mét vuông của cửa tiệm. Khi sự trộm cắp còn tương đối thấp, thì người quản lý có thể dùng khoảng đất ngoài sân và lối vào, nghĩa là những khoảng không gian anh ta đã trả tiền, và như thế tăng được tiềm năng lợi nhuận. Cơ hội đó bị mất đi tại những nơi kém lương thiện. Sự thành thực và lòng tin là một sự thật quan trọng có tính chất sống còn khiến ta phải suy nghĩ lại cách đối xử với sự bất lương và bất khả tín. Những người bất lương tạo ra những mất mát không phải chỉ cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn đến những người khác nữa. Nếu gói hàng bị ăn cắp khi được để trước thềm cửa, thì tất cả chúng ta phải chịu những phí tổn khi công ty giao hàng không giao hàng nếu không có ai ở nhà nhận. Nếu có kẻ cướp những tài xế xe buýt và tài xế taxi, tất cả chúng ta bị buộc phải mang đúng số tiền hay dùng tiền với mệnh giá nhỏ. Hãy xét đến những ảnh hưởng kinh tế lớn lao mà sự không thành thực và không còn tin ai được mang lại, ta không nên có chút xíu dung thứ nào cho những kẻ vi phạm. May thay, chúng ta sống trong một xã hội mà ta còn có thể, nói chung, tin tưởng và chấp nhận lời hứa của nhau. Đó là tin mừng. Còn tin xấu là mức độ tin tưởng mà ta có hiện nay vẫn chưa bằng mức độ của thời kỳ không xa lắm trong quá khứ, chỉ mới khoảng nửa thế kỷ trước mà thôi. © Học Viện Công Dân, Feb. 2015 Nguồn: http://fee.org/the_freeman/detail/honesty-and-trust Walter Edward Williams là một kinh tế gia người Mỹ, nhà giáo dục và bình luận gia. Williams là Giáo sư Xuất sắc về Kinh tế tại trường Kinh tế John M. Olin, thuộc viện Đại học George Mason. Những bài bình luận kinh tế của ông được các tạp chí khác đăng lại. Giáo sư Walter E. Williams theo trường phái Duy Tự do (Libetarian). [1] Ở Mỹ có những công ty hay tư nhân đi cắt cỏ thuê, cứ mỗi hai tuần hoặc một tháng một lần, và chủ nhà trả tiền sau hai tuần hay một tháng. [2] FedEx và UPS là hai trong số những công ty giao hàng nổi tiếng tại Mỹ và toàn cầu.

Sự xung đột của các tư tưởng kinh tế Lawrence H. White[1] Tháng 7/8 năm 2012 - Cuốn 62/ Tập 6

Vào mùa thu năm 1905, tại trường Đại Học Cambridge trang nghiêm của nước Anh, một sinh viên trên bậc đại học tên là John Maynard Keynes[2] bắt đầu học khoá đầu tiên và khoá duy nhất về kinh tế. Ông theo học tám tuần lễ dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi danh Alfred Marshall[3]. Trong mùa hè Keynes đã đọc tác phẩm (xuất bản lần thứ ba) lúc bấy giờ rất thịnh hành là Các Nguyên Tắc về Kinh Tế của Marshall, trong đó có tổng hợp các lý thuyết kinh tế cổ điển và mới, và lúc đó là cuốn sách giáo khoa kinh tế đứng hàng đầu trong thế giới nói tiếng Anh. Chẳng bao lâu, Marshall có những ấn tượng rất tốt về tài năng kinh tế của Keynes. Chính Keynes cũng có ấn tượng rất tốt về mình như vậy. Có lần ông ta nói với một bạn thân là: "Tôi nghĩ rằng tôi khá giỏi về kinh tế," và nói thêm, "Rất thú vị và rất dễ dàng nắm vững nguyên lý của các vấn đề đó." Một tuần lễ sau, ông ta viết: "Marshall cứ thúc giục tôi trở thành một kinh tế gia chuyên nghiệp." Tại một trại lính của quân đội Áo trên bờ sông Piave thuộc miền Bắc nước Ý, vào những tháng cuối cùng của Thế chiến Thứ Nhất, trong một lúc tạm giao chiến, một thiếu úy trẻ tuổi tên là Friedrich August von Hayek[4] mới có dịp đọc những bài viết đầu tiên về kinh tế (không kể các tờ truyền đơn về xã hội chủ nghĩa mà ông đã đọc khi còn ở đại học), đó là hai quyển sách do một người bạn đồng đội cho mượn. Về sau, ông không hiểu tại sao những cuốn sách như vậy lại "không làm cho ông chán ghét cái môn kinh tế," bởi vì đó là "những bài viết về kinh tế nghèo nàn nhất không thể tưởng tượng được." Sau chiến tranh, khi trở về đại học Vienna, người cựu chiến binh trẻ tuổi đó mới thật sự đam mê về kinh tế, khi ông thấy cuốn sách của một giáo sư đã về hưu tên là Carl Menger[5]. Tác phẩm Các nguyên tắc kinh tế của Menger vào năm 1871 đã đồng thời phát động một cuộc cách mạng theo chủ nghĩa biên tế và chủ quan trong lý thuyết kinh tế. Cuộc cách mạng đã cho Marshall những ý tưởng mới trong tác phẩm tổng hợp của ông. Hayek thấy tác phẩm của Menger "rất thú vị và rất hợp ý." Keynes và Hayek sẽ giữ những vai trò hàng đầu trong các cuộc xung đột về tư tưởng kinh tế trong cuộc Khủng hoảng Kinh tế Toàn cầu. Các tư tưởng của hai ông đã cung cấp thông tin cho các cuộc tranh luận cơ bản về chính sách kinh tế từ đó đến nay. Đến năm 2010 và 2011 sự cạnh tranh về trí thức của hai người đó còn là đề tài cho hai cuốn video dưới dạng nhạc rap lan tràn trên mạng. Keynes thẳng tay bác bỏ chủ thuyết "bàn tay vô hình" của Adam Smith[6]. Trong đoạn mở đầu của bài thuyết trình năm 1924 xuất bản năm 1926 dưới dạng một tiểu luận, với nhan đề là Sự cáo chung của kinh tế tự do, ông nói: "Thế giới không được trị vì bởi một đấng tối cao khiến cho các quyền lợi tư và quyền lợi của xã hội luôn luôn hợp với nhau. Và thực tế là ở dưới hạ giới này thế giới đó cũng không được điều hành để những quyền lợi đó trùng hợp với nhau. Suy luận từ những nguyên tắc kinh tế cho rằng những quyền lợi cá nhân sáng suốt luôn luôn hành động thuận lợi cho quyền lợi công cộng thì điều đó không đúng." Một cách rõ ràng Keynes phủ nhận là các lực thị trường phân tán cũng đủ để ấn định khối lượng và sự phân bố về tiết kiệm và đầu tư. Ông nói :" Tôi không nghĩ rằng, trong tình trạng hiện tại, những vấn đề này có thể hoàn toàn giao phó cho sự ngẫu nhiên của các phán đoán của giới tư nhân và theo lợi nhuận tư nhân." Trong tác phẩm Lý thuyết tổng quát về nhân dụng và tiền lãi và tiền[7] xuất bản năm 1936, Keynes nhấn mạnh quan điểm là không có thể trông cậy vào các lực của thị trường để giao một số lượng đủ lớn về đầu tư một cách nói chung. Cần có phải sự điều phối của một chính quyền sáng suốt. Keynes là người đứng hàng đầu chủ trương quan điểm rằng chính phủ cần phải kiểm soát nhiều hơn đối với ngành kinh tế. Hayek là người đứng hàng đầu chủ trương quan điểm rằng chính phủ cần phải bớt kiểm soát các lực của thị trường. Cả hai người đều là đại diện rất hữu ích cho hai phe đối lập bởi vì cả hai người đều có ảnh hưởng, chứ không phải bởi vì họ có một lập trường hoàn toàn đối nghịch vào lúc đó. Keynes không muốn hủy bỏ thị trường hoàn toàn như là các nhà tư tưởng cộng sản chủ trương. Keynes dứt khoát bác bỏ chủ nghĩa cộng sản của Nga vì ba lý do: (1) nó "phá hoại tự do và sự an toàn của cuộc sống bình thường;" (2) lý thuyết kinh tế Mác-xít "không những sai lầm về khoa học mà lại còn không có lợi và không thể áp dụng cho thế giới hiện đại" và các tài liệu về chủ nghĩa Mác-xít đều có " luận điệu khoa trương rẻ tiền;" và (3) nó "đề cao giai cấp vô sản thô lậu và đặt họ lên trên giới tiểu tư sản và giới trí thức." Nói một cách khác, chủ nghĩa Mác-xít miệt thị những người như Keynes và những người cùng một giai cấp với Keynes. Hayek cũng không muốn hủy bỏ chính quyền hoàn toàn như những nhà tư tưởng về chế độ tư bản vô chính phủ. (Vâng, thực sự là có những người muốn chủ trương một nền kinh tế thị trường không có chính phủ). Trong phần lớn thế kỷ thứ 20, quan điểm của Keynes về việc chính phủ cần giữ một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế đã rất phổ biến trong các giới hướng dẫn dư luận và do đó vai trò của chính quyền đã gia tăng. Tuy Keynes không chủ trương hoàn toàn kế hoạch bởi nhà nước nhưng ông ủng hộ quan điểm là cần có kế hoạch nhiều hơn. Trong một lá thư gởi cho Hayek, trả lời những sự phê bình của Hayek về vấn đề vai trò nhà nước lập kế hoạch trong tác phẩm Con đường tới chế độ nông nô[8] xuất bản năm 1944 của Hayek, Keynes đã viết: " Tôi cần phải nói rằng không phải chúng ta không muốn có kế hoạch, hay là có kế hoạch ít hơn, thực ra tôi muốn nói là chúng ta cần phải có kế hoạch nhiều hơn." Kinh tế chính trị tại Mỹ trong Thời Đại Tiến Bộ Các tư tưởng kinh tế ủng hộ sự gia tăng của vai trò chính quyền trong nền kinh tế không phải chỉ bắt đầu từ Keynes. Thực ra, không phải là chỉ tới thế kỷ thứ hai mươi những tư tưởng này mới xuất hiện. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín chẳng hạn, Huê Kỳ bước vào một thời kỳ có thay đổi ý thức hệ chuyển sang chiều hướng chính quyền có vai trò tích cực hơn, thời kỳ này bây giờ được gọi là Thời Kỳ Tiến Bộ. Có nhiều nhà kinh tế đã giữ những vai trò quan trọng trong phong trào ý thức hệ và chính trị này, và đưa ra các lập luận cũng như cổ võ cho các dự luật để gia tăng vai trò của chính quyền liên bang trong nền kinh tế, từ những đạo luật như Đạo luật Chống Độc Quyền Sherman năm1890, Đạo luật Thực Phẩm và Dược Liệu Sạch năm 1906 và Đạo luật Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang năm 1913. Vào cuối những năm 1870 và 1880 các nhà kinh tế Mỹ trẻ tuổi sau khi theo học cấp trên Đại Học từ Đức về, đã mang theo những ý tưởng và phương thức làm việc mà họ khai triển thành những trường phái tư tưởng gọi là Trường phái Kinh tế Định chế. Vào năm 1885 một nhà kinh tế 31 tuổi Richard T. Ely[9] của Đại Học Johns Hopkins University đứng đầu một nhóm các nhà kinh tế này và lập ra Hiệp Hội Kinh Tế Hoa Kỳ (American Economic Association). Hiệp Hội đã nhanh chóng trở nên và hiện nay vẫn còn là tổ chức đứng hàng đầu gồm các nhà kinh tế. Trong số các nhiệm vụ đầu tiên của tổ chức này là nhằm tập hợp các kinh tế gia chống lại các tư tưởng tự do kinh tế. Trong bản Công bố Nguyên Tắc đầu tiên của tổ chức, Hiệp Hội này xác nhận là "nhà nước là một cơ quan cung cấp những sự trợ giúp tích cực và vai trò đó là một trong những điều kiện không thể thiếu trong sự tiến bộ của nhân loại." Ely và những người đồng hướngg tự coi mình là những người trong "trường phái mới" bất đồng chính kiến với kinh tế cổ điển và tân cổ điển và với trường thuyết tự do cạnh tranh. Ely mô tả những người trong môn phái mới là những người tìm sự thật về khoa học; và những sự tìm tòi về lịch sử của họ đã cho thấy những lợi ích của việc lập các công đoàn và việc đình công. Họ tìm thấy trong chủ nghĩa xã hội "những sự thật quan trọng và rất hữu ích mà đáng tiếc là tới lúc đó vẫn chưa được chú ý tới," và họ đã "lật đổ nhiều giáo điều theo môn phái chính thống vẫn được ưa chuộng" về tài chánh . Kết quả là lúc bấy giờ có nhiều "nhà kinh tế chính trị giảng dạy những chủ thuyết khác với các lý thuyết mà trước đó đã được những thành phần có ảnh hưởng trong xã hội chấp nhận." Ely rõ ràng gắn bó trường phái mới ở Mỹ với những điều giảng dạy của các nhà lịch sử kinh tế Đức. Sự kiện nhiều nhà kinh tế trước năm 1930 đã đưa ra các lập luận chống lại tự do kinh doanh và ủng hộ những chủ trương của phe Tiến bộ có thể là điều ngạc nhiên đối với những người cho rằng các nhà kinh tế chuyên môn hầu như luôn luôn ủng hộ quan điểm thị trường tự do, hay ít ra là họ đã chủ trương như vậy cho đến khi có Keynes. Một điều may mắn -- hay không may mắn -- là sự chuyên tâm của các kinh tế gia vào chủ thuyết tự do kinh doanh đã bị nhấn mạnh quá mức, đối với các nhà kinh tế trước cuộc khủng hoảng kinh tế và đối với các nhà kinh tế ngày nay. Chính Keynes cũng nhấn mạnh quá mức quan điểm của các nhà kinh tế trước thời ông và ngay cả nhà báo kiêm nhà kinh tế được giải Nobel năm 2009 là Paul Krugman cũng nghĩ như vậy khi ông viết vào năm 2007 rằng: "Cho tới khi John Maynard Keynes xuất bản cuốn Lý thuyết Tổng quát về Nhân dụng, Tiền lời và Tiền năm 1936 thì khoa kinh tế -- ít ra là trong thế giới nói tiếng Anh -- hoàn toàn bị chi phối bởi phe chính thống chủ trương thị trường tự do. Đôi khi cũng có những tư tưởng bất đồng nhưng các tư tưởng đó đều bị dẹp đi.." Thực vậy, có một số lớn các nhà kinh tế nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Anh đã chủ trương những tư tưởng dị biệt với tư tưởng thị trường tự do trong năm sáu chục năm trước năm 1936. Nhưng họ cũng không bị gạt bỏ ra ngoài lề của ngành kinh tế, và tư tưởng của họ không phải lúc nào cũng bị bác bỏ. (Nói cho đúng thì ngành kinh tế luôn luôn gạt sang bên lề những người nghiệp dư bất đồng chính kiến, nhưng lý do là họ là vì [họ bị coi là] những người nghiệp dư chứ không phải là vì quan điểm về chính sách của họ). Ely và các người chủ trương chủ nghĩa định chế của Mỹ là những người nổi tiếng về kinh tế. Fred Taylor[10] trong buổi diễn văn với tư cách là Chủ tịch Hiệp Hội Kinh Tế Mỹ năm 1928 đã đưa ra một đề nghị với tựa đề là Hướng Dẫn Sản Xuất trong một Nhà nước theo Chủ nghĩa Xã hội. Và ngay cả các nhà lý thuyết gia cổ điển đứng hàng đầu như Henry Sidgwick[11], Alfred Marshall và Arthur Pigou[12] tại Đại Học Cambridge hay Irving Fisher[13] tại Đại Học Yale cũng không bị gạt ra ngoài lề hoặc bị bác bỏ khi họ chỉ trích chế độ tự do kinh doanh. Trong một diễn văn năm 1907 Marshall nói rằng: "Nói chung các nhà kinh tế mong có sự gia tăng trong các vai trò của nhà nước để cải thiện xã hội." Trong khi đó, cũng vào năm đó Fisher cũng cảm thấy hài lòng là "sự thay đổi từ môn phái hoàn toàn tự do của các nhà kinh tế cổ điển chuyển sang các lý thuyết hiện đại về sự điều hoà của chính phủ và sự kiểm soát về xã hội" đã diễn ra trong nhiều thập niên trước đó. Cuộc xung đột tiếp diễn giữa các tư tưởng kinh tế không những phản ảnh sự khác biệt sâu xa về triết lý đối với giá trị của tự do của cá nhân mà nó cũng phản ảnh những sự khác biệt lý thuyết về những giá trị tương đối giữa thị trường tự do và sự điều hướng của chính quyền đối với nền kinh tế. Một thị trường cạnh tranh hướng dẫn bởi những lực về lời lỗ hoàn toàn không thiên vị có hữu hiệu hơn là một sự điều khiển và kiểm soát của chính quyền trong việc điều hướng đầu tư để cho phát triển mạnh hơn không ? Nhận thức then chốt của khoa kinh tế học là sự đóng góp lớn nhất để tìm hiểu cái thế giới của xã hội để tránh những chính sách có hại. Nhận thức đó cho rằng, với những điều kiện thuận lợi như quyền tư hữu, cai trị bằng luật pháp và tự do gia nhập thị trường, thì một trật tự kinh tế sẽ xuất hiện mà không cần cơ quan trung ương đưa ra. Và cái trật tự kinh tế đó thật sự phục vụ cho mục đích tối hậu của các thành phần tham gia. Theo sự phân tích và câu nổi tiếng của Adam Smith thì các người đầu tư đều được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình để khiến cho sự theo đuổi lợi ích cá nhân của họ hợp với việc góp phần vào sự phồn vinh của kinh tế nói chung, mặc dầu họ không có ý định như vậy. Từ đó đến nay, ý tưởng này của Smith đã được xác nhận và được khai triển bởi rất nhiều các nhà kinh tế. Mặc dầu ý tưởng đó đã bị thách thức bởi những người khác nhưng nó vẫn luôn luôn được chứng minh bằng những kinh nghiệm có được trong một trăm năm vừa qua. Bài viết này được trích từ Lời nói đầu và Chương 1của tác phẩm Sự Xung đột của các Tư tưởng về Kinh tế: Các Tranh luận lớn về Chính sách và các Sự Thử nghiệm của một Trăm năm qua, của Lawrence H. White (The Clash of Economic Ideas: The Great Policy Debates and Experiments of the Last Hundred Years, by Lawrence H. White. Copyright © 2012 Lawrence White). Bản quyền năm 2012 của Lawrence White. Được The Freeman in lại với sự chấp thuận của Nhà Xuất bản Đại Học Cambridge. Song Ngọc © Học Viện Công Dân 2013 Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/features/the-clash-of-economic-ideas/ [1] Lawrence H. White là giáo sư kinh tế học tại đại học George Mason University và là chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm Mercatus Center. [2] John Maynard Keynes, (1883 - 1946): nhà kinh tế người Anh. Các tư tưởng kinh tế của ông đẵ ảnh hưởng sâu xa tới lý thuyết cũng như hoạt động và chính sách kinh tế của khoa kinh tế vĩ mô hiện đại. [3] Alfred Marshall (1842 - 1924): một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn trong khoa kinh tế học. Tác phẩm Principles of Economics (1890) [Nguyên tắc Kinh tế] là cuốn sách giáo khoa thông dụng nhất tại nước Anh trong nhiều năm. [4] Friedrich August Hayek (1899 - 1992), thường được biết là F. A. Hayek, kinh tế gia và triết gia nổi tiếng về tư tưởng bênh vực chủ nghĩa tự do cổ điển. [5] Carl Menger (1840 - 1921) sáng lập ra môn phái Kinh tế Áo (Austrian School of economics), nổi tiếng về việc đóng góp vào thuyế lợi ích biên tế (marginal utility) [6] Adam Smith (1723-1790) kinh tế gia, tác giả cuốn "Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân của tài sản các quốc gia" (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations '1776)., gọi tắt là The Wealth of Nations. Ông được coi là "cha đẻ của khoa kinh tế hiện đại". [7] The General Theory of Employment, Interest, and Money (1936) [8] The Road to Serfdom (1944) [9] Richard Theodore Ely (1854-1943), kinh tế gia Hoa kỳ, lãnh đạo Phong trào Tiến bộ đòi chính quyền phải can thiệp để xóa bỏ các bất công trong chế độ tư bản. [10] Fred Manville Taylor ( 1855- 1932), là kinh tế gia Mỹ, nổi tiếng về đóng góp vào chủ nghĩa xã hội thị trường. [11] Henry Sidgwick (1838 - 1900), triết gia và kinh tế gia , thuộc trường phái lợi ích có nhiều ảnh hưởng trong khoa kinh tế học. [12] Arthur Cecil Pigou (1877 - 1959), kinh tế gia người Anh, có những đóng góp quan trọng trong ngành kinh tế phúc lợi (welfare economics). [13] Irving Fisher (1867 - 1947), kinh tế gia người Mỹ, một trong số những nhà kinh tế tân cổ điển đầu tiên.

Chín Kỹ Năng Quan Trọng để Trở Thành Một Nhà Lãnh Đạo Hữu Hiệu Truyền Thông (Communications)

Đây là kỹ năng cơ bản để đạt đến thành công. Truyền Thông là phương tiện căn bản để chuyển đạt tin tức đến mọi người qua văn bản hoặc là qua các phương tiện thông tin khác như truyền miệng, truyền thanh, truyền hình vân vân. Những Nhà Quản Trị giỏi phải có khả năng truyền đạt tư tưởng để cung cấp đủ tin tức và dữ kiện cần thiết cho đội ngũ nhân viên làm việc cho họ ngõ hầu có thể quyết định công việc một cách hữu hiêu. Ngoài ra, Nhà Quản Trị còn là người đại diện công ty của mình để giao dịch với bên ngoài. Công việc này đòi hỏi kỹ năng về truyền thông cả về viết lẫn về nói chuyện. Kỹ năng này sẽ giúp Nhà Quản Trị khuyến khích và xây dựng lòng tin trong cộng sự viên và tạo được sự cộng tác của nhân viên. Một trong những lãnh vực thường bị quên lãng nhưng rất quan trọng trong kỹ năng về truyền thông là khả năng "Lắng Nghe" người khác. Nhà Quản Trị giỏi cần phải biết lắng nghe nhân viên của mình, quan tâm và để ý đến nhân viên cộng tác với mình để tạo sự thông cảm và tín nhiệm của nhân viên. Tư Duy Phê Phán (Critical Thinking) Kỹ năng này được định nghĩa là khả năng phân tích các vấn đề phức tạp và nhìn vấn đề này qua nhiều khía cạnh khác nhau và lý luận theo nhiều cái nhìn khác nhau. Khi nhìn một vấn đề, nếu chúng ta chỉ nhìn theo một chiều hướng, theo một lối suy nghĩ, thì có nguy cơ là chúng ta có thể tìm ra một lời giải đáp sai hoặc thiếu sót cho vấn đề đang giải quyết. Trong khi đó tư duy phê phán giúp chúng ta nhìn vấn đề theo nhiều lối suy nghĩ khác nhau và từ đó có thể tìm ra nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề và từ lối lý luận đó xác xuất để chúng ta có thể có một cách giải quyết chính xác hơn được tăng lên. Đấy là một trong những lý do chính tại sao trong các công sở ngày nay đang có phong trào hướng về các công việc mang tính chất dựa trên một nhóm thay vì một người và nhấn mạnh về sự quan trọng của tính đa dạng trong công sở, và khả năng dung nạp được nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề trong quá trình quyết định công việc. Thông Hiểu và Tư Duy Chiến Lược Để đối phó với tình trạng tăng cường cạnh tranh giữa các công ty, một trong những điều kiện cần thiết cho tất cả thành phần quản trị (management) và hầu như tất cả các nhân viên là kỹ năng Tư Duy Chiến Lược (khả năng biết nhìn xa). Đôi khi người ta gọi kỹ năng này là khả năng có được cái nhìn Toàn Bộ cho công ty (big picture) và thấy được vị trí của công ty của họ trong toàn bộ kỹ nghệ và tầm nhìn xa cho công ty trên đường dài. Không giống như trong thập niên 80 với phong trào tập trung vào các khả năng chuyên biệt, trong thế giới ngày nay, khuynh hướng chung là muốn thành công bạn cần phải có một số kỹ năng cần thiết trong nhiều lãnh vực khác nhau để có thể thông hiểu được rất nhiều khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp của bạn cũng như của môi trường xung quanh. Nói tóm lại, Nhà Quản Trị công nghệ cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc quản trị chiến lược và biết làm thế nào để soạn thảo và quản trị một cách có chiến lược, nhất là khi các công tác này sẽ được trao cho các nhân viên thuộc cấp thấp hơn trong công ty. Lãnh Đạo Nhóm Tuy có một vài sự nhầm lẫn trong các định nghĩa về Lãnh Đạo, có thể nói một cách tóm tắt rằng Lãnh Đạo là khả năng xác định ra đường hướng cho một tổ chức, hoặc nói một cách khác, là khả năng vạch ra con đường, chỉ rõ nó cho người cộng sự và xây dựng một sự đồng thuận trong nhóm để mọi người cùng hướng về mục đích chung và thực hiên nó. Khả năng lãnh đạo này bao gồm bốn thành phần chính như sau: Viễn Kiến (Vision): những người lãnh đạo hữu hiệu phải có khả năng truyền đạt một viễn kiến chung cho tổ chức của mình và khuyến khích được mọi người cùng dấn thân và cam kết thực hiện mục đích chung đó. Thụ Quyền (Empowerment): Người Quản Trị giỏi không những phải biết tạo cơ hội cho nhân viên có thẩm quyền quyết định trong công việc của họ, mà còn phải khuyến khích họ sử dụng thẩm quyền đó trong công việc hằng ngày. Khi mà họ cảm thấy họ có thể tự quyết định chính họ và đôi khi có thể chấp nhận rủi ro hoặc ngay cả thất bại, thì lòng tin của họ sẽ được nâng cao. Khả năng của nhân viên sẽ được phát triển khi người quản trị bỏ thì giờ để hướng dẫn, khải đạo, và huấn luyện cho nhân viên của mình. Liêm Khiết (Integrity): nói cho cùng, người lãnh đạo là tấm gương cho toàn Nhóm noi theo. Chỉ có lãnh đạo bằng chính cách hành xử của cá nhân mình, Nhà Quản Trị mới có thể xây dựng được niềm tin tưởng trong nhân viên đủ mạnh để tạo thành một "văn hóa hành xử" (culture) trong công ty ngõ hầu giúp công ty đạt thành quả cao. Kỹ Năng của Người Được Lãnh Đạo: Nhà Quản Trị giỏi không những phải có khả năng về lãnh đạo người khác, mà còn phải biết giúp người lãnh đạo của mình (xếp của mình) hoàn thành các mục tiêu chung của công ty với một tư duy độc lập hơn là chỉ dựa hoàn toàn vào sự chỉ huy của cấp trên. Giao Tế Người Quản Trị có khả năng Giao Tế giỏi là người có khả năng thuyết phục, thương thảo, và giao thiệp một cách hữu hiệu với những người xung quanh. Đối với những người làm việc trong Công nghệ (ngành kỹ sư) thì tuy đây không hẳn là những kỹ năng tối cần thiết, nhưng trong công ty ngày nay với môi trường làm việc theo nhóm (tập thể) thì những kỹ năng về Giao Tế này không thể thiểu được. Một số kỹ năng quan trọng trong vấn đề giao tế là sự tự tin, khả năng giao tế và tạo được những mối liên hệ tốt đẹp trong công việc khi làm việc với người khác, dù là người ở vị trí hay chức vụ nào đi nữa. Thiết lập Mạng Lưới Giao Dịch (Networking) Đây là một trong những kỹ năng mới được biết đến do sự hữu hiệu của nó. Kỹ năng thiết lập Mạng Lưới Giao Dịch là khả năng đi ra ngoài những hệ thống liên lạc trong công ty của mình và những chức vụ liên hệ trực tiếp trong công ty để có thể liên hệ với những nhân sự quan trọng khác bên ngoài có thể giúp chúng ta thực hiện tốt công tác được giao phó. Phát huy Sáng Kiến và Chủ động Người Quản Trị thật sự thành công là những người biết chủ động khởi xướng ra công việc bằng cách nhận lãnh những công tác đôi khi ngoài giới hạn trách nhiệm của mình. Họ là người xông xáo, biết nhận lãnh trách nhiệm đôi khi ở ngoài giới hạn công việc của mình khi họ cảm thấy cần thiết. Đây là một việc không dễ dàng bởi vì họ phải chấp nhận một số rủi ro có thể xảy ra. Tự Quản Trị Đây là kỹ năng rất cần thiết cho một người Quản Trị giỏi, là tinh thần học hỏi cầu tiến không ngừng để phát triển bản thân và để thích ứng với những thay đổi không ngừng của công ty, của môi trường thế giới bên ngoài. Người có kỹ năng này cũng có cá tính trầm tĩnh và khả năng tự thay đổi cho thích hợp với môi trường. Đặc biệt, người có kỹ năng tự quản trị biết sử dụng các phê bình xây dựng để tự thay đổi và có thể tự đánh giá bản thân một cách trung thực về điểm mạnh và điểm yếu của chính mình, từ đó có thể tự thay đổi để ngày một tốt đẹp hơn. Đạo Đức và Liêm Chính Càng ngày người ta càng nhận thức ra rằng Đạo Đức và Liêm Chính (Integrity) là những đức tính căn bản để có thể thành công trong môi trường công việc làm việc theo nhóm và thay đổi nhanh chóng này. Khả năng Biết Mình Biết Người cộng với một số quy luật hướng dẫn trong lúc làm việc sẽ tạo thành một nền móng căn bản tạo thành khả năng lãnh đạo hữu hiệu và thành công. Đây chính là nền móng để nhà Quản Trị có thể quyết định trước những vấn đề khó khăn và hành xử một cách can đảm khi phải đối diện với khó khăn và thử thách. (Nguồn: American Society for Engineering Management - "The Emerging Leader and Leading Change").

Lợn Không Biết Bay: Nghĩ về Chính Trị Qua Lăng Kính Kinh Tế Russell Roberts

Đôi khi, muốn làm cho đúng cũng khó. Cô Mimi và anh Richard Farina là một đôi vợ chồng ca sĩ hát nhạc dân ca trong thập niên 60. Richard qua đời trong một tai nạn xe gắn máy xảy ra ngay sau buổi tiệc ăn mừng sinh nhật 21 tuổi của Mimi. Thiệt là một bi kịch thảm khốc. Tại tang lễ của Richard, ca sĩ Judy Collins đã hát truy điệu với ca khúc thành danh của cô, nhạc phẩm Amazing Grace. Ta có thể tưởng tượng giây phút xúc động đó. Tiếc thay, chị của Mimi không hiện diện tại đám tang, nếu có mặt trong ngày buồn ấy thì cô cũng sẽ hát một bài. Cô tên là Joan Baez,[1] đang tham dự một chuyến trình diễn tại Âu Châu. Cô gửi điện tín cho Mimi biết là cô quyết định ở lại Âu Châu, thay vì bay về để an ủi em gái. Tại sao? Joan giải thích, vì chính Richard muốn cô làm như vậy, để qua những cuộc biểu diễn này, người ta có thể biết đến dòng nhạc của Richard nhiều hơn. Qua một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó, Mimi thố lộ rằng thật ra Richard có lẽ lại muốn Joan bỏ ngang cuộc trình diễn vì bị khủng hoảng tinh thần khi nghe tin về cái chết của anh. Thêm một thí dụ xảy ra hàng ngày, khi một người bạn điện thoại cho bạn để kể một chuyện quan trọng nhưng bạn đang rất bận. Sau một lúc, bạn kết thúc cuộc nói chuyện với lời chào, "Thôi, tao không làm phiền mày nữa." Thật ra, bạn muốn nói "Tao phải ngừng đây," nhưng chúng ta cố gắng nói sao cho nghe cho bớt vị kỷ hơn. Trong chúng ta có nhiều động lực. Ta luôn bị giằng co giữa cái tốt cho bản thân và sự ích lợi của người khác, giữa việc nên làm, việc dễ làm với việc nhanh tiện. Đôi khi ta chọn con đường hy sinh quên mình. Phí tổn và lợi ích có ảnh hưởng đến sự chọn lựa của chúng ta. Nếu Joan Baez đang biểu diễn tại California thay vì Âu Châu, phí tổn của chuyến về dự tang lễ sẽ thấp hơn. Có thể vì vậy cô sẽ quyết định có mặt tại buổi tang lễ ấy. Nếu người bạn khóc lóc trong điện thoại, có lẽ chúng ta sẽ nói chuyện lâu hơn cho dù ta đang có nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, khi ta chọn con đường vị kỷ, rất hiếm khi ta thú nhận cảm nghĩ thật của mình. Ta tìm một lý do tốt đẹp để che đậy hành động của mình. Khi huấn luyện viên của một đội bóng từ chức, hoặc vì ông ta dở không làm được việc, hoặc vì có việc khác lương khá hơn, ông ta sẽ tuyên bố rằng ông bỏ việc vì muốn dành thêm thì giờ cho gia đình. Lợn không biết bay Các chính trị gia cũng như chúng ta vậy. Họ cảm thấy khó xử sự sao cho đúng. Họ tuyên bố là họ sống theo những nguyên tắc đạo đức, nhưng khi nguyên tắc của họ đụng chạm với những điều lợi thực tế, họ thường tìm cách biện minh cho quyền lợi bản thân của họ. Nếu họ hy sinh đạo đức và lý tưởng để thăng tiến bản thân, chắc chắn họ sẽ giải thích rằng làm thế chỉ vì cho thế hệ mai sau, cho môi trường, hoặc ít ra là cho lợi ích xã hội. Lợn không biết bay. Chính trị gia, cũng chỉ là người phàm như chúng ta, họ phản ứng theo nhuận thưởng. Trong họ trộn lẫn lòng vị tha và sự ích kỷ, vậy tại sao ta lại ngạc nhiên khi những nhuận thưởng thúc đẩy họ làm điều sai, chỉ vì quyền lợi cho chính bản thân họ? Tại sao ta lại bị họ lừa gạt qua lời tuyên xưng nguyên tắc đạo đức, qua lời tuyên bố họ sẽ tận tâm vì lợi ích của dân?a (xem thêm "The Logic of Political Survival" trong Phụ Chú (a)). Chúng ta nhận các chính trị gia là đại biểu và họ thường tuyên bố rằng họ đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ hơn, chúng ta hiểu rằng những quyền lợi rất đa dạng và không chính trị gia nào thực sự có thể đấu tranh cho tất cả mọi người. Đương nhiên, sẽ đến lúc quyền lợi và ham muốn của hai phe va chạm, và chính trị gia buộc phải lựa chọn giữa quyền lợi của đa số và quyền lợi của một nhóm riêng. Bên nào sẽ thắng? Câu trả lời tùy theo những hạn chế mà các chính trị gia đang đối mặt. Và trong một hệ thống chính trị mà những cuộc bầu cử có ý nghĩa và có thi đua, các chính trị gia thường theo đuổi các chính sách nhằm làm hài lòng dân chúng. Còn các nhà độc tài thì có nhiều quyền lực để theo đuổi lợi ích bản thân, mặc cho sự mất mát của nhân dân.b Thế nào đi nữa, dẫu các chính trị gia có bị kiềm chế bởi sự cạnh tranh, trên thực tế, họ vẫn có thể xoay sở để theo đuổi quyền lợi bản thân, tại vì dân trí của cử tri vẫn chưa hoàn hảo. Dân chúng có thể hiểu biết sai lạc. Hoặc ngây thơ về luận lý. Đối với người dân, tìm hiểu rõ tình hình là một việc tốn kém. Ngay trong một nước dân chủ, đây là cơ hội để các chính trị gia đặt quyền lợi của các nhóm đặc biệt lên trên quyền lợi của toàn dân. Người bán rượu lậu và người theo đạo Baptist Kẽ hở trong một nền dân chủ dẫn đến vài kết quả bất thường. Chính trị gia có thể vừa làm đúng và vừa làm sai. Tại sao lại như thế được? Đọc câu chuyện dưới đây ta sẽ hiểu rõ hơn. Điều lạ lùng hơn là, nếu dân chúng không chú ý thật kỹ, những thông tin thiếu sót có thể làm chúng ta chấp nhận cho các chính trị gia làm sai nhưng lại nói ngược rằng họ làm đúng, Bruce Yandle mượn câu chuyện những người bán rượu lậu và những người theo đạo Baptist để giải thích một hiện tượng nghịch lý khi một mục tiêu tốt xung đột với mục tiêu của nhóm quyền lợi đặc biệt. Khi hội đồng thành phố cấm bán rượu vào ngày Chủ nhật, người theo đạo Baptist mừng rỡ, vì uống rượu trong ngày của Chúa là sai. Nhóm bán rượu lậu cũng ăn mừng vì nhu cầu của món hàng của họ sẽ gia tăng. Nhóm theo đạo Baptist đã cho các chính trị gia cái bình phong để họ làm điều mà nhóm bán rượu lậu mong muốn. Không một chính trị gia nào nói rằng chúng ta nên cấm bán rượu vào ngày chủ nhật để làm giàu thêm cho nhóm bán rượu lậu--nhóm này cũng là nhóm người đang ủng hộ cuộc tranh cử của ông ta. Chính trị gia này giơ một tay cao lên trời thề thốt và nói đến lòng thành của ông đối với đạo đức. Với bàn tay kia ông chìa ra thu nhận tiền ủng hộ (hoặc hối lộ) của nhóm bán rượu lậu. Yandle nêu lên rằng hầu như tất cả mọi luật lệ với ý đồ tốt đều bị lợi dụng bởi những người buôn lậu - đó là các nhóm người trục lợi trên lý tưởng của những người đấu tranh và người làm từ thiện. Nếu lý thuyết của Yandle chỉ có thế thôi, có lẽ bạn sẽ nói rằng chính trị đã tạo nên những đôi "bạn đời" kỳ cục. Nhưng tình hình thực còn nản hơn thế. Thường thường người dân đòi có luật lệ nhưng cuối cùng họ chẳng để ý là luật lệ ấy được tạo ra như thế nào (chữ in nghiêng của người dịch). Tại sao chúng ta cần để ý? Chúng ta rất bận rộn vì phải lo cho đời sống riêng cơ mà. Nhưng bọn trục lợi thì khác. Họ có phần hùn rất lớn trong cách thức kiến tạo luật lệ. Khi đi vào chi tiết của luật lệ mới là lúc họ trổ tài xếp đặt. Cho nên nhiều khi, chính trị gia đặt ra nhiều chi tiết có ích cho bọn trục lợi thay vì có lợi cho dân chúng. Robert Byrd, người bạn của nhóm trục lợi Trong thập niên 1970, khí thải sulphur dioxide từ những ống khói của các nhà máy điện phía Tây nước Mỹ đã gây ra nạn mưa acid ở vùng Đông Bắc. Lời kêu gọi thanh lọc không khí vang dội - những nhà quan tâm bảo vệ cho môi trường và dân chúng đòi hỏi lập ra đạo luật. Chuyện này không khó. Chúng ta biết rằng cách giảm bớt sự tiêu xài một vật gì đó - là làm cho nó đắt hơn lên. Do đó, biện pháp ít tốn kém nhất để giải quyết nạn mưa acid là đánh thuế lượng khí thải từ ống khói nhà máy. Đây là động lực khiến các nhà máy điện phải tìm phương pháp giảm bớt lượng khí thải. Dần dần, kỹ thuật tốt hơn sẽ được phát triển và bằng cách đó gánh nặng trả thuế sẽ giảm đi. Tuy nhiên Quốc Hội Mỹ đã không dùng biện pháp đánh thuế. Họ áp đặt một kỹ thuật. Năm 1977, Đạo Luật Không Khí Sạch (Clean Air Act) được sửa đổi, bắt buộc mọi nhà máy điện phải gắn máy lọc hơi đốt trong ống khói. Ống khói với máy lọc đắt không ngờ -- khoảng $100 triệu đô-la một cái. Ống khói mới làm sạch khí thải, nhưng cũng làm giàu cho các xưởng sản xuất ra nó. Những hãng sản xuất máy lọc nằm trong tay những người trục lợi. Họ bắt tay với những nhà quan tâm bảo vệ môi trường kêu gọi chính phủ đặt ra đạo luật này. Cũng không tệ lắm. Có lẽ máy lọc hơi đốt là kỹ thuật tốt nhất và cho dù có bị đánh thuế thì các hãng sản xuất máy lọc cũng vẫn có lời.c Nhưng thật ra nhóm trục lợi chính lại là các công ty khai thác than đá tại tiểu bang West Virginia. Nếu chính phủ áp dụng quy chế đánh thuế nhằm giảm bớt khí thải sulfur dioxide, điều đó có lẽ mới là động lực chính đẩy mạnh việc làm sạch không khí. [Nhưng chính phủ lại không làm như vậy]. Có hai cách làm sạch không khí. Một cách là sử dụng kỹ thuật lọc khí đốt. Cách thứ nhì là dùng loại than đá sạch hơn. Than đá sạch (chứa ít lưu huỳnh) đến từ các tiểu bang miền Tây. Than đá bẩn (chứa nhiều lưu huỳnh hơn) đến từ tiểu bang West Virginia. Nghị sĩ Byrd xuất thân từ West Virginia. Ông ta làm mọi cách để đưa ra đạo luật dùng máy lọc khí đốt. Đương nhiên là vì bảo vệ môi trường, vì bảo tồn không khí trong sạch, vì tương lai con em, và chỉ thế thôi. Nhưng cũng là vì nhóm bạn của ông ta trong nghề buôn than đá. Chúng ta có được không khí sạch hơn, nhưng phải đạt được điều đó với cái giá quá cao không đích đáng.[2] Vì tương lai của thế hệ mai sau Trong những trường hợp tệ nhất, khi cả hai phe trục lợi và phe đạo đức trở thành liên minh với nhau, thì nhiều dự tính tốt không những bị quên lãng hoặc bị hao tổn hơn, mà còn bị phá hỏng. Bộ trưởng Tư pháp tại vài tiểu bang đã đe dọa khởi kiện các hãng sản xuất thuốc lá với lý do họ gây tổn thất cho công quỹ khi thuốc lá làm cho dân bị đau ốm. Cuối cùng, các hãng thuốc lá chịu đền bù qua một giao kèo phức tạp được ký kết. Giao kèo này buộc các hãng thuốc lá đóng thuế cao hơn và tiền thuế dùng để tài trợ cho các chương trình sinh hoạt cho trẻ em; giao kèo nhận được sự hoan nghênh từ các nhà đấu tranh chống thuốc lá và những công dân quan tâm đến thuế và sức khỏe của người dân thường. Đó là một ngày tự hào cho mọi người. Ai có thể chống lại kết quả ấy? À, có thiểu số phàn nàn rằng toàn thể quá trình đã vi phạm hiến pháp và giảm bớt tự do. Người ta giải thích rằng, hãy nhìn lại các lợi ích: Tập đoàn buôn thuốc lá bị trừng phạt, việc hút thuốc lá bị bài trừ, và trẻ em được khỏe mạnh hơn.d Thế nhưng sự việc không xảy ra như ta nghĩ. Câu chuyện còn có tình tiết khác. Nhưng có ai để ý? Có bao nhiêu người quan tâm đến việc hút thuốc lá thật sự theo dõi xem giao kèo được thực hành ra sao? Chỉ cần biết đại khái là đủ: các hãng thuốc lá bị phạt, trẻ em được bảo vệ. Tuy nhiên nhóm trục lợi không chỉ quan tâm đến điểm chung chung, mà còn chú ý sâu vào chi tiết. Đúng, hãng thuốc lá bị "đánh" thuế cao. Nhưng họ lại chuyển tiền thuế này xuống đầu người mua thuốc lá bằng cách tăng giá. Phải, giá tăng có nghĩa là bán được ít hơn, tuy nhiên mức lời của hãng thuốc lá vẫn gia tăng vì cấu trúc của giao kèo. Giao kèo gây khó khăn và đòi hỏi tốn kém rất cao nếu các hãng sản xuất thuốc lá mới (chưa có thương hiệu) muốn tham gia cạnh tranh trong thị trường thuốc lá. Do đó, các hãng thuốc lá hàng hiệu cứ việc tăng giá vì những hãng mới muốn trở thành đối thủ đã bị ở thế thiệt thòi. Vậy ra các hãng thuốc lá là bọn trục lợi. Họ ăn lời nhờ vào cái giao kèo này. Nhưng lần này bọn trục lợi thực sự chính là nhóm luật sư giúp cho những ông bộ trưởng tư pháp trong vụ kiện. Mỗi năm họ lãnh $500 triệu đô-la tiền công. Đúng, họ làm việc rất mệt nhọc. Có một luật sư kiếm được $92,000 đô-la một giờ. Một giờ, đúng vậy! Thật là một công việc rất nhọc nhằn. Tôi tin rằng họ kiếm tiền xứng đáng. Tất cả là vì thế hệ con em mà. Bạn nhớ không? Không Bỏ Sót Trẻ Em Nào Khi nghe cái tên "Không Bỏ Sót Trẻ Em Nào" của một đạo luật, bạn biết ngay là cả đống người trục lợi sẽ ra mặt. Cứu vớt trẻ em là đề tài rất được nhiều người ưa chuộng và do đó sẽ mang lại biết bao cơ hội sáng lạn. Chương trình "Biết Đọc Trước Đã (Reading First)" là một phần trong đạo luật này với $1 tỷ đô-la nhằm giúp đỡ các trường trong những khu nhà nghèo phát triển chương trình đọc sách. Ai ủng hộ chương trình này? Tất cả mọi người! Nhưng làm thế nào để thực hiện chương trình? Theo lời Bộ Giáo Dục: "Rất đơn giản, Đọc Trước Đã chú trọng vào kết quả, và sẽ trợ giúp mọi phương pháp dạy đọc đã được thử nghiệm." Nghe tuyệt vời quá, phải không bạn? Một chương trình dạy đọc cho học sinh nghèo dựa theo các phương pháp thực thụ. Quả là một trái phá chính trị. Tuy nhiên tôi tự hỏi không biết các người ủng hộ nồng nhiệt có tí khái niệm gì về cái phương pháp nhằm đạt mục tiêu cao cả này không. Tờ Washington Post đăng tin như sau: Nhân viên bộ giáo dục và một số công ty đã gây áp lực đối với trường học trong nhiều quận, khiến các trường chọn mua mớ sách vở chưa được thử nghiệm và mua các tài liệu dạy đọc gần như chưa từng qua quy trình thẩm định chuyên môn. Các hãng sản xuất ra các bộ sách và tài liệu đó đã trả huê hồng và lương cho các hãng thầu cho chương trình "Đọc Trước Đã," và họ cũng là người góp ý cho các tiểu bang xin trợ cấp, và làm chủ tọa các buổi họp xét đơn xin trợ cấp. Chính ông Roderick N Paige, là cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, cùng với người dàn dựng nên chương trình này cũng làm việc cho một ông chủ trong nhóm hãng trên. Ông chủ nọ là người quyên tiền hạng gộc cho tổng thống Bush. Nhưng rõ ràng chương trình "Đọc Trước Đã " này đã mang lại sự phát triển thương mại cho ngành xuất bản sách giáo khoa và cho những sản phẩm tài liệu được Bộ Giáo Dục ưa chuộng. Tỉ dụ, Công Ty sản xuất Voyager Passport có trị giá khoảng $5 triệu đô-la trước khi khởi xướng chương trình, mà về sau, ông Randy Best, người sáng lập công ty và cũng là người ủng hộ tài chính cho tổng thống Bush và đảng Cộng Hòa, đã bán công ty với giá $380 triệu đô-la. Ông ta mướn ông Lyon và ông Paige làm nhân viên. Nghe mà nản phải không? Nhưng hãy lạc quan lên nào - ly nước thật ra đã đầy được một nửa, chứ không phải đang bị vơi một nửa. Cho dù chi tiết trong đạo luật của một nền dân chủ bị nhóm trục lợi thao túng, ít ra nhìn chung chiều hướng của đạo luật thường đi theo nguyện vọng của nhân dân. Số lợi tức bị phân tán đến một nhóm đặc biệt nào đó thật nhỏ nhoi so với số tiền các nhà độc tài có thể chuyển vận đến bạn bè họ trong một thể chế thiếu vắng sự đại diện cho dân và sự kiềm chế của bầu cử tự do. George Stigler và Ralph Nader Chúng ta hãy tỏ ra thực tế khi nói tới các chính trị gia. George Stigler[3] từng đối chiếu lý thuyết chính trị của mình với lý thuyết của Ralph Nader.[4] Theo Nader, tất cả mọi khía cạnh xấu xa của chính phủ xuất phát từ việc bầu cử lầm người. Nếu chúng ta bỏ phiếu bầu đúng người, ta đã có được luật lệ tốt hơn. Stigler phản biện rằng bầu ai lên cũng chẳng khác gì nhau - sau khi nhậm chức, ai cũng đáp ứng theo nhuận thưởng. Họ tự thuyết phục bản thân rằng họ đang làm điều đúng, có thể vì họ thực sự tin tưởng như thế, hoặc là để có thể làm đúng cũng cần phải phạm sai lầm vài lần. Là một người theo thuyết của Stigler, tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà chính trị nên ít khi tôi bị thất vọng. Ngay cả những chính trị gia được coi là có đạo đức, họ cũng tính toán theo luật lệ hai mặt đồng hành (buôn rượu lậu và Baptists). Ronald Reagan[5], tổng thống và là nhà hùng biện bảo vệ cho chính sách thương mại tự do, lại là người đã áp đặt nhiều chỉ tiêu trên món hàng xe nhập từ Nhật Bản. Đây là đường lối làm việc khắp nơi trên thế giới. Theo cái nhìn về chính trị của một kinh tế gia, lý tưởng và đảng phái không quan trọng với các chính trị gia bằng những nhuận thưởng. Sự khác nhau giữa những đảng phái trong một nền dân chủ được thể hiện ở từ ngữ họ dùng để phân bua cho việc làm của họ, thay vì chính những việc làm đó. Đảng Cộng Hòa nói về tự do kinh tế và nguy cơ đại chính phủ nhưng họ lại tăng thêm tầng lớp trong chính phủ. Đảng Dân Chủ nói về lòng nhiệt thành của họ đối với các công đoàn và nguy cơ thương mại tự do nhưng họ lại hiếm khi áp đặt giá thuế và chỉ tiêu. Bài học sau cùng cho các vị bảo vệ luật lệ và các công dân quan tâm là hãy cẩn thận khi ao ước một điều gì đó. Điều mang lại ích lợi tốt nhất cho dân chúng thật khó sống sót trong quá trình lập pháp vốn nhiêu khê như một nhà máy làm xúc-xích. Kết quả không khi nào hoàn hảo. Do đó, khi bạn nghe các chính trị gia tuyên bố rằng họ quan tâm đến dân chúng hoặc con em hoặc môi trường hoặc sức khỏe, thì hãy giữ chặt ví tiền của bạn và canh chừng xem có người trục lợi nào lẩn quẩn gần đó hay không. Bọn họ lúc nào cũng chờ sẵn. Phụ Chú (a) Quyển sách The Logic of Political Survival, của các tác giả Bruce Bueno de Mesquita, Alastair Smith, Randolph Siverson và Jane Morrow, đã xem xét tầm ảnh hưởng của trách nhiệm cử tri đối với kết quả chính trị. (b) Blogger Bryan Caplan khai triển về những vấn đề này trong cuốn sách: The Myth of the Rational Voter: Why Democracies Choose Bad Policies (c) Vai trò của than đá bẩn trong nghị trình soạn thảo đạo luật được ghi lại trong quyển sách của tác giả Bruce Ackerman và Willaim Hassler, với tựa đề Clean Coal, Dirty Air or How the Clean Air Act Became a Multibillion-Dollar Bail-out for High-Sulfur Coal Producers. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) thường áp dụng chính sách chỉ huy-và- kiểm soát, thay vì chính sách phân quyền để giải đáp các vấn đề môi trường; trong khi chính những chính sách phân quyền mới tạo điều kiện cho sự nảy mầm của sáng kiến. Xin tham khảo thêm qua bài viết của Robert Crandall "Pollution Controls" trong sách Concise Encyclopedia of Economics. (d) Jeremy Bulow viết bài phân tích giao kèo thuốc lá này trong báo Milken Institute Review. Ông nói giao kèo trên là sự "bí hiểm." Tôi nghĩ ông đã nhẹ lời. Một bản giao kèo phức tạp thường để che dấu sự phân phối lợi tức và những phí phạm đáng xấu hổ nếu bị phanh phui trên chính trường. Tôi chưa hề gặp một kinh tế gia nào (chứ đừng nói tới người trí thức) hiểu được và có thể giải thích về cách người ta định giá sữa tươi tại Hoa Kỳ. Nếu ta gọi các luật lệ trong ngành thực phẩm sữa là "byzantine" (Byzantine là nền xã hội thời đế quốc Byzantine, nghĩa bóng là bí hiểm), tức là ta đã nhục mạ người sống trong thời kỳ ấy. © Học Viện Công Dân 2011 Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2007/Robertspolitics.html [1] Joan Baez là một ca sĩ dân ca nổi tiếng của Hoa Kỳ, cùng thời với Bob Dylan. Joan còn được giới yêu âm nhạc biết đến qua những hoạt động phản chiến, ồn ào chống chiến tranh tại Việt Nam trong thập niên 1960. Khi làn sóng thuyền nhân (boat people) Việt Nam xảy ra trong thập niên 70-80, cô đã phản tỉnh và phản đối những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền CSVN. Cô cũng là đồng sáng lập viên của Tổ chức Ân Xá Quốc tế (phân hội Hoa Kỳ) trong thập niên 1970. [2] Khi bị bắt buộc dùng máy lọc khí đốt, thì các nhà máy không cần phải dùng than sạch, mà vẫn tiếp tục dùng than bẩn của West Virginia, giúp cho kỹ nghệ than của West Virginia tiếp tục đứng vững. [3] George Stigler là kinh tế gia người Mỹ đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1982. [4] Ralph Nader là một luật sư người Mỹ gốc Lebanon, và đã từng bốn lần ra tranh cử tổng thống Mỹ. [5] Tổng thống đời thứ 40 của Mỹ nhiệt thành ủng hộ chính sách mậu dịch tự do.

Mười Đức Tính Thiết Yếu Trong Văn Hóa Tây Phương

Đức tính nào được coi là quan trọng nhất để tạo nên nhân cách vững mạnh? Người Hy lạp cổ đại cho là có bốn đức tính quan trọng. Họ xem trí là đức tính chủ đạo, đức tính hướng dẫn mọi đức tính khác. Trí là có óc phán đoán đúng đắn, giúp cho ta có thể đưa ra những quyết định mang lại lợi ích cho ta và người khác. Trí cũng giúp ta áp dụng các đức tính khác trong hành động-khi nào thì hành động, hành động ra sao, và làm thế nào để điều hòa giữa các đức tính khác nhau khi gặp xung đột; thí dụ đơn giản như khi phải thật thà nói lên sự thật làm mất lòng kẻ khác. Trí giúp cho chúng ta phân biệt sự kiện được đúng đắn, để thấy đâu là điều thật quan trọng trong đời để còn ấn định những ưu tiên cho phù hợp. Nhà đạo đức học Richard Gula đã nói: "Ta không thể làm đúng nếu trước hết ta không nhìn thấy đúng." Đức tính thứ hai người Hy lạp đề cao là công bình. Công bình nghĩa là tôn trọng quyền của tất cả mọi người. Quy luật Vàng bảo ta rằng hãy làm cho người khác những gì ta muốn họ làm cho ta, là một nguyên tắc của công bình được phổ cập trong mọi văn hóa và tín ngưỡng trên thế giới. Vì chính bản thân chúng ta cũng là con người, công bình cũng bao gồm lòng tự trọng, một nhận thức đúng đắn về nhân cách và quyền của chính mình. Trong các trường học, chương trình đức dục chú trọng vào tính công bình vì đức tính này bao gồm các đức tính khác trong quan hệ giữa con người với nhau như đối đãi với nhau có văn minh, thật thà, có trách nhiệm, và bao dung (bao dung không có nghĩa là chấp nhận niền tin của kẻ khác hay chấp nhận hành vi của họ, nhưng có nghĩa là tôn trọng quyền tự do suy nghĩ và hành xử sao cho không vi phạm đến quyền của kẻ khác). Mối quan tâm về sự công bình cộng với khả năng biết phẫn nộ trước những điều bất công thúc đẩy chúng ta hành xử như một công dân trong việc xây dựng một xã hội và thế giới công bình hơn. Đức tính thứ ba, một đức tính rất thường bị bỏ quên là dũng cảm. Dũng cảm giúp cho chúng ta làm đúng khi đối diện với khó khăn. Quyết định đúng trong đời, thường là quyết định khó. Khẩu hiệu của một trường trung học đã nắm được tinh túy này như sau: "Làm điều phải dù khó thay vì làm điều dễ mà sai." Dũng cảm, theo nhà giáo dục James Stenson, là sức mạnh nội tâm giúp ta vượt qua hoặc chịu đựng nổi những khó khăn, thất bại, bất lợi và đau đớn. Can đảm, kiên trì, nhẫn nhục, chịu đựng và một niềm tự tin vững mạnh là các diện của dũng cảm. Hiện tượng trẻ vị thành niên tự tử đang tăng vọt trong 3 thập niên qua đáng cho ta quan tâm; một trong những nguyên nhân có lẽ là các em đã không được chuẩn bị để đương đầu với những thất vọng không thể tránh khỏi trong đời. Chúng ta cần dạy cho các em biết rằng các đức tính được phát triển qua đau khổ nhiều hơn là qua thành công, và những trở lực sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn nếu chúng ta đừng dùng nó làm lý do để ngồi than thở. Đức tính thứ tư là tự chủ. Tự chủ là khả năng kiểm soát lấy chính mình, giúp ta kiểm soát được sự nóng giận, điều hòa những nhu cầu tâm-sinh lý, và theo đuổi những ham thích chính đáng một cách chừng mực. Tự chủ là sức mạnh chống lại các cám dỗ và giúp cho ta khả năng chờ đợi--đình hoãn những khoái lạc hiện tại để tiếp tục tiến tới mục tiêu cao xa hơn. Cách ngôn có câu: "Nếu ta không cai quản được tham vọng, thì tham vọng sẽ cai quản ta." Các hành vi thiếu thận trọng hoặc tội phạm đều nảy sinh từ sự thiếu tự chủ mà ra. Qua các đức tính trên, người Hy lạp quả đã nói khá đầy đủ về phạm trù đạo đức, nhưng còn thiếu đức tính quan trọng thứ năm. Đó là tình yêu. Tình yêu còn hơn cả công bằng, vì tình yêu khiến cho ta cho đi nhiều hơn cái mà công bằng đòi hỏi. Tình yêu là sự sẵn lòng hy sinh cho kẻ khác. Tất cả các đức tính quan trọng của con người, như thông cảm, trắc ẩn, tử tế, bao dung, phục vụ, trung thành, ái quốc, và tha thứ, tạo nên đức hạnh của tình yêu. F. Washington Jarvis viết trong cuốn sách "Với Yêu thương và Khấn nguyện" rằng: "Tình yêu--một tình yêu vị tha không đòi hỏi đáp đền là nguồn lực mạnh nhất trong vũ trụ. Ảnh hưởng của tình yêu đến kẻ nhận cũng như người cho là điều không thể đo đếm được." Tình yêu là một đức hạnh mang tính cách đòi hỏi và khắt khe. [Bởi vì] Nếu ta thật sự tuân theo lời răn quen thuộc "Hãy yêu láng giềng của ta như thể yêu ta," chắc chắn ta sẽ cố gắng không truyền đi nhừng tin đồn nhảm hay chỉ trích họ, vì biết rằng chính ta cũng cảm thấy khó chịu khi kẻ khác nói về ta như vậy. Thái độ tích cực là đức tính quan trọng thứ sáu. Nếu ta có thái độ tiêu cực trong đời, thì ta là gánh nặng cho chính ta và người khác. Nếu ta có thái độ tích cực, thì ta là một tài sản của chính ta và cho người khác. Hy vọng, phấn khởi, linh động, và óc hài hước là những thuộc tính của một thái độ tích cực. Tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, cần nhớ rằng thái độ của chúng ta là do chính ta lựa chọn. Abraham Lincoln nói: "Hạnh phúc của hầu hết chúng ta là do ý tưởng của ta quyết định." Martha Washington cũng nói: "Tôi học được từ kinh nghiệm bản thân rằng hầu hết những hạnh phúc hay đau khổ tùy vào thái độ của ta chứ không vào hoàn cảnh. Ta mang theo mầm hạnh phúc hay khổ đau với ta trên mọi bước đường." Chuyên Cần (hard working) là đức tính thứ bảy, một đức tính không thể thiếu được. Không thể sống trong đời mà không làm việc, và không thể nào đạt được thành quả nếu thiếu chuyên cần. Vị huấn luyện viên bóng rổ lừng danh John Wooden từng nói: " Tôi thách các bạn có thể chỉ cho tôi một người đạt được thành quả xuất sắc trong đời họ mà không phải làm việc cật lực." Chuyên cần gồm có sáng tạo, siêng năng, biết đặt mục tiêu và tháo vát. Đức tính quan trọng thứ tám là liêm chính (integrity). Liêm chính là luôn tuân theo các nguyên tắc đạo đức, lương tâm, giữ lời nói, và dám bảo vệ những gì ta tin tưởng. Có đức tính liêm chính tức là "toàn vẹn," do đó những việc ta làm luôn nhất quán trong những trường hợp khác nhau. Liêm chính khác với thành thực ở chỗ thành thực là nói thật với người khác, còn liêm chính là thành thật với chính mình. Josh Billings, một nhà văn nói: "Hình thức lừa dối nguy hiểm nhất là lừa dối chính mình." Tự lừa dối nguy hiểm ở chỗ nó cho phép ta làm theo ý thích của mình rồi tìm các lý lẽ để biện minh cho các hành động ấy. Lòng biết ơn là đức tính thứ chín. Văn sĩ Anne Husted Burleigh nhận xét: "Lòng biết ơn cũng giống như lòng yêu thương không phải là một cảm xúc mà là một hành động của ý chí. Chúng ta chọn xem có biết ơn không, cũng như chọn xem có nên yêu hay không." Lòng biết ơn thường được xem như bí mật của một đời sống hạnh phúc; nó nhắc cho ta nhớ rằng ta đang cùng uống nước từ một cái giếng mà ta chưa bao giờ đào; nó nhắc ta nhớ để đếm những phước hạnh ta nhận được mỗi ngày. Anh hùng quân đội Eddie Rickenbacker khi được hỏi anh học được bài học nào lớn nhất khi trôi giạt 21 ngày trên một chiếc bè giữa Thái Bình Dương, đã trả lời: "Nếu bạn có nước uống tha hồ, thức ăn thừa mứa, thì bạn đừng nên than phiền về bất cứ điều gì nữa." Khiêm nhượng là đức tính cuối cùng và cũng có thể được xem là nền tảng của đời sống đạo đức. Khiêm nhượng là điều cần thiết giúp ta sở đắc những đức tính khác vì nó cho ta biết được sự bất toàn của mình mà cố gắng để trở nên người tốt hơn. Nhà giáo David Isaacs viết: "Khiêm nhượng là nhận thức được những khiếm khuyết của mình và cố gắng hết khả năng để phục vụ mà không cần đến được vinh danh hay tán thưởng." Đại thi sĩ T. S. Eliot cũng nói: "Một nửa những điều tệ hại xảy ra cho thế giới này là do những người muốn được cảm thấy ta đây là quan trọng gây ra." Triết gia Dietrich von Hildebrand cũng viết: "Mọi đức hạnh đều chẳng có giá trị gì hết nếu ta để lòng kiêu len lỏi đi vào-điều này xảy ra mỗi khi ta cảm thấy hãnh diện về lòng tốt của mình." Một tác giả khác nhận xét rằng không có lòng khiêm nhượng, ta sẽ giữ những khuyết điểm của mình vì sự kiêu hãnh khiến cho ta không nhận ra chúng nữa. Lòng khiêm nhượng giúp ta nhận lấy trách nhiệm về những lỗi lầm do ta gây ra, và sửa đổi chúng. Louis Tartaglia, một bác sĩ về tâm thần, viết trong cuốn sách mang tựa đề "Không lầm lỗi! Mười khuyết điểm thường gặp trong cá tính và Ta có thể làm gì?" rằng, trong suốt 20 năm hành nghề, ông nhận ra khuyết điểm thường gặp nhất là bệnh "ghiền phải là người đúng." Ông hỏi: "Có khi nào bạn nhận ra là lại đang thảo luận về sự bất đồng ý ngay cả khi chuyện đó xong lâu rồi, chỉ để chứng minh là mình đúng?" Chìa khóa để xây dựng đức tính trong trị liệu cũng như trong đời sống là lòng khiêm nhượng để thay đổi. © Học Viện Công Dân 2006 Chuyển dịch từ tài liệu The Ten Essential Virtues đăng tải trên website của Civic Education Network. -Tom Lickona, CHARACTER MATTERS: How to Help Our Children Develop Good Judgment, Integrity, and Other Essential Virtues (Simon & Schuster, 2004)


Set pelajaran terkait

TO - Rectilinear Propagation of Light

View Set